Mỗi đồng nhân trước khi nhập đạo (mở phủ xuất thủ trình đồng) đều làm lễ tôn nhang bản mệnh (có thể gộp chung 1 đàn lễ hoặc tách riêng hai đàn: Mở phủ và tôn nhang). Thực tế có những bách gia cũng làm lễ tôn nhang và mong cầu sự an yên.
Vậy thực chất và ý nghĩa của việc “tôn nhang bản mệnh" là thế nào ? Tôn nhang bản mệnh có tốt không? Làm lễ tôn nhang bản mệnh ở đâu?
Tôn nhang bản mệnh là gì?
Bản mệnh theo Hán Việt là bản mệnh gốc của một con người.
Khi bạn tôn nhang bản mệnh tức là bạn thành tâm gửi thân mệnh của mình nơi đấng linh thiêng. Nhờ sự gia ân, che chở độ trì cho cuộc sống được bình yên và may mắn.
Thường thì ta hay tôn phụng bản mệnh nguyên Thần chân Quân hoặc (theo lục thập hoa giáp) còn những người có căn quả tứ phủ thì lại là những vị Thánh cai đồng phủ mệnh hoàng quận hoàng triều bát bộ tiên nương Thánh chúng ... tùy từng người.
Những ai cần làm lễ tôn nhang bản mệnh?
Những người tôn nhang là những người có căn quả hoặc những người có bản mệnh không an mong muốn tôn hương thờ những vị Thánh cầm giữ căn mệnh gốc của mình cho an bản mệnh (bản mệnh không an về kinh tế, sức khỏe và gia đình đều không thuận).
Đây cũng là nghi lễ bắt buộc trước khi ra nhập đạo Mẫu tứ phủ đình thần, khi đã tôn nhang là đã bước chân vào đạo là con nhang đệ tử của một cơ cánh dòng đồng cũng là tôn phụng lô nhang vị Thánh cai đồng thủ mệnh bảo trợ cho mình.
Biểu hiện của người cần làm lễ tôn nhang bản mệnh
Đa số những người cần tôn nhang khi thấy có các biểu hiện như sau:
- - Hay ngủ mơ thấy chư thánh, đền phủ, thấy đi lễ, đôi khi trong giấc mơ có hiện tượng gặp rắn như cuốn vào người hay bị đuổi, giấc mơ chạy... Nhiều khi giấc mơ có tính lặp đi lặp lại dù không cố ý nghĩ hay để ý đến.
- - Một số người có biểu hiện sức khoẻ kém, bệnh tật nhưng đi khám bệnh viện lại không ra.
- - Một số người có biểu hiện sự lo âu, căng thẳng thái quá, nhưng lại thấy khá thoải mái khi được đi lễ đền điện
- - Một số người tự cảm thấy bản thân công việc làm ăn không thuận lợi, hay gặp các mất mát rủi ro ngoài ý muốn, hoặc cuộc sống hôn nhân gia đạo trắc trở, đường nhân duyên lận đận...
- - Một số người tự cảm thấy đặc biệt kính ngưỡng Thánh Mẫu, muốn lân mẫn tìm về cửa thánh.
Phải nhấn mạnh những trường hợp chỉ tôn nhang bản mệnh là những người có căn quả nhưng ở dạng nhẹ, chưa đến mức phải ra trình đồng mở phủ làm đồng, hoặc những người chưa thể ra trình đồng mở phủ vì điều kiện nào đó, tạm thời tiến lễ tôn nhang cầu đảo chư thánh đại xá.
Lễ tôn nhang bản mệnh trong đạo Mẫu
Chắc chắn người cần làm lễ ít nhiều phải có duyên nợ với nhà thánh, với đức Thánh Mẫu, công đồng tam tứ phủ. Với Đạo Mẫu, tôn nhang vừa là tôn phụng các Thánh Cai Đồng phủ mệnh vừa Ngũ mệnh tôn nhang.
- 1. Thủ Mệnh (Thủ mệnh cách đã nhập một chân vào tủ đạo )
- 2. Soát Mệnh (Giám sát bản mệnh)
- 3. Quản Mệnh (cai quản và ngăn chặn những cái xấu xa dị đoan )
- 4. Căn Mệnh (Ông cai Đầu Đồng bà cai bản mệnh)
- 5. Mệnh Hồn (khơi thông kết lối linh hồn)
Có vị Thánh nào hợp con nhang có thể thông qua Mệnh hồn khai tâm khai minh truyền đạo.
Người có căn đồng trước sau gì cũng phải ra trình diện, làm ghế ngồi cho Thánh, tức là phải hành lễ trình đồng, mở phủ. Tuy vậy, nếu không có căn đồng mà nghe lời phán bảo linh tinh rồi ra lễ trình đồng, mở phủ thì chỉ tốn tiền và thời gian, tự mua dây trói mình vì buộc phải theo đền, phủ suốt đời. Nếu bỏ cuộc sẽ bị Thánh trách quở; mọi khó khăn bất trắc trong cuộc sống sẽ được qui cho là tại vì Thánh phạt.
Nếu người có căn đồng không nặng lắm có thể làm lễ tôn lô nhang bản mệnh; nếu chưa đạt yêu cầu thì phải làm lễ trình đồng, mở phủ chính thức thành con dân hầu Thánh, bắc ghế cha ngồi,bắc ngôi mẹ ngự, thành ghế đệm cho Thánh ngự.
Muốn làm lễ bốc bát nhang bản mệnh,trước hết người có căn đồng nên chọn một Đồng thầy thật sự, thông thạo việc Thánh. Lễ phải được tiến hành theo đúng trình tự, đúng phép của Thánh, có dâng sớ, điệp văn, phẩm vật và đồ mã tiến
Về nguyên tắc khi bạn bốc bát nhang ở đền – phủ – điện nào là mình đã trở thành con nhang đệ tử ở đó. Sau khi đội bát nhang xong thì mình sẽ phải trình trầu (trước là trình trầu – sau là trình lính để cho cửa cha biết mặt, cửa mẹ biết tên). Các ngày lễ tiệc, đầu năm, cuối năm phải đi lễ đầy đủ ở đó thì mới tốt.
Tôn nhang bản mệnh là nghi lễ mở luân xa?
Có một số ý kiến cho rằng: Về bản chất là như thế nhưng xét về đạo thuật thì đây là lễ mở luân xa. Không phải là mật tông mới mở luân xa mà các phái hiển tông cũng có pháp mở luân xa để trồng hạt giống bồ đề, thậm chí ông bà đồng cũng được mở luân xa để khai mở hạt giống đạo và sợi dây kết nối thế giới vô hình trong đạo.
Ví như một cách đơn giản trên danh nghĩa một khóa lễ tôn nhang bản mệnh ở trong một ngôi đền ông bà đồng làm cho con nhang đệ tử của mình.
Như đã nói, hình thức là tôn nhang mong thờ phụng các vị Thánh cầm bản mệnh nhưng về phần tác hành trong đạo đó là lễ mở luân xa.
- Tại chùa luân xa mở ra vị thầy chùa hay vị thầy cúng cho biết là đang tôn nhang nhưng theo đó họ đã trồng ít nhiều hạt giống giới hương định hương tuệ hương và họ đóng lại cho hạt giống đó sinh sôi trong tâm thức người đệ tử được tôn nhang.
- Còn ở ngôi Đền thì vị Thày đồng cũng mở ra và truyền vào trong đó hạt giống tín hương và tâm hương và đóng lại.
Hình thức có khác nhau và cũng không phải ai cũng làm lễ tôn nhang tốt cho đệ tử. Tuy nhiên, đây chỉ là quan điểm cá nhân không đại diện cho môn phái nào nên thông tin này Tamlinh.org đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo.
Lễ tôn nhang bản mệnh của các cụ xưa
Trước đây khi muốn làm lễ này mọi người sẽ chọn ông Thầy gửi gắm làm đệ tử kỹ lắm chứ không như bây giờ.
- Người thầy là cầu nối tâm linh cho người tôn nhang, đưa họ vào con đường chính đạo, hướng dẫn con nhang các nghi thức của việc lễ lạt cửa thánh, bản thân cần làm gương sáng cho con nhang noi theo, gây dựng mối đoàn kết giữa thầy trò và bản hội.
- Con nhang cần kính thánh trọng thầy, đã theo lễ ở đền điện nào thì nơi đó coi như chốn tổ, nên thường xuyên đến lễ thánh, hỏi thăm thầy như thế là tròn đạo với thánh với thầy, nhất là phải thành tâm, tôn kính.
Thực tế hiện nay, rất nhiều ông đồng ông sư cũng tôn nhang bừa cho người ta để gia tăng số con nhang đệ tử nên nghi lễ này lại mất đi sự tôn nghiêm và ý nghĩa vốn có, dựa vào cái nguyên gốc, người được tôn nhang cũng làm phần nhiều để cầu mong cái gì đó cho bản mệnh và cuộc sống.
Ngày xưa theo phép sau khi tôn nhang, người được tôn nhang phải qua lại nơi tôn nhang để tạ thường xuyên. Việc làm đó có ý nghĩa luôn luôn tín tâm với những vị mà mình tôn phụng lô nhang bản mệnh nhưng cũng có ý khác đó là cho hạt giống đạo trong tâm thức sinh sôi nẩy nở. (ai mà quá xa quá bận hoặc có lý do bất khả kháng không có điều kiện lên lễ thường xuyên ít nhất 1 tháng 2 lần thì thầy cho mang về để thờ trong 100 ngày rồi lại mang nên chùa hoặc đền).
Lễ tôn nhang bản mệnh cần làm mấy lần?
Lễ tôn nhang bản mệnh rất quan trọng, một đời chỉ lên làm một lần, " trừ khi thầy vô đạo hoặc mất lô nhang thì xin bái đảo sang cửa khác hay bốc lại ".
Một số trường hợp do công tác sinh hoạt chuyển chỗ ở hay do những mâu thuẫn với đồng thầy đến mức không giải quyết được mà con nhang cần phải thay đổi nơi tôn nhang thì có thể xin phép thầy, xin phép thánh cho chuyển đổi bát nhang sang đền phủ mới tức là làm lễ tôn nhang lại ở nơi khác, việc này không phải quan ngại và cũng không trái phép tắc nhà thánh, đồng thầy không thể ngăn cản hay cấm đoán được.
Lễ tôn nhang không tốn kém, có thể làm chung một khoá lễ nhiều người cùng lúc càng tiết kiệm chi phí.
Làm lễ tôn nhang bản mệnh ở đâu?
Thông thường lễ này được làm vào hai mùa xuân và thu tức tháng 2-3 và 8-9 âm lịch. Một số trường hợp đặc biệt có thể không cần chọn thời điểm miễn là kén ngày lành giờ tốt.
Bạn có thể chọn làm lễ tôn nhang bản mệnh ở điện hay đền đều được, cái cốt là ông thầy và ngôi đền đó, ông thầy mà tốt tâm tốt tính, làm đúng pháp được việc rồi ngôi điện sạch sẽ anh linh là ổn cả.
Cũng không nên ra đền to phủ lớn để tôn nhang vì hiện nay các ngôi đền đã và không giữ bát hương tôn nhang của chúng con nhang cái bán (thậm chí hôm trước hôm sau thủ nhang đã vất lăn lóc lô nhang đâu đó). Vì vậy các bạn nên tìm ngôi điện nhỏ tư là được, phần nữa các đền to phủ lớn tôn nhang cũng khó trụ tâm hương khi con nhang cái bán đệ tử phước tâm kém.
Lưu ý trước và sau khi làm lễ tôn nhang bản mệnh
- Trước khi làm lễ, người tôn nhang cần giữ mình sạch sẽ, không ăn uống nằm ngủ nghỉ ở những nơi hay làm các việc uế tạp, giữ thân tâm thanh tịnh, tránh ăn đồ có gia vị kích thích.
- Sau khi làm lễ tôn nhang bản mệnh đội lệnh làm tôi, người tôn nhang mặc nhiên đã trở thành con nhang của nhà Thánh, làm lính của nhà Thánh, làm con hương đệ tử của bản đền điện. Nên thường xuyên đến đền điện làm lễ vào các dịp rằm mùng một hoặc một năm bốn tiết lễ lớn là thượng nguyên, vào hè, ra hè, tạ tất niên hay tối thiểu nhất cũng đầu năm cuối năm như thế là trọn đạo đầu trình cuối tạ.
Có điều kiện, người mới tôn nhang nên theo đồng thầy dẫn đi trình lễ các đền các phủ gọi là trình danh trình diện để xin lộc thánh
Lưu ý:
Còn một dạng tôn nhang nữa là tôn cho những người: Ông từ, đồng đền, đồng trưởng, khâm trực tĩnh Thánh Trần, Đền Công Tứ phủ nối gót công khanh, tôn nhang nhập tự, tôn nhang cắp táp ... có những yêu cầu và đàn lễ riêng.
Với những người căn sâu quả nặng thì nên tôn nhang cho an yên để có bước chuẩn bị ra với nhà Thánh. Còn bắt sát thì tôn nhang cùng đàn mở phủ.
Tuy nhiên, với những người không có căn quả, không có mệnh đồng lại không hiểu biết, u mê lầm lẫn, a dua theo người, tôn nhang bản mệnh với mục đích vụ lợi, làm những việc trái đạo…. Tất sẽ phải nhận lãnh những hậu quả to lớn, cuộc sống bất ổn, gia đạo xáo trộn, nhà tan nghiệp đổ, kiếp kiếp lầm than, không thể nào nói hết.
Rất mong các bạn sẽ có những nhận định rõ ràng. Nếu đúng căn đồng số lính thì mới tôn nhang bản mệnh, trình đồng mở phủ, nếu vì lòng ngưỡng mộ đạo Mẫu mà muốn xin làm con cái thì hãy để tâm mình như bông hoa sen trắng chớ ham cầu công danh tài lộc mà phải trả giá.
Tổng hợp (Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo)
Sao chép, trích dẫn, diễn đọc phải dẫn link từ web