04/06/2021 11:47 View: 7091

Thiên nhãn là gì? Nguồn gốc & ý nghĩa

Thiên Nhãn thị hiện nơi đâu thì báo hiệu nơi ấy có nền Chân Đạo xuất thế. Ánh Đạo quang chiếu diệu xua tan bóng tối vô minh, đem lại sự thật, sự cứu rỗi cho chúng sinh đang trong cảnh khổ não khốn cùng.

thien nhan, thien nhan thong

Tranh minh hoạ từ Thần Tiên Trích Lục - HUN

Thiên nhãn là gì? 

Thiên nhãn – mắt thần được biết tới là khả năng nhìn thấu quá khứ, biết trước tương lai, con mắt của tâm linh huyền bí, của ma thuật và sự mầu nhiệm.

Nguồn gốc của thiên nhãn

  • - Thiên Nhãn xuất hiện khi vũ trụ hình thành, tượng trưng cho ánh Đạo quang từ bi thiên lương sáng soi khắp cả vũ trụ.
  • - Thiên Nhãn thị hiện nơi Bạch Ngọc Kinh phía trước ngôi Thái Cực Đại Linh Quang, là hình ảnh tượng trưng của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Hình dạng và các tính chất đặc trưng của thiên nhãn

Thiên Nhãn mang dáng dấp của mắt trái, vì trái tượng trưng ngôi Dương, phải tượng trưng ngôi Âm. Vì thế Thiên Nhãn hiển thị mắt trái ý chỉ về sự vận hành của vũ trụ mang tính dương, sinh sôi nảy nở, phát triển tinh tấn ngày thêm tận thiện tận mỹ.

Thiên Nhãn thị hiện nơi đâu thì báo hiệu nơi ấy có nền Chân Đạo xuất thế. Ánh Đạo quang chiếu diệu xua tan bóng tối vô minh, đem lại sự thật, sự cứu rỗi cho chúng sinh đang trong cảnh khổ não khốn cùng.

Có nhiều nơi trên thế giới dùng biểu tượng Thiên Nhãn để tôn thờ Đấng Tạo Hóa, tánh thiên lương minh chánh, trí tuệ từ bi của bậc giác ngộ.

Thiên Nhãn là biểu tượng tín ngưỡng thờ Đức Thượng Đế Chí Tôn của Đạo Cao Đài.

Vào khoảng năm 1921, sau khi được tham dự mấy đàn cơ Tiên, ông Ngô Văn Chiêu được Tiên Ông dạy suy nghĩ biểu tượng để thờ. Ông suy nghĩ nhiều lần nhưng chưa ra, lại nguyện với Tiên Ông xin cho ông thấy dấu hiệu nào có thể thờ được. Sau đó ông được nhìn thấy một Thiên Nhãn xuất hiện giữa không trung, sáng soi với đủ hình ảnh Nhật Nguyệt Tinh. Ông hỏi Tiên Ông có phải muốn ông chọn biểu tượng Thiên Nhãn để thờ thì Tiên Ông nói phải. Từ đó ông Ngô văn Chiêu vẽ hình Thiên Nhãn và thiết lập bàn thờ tại tư gia của mình.

Năm 1926 Đạo Cao Đài được thành lập, biểu tượng Thiên Nhãn được dùng làm hình tượng thờ chính thức ở các thánh sở cũng như Thiên Bàn tại tư gia.

Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy các vị tiền bối Cao Đài làm một quả Càn Khôn có màu da trời, trên ấy vẽ Thiên Nhãn cùng 3072 ngôi sao để thờ nơi Tòa Thánh Tây Ninh.

Lời dạy của Đức Cao Đài Thượng Đế về việc thờ Thiên Nhãn

" Tại sao Thầy lại biểu các con tạo hình Thiên Nhãn mà thờ, không dạy thờ hình tượng như các tôn giáo khác ?

Thầy vốn là Hư Vô chi Khí, không giống cái chi hết. Các con chớ tạo hình Thầy mà thờ.

Trời là Lý, thì Lý ấy rất thông linh bao quát Càn khôn Thế giới. Thầy đâu phải có xác phàm như các con mà tạo hình thể như các con.
Nên chi, thờ Thiên Nhãn là thờ Thầy."
….….
“Chưa phải hồi các con biết đặng tại sao vẽ Thánh Tượng Con Mắt mà thờ Thầy, song Thầy nói sơ lược cho hiểu chút đỉnh:

Nhãn thị chủ Tâm
Lưỡng Quang chủ tể
Quang thị Thần
Thần thị Thiên
Thiên giả ngã dã

Thần là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày Ðạo bị bế. Lập Tam Kỳ Phổ Ðộ nầy, duy Thầy cho Thần hiệp Tinh Khí đặng hiệp đủ Tam Bửu là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh.

Các con nhớ nói vì cớ nào thờ Con Mắt Thầy cho chư Ðạo hữu nghe.

Phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật, từ ngày Ðạo bị bế, thì luật lệ hỡi còn nguyên, luyện pháp chẳng đổi, song Thiên đình mỗi phen đánh tản Thần không cho hiệp cùng Tinh Khí.

Thầy đến đặng huờn nguyên Chơn Thần cho các con đắc Đạo.

Con hiểu “Thần cư tại Nhãn”.

Bố trí cho chư Ðạo hữu con hiểu rõ. Nguồn cội Tiên Phật do yếu nhiệm là tại đó. Thầy khuyên con mỗi phen nói Ðạo, hằng nhớ đến danh Thầy.”
….…..

Trích Thánh Ngôn Hiệp Tuyển - Đạo Cao Đài:

Ngày 12-8-Bính Dần (dl 17-9-1926) tức là trước ngày Đại Lễ Khai Đạo 15-10-Bính Dần (dl 19-11-1926) một khoảng thời gian gần 2 tháng, Đức Chí Tôn giáng cơ dạy Ngài Phối Sư Thái Bính Thanh làm một Quả Càn Khôn để thờ Đức Chí Tôn nơi Bát Quái Đài, xin trích ra như sau:

"Bính!

Thầy giao cho con lo một Trái Càn Khôn, con hiểu nghĩa gì không?

Cười…

Một trái như trái đất tròn quay, hiểu không:

Bề kính tâm ba thước ba tấc (3m30) nghe con, lớn quá, mà phải vậy mới đặng, vì là cơ mầu nhiệm Tạo Hóa trong ấy, mà sơn màu xanh da trời, cung Bắc Đẩu và tinh tú vẽ lên Càn Khôn ấy.

Thầy kể Tam thập lục Thiên, Tứ Đại Bộ Châu ở không không trên không khí, tức là không phải tinh tú, còn lại Thất thập nhị Địa và Tam thiên Thế giới thì đều là tinh tú. Tính lại 3072 ngôi sao. Con phải biểu vẽ lên đó cho đủ. Con giở sách Thiên văn Tây ra coi mà bắt chước.

Tại ngôi Bắc Đẩu, con phải vẽ hai cái bánh lái cho đủ và sao Bắc Đẩu cho rõ ràng. Trên vì sao Bắc Đẩu, vẽ con Mắt Thầy, hiểu chăng?

Đáng lẽ trái ấy phải bằng chai, đút trong một ngọn đèn cho nó thường sáng. Ấy là lời cầu nguyện rất quí báu cho cả nhơn loại Càn khôn Thế giới đó, nhưng mà làm chẳng kịp thì con tùy tiện, làm thế nào cho kịp Đại hội, nghe à!"
….……..

Thiên Nhãn được nhắc đến trong cơ bút thi văn

- Cơ bút của Đức Diêu Trì Kim Mẫu

Treo đai ngọc đền vàng Long Hội,
Ớ con hiền bước vội đài sen.
Con ôi! Đây Mẹ đốt đèn,
Gắng đi tận đến bệ tiền Trời ban.

Người làm việc gian nan lắm nỗi,
Người thảo ngay sớm tối khổ đau.
Ma vương chen lấn Đạo Cao,
Đốt đèn trí huệ, đừng nao tấc lòng.

Nhớ hai chữ Đại Đồng nơi dạ,
Rằng thệ đường một ngả không hai.
Quyết đi tận đến kỳ khai,
Vào trường Long Hội gặp ngày định phân.

Con dầu gặp trăm lần cay đắng,
Nguyện với Thầy dìu dẫn giùm con.
Chẳng cho đạo đức hao mòn,
Chẳng cho mực lộn với son đổi màu.

Trống đã giục con nào lơi dạ,
Thúc hối mau bươn bả kịp kỳ.
Bóng đèn dẫn đến trường thi,
Lẽ nào con lại tách đi về đời.

Tay rạch đất con ôi trẻ nhớ,
Ngước mặt lên phú có cao xanh.
Con ghi nơi dạ làm lành,
Dốc lòng đoạt đặng bảng danh đại đồng.

Nay con nắm ấn rồng Thượng Phụ,
Ngậm phù linh đặng giữ lòng con.
Trăm năm con cứ giữ tròn,
Nếu con bội tín, thân con tan tành.

Nhớ Mẹ già cung xanh đợi trẻ,
Tả tâm thơ thỏ thẻ bên con.
Bài nầy Mẹ chép bút son,
Để làm kỷ niệm cho con học đòi.

Gặp cảnh khổ cho con bớt khổ,
Dầu lao tâm ấy số tiền căn.
Lời Thầy đã có dặn rằng,
Hữu chung hữu thủy đạo hằng đừng sai.

Lòng con nguyện Cao Đài gắng sức,
Diệt khảo lòng nắn đúc chí con.
Ấy là bài học để lòng,
Gặp khi nghịch cảnh long đong con phòng.

Hễ quên Mẹ, muốn trông thấy Mẹ,
Ngâm bài nầy có lẽ khuyên lòng.
Dặn con nhớ giống nhớ dòng,
Nhớ cùng bạn Đạo nhớ trong cảnh buồn.

Tình anh chị thịt xương một loại,
Hễ thương Thầy thì phải mến nhau.
Biết rằng không phải rún nhau,
Mà Thầy đem lại đổi trao mối tình.

Con thương Mẹ con nhìn lấy nước,
Ắt lòng con phải nhớ giống nòi.
Nhớ rằng thảo chúa ngay tôi,
Khuông phò đạo đức phục ngôi đại đồng.

Họa chữ Tâm trên dòng Thiên Nhãn,
Cho Ma vương chẳng dám lăng loàn.
Để con đường thẳng bước sang,
Khỏi ai trì kéo đặng an tinh thần.

Ve dáo dác xa gần rủ bạn,
Nhớ chị em lai láng lòng trông.
Nữ Nam coi cũng một dòng,
Trên Thầy giáo hóa tấc lòng không sai.

Ơn đức ấy con nay chạm dạ,
Đặng con lo đền trả đức nầy.
Mãn rồi lại hiệp cùng Thầy,
Giáo Tông sắc mạng tại nầy năm châu.

Trời đã tối cung lầu trống đổ,
Các thú chim tìm tổ nghỉ ngơi.
Các con thì cũng đua bơi.
Kẻo khi trễ bước ắt thời tối tăm.

Nguyện chí một dốc tầm chơn lý,
Không sai lòng nản chí người tu.
Dầu cho mưa nắng dãi dầu,
Thân con phú có trăng thu soi giùm.

Một lòng trọn thủy trọn chung,
Mực đen giấy trắng thệ lòng đừng sai.

- Cơ bút của Lục Nương Diêu Trì Cung

Nương Huệ Kiếm đoạn vòng oan nghiệt,
Thủ Thanh long đặng diệt tà tinh.
Thuyết đàn đã trổi thinh danh,
Thổi loa giục thức chúng sanh giấc nồng.

Đại Đạo mở Trời đông cứu thế,
Nắm tay nhau đoàn thể dắt dìu.
Tây đoài ác xế chín chiều,
Rừng hoang lạc bước ắt nhiều thú hung.

Nhìn Thiên Nhãn Huyền Khung Thượng Đế,
Mặc Đạo y dụng kế độ đời.
Tam Kỳ tự chủ là Trời,
Diệu huyền giáng bút để lời dạy khuyên.

Khá xem lấy tích Tiên sử Phật,
Trải thân cho gió dập mưa dồi.
Biển trần mặc sức sóng nhồi,
Từ thuyền tuông lướt giữa đời cứu dân.

Quan Thánh Đế Huỳnh cân dẹp giặc,
Trừ nịnh tà gian tặc giúp đời,
Xuân Thu bỉnh chúc nước người,
Giữ tròn nhơn nghĩa muôn đời sử nêu.

Lục Nương chị liều mình cứu nước,
Quân nghịch thù mua được thiêu thân.
Cũng vì thương nước thương dân,
Cầm binh lướt trận tấm thân sá gì.

Em lựa phải hờn chi tiếng quở,
Lo tìm phương ăn ở vừa người.
Vàng cao nào sợ lửa vùi,
Lửa cao đem thử vàng mười đẹp xinh.

Chị đến tỏ thiệt tình em rõ,
Luật Thiên điều mắc mỏ lắm thay!
Tùy lòng Cơ Tạo đổi xây,
Dùng phương thử thách dở hay mất còn.

Cơn bão tố thuyền con thủ phận,
Để chờ cơn tan trận phong ba.
Nương Thuyền Bát Nhã vượt qua,
Biển êm sóng tạnh mới ra giữa dòng.

Cơn gió vụt thuyền bong hải ngoại,
Phải lẹ tay bịn lấy dây lèo.
Giữ gìn tay lái tay chèo,
Giông to gió giật thân bèo sóng xao.

Chịu xuống thấp trồi cao mặt sóng,
Thương thân bèo bợn đóng rêu bao.
Nhọc nhằn thân chịu sóng xao,
Ngửa nghiêng vì nước, lao đao vì Trời.

Em khá nghiệm những lời chị tỏ,
Xét cho cùng hiểu rõ thi hành.
Chị thương em lắm nhọc nhằn,
Thấy thân em khổ chẳng đành làm thinh.

Em muốn đặng thân vinh Cực Lạc,
Phải chịu cơn gió tạt sương lồng.
Quản chi đông lạnh thu nồng,
Gìn tròn trách nhậm, đảo Bồng sau chung.

Cây muốn tịnh nhành rung vì gió,
Trăng ánh mờ mất tỏ vì mây.
Trái oan buộc chặt vì dây,
Cũng vì phàm thể nhục thây giục người.

Làm sao thế đừng cười chẳng thị,
Làm sao cho kẻ vị người kiêng.
Làm sao nêu đặng bảng Tiên,
Làm sao Bạch Ngọc triều Thiên đặng chầu.

Làm sao cả đâu đâu tôn tặng,
Làm sao cho người đặng yêu thương,
Làm sao rõ mặt hiền lương,
Làm sao thoát khỏi tai ương cõi trần.

Khuyên em phải thuận vâng chiều lụy,
Khuyên em lo đoạt vị tranh ngôi.
Khuyên em bền chí chớ thôi,
Khuyên em khá biết Ngũ Lôi chẳng vì.
….…..

Tam Giới Toàn Thư