Ông Hoàng Tám hay Ông Tám Bát Nùng là ai? Thần tích Ông Tám Bát Nùng như thế nào? Đền thờ Ông Tám Bát Nùng ở đâu? Đi lễ Ông Tám Bát Nùng ra sao? Văn khấn Ông Tám Bát Nùng? Quyền phép Ông Tám Bát Nùng?
Ông Tám Bát Nùng là ai?
Ông Hoàng Bát thuộc hàng vị thứ tám trong hàng Thập Vị Ông Hoàng Tứ Phủ Linh Thiêng. Tại Cao Bằng, người ta đang thờ tụng Ông Hoàng Bát Nùng được cho là hiện thân của Ông Hoàng Bát. Ông là vị anh hùng người dân tộc Tày Nùng đã có công đuổi đánh quân Tống bảo vệ nhân dân ta.
Ông Hoàng Bát Nùng là tướng của Việt nam, tên húy là Nùng Chí Cao. Sắc phong tước hiệu Thượng Đẳng Đại Vương. Sinh thời thế kỷ 11 giúp vua Lý Thái Tông đánh giặc Tống. Người anh hùng dân tộc này đã từng đánh bật quân Tống ra khỏi bờ cõi, và còn truy kích trên đất Tống và chiếm được 1 số châu trên đất Tống. Thái Bảo Nùng Chí Cao là 1 biểu tượng dũng tướng của Việt Nam và là niềm tự hào của người dân Cao Bằng.
Đền thờ chính là Đền Kỳ Sầm gần thị xã Cao Bằng. Ngài hầu Mẫu thượng đồng đẳng, làm việc lục bộ nội chính.
Gương anh dũng ngàn xưa lưu để
Đất Cao Bằng tú khí chung linh
Trời Nam có Đức Thánh linh
Họ Nùng – Đệ Bát hùng anh tuyệt vời
Sự tích Ông Tám Bát Nùng?
Tướng quân Nùng Trí Cao là người dân tộc Nùng tại Cao Bằng, một thủ lĩnh có khí phách phi thường, đã nhiều lần đánh chiếm đất của nhà Tống ( Trung Quốc), chiếm đất của triều đình nhà Lý khiến vua Lý phải khốn đốn song rất nể phục. Triều đình nhà Lý cũng có lần bắt được ông, nhưng sau đó lại thả ra và phong thêm chức sắc.
Vùng đất này được xem là mấu chốt quan trọng giữa nước Đại Việt và nhà Tống nên nhiều lần quân Tống muốn dụ dỗ Kỳ Sầm về phe mình chống lại nhà Lý của nước Đại Việt. Thế nhưng được vua Lý Thái Tông khuyên nhủ, Kỳ Sầm trở thành vị lãnh tụ của dân tộc Tày Nùng chiến đấu vì nước Đại Việt trước những lần xâm lược của quân thù.
- Theo " Đại Việt sử kí toàn thư", Nùng Trí Cao là con của ông Nùng Tôn Phúc- Thủ lĩnh châu Thảng Do.
- Năm 1038, Nùng Tôn Phúc chiếm châu Vũ Lặc và Quảng Xương, xưng " Chiêu Thánh hoàng đế", lập nước Trường Sinh, phong vợ làm Minh Đức hoàng hậu, phong con cả Trí Thông làm Điền Nha Vương, đồng thời sắm sửa vũ khí, xây dựng thành trì.
- Năm 1039, vua Lý Thái Tông thân chinh đem quân đánh Nùng Tôn Phúc, bắt ông và con trai cả về kinh xử tử.
- Nùng Chí Cao cùng mẹ chạy đến động Lôi Hỏa, phía Tây Bắc Cao Bằng thuộc địa phận tỉnh Quảng Tây Trung Quốc.
- Năm 1041, hai mẹ con ông từ động Lôi Hỏa về chiếm Thảng Do, chiêu tập lực lượng, lập nước ĐẠI LỊCH
- Triều đình nhà Lý mang quân lên đánh, bắt Nùng Trí Cao về kinh đô nhưng không trị tội mà còn cho ông coi giữ châu Thảng Do, đồng thời cai quản thêm các động Lôi Hỏa, Bình An, châu Tư Lang và được phong làm châu mục Quảng Nguyên.
- Năm 1043, vua Lý Thái Tông sai Ngụy Trưng đến châu Quảng Nguyên, phong cho ông tước Thái Bảo, một chức quan cao cấp thời Lý.
- Năm 1048, Nùng Trí Cao nổi dậy ở đông Vật Ác ( thuộc đất Tống)
- Năm 1050, Ông chiếm được động Vật Dương ( thuộc đất Tống), lập nước NAM THIÊN, đặt hiệu Cảnh Thụy
- Năm 1052, sau khi dâng biểu xin cống vua Tống không được, ông đã dẫn 5000 quân tiến đánh Ung Châu, sau đó xưng NHÂN HẬU HOÀNG ĐẾ, đổi niên hiệu là KHẢI LỊCH, đặt quốc hiệu ĐẠI NAM
- Vào năm 1055, trong một lần chống trả lại đội quân hùng hậu của nhà Tống sang xâm lược, binh lực của Kỳ Sầm bị thất thế, phải cầu viện quân Lý đến giải cứu. Song quân cứu viện chưa đến nơi thì vị anh hùng người Tày Nùng đã hy sinh trước mũi giáo quân thù.
Như vậy, Nùng Trí Cao một nhân vật lịch sử ở Cao Bằng đã có một thời oanh liệt, đánh tan giặc Tống xâm lược nước ta, được lưu danh trong nhân dân, trong sử sách. Sau khi ông mất, vua lại sắc phong Khâu Sầm Đại Vương và cho lập đền thờ, nhân dân tôn sùng lập đền thờ ở nhiều nơi trong tỉnh.
Ông Tám Bát Nùng ngự đồng và quyền phép?
Ông ít khi ngự đồng, khi ngự đồng thường vận áo vàng; chít khăn mỏ rìu; mặc áo trấn thủ, đi ghệt chân ghệt tay, mạng chéo, làm lễ tấu hương khai quang rồi múa đôi chùy đồng (hoặc cờ kiếm), múa võ.
Khi ngự đồng ông cũng hút tẩu và thuốc cuốn. Chỉ những người mang căn lục bộ mới có thể hầu Ngài.
Chính tiệc là ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm.
Vẻ đẹp thơ mộng của đường lên đền Kỳ Sầm - Ảnh: Hanotour
Đền thờ Ông Tám Bát Nùng ở đâu?
Mặc dù sự quật khởi của Nùng Trí Cao – dựng một vương quốc độc lập cho dân tộc Tày, Nùng, Tráng – đã không thành công, nhưng người Tày, Nùng, Tráng đã tôn ông như một nhân vật cực kỳ anh hùng, gọi ông là “Vua Nùng" (Vua Nông) và dựng miếu thờ. Ngày 3 tháng 3 hàng năm – kỷ niệm về Nùng Trí Cao – là ngày hội chính của dân tộc Tày, Nùng, Tráng. Hiện nay còn di tích thành Nà Lữ, nơi ông đóng quân, ở gần thị xã Cao Bằng.
Sau khi ông mất, vua Lý đã sắc phong cho ông là Khâu Sầm Đại Vương. Những gì mà Kỳ Sầm để lại trong cuộc đời đã trở thành huyền thoại sống của người dân Tày Nùng xứ Cao Bằng. Vì vậy, để tưởng nhớ đến vị anh hùng lịch sử, nhân dân đã xây nên đền Kỳ Sầm để thờ ông, như một di tích tưởng nhớ đến muôn đời sau.
Đền Khâu Sầm (Kỳ Sầm) Đại vương thờ Nùng Trí Cao vẫn còn ở Bản Ngần, xã Vinh Quang huyện Hòa An, Cao Bằng. Lễ hội đền Khâu Sầm vẫn được tổ chức hằng năm vào ngày 10 tháng giêng. Đền Phja Đeng thuộc xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn là di tích thờ hai Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Nùng Trí Cao, thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa cộng đồng người dân tộc Tày, Nùng với người Kinh.
Ảnh: Ban văn hoá tỉnh Cao Bằng
Đền chính của ông là Đền Kỳ Sầm ngay gần thị xã Cao Bằng. Khu đền khá rộng, khuôn viên đẹp, nhưng chỉ có 2 cung nhỏ nên rất tĩnh mịch, linh thiêng, huyền bí.
- Cung phía trước là cung công đồng thờ quan, quân của ngài.
- Cung phía sau thờ ngài và thân mẫu cùng 3 bà vợ: Là người Hoa, Kinh, Nùng.
Đền Kỳ Sầm được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1993. Trải qua nhiều thế hệ, truyền thuyết về Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao đã đi sâu vào tâm linh và để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Trên Cao Bằng, ngoài di tích đền Kì Sầm, nhiều địa phương khác cũng có đền thờ ông như huyện Quảng Uyên, huyện Hà Quảng, huyện Thông Nông, huyện Bảo Lạc.
Câu đối ở đền:
帝業未成人已老
王封甲錫國同休
Đế nghiệp vị thành nhân dĩ lão
Vương phong giáp tích quốc đồng hưu.
Dịch:
Nghiệp đế chưa thành người đã lão
Vua phong áo giáp nước cùng thờ.
Đi lễ ông Tám Bát Nùng / Đền Kỳ Sầm cầu gì?
Lễ hội Đền Kỳ Sầm là một trong các lễ hội lớn của tỉnh, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến trẩy hội, vui xuân. Lễ hội được tổ chức với phần lễ và phần hội. Phần lễ được thực hiện từ tối mùng 9 âm lịch với các nghi lễ truyền thống được khôi phục lại gần giống thời xa xưa.
Phần hội sáng mùng 10 tháng Giêng ở đền Kỳ Sầm diễn ra mang nhiều nét đặc trưng của người dân tộc Tày Nùng như tung còn, đấu vật, đấu võ đến những trò chơi khác như đá bóng, múa lân, múa sư tử, múa rồng,... Tất cả mọi người không kể dân địa phương hay du khách phương xa đều bỏ qua sự rụt rè bỡ ngỡ để nhiệt tình hòa vào không khí vui tươi đầu xuân ở đền Kỳ Sầm, tiếng cười rộn ràng vang lên khắp một vùng núi bình yên của đất nước.
Ngày hội mùng 10 âm lịch hằng năm là dịp để du khách đến dự hội, cầu lộc, cầu tài. Các bản hội lên đất này rất hay hầu giá ông để cầu công danh, ban tài tiếp lộc. Đến lễ hội, du khách được tham gia nhiều trò chơi dân gian: cờ tướng, tung còn, đu tre, đi cà kheo, bịt mắt đập bóng...
Sắm lễ Ông Tám Bát Nùng như thế nào?
Một mâm lễ sắm dâng Ông Hoàng Bát Nùng bạn cần chú ý sắm đủ một đĩa hoa, một đĩa quả nhiều loại quả, một đĩa trầu cau, cút rượu, xôi thịt, thẻ hương, giấy tiền và một cánh sớ.
Trong những ngày lễ lớn của đền, nhiều con hương thường muốn dâng tiến những lễ vật đẹp, sang mang ý nghĩa tốt đẹp để có thể bày trên ban thờ thánh trong thời gian dài, bày tỏ lòng tôn kính.
Văn khấn Ông Tám Bát Nùng?
Đối với mọi người đi lễ đền ông Tám Bát Nùng nên khấn ngắn gọn như sau:
Nam mô a di đà phật ( 3 lần )
Con lạy chín phương trời, con lạy mười phương đất, con lạy chư phật mười phương, mười phương chư phật.
Con lạy toàn thể chư phật, chư tiên, chư thánh.
Con lạy: ...........( tên thánh chủ bản đền. Ví dụ, đến đền ông Tám ta khấn: Con lạy ông Tám Bát Nùng tối linh)
Đệ tử con tên là:............. tuổi:..........
Ngụ tại:.................................
Hôm nay là ngày...., Chúng con đến đây có chút hương hoa, phẩm quả, lễ mặn (chú ý dâng gì thì kêu đó nghe - không có lễ mặn mà kêu lễ mặn là phải tội đó) xin dâng lên các chư tiên, chư thánh để cảm tạ ơn đức của các ngài đã phù hộ độ trì cho chúng con suốt thời gian qua. Vừa qua, được sự lưu tâm độ trì của các ngài mà công việc (Nếu đã xin việc gì cụ thể mà thành công thì xin trình bày ) của con đã hanh thông vẹn tròn. Chúng con xin được cảm tạ và lễ tạ tất cả các Ngài.
Hôm nay, chúng con tới đây với tất cả lòng thành kính xin các ngài phù hộ độ trì cho con các việc sau: ( Nêu cụ thể các việc cần xin, các khó khăn có thể gặp phải và có thể cả hướng định giải quyết ra sao).
Một lần nữa, thay mặt gia chung chúng con, con xin các ngài giang tay cứu giúp cho chúng con. Chúng con xin đa tạ ...( tên vị thánh bản đền) và toàn thể các chư tiên, chư thánh.
Nam mô a di đà phật (3 lần).
Hát văn thỉnh Ông Tám Bát Nùng?
Gương anh dũng ngàn xưa lưu để
Đất Cao Bằng tú khí chung linh
Trời nam có đức thánh linh
Họ Nùng đệ bát hùng anh tuyệt vời ./
Giận bạo chúa bao đời áp bức
Thù ngoại xâm Tống giặc cường hung
Thề rằng không độ trời chung,
Tuốt gươm quét sạch thù trong giặc ngoài./
Dư trăm trận mưa rơi sấm giật
Đôi trượng đồng dạy đất trời long
Bát Nùng nối nghiệp gia phong
Noi gương tiên tổ - họ Nùng - Trí Cao./
Ông Bát Nùng ra vào sinh tử
Trượng tung bay tuyết phủ hoa khai
Xá gì đạn lạc tên rơi
Trên đời hồ dễ mấy ai anh hào./
Thân bách chiến ra vào sinh tử
Đôi thần trùy nhẹ tựa hồng mao
Trần hoàn nhẹ gánh gian lao
Cõi trời giở sổ Nam Tào có tên./
Rước ông Bát về miền tiên giới
Đất Cao Bằng nhớ lại công ơn
Nhân dân thờ phụng khói hương
Nhớ người tráng sĩ hiên ngang anh hùng./
Thưở niên thiếu kiếm cung yên ngựa
Sinh vì đời, thác trợ muôn dân
Oai linh lẫm liệt thánh thần
Một lòng vì nước vì dân vì đời./
Gương anh khí sáng ngời muôn thuở
Chí hào hùng rạng rỡ non sông
Vinh quang thay giòng giống Lạc Hồng
Ngàn thu còn nhớ ông Bát Nùng Trí Cao ./