Người đời quan niệm rằng càng có nhiều người đến giựt trong lễ cúng cô hồn thì sẽ càng có nhiều lộc. Chính vì vậy mà không chỉ trẻ em, các thanh niên cao to lực lưỡng cũng kéo hội kéo bè đi giựt đồ cúng cô hồn rầm rộ. Vậy việc giựt cô hồn có mang lại nhiều tài lộc thật không? Đồ cúng cô hồn có ăn được không? ... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu.
Cúng cô hồn ngày xưa để trẻ con, người nghèo trong xóm giật, mang ý nghĩa bố thí, làm phước
Giựt cô hồn là gì?
Tháng 7 âm lịch hàng năm, nhiều gia đình phát tâm công đức tạo phước nên tổ chức cúng thí thực cho cô hồn ngạ quỷ. Qua buổi lễ này, thì những cô hồn sẽ nhận được thức ăn, tiền bạc đi đường để thực hiện công việc của mình với mong cầu được siêu thoát và đầu thai làm người. Trước khi kết thúc buổi lễ, chúng ta thường thấy gia chủ bê ra một mâm lễ gồm có: tiền lẻ, bỏng ngô, khoai luộc, bánh, kẹo,... ra ngoài đường để trẻ con tranh cướp nhau. Đây chính là những đồ ăn đã cúng những linh hồn đang chịu đói, sau khi cúng sẽ được chia ra. Quá trình tranh cướp đồ ăn này chính là tục lệ giật cô hồn. Người đời quan niệm rằng càng có nhiều người đến giựt thì sẽ càng có nhiều lộc, và đồ ăn giật được thì đều có thể ăn uống bình thường, không phải lo lắng điều gì cả.
Theo độc giả Kim: "Tui ở hẻm *** Bùi Đình Túy. Năm đầu tiên mới tới ở không có ai giựt tui buồn ghê gớm. Sau đó tui canh me kêu 1 đứa nhỏ giựt giùm. Những năm sau quen hơn nên mỗi khi bắt đầu bày bàn cúng cô hồn thì vài ba đứa trẻ thấy sẽ rụt rè đứng nhìn. Tui liền nói con đi gọi bạn bè thêm đi vì bọn nhỏ ở đây nhát lắm. Thắp nhang khấn vái xong là phải ra hiệu cho mấy bé lấy mà còn bị nói là mình phải chờ cho nhang tàn đã chứ cô. Được cho phép thì 1 đứa lớn đại diện tới chắp tay xá 3 cái, gỡ nhang ra cắm lên gốc cây bên cạnh, rồi bưng những thứ có vẻ có giá trị nhất để lại cho gia chủ, sau đó mới bắt đầu cùng nhau giựt bánh, kẹo, mía. Lần nào tui cũng phải nhắc cho tụi con hết luôn đó thì cả đám mới reo hò mừng rỡ bưng cả mâm đi. Sau khi chia nhau thưởng thức hết sẽ có màn bấm chuông kêu cô ơi cho con gửi lại cái mâm. Thiệt là dễ thương và tui nghĩ đó là văn hóa giựt cô hồn của miền nam từ xưa đến giờ."
Như vậy, việc giành giựt đồ cúng trong lễ cúng Cô Hồn là một hành động, một nghi thức mà người dương bắt chước các hành vi của các vong linh đói khát. Tức là chúng ta đang cố gắng đóng một vở kịch, ra vẻ đói khổ, tham lam, bỏn xẻn, tranh giành để lấy được thức ăn. Tuy nhiên, việc giựt cô hồn hiện nay lại đang vô tình làm cho người âm họ phẫn nộ cực độ.
Tại sao giựt cô hồn làm người âm phẫn nộ?
Ở cõi âm cũng như cõi dương. Người thiếu phước thậm chí thiếu đến mức bức bách thì cái đói và khát luôn bám đeo. Còn nếu bản thân tự có phước rồi thì dù ở cõi âm hay cõi dương thì cái ăn, cái uống của chúng ta đều được làm chủ tự tại ít bị lệ thuộc vào người khác.
Ở ngoài đường có rất đông các vong linh vất vưởng. Có khi họ lang thang cô độc một mình, ta gọi là Cô Hồn. Có khi họ tụ tập thành phe nhóm rất đông, ta gọi là Các Đảng. Tại sao họ thiếu phước? Vì tâm họ từ lúc sống không tốt? Tại sao lại không tốt? Vì tâm chỉ toàn sân si, cố chấp, bỏn xẻn, tham lam... nên khi chết quả báo căn bản nhất phải là đói và khát. Trong cái đói và khát không dừng đó, họ trở nên bấn loạn, sân hận và mù mờ. Nên khi ai đó giả lập nên việc cúng cô hồn như vậy họ cảm thấy bị trêu trọc. Họ nhìn thấy những người dương đang sống yên lành tự nhiên bị kích động giành giật, bỏn xẻn với nhau chỉ vì vài món thức ăn và vài đồng tiền. So với họ, những người dương có phước hơn. Giống như việc một người không bị què mà tỏ ra què để chăm biếm người tàn tật. Cảm giác mà các vong linh đói khổ phải cảm nhận là cực kỳ khó chịu trước thái độ của người dương.
Có những buổi cúng cô hồn mà máu đã đổ vì người ta đánh đập nhau điên loạn, cảnh tượng giành giật nhau cực kỳ bất tịnh và hạ đẳng. Người tổ chức Cúng Cô Hồn thì cũng tổn phước rất nặng vì đang ủng hộ mê tín. Người tham gia Cúng Cô Hồn thì cũng tổn đức sạch vì bị kích động tham sân. Để rồi sự bức bách dành cho người cõi âm là chưa bao giờ chấm dứt.
Biến tướng của tục giựt cô hồn
Việc giành giật khi Cúng Cô Hồn là một niềm tin dân gian truyền đời đang dần bị biến tướng, sai lạc.
"Ngày trước người dân chỉ cúng trái cây, cháo trắng, nước, chum rượu trắng, vàng mã. Bây giờ, đời sống khấm khá hơn, trên mâm cúng các gia chủ hào phóng "bố thí cho các linh hồn" thêm con gà hay một con heo sữa quay, những xấp tiền lẻ mới cóng xếp đầy quanh mâm".
"Có lẽ vì giá trị đồ cúng cô hồn tăng lên nên văn hóa “giật cô hồn” có những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Chính vì vậy mà người đi giật cô hồn không còn là những trẻ con mà có cả người lớn. Vì vậy hành động cướp giật đồ cô hồn có phần bạo dạn hơn trước đây. Điều này làm cho không ít các gia chủ tức giận, hoảng hốt khi đang lom khom cúi vái thì bị cả đám thanh niên, nam nữ đổ xô vào bê nguyên cả mâm cúng", bạn đọc Quốc Anh chia sẻ thêm.
Còn bạn đọc Công Minh bày tỏ: "Cúng cô hồn ngày xưa để trẻ con, người nghèo trong xóm giật, mang ý nghĩa bố thí, làm phước. "Giật" lúc đấy cũng là đua tranh náo nhiệt trong không khí tưởng chừng ảm đạm của tháng 7 Âm lịch. Bây giờ người giật là một đội ngũ hùng hậu thanh thiếu niên, người cúng mà sơ xuất một chút là bị "giật" ngay từ khi chưa trưng xong mâm chứ đừng nói đốt nhang. Ngẫm thử người có chút lòng tự trọng hay có công ăn việc làm (chỉ cần là công nhân, phụ hồ thôi) thì ai giành ai giật, ai hốt ai tranh những của ấy".
Những cuộc giật cô hồn kiểu "xã hội đen" gây khiếp đảm
Độc giả Ngô Thanh Lương: "Ngày xưa nhìn cúng lễ mà chưa được cho thì đố đứa trẻ con nào bén mảng, phần vì sợ, phần vì trong tiềm thức cảm thấy tâm linh rất tôn nghiêm. Hiện giờ thanh thiếu niên đi ngang qua thấy là nhào vào giật rồi, thế này thì nên dẹp, chứ còn chưa cúng - cô hồn chả được hưởng toàn cô hồn sống cố giựt cho lấy nhiều. Chắc một phần cũng vì giá trị tâm linh trong xã hội bây giờ bị mai một, người ta chẳng coi việc cúng bái là trang trọng như xưa nữa."
"Giờ chưa cúng nhưng mấy thanh niên đi ngang qua thấy là nhào vào giật rồi chứ hồi xưa còn trẻ còn mình phải đứng chờ nhang tàn gần hết, họ cho giật mới giật. Lúc đó thì cả đám trẻ con tranh nhau rất vui...giờ thì rất sợ những đám đông như thế. Rất dễ xảy ra án mạng". - bạn Ngọc Đức chia sẻ
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch viết: "Nhà chị bạn cúng cô hồn trong xóm, mâm cúng dọn lên, đứng vái chưa xong vong linh người đã khuất thì đã có nhiều người, già trẻ đều có đứng bu đen trước cổng.
Thắp xong cây nhang, vừa mở cửa thì cả nhóm bên ngoài đã nhào vào giành giật, chen chúc, hất tung cả mâm cúng lật úp, đồ đạc vương vãi, tung toé. Léo nhéo trong tiếng la ó của phụ nữ, đàn ông và trẻ nhỏ, nghe rõ được vài câu.
- Đ* mẹ, không có tiền mà cũng cúng làm chi.
- Nhà to mà cúng gì keo như chó.
- Mấy cái này quăng đi chứ đem về làm chi...
- Mắc công đứng chờ nãy giờ.
Nhóm người vừa chửi có cả mấy chị có bộ vòng vàng cả khúc như mượn cô ba Vàng Ngọc đeo chơi. Chị bạn lắc đầu, ngán ngẩm.
Mình cười, thôi, chị cúng cô hồn vầy là linh ứng lắm, vừa cúng họ giật liền, linh ứng quá còn gì...
Thiệt, nghĩ nó chán..."
Đội quân thanh niên hùng hậu chờ giựt cô hồn náo loạn cả một góc đường
Trong Đạo Phật cũng không hề khuyến khích như vậy. Đối với người Phật Tử việc chăm lo cho các vong linh đói khát ( Cúng Thí Thực ) cũng không khác với việc chăm sóc người nghèo, khổ ở cõi dương. Mà muốn chăm lo cho họ thì trước tiên phải nâng phẩm giá họ lên cái đã. Nâng lên bằng các nghi thức nghiêm chỉnh đàng hoàng, bày biện thức ăn ở trên cao chứ không phải rãi gạo và cơm xuống đất một cách khinh miệt. Rồi nhờ lòng từ bi của chính mình cũng như nhờ uy lực của kinh kệ mà khiến họ được đến ăn một cách bình tĩnh, nghiêm túc chứ không phải tranh giành, xô đẩy nhau.
Sau đó, khi họ bớt đói rồi, tâm họ an ra thì ta bắt đầu tụng lên những bài kinh cao quý, phát lên những lời chú nguyện dành cho họ để từ đó họ hồi tâm, chuyển ý mà khởi lên lòng Tôn Kính Phật, tâm sám hối, tâm từ bi, tâm khiêm hạ... từ đó mà có công đức để thoát cảnh điêu linh. Công đức của việc Cúng Thí Thực rất đáng kể. Vì nghi thức đó chính là nghi thức nâng phẩm giá của người âm. Xa hơn nữa, lớn hơn nữa là chúng ta lập các Đàn Cầu Siêu Chẩn Tế để nương nhờ uy đức của Chư Tăng tu hành, nương nhờ sức hộ niệm của đại chúng và sức thần của Tam Bảo mà thu hút hàng chục ngàn vong linh quy tụ về chùa để nghe kinh, được ăn no đủ và được giáo giới bởi Chư Thiên Bồ Tát trong cõi siêu hình.
Muốn giúp một người thành công hơn thì chúng ta phải giúp họ tạo phước.
Mà muốn giúp họ có khả năng tạo phước thì chúng ta phải giúp họ no đủ cái đã ( dùng phước của mình để làm cho chúng sinh đỡ bức bách ). Mà muốn giúp họ no đủ cái đã thì chúng ta phải có tấm lòng ( Đạo Đức ) và kiến thức đúng đắn ( Chánh Kiến ) trước để biết cách nào mà giúp cho đúng. Đối với việc giúp người âm cũng vậy.
Khi cái gốc của cây hư thì thân cây cũng chết. Khi móng của ngôi nhà rung lắc thì ngôi nhà bên trên sụp đổ. Khi cõi âm nhiễu loạn câm phẩn thì cõi dương bất an nguy kịch. Chúng ta hãy cùng chung tay giúp đỡ những hương linh ở cõi âm một cách đúng đắn nhất để cho cõi âm an ổn và cõi dương sẽ thịnh vượng.
NGƯNG GIẬT CÔ HỒN CŨNG LÀ TÔN TRỌNG CÕI ÂM.