Khi đi lễ đền chùa điện phủ, việc sắm lễ và dâng lễ như thế nào để vừa thể hiện tấm lòng thành kính, vừa phù hợp với văn hóa thờ tự là điều không dễ. Bên cạnh đó, sắm lễ để "xin gì được nấy", "vạn sự hanh thông"... thì cần chuẩn bị những gì? Ông bà đã có câu : Tốt lễ dễ kêu - điều này có thực sự đúng không?
Sắm lễ quan trọng ở chữ tâm
- Đi lễ chùa: Nhiều người cho rằng “tốt lễ dễ van” nên sắm sửa rất nhiều lễ vật khi lên chùa. Tuy nhiên, theo Đại Đức Thích Tâm Kiên (trụ trì chùa Một Cột, Hà Nội) thì: “Phật không cần mâm cao cỗ đầy, chỉ cần tâm thành của những người đến lễ. Vì thế nên mọi người chỉ cần bông hoa, chén nước vào dâng lễ cũng đủ. Quan trọng là vào chùa, mọi người thấy sự lắng đọng và bình an”. Tuy nhiên lễ hoa dâng Phật phải là hoa sen, huệ, mẫu đơn… tránh hoa tạp, hoa dại.
- Đi lễ đền phủ: "Lễ nghi bất túc, thành kính hữu dư". Nghèo khổ có khi chỉ cần 1 lá trầu quả cau, tờ tiền trần và 1 tờ sớ dâng nhà Thánh là được các bạn ạ, vì quan trọng nhất cũng là Tâm của người đi lễ. Nhà Thánh chứng tâm trước rồi mới chứng lễ, nếu Tâm của người đi lễ mà các Ngài không chứng thì dù có mâm cao cỗ đầy, tiền trăm bạc tỉ cũng chẳng ích gì.
Ở chùa thì ban to nhất, bao giờ cũng ở chính giữa nhà và gọi là Ban Tam Bảo. Khi đặt lễ ở ban này để cúng dường Chư Phật thì đầy đủ nhất phải gồm năm món: hương – đăng (nến) – hoa – quả – nước. Tuy nhiên, trong trường hợp không chuẩn bị được hết thì cũng không sao, hãy cúng Phật bằng sự thành tâm, chân thật.
Chỉ được lễ đồ chay trước Phật
Đến dâng hương tại các chùa chỉ được sắm các lễ chay như: hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi chè… Lễ mặn thường xuất hiện khi người ta đến đình, đền, miếu, phủ…
Còn việc sắm sửa lễ mặn như giò, chả, trâu, dê, lợn, gà… chỉ được đặt vào chùa nếu chùa đó có thờ tự các vị Thánh, Mẫu hay có ban thờ (nếu xây riêng) của Đức Ông.
Tuyệt đối không được dâng đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện (chính diện), tức là nơi thờ tự chính của ngôi Chùa. Đồng thời, người viếng chùa cũng không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng. Nếu có sửa lễ này thì chỉ đặt ở bàn thờ Thần Linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông.
Không đặt lễ bằng tiền
Hiện nay rất nhiều người đặt lễ bằng tiền lên các ban thờ hoặc đặt ở bục thờ, khe tay, chân của tượng… Nhưng theo đúng ý nghĩa tâm linh, bạn tuyệt đối kiêng đặt tiền ở ban thờ và rải rác khắp nơi. Tiền chỉ để vào hòm công đức (phước sương).
Các loại tiền vàng, hàng mã cũng không đặt ở các ban thờ Phật. Những vàng mã chỉ mang lên chùa khi vào rằm tháng Bảy, nhằm dâng lễ cầu siêu cho ông bà, cha mẹ, anh em… Nhưng tất cả các lễ cúng chúng sinh này đều chỉ đặt ở ban thờ Đức Ông, không đặt lên bàn thờ khác.
Lễ ban thờ cô, thờ cậu cần giống đồ chơi
Ban thờ cô cậu là nơi thờ những người mệnh yểu, chết trẻ. Vì vậy, lễ thường gồm oản, quả, hương hoa, hia, hài, nón, áo… (đồ hàng mã) gương, lược… Nghĩa là ngoài những lễ như bình thường thì cần có thêm những lễ mang ý nghĩa đồ làm cho trẻ nhỏ.
Sắm lễ theo số lẻ nhưng kiêng số 7
Khi sắm lễ, nên sắm theo số lễ như 1, 3, 5, 9… Bởi số lẻ là số âm: tương ứng với thế giới linh thiêng và cũng là tổng của một số chẵn và một số lẻ nên thể hiện sự hòa hợp âm dương. Cũng có khi lễ được chọn số chẵn như 12, 36 ,72… nhưng những số này đều có thể chia ra thành ba phần ) hay số 100 (tượng trung cho sự trọn vẹn hoàn mĩ).
Tuy nhiên nhiều người kiêng số 7 vì khi đọc theo tiếng Hán là thất – đồng âm với từ thất lễ nên có thể hiểu đó là không tôn trọng thần linh.
Thứ tự hành lễ tại Chùa
- 1. Đặt lễ vật: Thắp hương và làm lễ ban thờ Đức Ông trước.
- 2. Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang, thỉnh 3 hồi chuông rồi làm lễ chư Phật, Bồ Tát.
- 3. Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà Bái Đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu Chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ Phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương.
- 4. Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu).
- 5. Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tuỳ tâm công đức.
Trình tự hành lễ tại phủ, điện, miếu
- - Khi đi lễ tại các đền phủ, đầu tiên người ta lễ trình tại ban tiền bái ( hay còn gọi là ban lễ trình, ban đại bái ). Đó là ban thờ thường được đặt ở vị trí trước gian thờ chính. Sau đó hương tử dâng lễ vật lên các ban thờ trong đền và tiến hành nghi lễ.
- - Thông thường, người ta lễ từ ngoài vào trong, lễ hết trung cung (hàng giữa), vào đến hậu cung rồi mới lễ sang hai bên. Sau đó trở ra ngoài lễ ban Mẫu Cửu và cuối cùng là ban thờ Cô, thờ Cậu.
- – Chỉ sau khi đã đặt xong lễ vật lên các ban thì mới được thắp hương. Thắp hương từ trong ra ngoài. Tại ban thờ chính của điện, phủ thì thắp hương ở ban giữa trước.
- – Nếu có sớ tấu trình thì kẹp sớ vào giữa bàn tay hoặc đặt lên một cái đĩa nhỏ, hai tay nâng đĩa sớ lên ngang mày rồi vái 3 lần.
Thái độ khi đi hành lễ
- 1. Không chạy qua chạy lại, nói chuyện, bình phẩm, ngồi hoặc nằm hoặc khạc nhổ trong nơi thờ tự.
- 2. Sau khi thụ lộc, nên lưu lại công đức, dù ít dù nhiều.
- 3. Không nên mang theo mũ áo, khăn, túi xách, gậy gộc, bao tay… khi lễ.
- 5. Vào lễ phải ăn mặc giản dị, sạch sẽ, kín đáo. Không chạy nhảy la hét, sờ vào tượng.
Ý nghĩa của việc thắp hương, cúng hoa, quả, cúng nước, cúng đèn
- - Đốt hương tượng trưng cho việc truyền tín hiệu đồng nghĩa với việc báo tin đến chư Phật, Bồ-tát, thần linh biết.
- - Cúng hoa trước tượng Phật tượng trưng cho việc tu nhân tích đức.
- - Cúng quả tượng trưng cho kết quả, quả báo từ việc tu hoa Lục độ mà thành.
- - Cúng nước: Đặc tính của nước là trong sạch, phẳng lặng, thuần khiết. Chính vì thế khi ta cúng nước lên Phật, liền nghĩ đến tâm của ta phải thanh tịnh, trong sạch như nước.
- - Cúng đèn: Mục đích của đèn là tỏa ra ánh sáng. Do đó, việc thắp đèn cúng được hiểu là Phật tử đem những lời dạy của đức Phật áp dụng vào cuộc sống, dùng thân giáo làm tấm gương sáng cho mọi người học theo, noi theo, để cùng nhau được giải thoát.
Làm gì để cầu được ước thấy khi đi lễ ?
Sự linh ứng trong điều ta cầu nguyện chính là kết " quả " của hạt giống " nhân " mà ta đã gieo trồng.
- Ta nguyện cầu giàu sang phú quý không tự nhiên kết quả mà nó đến từ nỗ lực chăm chỉ bền bỉ, vất vả cũng nhiệt huyết mà ta gieo.
- Ta nguyện cầu yêu thương hạnh hoà thì viên mãn cuộc tình không tự nhiên mà có. Nó đến tự sự thuỷ chung, sự bao dung, sự quan tâm và lưu tâm thấu hiểu.
- Ta nguyện cầu thân khang tuệ minh thì thân thể khoẻ mạnh, trí tuệ minh mẫn không tự nhiên mà thành. Nó đến từ lối sống, cách sinh hoạt, thứ ta ăn, đồ ta uống. Gieo sự lành mạnh thì gặt quả khoẻ đầy.
Cuộc sống là cuộc cố gắng chứ không phải một cuộc nguyện cầu.
Sống mà không cố, nhân lành không gieo. Chỉ nguyện cầu mà thành tựu, thì thiên hạ trên đời, nào còn có ai mệt mỏi khổ cực đâu ?
Vậy nên khi đi lễ đền chùa miếu mạo... hãy tín chứ đừng mê.
Ở đời sống có nỗ lực, sống có thiện tâm. Sống có lòng nhân. Sống có sự kiên cường. Lại biết cách chắp tay. Biết tìm một điểm sáng cho tâm hồn giữa bon chen mỏi mệt. Thì thế nào cũng sẽ được thần minh gia hộ - Độ cho những thiện lành ta gieo.
Tamlinh.org