31/03/2022 08:42 View: 1455

Văn khấn cúng mùng 1, ngày rằm tháng 3 Âm lịch

Tháng 3 âm lịch là một trong những tháng được mong chờ nhất trong năm vì có rất nhiều ngày lễ quan trọng đối với người Việt. Vậy sắm lễ, văn khấn, bài cúng ngày rằm mùng 1 tháng 3 âm lịch như thế nào? Danh sách các lễ hội trong tháng 3 Âm lịch? Danh sách ngày tiệc Tứ phủ công đồng (Đạo Mẫu của Việt Nam) tháng 3 Âm lịch hàng năm? Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu

THÁNG 3 ÂM LỊCH: THÁNG THÌN

Tháng 3 âm lịch là tháng Thìn, tức là tháng con Rồng. 

Trong 12 con giáp, Rồng là con vật đại diện cho sức mạnh phi thường, thiêng liêng, được mọi người tôn kính. Những người tuổi Rồng vì thế mà thông minh sắc sảo, luôn đạt được nhiều thành công trong cuộc sống, có uy quyền, địa vị.

Tháng 3 cũng là tháng của những cái rét nàng Bân còn sót lại. Tháng của những cơm mưa lại mang theo những tia nắng vàng ấm áp trong hơi thở vẫn còn chút se lạnh của những ngày cuối mùa xuân, trước khi dần "lùi bước" để nhường chỗ cho mùa hạ bước tới.

Những người sinh vào tháng 3 Âm lịch vốn rất tốt bụng, họ sẵn sàng giang tay giúp đỡ những người yếu thế hơn mình và chia sẻ những gì mình có cho người khác, nhờ vậy mà được trời ban nhiều phúc đức.

Mặc dù từng trải qua khoảng thời gian khó khăn, vất vả, nhưng sau cùng tất cả đều được đền đáp xứng đáng. Nhiều người tuy không sinh trưởng trong gia đình sung túc, giàu có nhưng lại có đầy đủ bản lĩnh và đức tính tuyệt vời để có thể gặt hái được nhiều thành công trong tương lai.

Bước vào giai đoạn trung vận, những người này không chỉ thành công mà ngày càng giàu có sung túc. Nhìn chung, cuộc sống của họ khá viên mãn sung túc, bất kể là sự nghiệp, hôn nhân hay tài vận, mọi thứ đều rất hoàn mỹ; là niềm ao ước, ngưỡng mộ của nhiều người.

SẮM LỄ CÚNG MÙNG 1, NGÀY RẰM THÁNG 3 ÂM LỊCH

Lễ cúng vào ngày mùng Một (lễ Sóc) và lễ cúng vào chiều tối ngày Rằm (lễ Vọng) thường là lễ chay: Hương, hoa, trầu cau, quả, tiền vàng. Ngoài lễ chay, các gia đình cũng có thể cúng thêm lễ mặn vào ngày này gồm: Rượu, thịt gà luộc, các món mặn.

Sắm lễ ngày mùng Một và ngày Rằm tháng Ba âm lịch chủ yếu là thành tâm kính lễ, cầu xin lễ vật có thể rất giản dị:

  • - 1 hũ rượu
  • - 1 lọ hoa tươi
  • - 1 đĩa quả tươi
  • - 1 cốc nước
  • - Trầu, cau

VĂN KHẤN MÙNG 1 THÁNG BA ÂM LỊCH 

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương

Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần
Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân
Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long Mạch
Con kính lạy các ngài Ngũ phương Ngũ thổ, Phúc đức chính Thần
Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ tài thần
Con kính lạy các ngài Tôn thần cai quản trong xứ này

Hôm nay là ngày........ tháng..... năm ....... 
Tín chủ con là ......................................................
 
Ngụ tại........................ cùng toàn gia quyến thành tâm sửa biện hương hoa, lễ vật, kim ngân trà quả đốt nén hương thơm dâng lên trước án.
 
Chúng con thành tâm kính mời: Ngài Kim Niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ Địa, Long Mạch, Tôn thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong xứ này.

Cúi xin các Ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia bình an, công việc hanh thông, lộc tài thăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Giãi tấm lòng thành cúi xin được phù hộ độ trì và chứng giám.

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô A Di Đà Phật!

Cẩn cáo!

VĂN KHẤN NGÀY RẰM THÁNG BA ÂM LỊCH

Dưới đây là bài cúng theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin được nhiều người sử dụng trong dịp lễ Rằm tháng 3.

Con kính lạy Hoàng thiên hậu Thổ chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy Cao Tằng Tổ khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại

Tín chủ (chúng) con là:………………………………….Tuổi:………………

Ngụ tại:………………………………………………………………………………….

Hôm nay là ngày Rằm tháng 3, tín chủ chúng con thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài Thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ………………, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng. Xin các ngài độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Phục duy cẩn cáo!

******************************

CÁC NGÀY LỄ QUAN TRỌNG TRONG THÁNG 3 ÂM LỊCH

Tháng 3 Âm lịch có 2 ngày lễ lớn đều mang ý nghĩa tưởng nhớ nguồn cội, tổ tiên, thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta là Tết Hàn Thực và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. 

Tết Hàn Thực (03/03 Âm lịch)

Tết Hàn Thực diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch mỗi năm, là ngày tết ăn đồ lạnh có nguồn gốc từ một câu chuyện xa xưa tại Trung Quốc vào thời Xuân Thu Chiến Quốc (770 - 221 TCN). Khi truyền thuyết này du nhập vào Việt Nam, Tết Hàn Thực đã được hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay tháng 3 ở nước ta và trở thành một ngày lễ mang ý nghĩa tâm linh khác biệt, phản ánh đặc trưng văn hóa cũng như lối sống riêng của người Việt. 

Xem thêm: Tết Hàn Thực 2022 là ngày nào? Văn khấn, cỗ cúng, cách làm bánh trôi bánh chay nhanh nhất

Giỗ Tổ Hùng Vương (10/03 Âm lịch)

Giỗ tổ Hùng Vương là một ngày lễ trọng đại của người Việt Nam. Đây là ngày hội truyền thống để dân ta tưởng nhớ đến công lao dựng nước vĩ đại của các Vua Hùng. Nghi lễ truyền thống được tổ chức vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch bao gồm hai hoạt động là lễ rước kiệu và lễ dâng hương tại Đền Thượng (nằm trong khu di tích lịch sử Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ). Về phần hội, trước đó hàng tuần sẽ có rất nhiều các hoạt động giao lưu văn hóa, trò chơi dân gian được tổ chức để thu hút người dân và du khách đến với lễ hội. 

Theo quy định của Bộ luật Lao động, người lao động được nghỉ 1 ngày nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương mà vẫn hưởng nguyên lương. Năm nay lịch nghỉ sẽ rơi vào thứ Tư ngày 21 tháng 4 Dương lịch. 

CÁC NGÀY ĐẠI TIỆC TỨ PHỦ TRONG THÁNG 3 ÂM LỊCH

+ Ngày 02/3: Tiệc Cô Bé Cửa Suốt

+ Ngày 03/3: Tiệc Mẫu Liễu Hạnh ( Tiệc Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên)

+ Ngày 06/3: Tiệc Vương Tử Đệ Nhị Trần triều Hưng Hiến Đại Vương;

+ Ngày 07/3: Tiệc Cậu Bé Đồi Ngang (Cậu bé quận Đồi Ngang)

+ Ngày 14/3: Tiệc Chầu Đệ Tứ Khâm Sai

+ Ngày 17/3: Tiệc Chầu Bát Nàn (hay còn gọi là Chầu Tám, Chầu Bát - Đông Nhung Đại Tướng Quân - đền Tiên La- Thái Bình)

CÁC LỄ HỘI TRONG THÁNG 3 ÂM LỊCH 

Du lịch trong nước và tháng 3 bạn sẽ bắt gặp các lễ hội văn hóa tiêu biểu sau:

1. Lễ hội Yên Thế (16/3)

Địa điểm: Phồn Xương, Bắc Giang

Lễ hội Yên Thế được tổ chức tại Phồn Xương – đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế do Đề Thám trực tiếp chỉ huy trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Vào những ngày diễn ra lễ hội, có rất đông người dân địa phương và du khách đổ về trẩy hội, tham gia hội hoá trang, diễu hành và tái hiện cuộc khởi nghĩa Yên Thế, múa kỳ lân. Sau lễ là hội, các trò vui chơi, giải trí được tổ chức.

2. Lễ hội Đình Bảng (12 – 16/03)

Địa điểm: Đình Bảng, Bắc Ninh

Hàng năm lễ hội Đình Bảng được tổ chức để tưởng nhớ 3 thiên thần là Cao Sơn Đại Vương (thần núi), Thuỷ Bá Đại Vương (Thần Nước), Bạch Lệ Đại Vương (thần Đất) và 6 vị nhân thần là 6 vị tổ của 6 dòng họ có công dựng lại làng sau cuộc tàn phá của quân Minh vào thế kỷ XV.

Đặc biệt, du khách tham dự lễ hội còn có cơ hội tìm hiểu về những nghi lễ được gìn giữ nhiều đời với lễ tế, lễ dâng phẩm vật…gợi lại quá trình mở đất, mở làng từ thuở xa xưa. Đặc biệt, những trò chơi dân gian mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc như: Chọi gà, thả chim bồ câu, hát tuồng, diễn chèo, hát đối đáp,…ở lễ hội Đình Bảng luôn gây ấn tượng sâu sắc với du khách.

3. Lễ hội Tháp Bà (Từ 20 – 23/3)

Địa điểm: Khu tháp Pô Nagar, Tp. Nha Trang, Khánh Hoà

Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của tỉnh Khánh Hoà để tưởng niệm Nữ thần Mẹ Xứ Sở (tiếng Chăm là Po Inưnơgar). Theo truyền thuyết, Mẹ Xứ Sở chính là người phụ nữ đã có công tạo lập xứ sở, duy trì nòi giống, tìm ra cây lúa, dạy cày cấy trồng trọt.

Nghi lễ có 2 phần:

  • Ngày 20/3 gồm lễ thay y, tháo bỏ xiêm y, mũ miện cũ, tắm tượng Nữ thần bằng nước lá thơm và thay mũ miện mới.
  • Ngày 23/3 diễn ra lễ cầu cúng hết sức trang nghiêm, ca ngợi công đức Mẹ Xứ sở và cầu cho dân an, ấm no.

Du lịch Nha Trang, tham dự lễ hội Tháp Bà, sau phần lễ du khách sẽ được hòa mình cùng hội múa dâng bông, hát bộ, diễn ra các tích tuồng,… rất ấn tượng.

4. Lễ cúng Cá Ông (15/3)

Địa điểm: Các làng chài thuộc tỉnh Bình Định, Đà Nẵng, Phú Yên,…

Tục thờ cá Ông ở các làng chài không chỉ thể hiện sự tôn kính với thần linh mà còn cầu mong sự hưng thịnh, no đủ cho làng chài. Lễ hội cá Ông thường được tổ chức vào trung tuần tháng 3 âm lịch tại những làng chài ở Bình Định, Đà Nẵng, Phú Yên,…

Trong ngày đầu tiên, mọi gia đình đều bày hương án để tế lễ cá Ông. Sáng hôm sau dân làng làm lễ rước cá Ông trên biển. Trong buổi lễ long trọng này thường có dàn nhạc dân tộc, hát bội. Đặc biệt, tất cả tàu thuyền trong làng đều tập trung về bến để tham gia lễ cúng cá Ông của làng mình.

5. Hội Đua Voi (tháng 3)

Địa điểm: Buôn Đôn, Đắk Lắk

Hội Đua Voi Đắk Lắk thường được tổ chức ở Buôn Đôn hoặc tại những cánh rừng dòng ven sông Sêrêpôk huyền thoại. Bãi đua voi được chọn chính là những bãi đất rất rộng lớn và bằng phẳng, ít cây, đủ để 10 con voi chạy cùng một lúc, kéo dài khoảng 2km.

Du lịch Tây Nguyên trong tháng 3, du khách sẽ được hòa mình cùng lễ hội vô cùng sôi động này. Kết thúc một hồi tù và từng tốp voi vào vạch xuất phát, sau đó cùng thi nhau phóng về phía trước trong tiếng chiêng trống và tiếng vỗ tay, hò reo cổ vũ vang dội cả núi rừng.