04/06/2021 11:44 View: 1673

Phân biệt cầu an và cầu siêu trong đạo Phật?

Trong đời sống thường ngày, chúng ta thường nghe thấy mọi người nhắc đến lễ cầu an hoặc cầu siêu ở đình chùa. Vậy các nghi lễ này có ý nghĩa gì? khác nhau như thế nào?Người như nào mới có thể cầu an, cầu siêu cho người khác?.... 

cau an cau sieu

 

Nguyện đem lòng thành kính
Gửi theo đám mây hương
Phảng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo

Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tánh làn lành
Cùng Pháp giới chúng sanh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm bồ đề kiên có
Trí tu học vững bền
Xa bể khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác

Khái niệm cơ bản về cầu an và cầu siêu?

Về từ nguyên, khái niệm “cầu an” và “cầu siêu” mới xuất hiện gần đây trong giới Phật giáo Việt Nam.

  • “Cầu an” có nghĩa là đen là “cầu cho một người nào đó được khỏe mạnh và an lạc".
  • “Cầu siêu” có nghĩa là “cầu cho người chết được siêu độ, được sanh về thế giới của chư Phật.”

Như vậy cầu an là sự mong muốn, là ước vọng được khỏe mạnh, an lạc và hạnh phúc. Nó không giới hạn ở việc cầu cho người bệnh sớm lành mạnh, tai qua nạn khỏi, như nhiều người đã hiểu lầm. Để được khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi và sự an lạc nội tâm, theo đức Phật là mỗi người phải tự trau dồi đời sống đạo đức và trí tuệ, phát huy các hạnh lợi tha, giúp đỡ mọi người, sống an trụ, chánh niệm và tỉnh thức trong từng phút giây của hiện tại. Không hoài vọng về quá khứ để thoát khỏi thế giới kinh nghiệm đau thương. Không hoài vọng về tương lai để không lo âu và sợ sệt.

Sống một cách sáng suốt, bình thản trong hiện tại để khắc chế mọi tham ưu ở đời. Người sống được như vậy thì lúc nào cũng “an” lúc nào cũng khỏe mạnh, cũng hạnh phúc, không cần cầu nguyện và mong mỏi cũng được. Trái lại, nếu chúng ta sống buông lung, sa đọa, bỏ rơi hiện tại, không làm các điều thiện, trái lại rơi vào con đường tội lỗi thì dù có cầu nguyện bao nhiêu cũng không thể an ổn được. Trên tinh thần đó, để tránh hiểu lầm, kinh cầu an nên đổi thành “kinh an lạc.”

Cầu siêu là nguyện vọng hay ước muốn một người nào đó được siêu thoát hay sanh về thế giới chư Phật. Do đó, chữ “cầu siêu” có thể là hình thức viết ngắn của từ “cầu siêu độ” hay “cầu siêu sanh” hay đầy đủ hơn “cầu siêu sanh Tịnh độ.” Như vậy cầu siêu là nguyện vọng và ước muốn nhắm tới chủ yếu là người quá cố.

Ý nghĩa các loại kinh cầu an và cầu siêu?

Trong các nước Phật giáo Bắc tông do chịu ảnh hưởng của pháp môn Tịnh Độ, các kinh được đọc tụng vào các lễ tang và đám giỗ thường là kinh A-di-đà, kinh Địa Tạng và Vu-lan.

  • Tụng kinh A-di-đà chủ yếu là nhắc cho người chết nhớ lại pháp môn niệm Phật thiền “nhất tâm bất loạn” như là điều kiện tiên quyết để vãng sanh Tịnh Độ, để hương linh nương theo đó niệm Phật mà vãng sanh.
  • Tụng kinh Địa Tạng một mặt nhằm ôn lại công đức hiếu thảo của bồ-tát này, mặt khác phát huy và tu tập mảnh đất tâm (địa = tâm địa). Khi tụng kinh này, con cháu của người quá vãng được dịp học hỏi về hiếu hạnh và còn có cơ hội để trau dồi tâm tánh cho thuần thục.
  • Đọc kinh Vu-lan để học hỏi tấm gương báo hiếu đặc biệt của ngài Mục-kiền-liên. Nói chung các bài kinh trên không chỉ có tác dụng tốt cho người quá cố mà hơn hết làm nhằm giáo dục cho thân quyến của người chết về các phương pháp tu tập và làm phước.

Ai có thể siêu độ cho ai?

Theo đạo Phật, không ai có thể siêu độ cho ai. Không ai có thể giải thoát cho ai.

Sự cầu nguyện chỉ mang tính cách biểu tượng, thể hiện tấm lòng thương kính và biết ân đối với người quá cố, và ở phương diện khác nhằm nhắc cho người quá cố biết về quy luật sanh tử mà không còn quyến luyến thế gian, dễ dàng ra đi hay tái sanh. Do đó, để tránh hiểu lầm, thuật ngữ “kinh cầu siêu” nên đổi thành “kinh siêu độ” hay “kinh siêu thoát.”

Nói tóm lại, để được sức khỏe và an lạc, theo đạo Phật, chúng ta phải tu tập công đức, làm việc lành, sống tiết chế, ngủ nghỉ ăn uống thích hợp, an trụ vào hiện tại, lấy chánh niệm và sự tỉnh thức làm phương châm của cuộc sống. Được như vậy thì sự an lạc sẽ hiện diện như người bạn đồng hành của ta trong cuộc đời.

Tương tự, để được siêu thoát, mỗi người phải tự trang bị cho mình các hành trang đạo đức khi còn khỏe mạnh, để khi cơn vô thường đến, nhắm mắt xuôi tay, nghiệp thiện của chúng ta sẽ dẫn dắt chúng ta tái sanh về cảnh giới tốt hay vãng sanh về cảnh giới của chư Phật. Ở đây, không hề có yếu tố tha lực. Tất cả tùy thuộc vào đời sống đạo đức, trí tuệ và thái độ sáng suốt của chúng ta.