16/04/2022 08:02 View: 12472

Tục ban khen khi hầu đồng, lên đồng

Khi Hầu Thánh, không phải ai cũng có thể hiểu hết được về sự kỳ bí của Lên Đồng. Vì mỗi người lúc ảnh đồng lại một khác nhau, có người khoan thai nhẹ nhàng đẹp đẽ, nhưng cũng có người thì nặng bóng hầu bốc đồng, ốp bóng, mỗi người mỗi kiểu mỗi khác nhau.

Hầu đồng là gì? 

Hầu đồng vốn là 1 tín ngưỡng phụng thờ nhiều vị anh hùng có công với nước. Khi thác được hoá thần hiển thánh, mà nhân dân ta xây lập đền thờ ghi tạc công đức. Trải qua nhiều năm từ sinh - diệt phá - phục hưng và đến ngày nay đã được công nhận là Di Sản Văn Hoá - Một tín ngưỡng linh thiêng và đặc sắc của người Việt Nam ta.

Chi phí hầu đồng xưa và nay

Theo đồng cựu xưa kể lại thì: "Xưa kia không có nhiều người hầu đồng như ngày nay. Làm gì có được công khai rầm rộ như ngày nay đâu. Mà nó cực lắm, khổ lắm mới thấm nổi cái cảnh cơ đầy bắt sát là như sao? Một người đang đi làm ăn bán hoa quả trên chợ Long Biên HN. Bỗng 1 ngày dở điên bay nhẩy, vừa đi vừa chân sáo bước đều nhún nhảy. Miệng lẩm nhẩm nói ra tiếng mán tiếng mường. Lúc khóc, lúc cười, lúc tỉnh nhưng nhiều lúc lại mê. Tiếng Việt đang viết bập bẹ tính tiền còn phải bấm đốt ngón tay. Ấy mà lại chuyển sang tính được bằng nhất, nhị, thập, bát, bách, vạn... Tiếng Việt buông bỏ đi viết toàn chữ Nôm chữ Hán. Ngày thì ly bì ngủ ngáp, đêm lại vanh vách đọc thơ. Gia đình đôn đáo ngược xuôi ai mách thầy nào cũng khám, viện nào cũng đi. Bệnh ngày một nặng ra, lảm nhảm cười đùa gọi tên cả các chân linh mấy đời. Bỗng một ngày nghe người xúi đưa tới điện ông B làng bên xem sao. Vừa tới ứng khẩu thông truyền, sang tai luôn cho tất cả đều nghe và biết. Ngày 15 tháng ấy bắc ghế vua cha ngồi, bắc ngôi mẫu mẹ ngự. Thì khoẻ khoắn hẳn ra, minh mẫn vô cùng. Lộc ăn lộc nói, lộc soi lộc bói cứ tự nhiên mà phán ra thôi. Xa gần lũ lượt về coi ai cũng tấm tắc khen sao mà đúng vậy. Làm việc 3 năm, 10 năm ấy vậy gần 25 năm rồi mà vẫn đông khách vào ra. Ai cũng 1 lòng dạ vâng tín nghĩa. Bởi trân quý cái đức độ cao vời của bà đồng này ạ. 

Rồi thì ông đồng kế bên lại cười khành khạch kể về cái thời đạp xe từ Tiền Hải ngược sang đất Quỳnh Phụ TB. Vào bái yết đức Vua Cha Bát Hải. Làm gì có xôi có thịt gì đâu. Cứ mua vội được ba cái kẹo dồi kẹo lạc, mấy quả thị thơm. Dâng cửa vua mẫu mà lòng cứ hoan hỉ vui mừng xiết bao.

Ngắt quãng, uống hớp nước chè rồi ông lại chậm rãi nói. Chao ôi cái thời đó chúng tôi làm gì có khăn áo là lượt như bây giờ mốt nọ mốt kia. Làm lụng vất vả mãi mới mua lại được cái vali khăn áo cũ của cụ đồng cố. Nó nhăn nheo sờn đáy, vá vạt lắm rồi. Một cái áo tà vải xanh thì hầu cả đức Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh, hầu đức Hoàng Bảy Bảo Hà, một áo xanh nữa thì hầu cả Chúa Nguyệt Hồ cùng Chầu Đệ Nhị,... đi hầu thì làm gì có điện quạt mát như này. Chỉ có 2 ngọn đèn dầu thắp lên với mấy cái quạt nan thôi. Giờ thì quạt lông công lông phượng. Chứ trước cứ độc có 4 cái quạt giấy thay cho các giá là oai lắm rồi. 

Ấy vậy mà giờ các ông các bà thấy đấy. Nhiều người sợ không dám đi hầu đồng. Lo 1 vấn hầu giờ bằng như tổ chức cả 1 tiệc cưới lớn vậy. Cứ bốc vội dăm ba bát họ ngoài chợ, là lên sập công đồng vỗ gối dậm chân thôi. Lắm ông đồng oai oách thế nào mà khi hầu trong cung, ngoài cổng đã có 3-4 đứa thanh niên ngồi chờ bắt nợ. Rõ khổ cho cái tiếng ông đồng bà cốt ! 

Hầu xưa thiếu thốn là vậy nhưng chúng tôi giữ lề giữ lối rõ ràng lắm cậu ạ. Làm gì cũng thưa trình cửa Mẫu. Sáng chiêu chiều mộ thay hoa lọc nước chẳng dám đơn sai. Người nhất tâm mộ đạo nhưng nghèo túng chưa tỏ đường ngân xuyến thì chúng tôi cho dùng chung vali áo lễ với thầy. Chỉ có cái khăn phủ diện để trình thì phải tự cắt thêu mà thôi. Đối với những người hoạn nạn gia chung lục đục thì tôi lại khuyên cơi trầu dâng mẫu. Người kê cho khớp cho vừa lại với nhau. Hay cùng lắm là tôn cái lô nhang mà phụng thờ vị cai đầu đồng cho yên căn bản mệnh. Chứ nào có như bây giờ, nhìn ai cũng phán có căn, nhìn ai cũng bắt lễ bắt hầu. Khổ một đời thân họ ra. 

Lắm cô lắm cậu còn trẻ măng văn dâng cửa thánh còn chưa tỏ tường. Nhưng cũng hầu lên đai thượng sát bóng Trần Triều. Xiên lình phủ bóng cắt lưỡi làm dấu,... chỉ cần mở phủ lấy mác thanh đồng là về dựng điện bói toán soi cho đủ đường. Thầy chưa tạ tam niên nhưng cứ gặp khách là phủ khăn lễ cúng. Năm đầu oai oách, năm hai thưa dần. Tới năm thứ 3 thì khất chui khất lủi chẳng có tiệc tùng gì cả. Có thầy thì vay lãi dựng điện kêu gọi công đức. Được dăm năm của thiên lại trả địa, một đồng công thánh bằng cả gánh tiền trần. Cũng bỏ mặc điện thờ, ôm áo ôm quần trốn tận miền trong, không dám về nhà vì nợ nần chồng chất.

Ban khen khi hầu đồng là gì?

Chính vì điều kiện kinh tế nên ban khen khi hầu đồng cũng là vấn đề tế nhị và khó nói bởi không phải ai cũng có điều kiện hầu như ai. Ban khen ít hay nhiều khi lên sập cũng khó kiểm soát.

Mỗi nơi một phong tục khác nhau. Mỗi người hầu thánh ảnh bóng khác nhau. Mỗi thầy một phép, chẳng ai giống ai. Nhưng có vài lưu ý đơn giản mà các đồng nên nhớ để không bị cho là sót lỗi và không nề nếp. Bởi khi đã khoác áo công đồng vào hầu thánh, việc tôn trọng và tuân theo những nguyên tắc, phép nghi, đúng với lề lối nhà đồng là rất quan trọng. 

Việc ban khen theo nên theo thứ tự 

– Dâng tiền lễ lên Công Đồng: Điều này thể hiện sự tôn kính với hội đồng tiên thánh khi có bóng thánh ngự ảnh, vừa là dâng lên hội đồng chư thánh, hành sai bản đền bản điện nơi mình hầu; 

– Ban khen đồng thầy: người trình tấu khai hồ mở đạo cho con đồng. Thường giá nào cũng nên ban khen, ít nhiều tuỳ vào điều kiện con đồng; 

– Ban khen thủ nhang đồng đền: người có công coi sóc nơi ta mượn cảnh thực hiện nghi lễ với nhà thánh. Tuỳ vào các giá mà ban khen không cần thiết giá nào cũng ban; 

– Ban khen pháp sư: người vừa giúp ta cúng và tấu thánh. Chuẩn bị, chạy đàn, chạy mã trong đàn lễ;

 – Ban khen cung văn: giá nào cũng cần có. Trừ khi hầu nhà Trần các giá đức ông không ban khen. Hầu tứ phủ giá quan lớn đệ nhất, đệ Tứ không ban khen( các giá hàng thiên phủ, khâm sai thường ít ngự đồng ban khen); 

– Ban khen tay quỳnh, quế: giá nào cũng ban khen; 

– Ban khen cho người giúp thỉnh chuông các giá và người giúp gấp khăn áo trong lúc hầu: cách vài giá ban khen 1 lần. Số tiền không cần như nhau, tuỳ tâm;

 – Ban khen cho bách gia: người dự hầu, khách mời, ace cùng bản hội,….. 

Một vài lưu ý khác khi ban khen

– Nếu có đồng thầy ngồi dự hầu nên ban khen trước sau rồi mới ban khen ra bên ngoài cho các vị trí khác, thể hiện việc “ kính thánh trọng thầy” ngay khi trên sập hầu; 

– Ban khen cho đồng thầy thường nhiều hơn, sau đó đến cung văn, pháp sư, quỳnh quế. Trường hợp không có điều kiện nhiều thì có thể làm phong bì lì xì để kín đáo tế nhị;

 – Tuỳ từng điều kiện hầu của mỗi người có thể ban khen mệnh giá khác nhau, không bắt buộc nhiều ít khác nhau; 

– Không nhất thiết phải là tiền mà cũng có thể là mồi lửa, hoa, quả,… đều có thể ban khen khi thực hành tín ngường hầu đồng; 

– Khi mới lên hầu, nếu chưa biết thường nhờ tay quỳnh – quế giúp phần này để cân đối số tiền trong cả đàn hầu, tránh việc đầu đàn tung nhiều đến cuối đàn không còn tiền dễ ảnh hưởng đến tâm người đồng khi hầu thánh.

Bài viết xin tri ân tấm lòng cao quý của nhiều bậc trưởng bối, thanh đồng đạo quan chân chính. Đang ngày đêm tu bồi cho đạo pháp được trường tồn, đạo Mẫu được văn minh cao quý.
 
Cạnh đó trang cũng xin trước là nhắc nhở, sau là phê bình nhiều cô đồng cậu đồng ngày nay. Hãy tu tâm thật tốt rồi hãy nghĩ tới cứu người trầm luân. Bởi nếu không có 1 căn gốc cơ bản, thì sự giúp của ta vô tình lại thành nguy hại cho người. Và xin đừng biến tướng đạo thờ Mẫu trở thành nỗi sợ hãi - kỳ thị trong mắt nhiều người nhiều thế hệ trẻ sau này.