Việc cúng cầu siêu có tác dụng nhắc nhở, gợi cho người quá vãng hướng tâm về các thiện sự đã làm hoặc thiết tha thực hiện những tư tưởng tốt đẹp, nhờ đó thần thức được tái sanh về cảnh giới tốt đẹp hơn. Cầu siêu cho người thân đã mất rất lâu rồi là chuyện bình thường và nên làm.
Trước tiên, chúng ta tìm hiểu xem “Cầu Siêu” nghĩa là gì?
Cầu siêu là nguyện vọng hay ước muốn cho một người nào đó được siêu thoát hay sanh về thế giới an lành, thế giới của Chư Phật, v.v…. Nghĩa trọn vẹn của Cầu Siêu là dùng phương thức nào đó để giúp cho hương linh của người đã chết được thoát khỏi các cảnh giới khổ đau trong trong Tam Đồ: địa ngục – Ngạ quỷ - Súc sanh.
Đối với Phật pháp thì kết quả của vấn đề Cầu Siêu phụ thuộc vào tâm linh và phương thức siêu độ của con người. Cầu siêu chỉ là một sức mạnh thuộc dạng yếu, không phải là sức mạnh chủ lực bởi vì khi con người đang còn sống thì thời gian chủ yếu là để tu thiện, làm điều thiện, tránh xa các điều ác. Sau khi người chết rồi, chính người sống tổ chức lễ cầu siêu cho người chết và hồi hướng công đức tu thiện, làm điều thiện của mình cho người chết.
Trong Kinh Địa Tạng dạy rằng: “Lợi ích của lễ cầu siêu có bảy phần, thì sáu phần thuộc về người còn sống, chỉ có một phần lợi ích thuộc về người đã chết”.
Theo quan điểm của Phật giáo, con người sau khi chết không phải là mất hẳn, đó chỉ là Một Trạng Thái Biến Dạng Của Nghiệp Thức. Thể xác phân tán nhưng phần Tâm Thức qua Nghiệp lực dẫn dắt vẫn tiếp tục tìm về cảnh giới tương ứng. Và cứ như thế con người chúng ta khi Chưa Đạt Đạo Giải Thoát, thì vẫn mãi Luân Hồi trong Vòng Tử Sinh.
Về sự sinh và sự tử này, Phật giáo có hai quan điểm:
1. Một là tái sinh tức thời:
Nghĩa là chỉ trong một sát na niệm tưởng, không để trống khoảnh khắc nào trong trạng thái lưng chừng như làn sóng điện lan trong không gian, tức khắc được phát sinh trong máy thu thanh hay thu hình. Sự sinh tử theo quan điểm này xảy ra cực kỳ nhanh chóng và được xem là một tiến trình liên tục. Người mất sẽ được tái sanh vào nơi tốt hay xấu ngay tức thời tùy theo Nghiệp đã làm khi còn sống.
2. Hai là tái sinh qua giai đoạn chuyển tiếp “thân trung ấm” tùy theo Nghiệp lực của mỗi chúng sinh.
Quan điểm này cho rằng có một số trường hợp phải qua giai đoạn chuyển tiếp, ở đó chúng sinh mang dạng “thân trung ấm” lưu lại trong khoảng thời gian từ 01 đến 07 tuần lễ, thông thường thời gian thọ sinh là 07 ngày, tuy cũng có thể lâu hơn nữa do sở duyên chưa thích hợp.
- Những người có Nghiệp Cực Thiện thì ngay sau khi chết sẽ sanh vào các cõi Tịnh, thí dụ như cõi Tây Phương Cực Lạc, cõi Ðông Phương Tịnh Ðộ Lưu Ly Quang, v.v…
- Và những người có Nghiệp Cực Ác thì sau khi chết sẽ sanh ngay vào các cảnh giới ác, như: Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ hoặc tái sinh thành các loài súc sinh.
Ngoài các trường hợp đó, sau khi chết, người chết có thể còn lưu tâm thức lại một thời gian trong trạng thái gọi là Thân Trung Ấm như đã nói ở trên, và mơ màng trong cảnh giới này từ 01 đến 49 ngày. Trong thời gian đó, người qua đời vẫn còn có ấn tượng mạnh mẽ về kiếp sống vừa qua. Và chính từ niềm tin này, chúng ta coi trọng sự cầu siêu để giúp chuyển hóa tâm trạng người chết khiến cho thần thức của họ được siêu thoát vào các cõi an lành trong 07 tuần liên tiếp.
Bởi vì, Phật giáo tin rằng, chỉ trừ những trường hợp như người có Phước Nghiệp Lớn, khi chết thì tái sinh ngay ở sáu cõi An Lành, hoặc là những người tu Định có kết quả tốt, khi chết thì tái sinh ở các cõi trời Thiền định, còn những người có Ác Nghiệp Nặng, khi chết thì đọa vào địa ngục ngay lập tức; còn đối với người bình thường, khi chết xong còn phải trải qua thời gian 49 ngày chờ đợi cho Nghiệp Duyên chín mùi mới quyết định tái sinh ở cõi nào.
Nếu trong thời gian này mà con cái, thân nhân biết lấy công đức cúng dường Tam Bảo, bố thí kẻ nghèo, phóng sanh.v.v… để hồi hướng cầu siêu độ thì người chết nhờ Công Đức Thiện Nghiệp ấy cảm ứng hỗ trợ mà được sinh lên cõi thiện (Trời, Người) và được siêu độ về cõi Tây Phương Tịnh Độ.
Trong trường hợp người thân bị chết oan, chết thê thảm, do oan trái chưa trả hết cho nên có thể sinh ở cõi quỷ (cõi âm), và tiếp tục vòi vĩnh, đòi hỏi đối với con người (cõi dương) mà thông thường, chúng ta gọi đó là quỷ ám. Trong trường hợp đặc biệt này, thì nên tụng kinh siêu độ, thuyết pháp cho quỷ nghe để cho quỷ rõ hướng đi. Nhờ Phật lực giúp cho chúng tái sinh ở cõi thiện. Phật giáo thường gọi cõi quỷ là “Ngã Quỷ” (quỷ đói), cho nên thường dùng Mật Pháp như: Trì Chú Biến Thực, Thí Thực để giúp đỡ, tạo ra tác dụng lớn, đặc biệt là đối với loại quỷ lành cho chúng ăn, uống, rồi tùy theo Phật lực mà được tái sanh.
Thỉnh chư Tăng tụng kinh niệm Phật trì chú trong 49 ngày
Việc con cháu thỉnh Chư Tăng tụng kinh, niệm Phật, Trì Chú cho người thân của mình trong vòng thời gian 49 ngày, đó là điều rất đáng quý. Đây cũng là noi theo trong Kinh dạy mà Phật tử làm theo. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong khi thực hiện, mọi người phải Thành Tâm Tha Thiết, đem hết lòng thành để tụng niệm cầu nguyện. Nhờ sức chú nguyện của Chư Tăng vì Lực của Chư Tăng tạo thành đức chúng như hải, do đó hương linh sẽ nương nhờ vào đó mà thác sinh về cảnh giới an lành. Theo kinh Địa Tạng dạy rằng:
“Người chết sau 49 ngày, gọi là chung thất, thì vong linh của người mất, tùy Nghiệp mà thọ sinh chiêu cảm quả báo. Nếu hiện đời tạo nhiều điều lành, thì sẽ thọ sinh về cảnh giới an lành. Ngược lại, thì thọ sanh vào cảnh khổ. Tùy chỗ tạo Nghiệp Thiện Ác, mà thọ sinh qua các loài và các cảnh giới sai biệt trong vòng lục đạo luân hồi”.
Sau 49 ngày, Phật tử và những thân nhân trong gia đình tiếp tục tụng kinh niệm Phật, Trì Chú đó là điều rất thiết thực. Dù cầu siêu hay không, người Phật tử cũng nên Tụng Kinh, Niệm Phật, Trì Chú đều đặn để cho hiện đời mình được an lạc và đời sau cũng được an lạc. Và sau mỗi lần Tụng Kinh, Niệm Phật, Trì Chú như thế, các Phật tử nên cầu nguyện cho hương linh thân nhân của mình, cũng như cho những vong hồn khác, rộng ra là cho cả Pháp Giới Chúng Sinh Hữu Tình Vô Tình đều trọn thành Phật đạo. Đây là thể hiện Tấm Lòng Từ Bi Vị Tha của người con Phật.
Vào thời Đức Phật tại thế, có chàng thanh niên đến xin Phật làm lễ cầu siêu cho người cha vừa quá vãng. Biết rằng chàng thanh niên tràn ngập nỗi đau khổ chắc khó có thể hiểu được những lý lẽ trong lúc này cho nên Ðức Phật đã phải dùng phương tiện bằng hình ảnh cụ thể với những đặc tính đối lập, một hòn đá và một lon dầu, cả hai được ném xuống hồ, đá nặng chìm xuống và dầu nhẹ nổi lên.
Trong Tương Ưng Bộ Kinh - Thiên Sáu Xứ, Đức Phật dạy rằng:
“Người nào sát sanh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, đến cầu xin, cầu khẩn chấp tay mong rằng người ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Nhưng người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ví như một người quăng một tảng đá lớn vào một hồ nước sâu. Rồi một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay cầu rằng: "Hãy đứng lên, tảng đá lớn! Hãy nổi lên, tảng đá lớn! Hãy trôi vào bờ, này tảng đá lớn!". Sự cầu khẩn như vậy là vô ích, vì tảng đá ấy với sức nặng của nó không thể nổi lên, không trôi vào bờ, như lời cầu xin của quần chúng ấy.
Trái lại, một người không sát sanh, không lấy của không cho, không sống tà hạnh trong các dục, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham lam, không sân hận, không theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay cầu rằng người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục! Thời lời cầu xin ấy không được thành tựu, người ấy vẫn đựơc sanh vào cõi thiện thú, cõi trời, cõi người. Ví như một người nhận chìm một ghè dầu vào trong hồ nước sâu rồi đập bể ghè dầu ấy, thời dầu ấy sẽ nỗi lên trên mặt nước. Dẫu cho có một số đông quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay, cầu rằng số dầu ấy chìm xuống đáy nước. Lời cầu xin ấy tất nhiện không có kết quả, số dầu ấy vẫn nỗi trên mặt nước. Như vậy có cầu khẩn, cầu xin cũng không ích lợi gì”.
Đức Phật dạy: “Nhân Quả là người thẩm phán tuyên án đau khổ cho người đã tạo ra nghiệp ác và ban thưởng hạnh phúc cho người tạo Nghiệp thiện. Vị thẩm phán này không thể bị các hình thức Hối Lộ của thế gian tác động như chuyển đen thành trắng, tà thành chánh, xấu thành tốt...v.v… để rồi được trắng án, như trong các trường hợp của pháp luật trên thế gian.
Vị thẩm phán của Nhân Quả rất công bằng
Nhân quả rất chính xác và không lầm lẫn trong khi phán quyết Nghiệp Báo của các hành vi thiện ác. Vì thế, khi còn sống chúng ta cố gắng làm nhiều điều thiện, khi lâm chung thì sẽ được tái sanh vào cảnh giới an lành, còn không thì sẽ bị đọa vào cảnh Tam Đồ vô cùng đau khổ, dù có làm Lễ Cầu Siêu thì chỉ hưởng được 01 phần mà thôi.
Phật giáo dạy cho chúng ta rất rõ ràng: “Tâm phiền não, tham sân si là nguyên nhân chính đưa đến sự đọa lạc trong địa ngục và các cảnh giới khổ đau triền miên”. Cho nên cần lưu ý rằng ý nghĩa siêu độ có hiệu quả là từ tâm mà ra, vì tâm là chủ thể của mọi hiện tượng, bao gồm cả hiện tượng sống chết, luân hồi và giải thoát. Chánh Kiến trong việc Cầu Siêu là đem Tâm Thanh Tịnh, Tâm Thành Kính, Tâm Từ Bi cứu khổ thể hiện các Phật sự là năng lực hữu hiệu để hồi hướng siêu thoát cho hương linh đang chịu khổ.
Cảnh giới siêu thoát lý tưởng là niệm Phật nguyện cho hương linh sanh về cảnh Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà. Do vậy, nhận thức về ý nghĩa sống chết là giúp chúng ta có Chánh Kiến trong tu học và hiểu thêm về quan niệm Cầu Siêu cho người đã qua đời.
Thế gian thường có quan niệm rằng:”Âm dương đồng nhất lý”.
Nhưng lý ở đây là Nguyên Lý Nhân Quả, tức là quả của chúng sinh là hậu quả của Nghiệp đã tạo ra. Vì vậy, cõi nào còn có sanh, già, bệnh, chết thì cõi đó còn có khổ đau. Cõi âm hay cõi dương cũng thế.
Nhưng cần phải hiểu rộng ra, người sau khi chết có nhiều cảnh giới khác nhau. Theo giáo lý của Đức Phật thì thế giới con người chỉ Là Một Trong Mười Pháp Giới đang hiện hữu. Các thế giới tương dung tương nhiếp lẫn nhau. Chúng sinh trong ba cõi chỉ là từ do một tâm này mà tồn tại “Ba cõi chỉ là nhất tâm”. Chính vì lẽ đó mà cõi âm và cỏi dương liên hệ với nhau chặt chẽ qua sự chi phối Nghiệp Lực Và Nhân Quả.
TÂM THỨC VÀ NHÂN DUYÊN là mối liên hệ giữa con người và thế giới xung quanh. Nghiệp Lực làm Nhân Duyên cho người đã khuất lưu luyến đến người thân, đến gia đình, dòng tộc, quốc gia và xã hội và cả nhân loại. Cho nên trách nhiệm Cầu Siêu và Báo Ân đối với người đã khuất là trách nhiệm chung của tất cả mọi người trong xã hội. Nhìn theo góc độ Phật giáo thấy rằng tất cả chúng sanh đã từng có Nhân Duyên Nghiệp Lực với nhau nhiều đời kiếp trong chốn sanh tử này.
Đức Phật dạy trong Kinh Trường Bộ như vầy: “Vô thỉ luân hồi, này các Tỳ kheo, không dễ gì tìm thấy một chúng sinh trong một thời gian dài lại không một lần nào làm mẹ làm cha"
Với ý nghĩa này mà Phật giáo nâng lên quan điểm Báo Ân Cha Mẹ, Ân Tam Bảo, Ân quốc gia xã hội và Ân Cả Pháp Giới Chúng Sanh. Chúng ta và người đã qua đời vẫn có quan hệ trong thế giới hiện tượng. Sống và chết là từ quan niệm của nhân gian. Thực chất chết hay sống vẫn là hiện tượng đang chuyển biến. Chấm dứt thân thể vật lý này gọi là chết, tâm thức đang đi vào một thế giới mới.
Khổ đau hay hạnh phúc thì do Nghiệp quyết định
Trong Trung Bộ Kinh số 135, Đức Phật dạy: “Các loài hữu tình là chủ nhân của Nghiệp, là thừa tự của Nghiệp. Nghiệp là thai tạng, Nghiệp là quyến thuộc, Nghiệp là điểm tựa, Nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu”.
Tất cả chúng sinh có mặt trên thế gian này đều từ Nghiệp mà sinh ra, Nghiệp ấy do Tâm tạo, chuyển Nghiệp cũng từ Tâm mà chuyển. Do vậy ý nghĩa Cầu Siêu, cứu giúp người âm thoát khỏi khổ đau có hiệu quả hay không là do tâm lượng con người quyết định. Giải thoát khổ đau địa ngục thì cần có cái tâm hướng về đạo đức giải thoát, như là tâm tu tập Giới, Định và Tuệ; tâm tu lục độ v.v. Bản chất các tâm giác ngộ nuôi dưỡng hai yếu tố Từ Bi và Trí Tuệ. Từ góc độ tu tâm như thế mà khởi các hạnh lành trong pháp cầu siêu thì mới có hiệu quả cao.
Phật giáo dạy rằng, không phải con người chết là hết. Sau khi xác thân này hư hoại thì thần thức tuỳ theo Nghiệp báo mà tái sanh vào các cõi tương ứng với Nghiệp nhân mà người kia đã gieo tạo, ngoại trừ các Bậc Đại Giác như Đức Phật, các Bậc Bồ Tát, các Bậc A La Hán đã cắt đứt dòng tham ái, đã thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi. Thế giới tình thức này không chỉ có cảnh giới con người, mà còn có các cảnh giới khác nữa, nếu tính từ dưới lên thì có: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, A Tu La, Nhân Và Thiên. Như thế, cầu siêu có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, đặc biệt là đối với những người đã mất chưa quyết là được tái sanh về cảnh giới nào, hoặc đang trong trạng thái mê mê tỉnh tỉnh của Thân Trung Ấm.
Việc cúng cầu siêu như vậy có tác dụng nhắc nhở, gợi cho người quá vãng hướng tâm về các thiện sự đã làm hoặc thiết tha thực hiện những tư tưởng tốt đẹp, nhờ đó thần thức được tái sanh về cảnh giới tốt đẹp hơn. Cầu siêu cho người thân đã mất rất lâu rồi là chuyện bình thường và nên làm. Người đệ tử Phật, hàng ngày kinh kệ, niệm Phật, lễ bái Trì Chú xong đều hồi hướng công đức nguyện cầu âm siêu, dương thái. Riêng đối với những hương linh sau khi chết 49 ngày đã tái sanh vào các cõi lành thì hẳn nhiên họ không cần cầu siêu hồi hướng nữa. Dù vậy, nếu thân nhân làm phước rồi hồi hướng công đức cho họ thì ở nơi cõi này các thân nhân sẽ được thêm phần lợi lạc.
Việc cúng giỗ cầu siêu cho các hương linh là điều rất tốt, nhưng chúng ta nên xem như là ngày tưởng niệm. trợ lực, ngày nhớ tưởng đến người đã khuất với ý nghĩa là: nói lên lòng thành kính tưởng nhớ, nhắc nhở con cháu nên tiếp nối thuần phong mỹ tục tốt đẹp, biết cảm ơn các Bậc Sanh Thành. Chúng ta có thể tổ chức cúng giỗ cầu siêu tại nhà, hoặc tại Chùa chỉ với mục đích tưởng niệm, trợ lực, không nên dâng sớ và đốt vàng mã theo văn hóa Trung Hoa, rất tốn kém và đặc biệt là không đúng Chánh Pháp.
Nếu đủ phương tiện có thể tổ chức cúng giỗ cầu siêu tại Chùa thì rất tốt.
Tại sao tốt?
- Bởi vì đây là Duyên Lành giữa thân nhân người chết với Tam Bảo, có dịp cho con cháu, họ hàng tiếp xúc với Chư Tăng, nhân đó, họ có thể tìm hiểu để học hỏi về Phật Pháp.
- Lại nữa, thân nhân người chết có thể tạo công dức phước báu qua việc cúng dường Tam Bảo, hộ trì Chánh Pháp. Chư Tăng là Trưởng Tử Như Lai, là những Bậc Ðạo Sư có nhiệm vụ thiêng liêng cao cả là hoằng dương Chánh Pháp, giảng dạy giáo lý Phật Pháp, đem ánh sáng Phật Pháp cho tất cả chúng sanh tu học để ổn định cuộc sống hiện tại có sức khỏe, sống thọ, có danh thơm tiếng tốt, có được sắc đẹp, có hạnh phúc v.v.
Kinh điển Phật giáo cũng xác định rằng một đời sống an lạc, hạnh phúc và giải thoát không phải là kết quả của những ước muốn cao đẹp mà là kết quả của quá trình nỗ lực trau dồi đạo đức, thiền định và trí tuệ.
Trong Tăng Chi Bộ III A, 123, Đức Phật dạy rằng: “Một người không chú tâm trong sự Tu Tập, dẫu có khởi lên ước muốn được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không còn chấp thủ, ước muốn ấy nhất định không được toại nguyện.”
Làm thế nào để cầu siêu mang lại lợi lạc cho hương linh?
Vấn đề Cầu Siêu mang lại sự lợi lạc cho hương linh và chúng cô hồn được đề cập đến trong kinh văn. Người phát tâm cúng Cầu Siêu phải có tâm thương xót hương linh, âm linh cô hồn và lòng thành kính với Chư Phật và Hiền Thánh Tăng.
Trong kinh dạy rằng, Chư Phật và Bồ Tát thường ứng thân vào trong các loài chúng sanh mà cứu độ. Nghi thức chẩn tế hay cúng thí thực thường có thỉnh Phật và Bồ Tát chứng minh, sau đó thỉnh các chơn linh, vong linh và cô hồn về thọ nhận vật chúng ta cúng. Chúng sanh do Nghiệp lực sai biệt nên thọ dụng thức ăn cũng sai biệt. Nhưng có những chúng sanh khác không ăn được những thức ăn đó, nhưng nhờ Phật lực gia trì mà biến thành cam lồ khiến cho họ cũng no đủ.
Dù cúng Cầu Siêu dưới bất cứ hình thức nghi lễ nào thì chúng ta phải có lòng thành thanh tịnh, Tam Nghiệp: thân-khẩu- ý tương mật lúc đó mới nhập vào cảnh giới nhất tâm. Tâm cảm được Phật lực mới có sự lợi ích cho việc siêu độ thân nhân quá vãng, cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp. Đó là điều chắc thật mà Đức Phật từng dạy trong kinh điển.
Đức Phật dạy Tôn Giả A Nan như vầy: “Hãy phát tâm rộng lớn vì cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp đến nay, khắp vì muôn loại chúng sanh ở tinh tú thiên tào, âm ty địa phủ, Diêm ma quỷ giới, côn trùng nhỏ nhít máy động, tất cả hàm linh mà bày ra sự cúng dường vô giá quảng đại, mời đến phó hội, để nương oai quang của Phật, gột rửa ruộng thân, được lợi thù thắng, hưởng vui nhân thiên”.
Qua đoạn kinh trên chúng ta thấy, cúng thí thực âm linh cô hồn, gọi pháp vô giá quãng đại, nương oai đức của Phật mà chúng sanh đều lợi lạc, nhưng phải có cái Tâm Rộng Lớn. Đó là tâm Bồ Đề cứu độ chúng sanh. Khi có cái tâm ấy thì âm siêu và dương thái. Nếu hình thức nghi lễ nào mà thiếu cái tâm cao thượng thì đi ngược lại với xu hướng Giác Ngộ của Phật dạy.
Trong giáo lý Mật Tông và Tịnh Độ khuyên chúng ta cần tu Niệm Phật, Trì Chú, Tụng Kinh để hồi hướng siêu độ cho người âm được siêu thoát. Nhưng phẩm chất giúp đỡ vong linh là Lòng Từ Bi. Từ Bi Tam Muội mới biến thức ăn thành cam lộ giúp chúng sanh cõi âm được siêu thoát.
Chúng sanh đang đói về lòng bố thí mà bị đắm trong địa ngục đói khổ, có kẻ đang đói về tình thương chìm sâu trong cảnh sân hận hành hạ và ăn nuốt lẫn nhau, có kẻ đang đói về trí tuệ nên sống trong địa ngục vô minh; có kẻ đang thần thức vô định cần giáo lý thiền định giải thoát. Chúng ta phải hiểu như vậy để y pháp cúng dường bố thí với nhiều phương diện, như tài thí, pháp thí và vô úy thí .v.v…
Đối với Phật tử tại gia ngoài vấn đề bố thí tiền tài, bố thí Pháp thông qua chia sẽ kinh nghiệm tu học cho đạo bạn, giáo dục con cháu và khích lệ thân nhân Quy Y Tam Bảo. Bên cạnh đó phát tâm ấn tống kinh sách Phật giáo, ủng hộ Tam Bảo trường tồn là điều Phước Đức Lớn để siêu độ thân nhân. Nếu chúng ta không có nhiều tiền tài bố thí thì chúng ta có thể chia sẻ cho người khác đang khổ đau bằng tình thương và sự hiểu biết của chính mình, đây cũng là công đức vô lượng.
Cầu siêu phải có tâm thành kính.
Trước hết chúng ta phải có tình thương và lòng kính trọng người đã khuất mà thực hành pháp sự siêu độ. Tình thương đó phải chân thành, biết đau xót và rung cảm trước cảnh khổ đau của người đã qua đời. Đó là là tiếng chuông giao cảm Phật lực gia trì tâm nguyện của mình. Tình thương ấy chúng ta tìm thấy được qua hình ảnh các thánh giả đã từng cứu độ vong nhân.
Các Phật tử đã Tụng Kinh Vu Lan mới thấy giọt nước mắt của Tôn Giả Mục Kiền Liên đã khóc vì thương mẹ đến cầu Phật chỉ dạy pháp cứu độ. Giọt nước mắt của Quang Mục và Thánh nữ Bà La Môn trong Kinh Địa Tạng khóc vì thương mẹ mà phát Tâm Bồ Đề, nguyện thành Phật độ chúng sanh. Những giọt nước mắt ấy là Tình Thương, là Tâm Từ Bi. Khi có tâm ấy mà cúng dường Tam Bảo, cúng dường Trai Tăng, và tất cả điều lành khác đều có hiệu ứng thiết thực. Do có tâm như vậy mà mẹ của Tôn Giả Mục Kiền Liên, mẹ của Quang Mục và mẹ của thánh Nữ Bà La Môn được siêu thoát.
Muốn nhận thức rõ người đã qua đời mong mỏi điều gì và đời sống người sau khi chết ra sao thì chúng ta nên đọc và tụng Kinh Vu Lan, kinh Địa Tạng, Kinh Thủy Sám và Kinh Lương Hoàng Sám. Khi đọc tụng những kinh này, bản thân chúng ta biết đau xót, biết rung cảm, biết nhận thức chân lý sự sống và phát khởi Tâm chính đáng cho mọi hình thức siêu độ. Đem tâm ấy mà hành thiện hồi hướng cho người cỏi âm sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, điều này hợp với nguyện Lực của Phật A Di Đà.
Tóm lại: Cầu siêu cho người qua đời là Nếp Sống Nhân Bản rất đáng tôn trọng.
Nó khẳng định mối tương quan của người sống và người chết. Đó là thông điệp giúp con người nhận thức sâu sắc rằng sống không phải là bắt đầu và chết không phải là kết thúc. Ý nghĩa này là điểm then chốt trong triết lý sống Phật giáo. Điều này giúp con người sống có trách nhiệm với Hành Động Của Chính Mình Trong Hiện Tại Và Tương Lai. Đó là nền tảng đạo đức mà cá nhân, gia đình, xã hội và nhân loại đang cần thiết.
Chúng ta phải hiểu rằng mục đích người học Phật lấy Trí Tuệ Làm Sự Nghiệp Giác Ngộ. Ý nghĩa Cầu Siêu là thể hiện tinh thần lợi tha, như là phương tiện hành đạo. Vấn đề thực hiện tất cả các hình thức cầu siêu phải xuất phát từ Tâm Từ Bi mà thể hiện. Vì tâm là chủ thể của các pháp, khổ đau hạnh phúc do tâm mà tạo.
Vấn đề tu học là sự nhận biết con người và thế giới xung quanh. Điều căn bản là biết đối nhân, xử thế mới có sự lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Dù cỏi âm hay cỏi dương cũng biểu hiện sự sống và mong muốn thoát khổ và tìm vui. Tất cả chúng ta không ngoài thông lệ ấy. Từ đó mới thấy rằng, Phật Pháp luôn luôn đem lại hương vị an lạc, hạnh phúc, giải thoát cho tất cả chúng sanh.
Đại Đức Thích Thường Tuệ