04/06/2021 11:41 View: 1323

Truyện dài kỳ: Dì ghẻ (Tập 25)

Cái cách mà mụ Hường tách Nam ra khỏi những người thân vốn dĩ là của nó là một thủ đoạn thật sự khó có thể tưởng tượng được. Một thằng bé 16 tuổi Tưởng đâu khi bố đón hai anh em nó về nó sẽ được bù đắp lại cái gọi là tình cảm gia đình. Nhưng không phải như vậy, không những không được sống trong hạnh phúc mà giờ đây Nam còn bị chính người vợ hai của bố nó cướp mất đứa em gái nó hết mực yêu thương.đã mất mẹ, sau khi mẹ rời xa nó người quan tâm chăm sóc cho nó nhất là ông ngoại cũng đã bỏ nó mà đi.

di ghe tap 25, truyen truong le

Nó đạp xe mà đầu óc nó không cam chịu, tại sao nó lại bị đối xử như vậy….?

“ Rầm”

Trời tối, đoạn đường vắng không có ánh đèn, xe của nó đâm vào một viên đá chắn ngang giữa đường. Cả người lẫn xe ngã nhào ra đất, đầu gối rướm máu, chiếc xe đạp cũ bị va đập mạnh méo mó cả tay lái. Nó cố gượng dậy dựng xe lên, tuy đau nhưng làm sao đau bằng cái cảm giác bị ruồng rẫy ban nãy. Bà ngoại, nó nghĩ ngay đến bà ngoại, nó muốn chạy về nhà để được sà vào lòng bà kể hết mọi ấm ức. Giờ đây với Nam chỉ có bà ngoại là người thân duy nhất còn lại.

Đạp về đến ngõ nó thấy bóng điện ngoài sân vẫn bật sáng, đã 8h tối nhưng trong sân là hình dáng bà ngoại đang đi lại đợi nó về. Thấy trên ngõ có tiếng bóp phanh kêu kít kít bà ngoại mắt kém không rõ là ai, bà bước vội ra phía cổng, Nam thấy bà thì vội nói:

- - Sao bà lại ở ngoài này, trời lạnh thế cơ mà..?

Bà vội mở cổng cho nó rồi cười:

- - Thì bà đang đợi mày về chứ sao nữa, sao hả cháu con bé Hạnh thế nào rồi…? Cháu có gặp được em không..? Nhanh nhanh vào nhà kể cho bà nghe.

Thằng Nam dắt xe vào trong sân, thấy nó đi cà nhắc, cái xe thì kêu lọc cọc bà ngoại lo lắng:

- - Làm sao vậy cháu, lại bị thằng bố mày đánh à...Chân làm sao, đưa bà xem nào..?

Nam dựng xe rồi quay lại nhìn bà nói như mếu:

- - Không..không ạ, cháu bị ngã xe thôi...Nhưng, nhưng bà...ơi...cái Hạnh..nó...nó..

Bà ngoại thấy cháu như thế thì cũng đã đoán được cháu vào nhà bố tối nay đã xảy ra chuyện gì. Hai bà cháu đi vào nhà, bà ngoại gặng hỏi:

- - Làm sao mà ấm ức đến như thế..Hay lại bị con dì ghẻ kia nó chửi phỏng…?

Nam ngồi xuống cạnh bà rồi kể:

- - Cái Hạnh nó không nhận cháu bà ạ, nó gọi bà kia là mẹ rồi...Nhìn thấy cháu nó không dám ra..Nó còn khóc thét lên vì sợ..Mà cháu có làm gì nó đâu...Cháu chỉ mang bánh kẹo vào cho em thôi mà.

Bà ngoại nghe qua câu chuyện cũng không hiểu rõ ngọn ngành ra làm sao, cũng khó mà hiểu được vì đâu ai biết được mụ Hường lại tác động lên con bé như thế. Bà ngoại an ủi nó:

- - Hay tại lâu quá cháu không vào gặp em nên nó quên rồi, trẻ con mà ngày bé các bác ít sang nhà mình mày cũng thế.

Nam nói:

- - Không đâu bà ơi, nó nhìn cháu mà nó còn nấp đi cơ mà. Bà kia còn bảo cháu em nó sợ thì từ giờ đừng vào đây nữa, để cho nó học.

Bà ngoại mặt buồn bã nói:

- - Thế bố cháu luc đó có nhà không..?

Nam trả lời:

- - Dạ xe ở nhà nhưng cháu không thấy bố.

Bà ngoại hỏi tiếp:

- - Thế em nó có khỏe không..?

Nam đáp:

- - Nó khỏe bà ạ, cháu thấy nó ngồi xem tivi với con bà kia, thấy nó cũng quý bà kia lắm. Chắc nó sống ở đó sung sướng nên không thèm gặp anh nữa rồi.

Bà ngoại xoa đầu Nam nói nhỏ:

- - Cháu đừng nghĩ thế tội cho em, nó còn nhỏ không hiểu gì đâu. Trẻ con mà, ai đối xử tốt với nó thì nó quý thôi, cũng may em cháu nó vẫn khỏe. Nếu mà con mụ kia nó chăm sóc tốt cho em cháu thì cũng mừng. Bà chỉ sợ con bé bị phân biệt đối xử, bị hành hạ. Chỉ mong sao mụ dì ghẻ biết sợ bố mày mà không động đến nó. Cháu lớn rồi cháu còn biết chứ con bé mới có 6-7 tuổi…..

Nam vẫn cảm thấy ấm ức, nó nói:

- - Nhưng nó còn gọi bà ấy là mẹ...Cháu chỉ có một mẹ thôi.

Bà ngoại lắc đầu khẽ giải thích:

- - Ở với người ta thì cũng phải gọi thế chứ cháu, còn cả bố cháu nữa. Gọi người ta một tiếng mẹ mà nó đối xử tốt với em mình, cháu mình thì cũng không sao cả. Nếu cháu đến nhà đó mà ấm ức như vậy thì thôi lần sau không đến nữa, đến đó mà bố mày cũng có muốn gặp đâu. Cứ đến mãi rồi có khi nó lại trút giận lên con bé. Bà cũng nhớ nó lắm, giờ ít ra mày về đây ở với bà bà còn biết cháu như nào, con kia cả tháng, cả năm không gặp bà lo lắm chứ. Thôi, để hôm nào bà nói với bác Dung thi thoảng gọi điện cho bố mày hỏi thăm tình hình con bé cũng được. Bà cháu mình giờ nghèo để nó ở với bố được ăn học trường tốt, được chăm lo cũng tốt mà.

Thằng Nam gật đầu vâng dạ, nó xuýt xoa vì chỗ đầu gối trầy xước ban nãy. Bà ngoại bảo nó chịu đau đi rửa chân tay rồi vào bà bôi thuốc. Nam đi ra bể nước mà không biết rằng bà ngoại vừa khẽ lau nước mắt, nhìn nó bà đau đến cắt từng đoạn ruột. Bà ngoại biết Nam rất thương em gái, tuy ở đây nhưng có gì ngon lúc nào nó cũng nhớ đến em. Ngày mẹ mất con bé Hạnh vẫn ngây thơ không hiểu chuyện gì, nó đeo khăn tang lúc nào cũng ôm chặt em vào lòng vì nó biết mẹ ra đi thì nó là người phải bao bọc, che chở cho đứa em gái vụng dại. Vậy mà hôm nay thằng Nam bị em gái trốn tránh, tỏ ra sợ hãi khi nhìn thấy anh trai. Tuy ban nãy nó cố gắng không khóc nhưng trong lòng nó nước mắt đã bị nuốt ngược vào bên trong.

“ Mồ côi cha ăn cơm với cá. Mồ côi mẹ liếm lá dọc đường.”

Nhìn thằng Nam đang nghiến răng chịu đau khi dội nước vào vết thương bà ngoại thầm trách bố nó là ông Tuấn:

- - Sao con lại vô tâm đến thế hả Tuấn ơi.

Bà ngoại chợt giật mình khi Nam gọi:

- - Bà ơi cháu rửa xong rồi...Xót thật bà ạ.

Bà ngoại vẫy vẫy tay gọi Nam vào nhà rồi bôi thuốc cho nó rồi bà bảo nó đi ngủ sớm mai còn đi học, nhớ lại cái xe kêu lọc cọc ban nãy bà ngoại hỏi nó:

- - Mà chết, xe hỏng thế mai có đạp đi học được không..? Hay để bà bảo bác mang đi sửa, à mà sửa thì mai lấy gì đi học.

Nam cười:

- - Dạ nó kêu vậy nhưng vẫn đạp được bà ạ...Để mai cháu cố đạp ra trường, gần đó có quán sửa xe, cháu để đó họ sửa bao giờ học về rồi lấy.

Bà ngoại gật đầu rồi mở ngăn kéo tủ ra lấy 50 nghìn đưa cho nó rồi nói:

- - Vậy cầm tiền mai mà đi sửa xe, xe đấy cũng cũ quá rồi. Chắc bà phải nhờ các bác xem thế nào mua cho cháu cái xe cũ cũng được nhưng phải tốt một tí.
Nam không lấy tiền của bà, nó đáp:

- - Cháu vẫn còn tiền bà ạ, tiền bà cho, với tiền thi thoảng bác Dung với các cậu cho cháu cũng có tiêu gì đâu. Lúc nào hết cháu xin sau bà ạ.

Bà ngoại cười khen nó ngoan, bà dặn nó đi học xa đạp xe mệt sáng phải ăn sáng vào thì mới có sức. Nam đi ngủ, nằm mãi nó mới ngủ được, chỉ còn bà ngoại nghĩ tội thân cháu vẫn đang thức không tài nào chợp mắt. Bà ngoại sợ rằng không biết rồi đây hai anh em nó sẽ ra sao. Nếu không gặp con bé, mà con bé lại sợ không muốn gặp anh thì sau này có khi hai anh em lại không nhìn mặt nhau. Những nỗi lo lắng càng khiến bà ngoại suy nghĩ, bà thở hắt rồi nói:

- - Nó làm gì nên tội mà ông trời lại đày đọa nó như thế. Có chuyện gì ông cứ trút hết lên cái thân già này cũng được mà.

Trời chuyển giáp đông, thời tiết về đêm ngày càng lạnh dần. Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ chỉ có tiếng ho khù khụ của một bà lão đến cái tuổi lẽ ra phải được an hưởng thú đoàn viên bên con cháu thì giờ bà vẫn phải nặng lòng với những mối lo trăn trở bộn bề. Không phải các bác không lo cho bà, thực ra ai cũng bảo bà thích ở nhà ai thì các con sẽ đón mẹ về nhưng bà nhất mực không chịu, bà nói bà còn phải ở đây để hương khói cho ông. Rồi đến khi Nam về lại ở với bà thì bà sợ sẽ ảnh hưởng đến người khác, bà không muốn đến lúc về với bà mà lại phải chịu thêm mặc cảm. Dù sao các bác, các cậu ai cũng có gia đình riêng chính vì vậy bà không muốn đi đâu ngoài ngôi nhà của chính mình. Đối với bà bây giờ chỉ cố gắng làm sao nhìn các cháu mạnh khỏe vui vẻ là bà thấy mừng lắm rồi. Nhất là hai đứa cháu đã ở với ông bà từ thuở nhỏ. Tiếng ho càng lúc càng lớn rồi dần biến mất khi lúc này là 3h sáng ngoại mới chợp mắt.

Sáng hôm sau Nam dậy đi học, hôm qua tối trời nó không nhìn thấy, không ngờ cái xe đạp lại méo mó đến vậy Một bên tay lái cong hẳn đi làm nó lên xe đạp mà người cứ phải vẹo sang một bên. Nhìn nó đạp xe mà ai cũng thấy buồn cười, nó đang chật vật với cái xe thì có tiếng gọi ở đằng sau:

- - Nam ơi Nam, đợi tớ với…

Quay lại nhìn thấy Trang đang đạp theo sau mà tí nữa nó đâm vào lề đường. Trang đạp lên ngang nó rồi hỏi:

- - Xe cậu làm sao mà hỏng thế kia, đạp thế này bao giờ mới đến trường.

Nam trả lời cộc lốc vì ngại:

- - Bao giờ đến thì đến, nhiều chuyện quá..

Trang không nói gì, nó đạp nhanh về phía trước vọt qua Nam, Nam làu bàu:

- - Thế cho lành…

Đạp được tầm 100m nó thấy cái Trang đang dựng xe ở ven đường, cạnh một tiệm sửa xe - bơm vá. Đợi Nam đạp gần đến nói Trang nhảy ra chặn xe bắt Nam dừng lại rồi nói ;

- - Cho xe vào đây sửa đi, tớ với cậu đi xe tớ. Nhờ cậu nhiều rồi hôm nay đến lượt tớ giúp.

Nam lắc đầu:

- - Không, cố đạp đến trường rồi sửa ở quán gần đấy bao giờ về lấy luôn cũng được.

Trang gắt lên:

- - Đồ hâm, sửa ở đây rồi đi xe tớ cũng được. Khi nào về tớ chở cậu đến đây lấy xe cũng được chứ sao. Từ đây đến trường còn xa cứ đạp kiểu thế lỡ hỏng dọc đường thì dắt bộ à..?

Tất nhiên ý kiến của Trang là hợp lý, nhưng tính Nam ngoan cố, biết được như vậy Trang tự đông dắt xe Nam vào trong tiệm sửa xe:

- - Chú ơi, cháu để xe đây chú xem hỏng thế nào sửa cho cháu nhé. Trưa cháu về cháu lấy…

Chú sửa xe mới mở cửa đồ đạc còn chưa kịp bê ra ngoài gật đầu đồng ý, Nam vẫn đứng đó nhìn nhìn cái xe thì Trang nói:

- - Thế định đứng đấy bắt con gái chở à..? Lên xe nhanh không muộn học..

Nam bối rối đi lại gần rồi chở Trang đi học, chẳng hiểu sao ai cũng thấy sợ nó vì vết sẹo trên mặt chỉ có Trang là thấy nó bình thường, không những không sợ mà mỗi lần Trang nói nó đều không cãi được. Trang cũng là người bạn duy nhất trong lớp nó nói chuyện, không phải vì hai đứa ở cùng khu mà đúng ra cũng chỉ có Trang là hay bắt chuyện rồi tếu táo với nó. Không xác định được đó là thứ tình cảm rung động đầu đời hay như thế nào, chỉ biết rằng tuy nó luôn tỏ vẻ khó chịu mỗi khi gặp Trang nhưng trong lòng nó lại rất vui. Mỗi lần đối diện với cô bạn tinh quái, thông minh nó cảm thấy những chuyện buồn xảy ra với nó đã nguôi ngoai được phần nào.

Trên con đường tới trường không khí lạnh của mùa đông đang đến đã bị xua tan đi bởi những tiếng vỗ vào lưng, những tiếng cười của đôi bạn trẻ mỗi khi thằng Nam cố ý đạp nhanh:

- - Đi chầm chậm thôi, phanh không ăn đâu đấy

--------------------

Xem tiếp DÌ GHẺ tập 26

ĐỌC TRỌN BỘ DÌ GHẺ - TRƯỜNG LÊ 

Bản quyền thuộc về tác giả Trường Lê