04/06/2021 11:51 View: 1312

Niệm trợ lực CẦU SIÊU có hiệu quả không?

Tụng kinh cầu siêu, làm lễ siêu độ gia tiên, niệm trợ lực giúp vong linh gia tiên sớm được siêu thoát... tất cả những điều này có tác dụng THẬT không? Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu

niem tro luc cau sieu

Cầu siêu là gì? 

“Cầu siêu” có nghĩa là “cầu cho người chết được siêu độ, được sanh về thế giới của chư Phật.”

Cầu siêu là nguyện vọng hay ước muốn một người nào đó được siêu thoát hay sanh về thế giới chư Phật. Nghĩa trọn vẹn của Cầu Siêu là dùng phương thức nào đó để giúp cho hương linh của người đã chết được thoát khỏi các cảnh giới khổ đau trong trong Tam Đồ: địa ngục – Ngạ quỷ - Súc sanh. 

Do đó, chữ “cầu siêu” có thể là hình thức viết ngắn của từ “cầu siêu độ” hay “cầu siêu sanh” hay đầy đủ hơn “cầu siêu sanh Tịnh độ.” Như vậy cầu siêu là nguyện vọng và ước muốn nhắm tới chủ yếu là người quá cố.

Trong các nước Phật giáo Bắc tông do chịu ảnh hưởng của pháp môn Tịnh Độ, các kinh được đọc tụng vào các lễ tang và đám giỗ thường là kinh A-di-đà, kinh Địa Tạng và Vu-lan. Tụng kinh A-di-đà chủ yếu là nhắc cho người chết nhớ lại pháp môn niệm Phật thiền “nhất tâm bất loạn” như là điều kiện tiên quyết để vãng sanh Tịnh Độ, để hương linh nương theo đó niệm Phật mà vãng sanh.

Niệm trợ lực cầu siêu là gì?

Niệm trợ lực có thể giúp cho chân hồn một người dần được tịnh hóa, rồi thọ cảm những điều bình yên, an lạc mà hồi hướng chuyển sinh các sự tồn tại khác nhau tùy theo nghiệp lực của mình.  

Trong Tương Ưng Bộ Kinh - Thiên Sáu Xứ, Đức Phật dạy rằng:

“Người nào sát sanh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, đến cầu xin, cầu khẩn chấp tay mong rằng người ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Nhưng người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ví như một người quăng một tảng đá lớn vào một hồ nước sâu. Rồi một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay cầu rằng: "Hãy đứng lên, tảng đá lớn! Hãy nổi lên, tảng đá lớn! Hãy trôi vào bờ, này tảng đá lớn!". Sự cầu khẩn như vậy là vô ích, vì tảng đá ấy với sức nặng của nó không thể nổi lên, không trôi vào bờ, như lời cầu xin của quần chúng ấy.

Trái lại, một người không sát sanh, không lấy của không cho, không sống tà hạnh trong các dục, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham lam, không sân hận, không theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay cầu rằng người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục! Thời lời cầu xin ấy không được thành tựu, người ấy vẫn đựơc sanh vào cõi thiện thú, cõi trời, cõi người. Ví như một người nhận chìm một ghè dầu vào trong hồ nước sâu rồi đập bể ghè dầu ấy, thời dầu ấy sẽ nỗi lên trên mặt nước. Dẫu cho có một số đông quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay, cầu rằng số dầu ấy chìm xuống đáy nước. Lời cầu xin ấy tất nhiện không có kết quả, số dầu ấy vẫn nỗi trên mặt nước. Như vậy có cầu khẩn, cầu xin cũng không ích lợi gì”.

Đức Phật dạy: “Nhân Quả là người thẩm phán tuyên án đau khổ cho người đã tạo ra nghiệp ác và ban thưởng hạnh phúc cho người tạo Nghiệp thiện. Vị thẩm phán này không thể bị các hình thức Hối Lộ của thế gian tác động như chuyển đen thành trắng, tà thành chánh, xấu thành tốt...v.v… để rồi được trắng án, như trong các trường hợp của pháp luật trên thế gian. Vị thẩm phán của Nhân Quả rất công bằng, chính xác và không lầm lẫn trong khi phán quyết Nghiệp Báo của các hành vi thiện ác.

Thế cho nên trong Kinh Địa Tạng mới dạy rằng: “Lợi ích của lễ cầu siêu có bảy phần, thì sáu phần thuộc về người còn sống, chỉ có một phần lợi ích thuộc về người đã chết”.

Niệm trợ lực cầu siêu có tác dụng thật không?

Về cơ bản thì người niệm phải thành tâm thành ý, vô tư lợi, lại thêm khía cạnh san sẻ cộng thiện nghiệp. Nên câu chuyện niệm trợ lực chỉ có tác dụng khi đó là chính thân nhân của mình, hoặc là các vị hành giả trường trai giới sát, thiện tâm hành thiện, cầu niệm vô tư lợi.

Việc con cháu thỉnh Chư Tăng tụng kinh, niệm Phật, Trì Chú cho người thân của mình trong vòng thời gian 49 ngày, đó là điều rất đáng quý. Đây cũng là noi theo trong Kinh dạy mà Phật tử làm theo. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong khi thực hiện, mọi người phải Thành Tâm Tha Thiết, đem hết lòng thành để tụng niệm cầu nguyện. Nhờ sức chú nguyện của Chư Tăng vì Lực của Chư Tăng tạo thành đức chúng như hải, do đó hương linh sẽ nương nhờ vào đó mà thác sinh về cảnh giới an lành. Theo kinh Địa Tạng dạy rằng:

“Người chết sau 49 ngày, gọi là chung thất, thì vong linh của người mất, tùy Nghiệp mà thọ sinh chiêu cảm quả báo. Nếu hiện đời tạo nhiều điều lành, thì sẽ thọ sinh về cảnh giới an lành. Ngược lại, thì thọ sanh vào cảnh khổ. Tùy chỗ tạo Nghiệp Thiện Ác, mà thọ sinh qua các loài và các cảnh giới sai biệt trong vòng lục đạo luân hồi”.

Còn dạng người làm nghề tụng thuê, cúng mướn ra giá hẳn hoi các hạn mức tiền bạc rõ ràng thì việc này không có tác dụng.

Ngoài ra, niệm trợ lực muốn hiệu quả cần thiết hành thiện nghiệp, nhờ cộng thiện nghiệp đó mà chư oán linh sẽ dần buông xả việc đòi nợ, chân hồn được cầu nguyện thì buông xả được các nghiệp bất thiện, dần thanh tịnh mà chuyển sinh. Vì thế, khi còn sống chúng ta cố gắng làm nhiều điều thiện, khi lâm chung thì sẽ được tái sanh vào cảnh giới an lành, còn không thì sẽ bị đọa vào cảnh Tam Đồ vô cùng đau khổ, dù có làm Lễ Cầu Siêu thì chỉ hưởng được 01 phần mà thôi. 

Kết luận

Sự cầu nguyện chỉ mang tính cách biểu tượng, thể hiện tấm lòng thương kính và biết ân đối với người quá cố, và ở phương diện khác nhằm nhắc cho người quá cố biết về quy luật sanh tử mà không còn quyến luyến thế gian, dễ dàng ra đi hay tái sanh. Do đó, để tránh hiểu lầm, thuật ngữ “kinh cầu siêu” nên đổi thành “kinh siêu độ” hay “kinh siêu thoát.”

Để được siêu thoát, mỗi người phải tự trang bị cho mình các hành trang đạo đức khi còn khỏe mạnh, để khi cơn vô thường đến, nhắm mắt xuôi tay, nghiệp thiện của chúng ta sẽ dẫn dắt chúng ta tái sanh về cảnh giới tốt hay vãng sanh về cảnh giới của chư Phật. Ở đây, không hề có yếu tố tha lực. Tất cả tùy thuộc vào đời sống đạo đức, trí tuệ và thái độ sáng suốt của chúng ta.