04/06/2021 11:38 View: 20171

Nghiệp báo nghề giết mổ: Lợn, gà, trâu, bò, chó...

Nếu không phải là một người tin vào tâm linh, chắc hẳn bạn cũng chưa từng nghe qua nghiệp quả của nghề giết mổ. Nó được nhắc đến rất nhiều trong kinh Phật, với những cửa ngục tối tăm và hình phạt đầy đau đớn. Nhưng dù nghiệp quả của nghề giết mổ là gì, thì cũng rất mơ hồ nếu chỉ đọc qua sách vở. 

Bài viết hôm nay, Tamlinh.org sẽ gửi đến các bạn những câu chuyện tâm linh có thật, được chính người trong cuộc kể lại về nghề giết mổ. Hi vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn gần hơn với nghiệp sát sinh. 

nghiep bao nghe giet mo, sat sinh, giet ga, trau bo, lon, cho

Tất nhiên, có cầu thì sẽ có cung. Nếu không có ai làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm thì không thể có đủ lương thực để phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của con người. Nhưng có những con vật mang tính linh mà ta vô tình giết phải lại khiến ta mang nghiệp vô cùng nặng. 

Nghiệp báo nghề cháo lươn 

Từ một người có khả năng tâm linh:

"Tôi là một người mềm yếu trong tâm tưởng, không phải sợ phong ba bão táp cuộc đời lại bùng lên theo luật vô thường, mà tôi mềm yếu vì trong u minh tôi thấy quá nhiều cảnh khổ. Ôi, nếu bao nhiêu của cải, công trình trên cuộc đời này là một đống rác khổng lồ, thì cái dòng sống điệp trùng không hề ngưng nghỉ của kiếp nhân sinh là gì nếu không phải là một chữ Khổ to đùng?

Nhưng mà, thử hỏi mấy ai trong đời nhìn ra cái khổ truyền đời xuyên kiếp ấy? Chúng ta đến cuộc đời này, rốt cuộc để làm gì đây? Lặn hụp tranh đua suốt một đời, đến khi rời thế tay trắng thôi, tranh tranh đoạt đoạt rồi cũng chết, Diêm Vương hỏi đến đố chạy được đi đâu?

Sáng nay ngày nghỉ, đang pha ấm trà định uống xong rồi đi trồng mấy cây hoa, vì hôm nay trời khô ráo...

Đang ngồi nhâm nhi, ngẫm nghĩ sự đời thì nhà có"khách". "Khách" là một người đàn ông trung niên, đứng thập thò mờ ảo ngoài cổng nhà. "Ngoại Khuôn Viên" (là một vong linh, do có nhân duyên với tác giả mà được đưa về nhà.) vào báo cho tôi. Tôi nhìn ra thấy vậy bèn làm dấu ra hiệu mời vào....

Rót ra một chén trà nóng mời khách và quan sát, đó là một người đàn ông tầm trên 40 tuổi, khuôn mặt điển trai, nhưng dại đờ những nét đau khổ, bộ áo quần trên người là một bộ áo quần âu phục, nhàu nhĩ, đôi chân trần thấp thoáng mờ ảo trong ánh nắng mai...

Tìm hiểu ra, sáng nay Ngoại Khuôn Viên đi dạo, thì thấy anh này bị một nhóm đông người (mà không phải người) rượt đuổi đánh. Những "người" đó, theo Ngoại Khuôn Viên, là rất dữ tợn, họ có thân hình là của con người nhưng lại mang những cái đầu lươn. Một đám rất đông những con người kỳ dị ấy cứ nhè cái anh này mà đuổi đánh, anh này hết té xuống lại đứng lên, la kêu thảm thiết, Ngoại Khuôn Viên động lòng vội lao vào ngăn cản rồi lôi thẳng người kia về nhà tôi...

Sau khi bình tâm, hỏi han mới được biết, anh vốn là một chủ quán cháo lươn có tiếng ở một thành phố lớn (....). Nhờ tài chế biến giỏi, bản thân và vợ con chí thú làm ăn nên quán rất đông khách. Từ sáng đến tối, khách vào ra không ngừng... Tuy làm ra nhiều tiền nhưng với bản tính siêng năng, anh không hề phá phách, tiêu pha phung phí. Sở thích mà anh tự cho phép mình được dùng là sáng sáng, tụ tập với mấy người bạn láng giềng, uống ở quán cà phê gần nhà rồi về theo việc.

Hàng ngày, dưới tay anh hàng trăm con lươn phải chịu cảnh nước sôi lửa bỏng, quằn quại trước khi hồn lìa khỏi xác, để cống hiến cho thực khách những bát cháo ngon lành..... Việc đó thì có gì sai với mắt người đời? Một người trụ cột gia đình, mặc dù có tiền nhưng vẫn siêng năng làm việc, tu tóm cho gia đình được no ấm? Trong mắt xã hội là một công dân tốt. Ước mơ của anh là mở rộng thêm cửa hàng. Anh bàn với vợ, được vợ đồng ý, anh đi mua mặt bằng, chọn nhà thầu thi công quán mới, công việc ở nhà giao cho người khác làm, anh theo công trình giám sát... Sở thích vẫn đơn sơ, là sáng sáng tụ tập với những người bạn (mới quen) uống ly cà phê rồi về theo việc...

Sự đời ai biết được chữ ngờ... Đám bạn mới quen kia, anh đâu biết rằng chúng là một lũ lưu manh giấu mặt, trong buổi cà phê sáng, chúng ngấm ngầm bỏ từng chút ma túy vào cà phê cho anh uống.... Ngày qua tháng lại, anh nghiện khi nào không hay... Anh bị tụi bạn ma cô đó nắm đầu...

Cơn nghiện hành hạ, công việc bỏ bê...bao nhiêu cái xui xẻo đua nhau ập tới gia đình anh... Từ một người chồng, người cha gương mẫu, anh trở thành một thằng nghiện tệ tàn....

Một lần, trong cơn ngáo đá, anh nhảy từ trên tầng xuống đường, chết tốt.

Người đời cứ ngỡ rằng: Chết là hết, hết xôi rồi việc, nhưng xôi hết rồi mà việc đâu có xong? Đó là việc của anh này, tôi tạm gọi là anh Cháo Lươn.

Anh Cháo Lươn chết rồi, ngay lập tức bao nhiêu là con lươn có linh, ta có thể gọi những con lươn có tánh linh, những con lươn có tu tập, bị chết dưới tay anh này trong những tháng ngày ăn nên làm ra mở mày mở mặt của cái gia đình êm ấm một thời... Nó có cơ hội trả thù, hồn anh ấy vừa hoảng hốt thoát ra khỏi xác, có bao nhiêu con lươn linh là có bấy nhiêu con người đầu lươn bu theo hành hạ, anh hoảng hốt chạy trốn nơi này qua chốn nọ, thần thức khổ sở kinh hoàng, nhưng chạy đâu cho thoát?

Thể theo lời đề nghị tha thiết của anh, tôi đồng ý cho anh tạm thời ở lại nhà tôi, có gì mai tính tiếp, bây giờ anh mà ló mặt ra đường sẽ lại bị đám kia quây đập tiếp.... Nhìn cái dáng tội nghiệp co ro như tội phạm của anh theo Ngoại Khuôn Viên đi ra cây Si Lá Dài thu xếp nơi ở mới, tôi bất giác ứa nước mắt..

Ôi cuộc đời...

Nam Mô A DI ĐÀ Phật.

cay si la dai

- Giang Hiếu - 

Nghiệp báo nghề mổ lợn

Hôm nay em kể lại những ngày đau thương ấy, trong lòng vẫn còn rất sợ hãi và thương cho gia đình nhà mình.... Tất cả nát vụn, chỉ vì 1 cái nghề: Nghề sát sinh!

Hồi ấy, bố mẹ em lấy nhau nhưng rất nghèo, rồi đẻ liền tù tì ra 3 chị em nhà em, mẹ thì tàn tạ xơ xác, 3 chị em chúng em nheo nhóc gầy còm, bố thì già nua vì ngoài ngày mùa ở nhà, còn lại bố đi làm phụ hồ thuê, vì chỉ trông vào mấy sào ruộng chẳng đủ nuôi mồm huống gì nuôi cả đoàn tàu dài như thế này. Thế là bố mẹ em đổi nghề, vay mượn nội ngoại được chút vốn, mới đầu bắt 1 con lợn về thịt, mang lên chợ huyện bán.

Rồi trời thương bố mẹ em, vì toàn mua được lợn nuôi cám gạo rất ngon, thịt trắng thơm, thêm phần bố em khéo miệng nên hôm nào thịt lợn bán róc hôm ấy, thừa chút đỉnh xương xẩu hay thịt bèo nhèo thì lại đổ cho hàng bún chả, bún mọc gần chỗ sạp hàng của bố mẹ. Rồi bố mẹ bắt một lúc dăm con lợn về nhà nhốt, chờ ngày thịt dần. Thế là cuộc sống khấm khá dần lên, chị em chúng em được ăn no ngủ kỹ, bố mẹ xây được cái nhà đổ mái chứ không lợp ngói bờ rô xi măng dột nát như trước nữa! Mẹ em cũng béo tốt lên, bố em thì càng ngày nhìn càng rắn rỏi phong độ hơn!

Bố mẹ em thường dậy lúc 3 giờ sáng để thịt lợn ở cái sân giếng đổ nền xi măng rộng sau nhà. Cạnh đó là cái chuồng lợn để bố mẹ nhốt tạm những con lợn bắt thịt. Làm cùng bố mẹ em còn có chú Lâm hàng xóm nữa! Sáng sớm khi những con gà vừa te te gáy là bố mẹ và chú Lâm bắt đầu công việc. Mẹ thì đun nồi nước to, chú Lâm với bố bắt lợn vào rọ, buộc chặt rọ, rồi "Vút! vút", chú Lâm có khi chỉ cần 2 chày vút đập mạnh vào đầu là có con lợn lăn quay ra... Có con thì kêu "Éc! Éc! Éc!" một cách dồn dập, thảm thiết, giãy dụa vô vọng bên trong cái rọ.

nghiep giet mo lon, nghiep qua, sat sinh

(Ảnh minh hoạ)

Nhưng có giãy có kêu thì chỉ một thoáng sau là sẽ im bặt, vì khi lưỡi dao của chú Lâm xiên vào mạch máu bên dưới lớp da trăng trắng của lũ lợn, máu sẽ ồng ộc tuôn vào cái chậu mà bố em cầm để hứng bên dưới, một màu đỏ lòm lòm và tanh tưởi! Sau đó mẹ mang nồi nước ra cho bố cạo lông , chú Lâm lại dùng con dao bầu sắc lạnh phanh đôi người con lợn ra, lôi hết lòng phèo của nó ra cho mẹ em làm sạch, chú lại thoăn thoắt tay pha ra từng mảng thịt, bỏ vào mấy cái làn to cho bố mẹ em mang ra chợ.

Em thì rất hãi cảnh thịt lợn, nhất là khi chứng kiến chú Lâm đập vào đầu mấy con lợn! Rất thảm khốc! Rất nhiều lần em nghĩ: "Mình sẽ không ăn thịt lợn nữa, nhìn chúng nó chết tội quá!". Nhưng khi mẹ em quạt chả thơm phức, em lại gạt lời hứa ấy sang 1 bên!

Thế rồi thấm thoắt bố mẹ em cùng chú Lâm làm nghề này cũng được gần chục năm, quanh cống nhà em luôn bốc lên những mùi rất khó chịu, chính là mùi phân lợn rồi những thứ xú uế khi mổ lợn mà ra! Chú Lâm bị vợ bỏ do chú hay đi ăn tiết canh sáng rồi uống rượu sau khi thịt lợn bên nhà em xong, rồi về nhà đánh vợ. Cô Làn không chịu nổi nên đã ôm cái Lan về nhà đẻ, để lại thằng Lam cho chú Lâm và ông bà nội nuôi. Công việc mổ lợn ngày càng phát triển, bố em và chú Lâm còn nhận mổ thuê cho những ai có nhu cầu, mẹ em giờ đi chợ 1 mình do đã quen việc.

Hôm ấy, gió đông bắc bắt đầu tràn về, bố mẹ em ngủ trên gác từ lúc 8 rưỡi vì mai phải dậy sớm thịt lợn, hai đứa em của em cũng đã quắp nhau ngủ say sưa. Em đang ngủ, bỗng giật mình tỉnh dậy, khoảng 12 giờ đêm gì đấy, mót tiểu quá do lúc tối trót uống nhiều nước canh. Thế là em lồm cồm bò dậy, bỗng nghe tiếng:"ụt!ịt! Ụt!ịt" chậm rãi văng vẳng, nên em ngồi im!

Sao lại có tiếng lợn kêu giờ này? Bình thường lũ lợn bố em bắt về chẳng bao giờ kêu la gì ban đêm cả. Mà đây không phải tiếng lợn kêu với nhau luôn, chỉ là tiếng ụt ịt mơ hồ thôi ấy! Thế là em rón rén ngó qua cái khe cửa sau nhìn ra sân giếng và chuồng lợn.... Những bóng cây trong vườn cạnh cái giếng đu đưa theo gió thành những hình thù kỳ dị, ánh trăng mờ mờ soi qua tán cây đổ xuống sân giếng thành những hình thù quái đản, và em thấy có một con lợn rất to, phải to bằng con bê ấy, đang lững thững, lững thững đi vòng quanh cái giếng!!!

Người nó trắng ởn, lại còn bốc khói như vừa bị dội nước mà chưa kịp cạo lông! Thế là em hoảng quá hét lên:"BỐ ƠI! Có con lợn!! " , xong chạy vội vào nhà bật điện lên, mồm liên tục gọi bố! Bố mẹ em vội bật điện cầu thang rồi chạy ào xuống. Sau đó em kể lại những gì nhìn thấy, bố em với tay bật bóng điện ngoài sân giếng, thì "tách!", bóng điện tắt ngúm.... Bất hạnh ập đến gia đình em từ giây phút này...

...
Thằng Lam nhà chú Lâm bằng tuổi cái Hà nhà em, năm nay 10 tuổi, còn cái Lan em gái nó 7 tuổi- bằng tuổi thằng Thắng em út của em. Trái ngược với ông bố cục súc, hộ pháp thì Lam trắng trẻo như con gái, rất ít nói, nhất là từ khi mẹ nó ôm em bỏ đi, nó chẳng mấy khi mở mồm ra. Kể cả là khi ba chị em nhà em sang vườn sau nhà nó chơi, rủ nhau chơi trò săn bắt cướp hay chơi trò trốn tìm, nó cũng chả chơi cùng mà ngồi vắt vẻo trên cành ổi chĩa ra bờ ao nhìn chúng em chơi rồi cười cười. Những lúc như vậy, nhìn mặt nó trắng trắng, dáng người gầy gò ngồi mỉm cười nửa miệng, thật em cũng rờn rợn, cứ nghĩ đến mấy người chết trôi mà thi thoảng em đi xem vớt xác bên sông thấy ấy!

Nghe mẹ chú Lâm kể, đêm hôm ấy đang ngủ với bà, nó cựa mình rồi ngồi phắt dậy rồi bảo:

- "Bà ơi! Lợn to thế này bố có thịt được không?"

Bà nó già nên thính ngủ, nó cục cựa bà đã tỉnh, thấy nó ngồi đột ngột vậy tưởng nó ngủ mơ, ôm nó rồi bảo:

"Lợn nào bố chả thịt được, thịt lợn rồi còn lấy tiền cho anh em chúng mày học chứ!" - rồi bà vỗ vỗ đít nó và hai bà cháu dần chìm vào giấc ngủ... Lúc ấy tầm 12 giờ đêm, cũng là lúc em nhìn thấy con lợn ma kia....

Thằng Lam trong bệnh viện rất nguy kịch, vết thương trên người nó, thấy bác sĩ nói, là vết đâm do vật sắc nhọn đâm vào cổ, chỗ có động mạch chính, nên mất máu rất nhiều, giờ đang truyền máu, không biết có qua khỏi hay không.... Bố mẹ chú Lâm thì cứ ngồi ân hận, nhất là mẹ chú Lâm!

Bà ngủ với cháu mà cháu dậy lúc nào, bà cũng không biết (dù bình thường bà rất thính ngủ), tầm 5 giờ kém, bà quờ tay không thấy Lam đâu, bà cũng hơi lo, nhưng nghĩ tối qua nó ngủ sớm nên sáng dậy sớm, rồi có khi buồn tè nên ra sau nhà đi tè cũng nên! Cho nên bà từ từ ngồi dậy, vuốt vuốt tóc rồi búi lên, chui ra khỏi màn. Vừa mở cửa, đã thấy mùi tanh xộc lên, trên bờ hè nhá nhem, bà thấy thằng Lam mắt trợn trắng dã, máu tuôn ướt đẫm cái áo phông, trên cổ máu me be bét, nằm nghiêng rồi giãy giãy y như con lợn bị chọc tiết, cái mặt đã trắng nay còn tái đi....

Tim bà đập thình thịch, bà khuỵu xuống rồi lấy hết sức bình sinh hô lên:

"Ối ông ơi! ỐI LÂM ƠI! ỐI LÂM ƠIIIII"..

Rồi bà ngã vật ra! Nhà chú Lâm thì sát ngay nhà em, cách một khoảng vườn nhỏ xíu, đầu hồi có che cái bạt dứa. Chú Lâm với Bố Mẹ em thấy bà hét, vội vứt dao cái xoảng xuống nền chạy huỳnh huỵch sang nhà....

Thấy mẹ thì ngất trên thềm, con trai máu me giãy giãy, chú Lâm gầm lên:

"ĐỨA NÀO? ĐỨA NÀO ĐỘNG VÀO NHÀ TAO?"

Lúc đấy bố chú Lâm lọm khọm đi ra, ông nhìn thấy cũng vịn luôn vào bậu cửa thở dốc, bố em thì hô hào hàng xóm, mẹ em thì run lẩy bẩy, cởi cái khăn mỏng đang buộc trên đầu xuống rịt vào cổ thằng Lam.
....

Thằng Lam cũng qua khỏi cơn nguy hiểm, người nó xanh rớt như tàu lá chuối, chân tay khẳng khiu. Ai hỏi gì cũng không nói. Khi cô Làn và cái Lan vào viện chăm, nó nhìn cái Lan rồi bảo:

"Lợn to lắm, anh chọc hộ bố, anh không chọc được thì em chọc nhé!", nói xong nó lại nhìn đăm đăm lên trần nhà.

Cô Làn với bà nội nó rụng rời chân tay, rồi cô Làn lại rưng rức khóc, lay vai nó mà nó không nhìn cô, môi từ từ nở nụ cười nửa miệng quen thuộc. Nhà chú Lâm sau hôm ấy, cũng tìm khắp sân khắp vườn xem cái gì đâm vào cổ thằng Lam, vì nó bị đâm nên cô Làn báo công an, công an xuống hỏi nó, nó chỉ bảo:

"Là cháu chọc tiết lợn!" rồi nhất định không nói gì nữa...

Công an cũng điều tra manh mối các kiểu nhưng không có gì khả nghi cả,cô Làn linh tính có chuyện chẳng lành, không phải do người bình thường làm, mà có khi do những thứ không nhìn không thấy được làm cũng nên....

Xóm trên xóm dưới thì đồn đại ầm lên, rằng nhà chú Lâm bị báo ứng. Vì từ đời bố chú Lâm đã làm nghề đồ tể, đẻ được mỗi chú Lâm. Sau không biết ông mắc bệnh gì của lợn nên chân tay không cử động được bình thường. Chú Lâm thì do nhà lúc ấy sẵn tiền, nên cờ bạc nát người, không chịu làm ăn, sau chú phá hết tiền của, không nghề nghiệp lại hay uống rượu, chẳng ai muốn nhận làm.

Bố em thương chú vì bố em và chú lớn lên cùng nhau, mới bàn với chú cùng làm, vì nghèo khổ quá người ta khinh. Vả lại, chú cũng sẵn biết thịt lợn thuần thục vì hồi xưa cũng làm cùng bố một thời gian dài. Làm với bố em, chú lại sinh ra cái tật rượu chè, vì sau khi bố mẹ em đi chợ bán thịt, chú sẽ đi ăn sáng rồi mấy ông bạn chú lại gạ rựou, chú thì máu yêng hùng từ hồi cờ bạc, thích chứng tỏ nên càng ngày uống càng nát, rượu vào đến nỗi đánh vợ dã man!

Có lần say chú đi về, cô Làn nói mấy câu trách móc mà chú buộc tay chân cô quặt ra sau rồi lấy dép vả vào mặt. Bố mẹ cũng chẳng can được vì chú rất láo lếu với ông bà, cũng do ông bà chiều chú từ nhỏ, chú nể mỗi bố em thôi, bởi bố em 2 lần vay tiền cứu chú từ xới bạc ra (nên bố em cũng toàn bị mẹ mắng vì nhà đã nghèo lại còn thêm khổ).

Cô Làn lại đưa cái Lan về nhà nội, vì thằng Lam nó chẳng nói chẳng ứ hừ gì. Để nó cho ông bà già cả cô không cam, mà cô đòi đưa thằng Lam đi thì chú Lâm vác dao ra giữa sân rồi hét lớn:

"Nhà tao có mỗi thằng con trai để thờ tự, mày mang nó đi thì tao sang tận nhà mày tao chém chết luôn! Tao mà tìm ra đứa nào, thằng nào, con nào đâm thằng Lam thì tao xiên chết cả lò nhà chúng nó!".

Bẵng đi một thời gian, thằng Lam cũng đỡ dần rồi đi học trở lại, chú Lâm cũng bớt rượu. Gia đình cô chú và ông bà sống êm đềm như cũ thì sóng gió lại nổi lên....

Trưa hôm ấy, thằng Thắng với cái Hà nhà em đi học về bèn chạy sang bên nhà chú Lâm chơi với anh em thằng Lam cái Lan. Em ở nhà nấu cơm. Bố mẹ đi chợ thông trưa, dạo này hàng hoá ế ẩm nên toàn ở lại bán đến xẩm tối mới về. Cô Làn thì cơm nước sớm sắp sẵn đấy, rồi cô về ngoại có việc. Chú Lâm thì bang báng rượu nằm trong giường.

Khoảng 12h kém, em chạy sang tìm 2 đứa kia về ăn cơm, thì thấy thằn Lam vẫn ngồi vắt vẻo trên cành cây ổi chĩa ra ao như mọi khi, còn 3 đứa kia đang chơi trò mổ lợn, cái Lan thì nằm ra giả làm lợn, thằng Thắng nhà em cầm cái que giả làm dao, vạch vạch vào bụng cái Lan, cái Hà thì lấy mấy cái lá ổi cạo cạo vào cổ cái Lan. Em gọi to:

- "Hai đứa ôn con kia, không biết đường về ăn cơm à? Mười hai giờ trưa rồi, chúng mày không ăn tao đổ cho lợn hết đấy!" .

Cái Hà đáp:

- "Em mổ nốt con lợn này đã rồi em về"

Thằng Thắng nói:

- "Con lợn Lan này béo cực, bán được ối tiền! "

Bỗng thằng Lam đung đưa nhẹ cái chân, nói vọng xuống:

- "Cho mày dao thật thì mày mổ bụng nó thật nhé!"

Thằng Thắng mới cười hì hì nói:

- "Anh đi mà mổ, mổ xem có như ruột lợn không!".

Nó vừa dứt lời, bỗng thằng Lam bình thường vốn lẻo khoẻo, phi vụt một cái từ cành ổi xuống, không biết đâu ra con dao bầu sắc lẹm, nó giơ lên rồi cắm phập vào bụng cái Lan và kéo một đường ngọt lẹm xuống... Máu phụt lên khuôn mặt trắng bợt của thằng Lam, đôi mắt thằng Lam dại đi, máu bắn sang cả mặt thằng Thắng và cái Hà....

Em đứng đó chôn chân, á khẩu, chưa đến 15 giây thôi, mà em cảm giác như đang chứng kiến một thước phim quay chậm. Cái Lan hự lên một tiếng, cái Hà há hốc mồm, còn thằng Thắng trợn mắt nhìn cảnh tượng ấy.....
.....
Rồi máu đã kịp lên não của em, em chạy vọt vào lay chú Lâm dậy:

- "Chú Lâm! Chú Lâm! Chú Lâm ơi! Chết người rồi!"

Em mếu máo lay chú, chú Lâm lồm cồm bò dậy:

- "Sao? Làm sao?"

- "Cái Lan ....bị mổ bụng chết ...sau vườn..."

Chú Lâm lập tức phi chân đất ra sau vườn, em lúc đấy chân em cũng lẩy bẩy lắm rồi, thật sự cái việc thảm khốc em vừa chứng kiến, thật quá sức chịu đựng của một đứa trẻ con mới 12 tuổi!!!!

Lúc chú Lâm và em chạy ra đến vườn, thì cái Hà nhà em mặt cắt không còn giọt máu, thằng Thắng vẫn há hốc mồm nhìn, bụng cái Lan chảy máu ồ ạt, thằng Lam tay cầm con dao bầu sắc lẹm, trên khuôn mặt trắng bệch của nó những vết máu bắn lấm tấm, và... nó lại nở nụ cười nhếch mép một bên. Sau đó.... sau đó nó thè lưỡi liếm lưỡi con dao, máu từ lưỡi nó chảy xuống, rơi vào lớp áo rách trên bụng cái Lan.

Chú Lâm gầm lên, vút một cái, chú nhảy lại chỗ thằng Lâm, hất tung cái dao ra khỏi tay nó, rồi đè nó xuống đất! Thằng Lam mồm be bét máu, và.... vẫn cười nhếch mép. Bên trong ngôi nhà của chú Lâm, chiếc đồng hồ lặng lẽ điểm 12h03 phút trưa!!

Cái Lan do bị đâm sâu và rạch dài, thủng dạ dày, mất nhiều máu nên mất luôn trong ngày hôm ấy. Đám tang của cái Lan được tổ chức ngay ngày hôm sau. Cô Làn thì ngất lên ngất xuống, bà nội bà ngoại lả đi phải ngậm sâm cho tỉnh, ông nội cái Lan thì nằm liệt trên giường. Riêng chú Lâm, chú không rơi một giọt nước mắt nào, nhưng sau một đêm, mái đầu chú từ đen nhánh bỗng lấm tấm hoa râm như mấy ông già! Bạn bè lớp 2 và cô giáo chủ nhiệm cùng cô hiệu phó cũng có mặt để đưa Lan về nơi cửu tuyền.

Thằng Lam lại trở nên im lặng đến đáng sợ, chắc tại vết cứa phải khâu 8 mũi bên trong lưỡi, quá đau nên nó im lặng và nhăn nhó. Mặt nó đã trắng nay còn trắng hơn. Nó bị nhốt vào căn buồng phía bên trái của ngôi nhà 3 gian, còn bị buộc hai chân vào cuối giường nữa. Bác sĩ kết luận nó bị tâm thần phân liệt, không làm chủ được hành động.

Ba chị em nhà em thì ốm đồng loạt. Thằng Thắng sốt cao, cái Hà thì ăn vào là nôn, riêng em chân tay không thể nhấc lên nổi! Cứ nhắm mắt lại là em lại thấy cái Lan chỉ vào cái bụng đầy máu và rỗng tuyếch gọi em:

- "Chị Hương ơi! Chơi trốn tìm với em!", rồi em ngồi bật dậy, mồ hôi vã ra như tắm!

Công việc thịt lợn đem bán của bố mẹ em và chú Lâm bị ngừng lại vô thời hạn, dân làng nhốn nháo, có công an về khám tử thi trước khi phát tang, có mấy chú nhà báo đòi hỏi chuyện 3 chị em nhà em nhưng bố mẹ em không đồng ý.

Đêm hôm ấy, đã khuya lắm rồi, khoảng 11 rưỡi đêm, em vẫn thấy bố mẹ thức và ngồi ở phòng khách. Từ dạo cái Lan mất cũng đã sắp 49 ngày, bố mẹ em như sọp đi hẳn. Mẹ nói với bố:

- "Cái nghề đồ tể này chẳng chóng thì chày, cũng sẽ gặp báo ứng, em cũng ngày rằm mùng một lên chùa thắp hương sám hối. Nhà chú Lâm hành nghề này từ hồi bác Long còn khoẻ, thêm phần bên nhà chú ấy vô thần vô thánh, chẳng kiêng khem cúng kiếng gì, nên mới ra cơ sự...!"

Bố em thở dài:

"Xem ra mình làm ăn ngót nghét chục năm, xây được nhà, để ra được ít vốn, hay xoay nghề khác làm đi mẹ nó ạ!"

" Thì em cũng nghĩ thế! Nhưng.... em định mời thầy Phúc ở xã bên về, xem cho một quẻ xem ra sao, chứ chuyện với cái Lan, chẳng phải do thằng Lam bị tâm thần phân liệt như bác sĩ nói đâu, em sợ lắm! Ba đứa nhà mình cũng thẫn thờ hết ra rồi kia kìa..."

Mẹ em là người phụ nữ quả thật rất nhân hậu, ngoài cái nghề mổ lợn mưu sinh, mẹ em chẳng bao giờ giết con gì, cho dù là con kiến (à mà mẹ em có giết gà để cúng nữa). Mẹ em đi chợ, gặp người nghèo khó mua hàng, mẹ toàn giảm bớt tiền, có khi còn cho không. Mấy bà hàng thịt bên cạnh hỏi sao lại làm thế, thì mẹ em nói:

- "Đáng bao nhiêu! Mình bán ế thì cũng phải bán rẻ đi, coi như làm phúc!".

Thế là mấy bà hàng thịt bên cạnh quay ra nhìn nhau bĩu môi, lúc mẹ em không có đấy thì nói với nhau:

- " Ăn đổ vào mồm còn ăn de ăn dè, lại còn bày đặt bố thí! Đúng là làm màu!"

Ngày hôm ấy, 3 chị em nhà em đã khoẻ khoắn hơn, tuy không nô đùa với nhau như bình thường, nhưng thần sắc cũng đã khá hơn... vậy mà đến đêm, lại có chuyện xảy ra khiến chúng em hốt hoảng một phen nữa....
....
Đêm ấy là đêm trước hôm 49 ngày cho cái Lan. Do 3 đứa em đều yếu nên bố mẹ cũng xuống ngủ cùng. Ba mẹ con em ngủ trên giường, bố với cu Thắng nằm đệm dưới đất. Trời lập đông rồi, không khí trở lạnh và càng lạnh lẽo hơn khi nghe tiếng đọc kinh đều đều rầm rì từ bên nhà chú Lâm vọng lại. Nửa đêm, cái Hà lay lay vai em thì thào:

- "Chị Hương! Em buồn tè lắm!"

- " Mày nhịn đi, giờ này đi đái lạnh vào rồi toi đấy!"

- "Nhưng mà em nhịn từ nãy rồi, em sắp phọt ra quần rồi! Bóng đái của em vỡ tràn nước sang dạ dày rồi!"

- " Cái con dẩm lợn này! Bóng đái mà vỡ thì nó phụt nước lên mồm mày ý! Cầm cái đèn pin chỗ đầu giường đi rồi tao dẫn đi!"

Thế là em dắt cái Hà đi tè. Chuồng xí nhà em lại ngay chuồng lợn, nhìn được sang chỗ cái ao nhà chú Lâm. Đó là một đêm đầu đông hiu hắt, làng xóm tối om, chỉ có ánh trăng khi tỏ khi mờ, và ánh điện đỏ trên ban thờ hắt ra từ cửa sổ nhà chú Lâm.

Ánh điện đỏ thật ma mị, làm em cứ đăm đăm nhìn sang bên ấy, rồi liếc mắt nhìn ra cái ao trong vườn nhà chú Lâm! Và thứ em nhìn thấy, thật không tin nổi! Em thấy... có một bà già gầy guộc không nhìn thấy mặt, đứng (hay bay?) là là gốc ổi, bên cạnh là cái Lan, đúng là cái Lan rồi, vì nó vẫn mặc cái quần kẻ ca rô như hôm nó mất... Cái Lan bị bà già kia buộc hai chân hai tay lại, rồi từ trên cái tay của cái Lan thòng ra một sợi dây dài, bà già kia một tay cầm sợi dây, một tay cầm cái que dí vào mặt nó!

Em không thể tin nổi, chớp mắt 1 cái thật lâu rồi mở mắt ra... khi vừa mở mắt, bỗng thấy hơi lạnh phà quanh người, không thấy bà già kia và cái Lan đâu nữa... sợ quá, em đập cửa gọi cái Hà:

- "Nhanh! Nhanh lên! Đi vào ngay!"

Cái Hà lục cục đi ra, vừa ra đến cửa nhà xí thì nó chết trân, tay chỉ ra đằng sân giếng (cách tụi em tầm 10-11m thôi, vì nhà xí sát dãy chuồng lợn rồi đến sân giếng và mảnh vườn):

- "Chị... chị Hư...ơ...ng nhì...n kìa!"

Em nhìn theo tay cái Hà thì thấy một con lợn trắng ởn, rất to, và... người nó có lớp lông sùi lên như đang bị dội nước sôi rồi cạo dở, nó còn phát sáng một cách ma mị nữa.... Cái Hà vừa nói dứt lời, con lợn ấy quay về phía hai chị em em, nó há mồm và cái mồm nó ngoác dần ra như đang cười với chúng em!

Hai chị em nhà em sợ quá, ù té chạy vào nhà, từ nhà vệ sinh đến cửa sau nhà chỉ có tầm 5m thôi, nhưng phải lên một bậu cao tầm 5 bậc tam cấp. Chạy đến đấy thì cái Hà trượt chân ngã kéo theo cả em, em thì đập đầu xuống bậu cửa, cái Hà thì đập ống đồng vào bậc tam cấp! Em hét lên:

- "Bố mẹ ơi cứu con! Cứu con!"

Cái Hà thì sợ quá, chỉ ú ớ:

" Ma...ma...chị ơi nó cắn em!"

Chợt lúc đấy có tiếng ụt ịt! Ụt ịt rộn lên như tiếng của bầy lợn lúc đói đòi ăn, mặc dù trong chuồng lợn nhà em chỉ còn một con lợn nái nhà nuôi sắp đẻ. 

Bố mẹ em nhào ra, mẹ em hỏi:" Ôi con ơi! Làm sao? Làm sao?", tiếng chó sủa ầm ĩ, tiếng chó tru dài quanh nhà em, tạo nên thứ âm thanh hỗn độn thật khó chịu, đầu em bị đập vào bậu cửa mạnh nên giật giật, như có ai cầm chày nện vào đầu! Em đau quá ngất lịm đi!
....

Thầy Phúc được mẹ em đón về ngay ngày hôm sau, hôm 49 ngày của cái Lan, để xem luôn cho hai nhà. Em được dì Hạnh đưa đi bệnh viện chụp cắt lớp, nhưng may không sao. Chân cái Hà nhà em sưng to như quả ổi và tím bầm, đau đớn không tài nào ngủ được!

Hôm ấy bên nhà chú Lâm cũng mời các sãi trên chùa về đọc kinh siêu thoát cho cái Lan, từ sớm đã thấy bày hương hoa, thắp nến quanh sân nhà và trong vườn, chỗ cái Lan nằm trước khi chết-cạnh gốc ổi.

Thầy Phúc đến nhà em khoảng 10 giờ 30 sáng. Gọi là thầy nhưng thầy còn khá trẻ, chỉ khoảng trên dưới 30. Đi theo thầy là hai ông bác nữa (chắc là đồ đệ). Vừa vào nhà, thầy đã bảo mẹ em:

- "Nghiệp nhà chị nặng lắm! Tôi thấy rất nhiều ác linh súc vật lúc nhúc quanh nhà chị! Nghiệp này không hoá được, may ra thì xin giảm để không bị mất mạng vì phúc phần tổ tiên nhà chị để lại cũng không còn nhiều!"

Mẹ em nghe thấy thế thì ngồi thụp xuống ghế, thở không nổi! Sau khi làm 49 ngày cho cái Lan xong, tầm 11 rưỡi trưa, thầy Phúc cùng bố mẹ em sang nhà chú Lâm. Cô Làn mắt sưng húp vì khóc thương con, kéo cái ghế mời thầy ngồi xơi nước.Thầy không ngồi mà đi đi lại lại, ngó nghiêng trong nhà cô Làn, rồi đi ra sau vườn nơi cái Lan chết.... đoạn thầy đi vào nhà, nói:

- "Các anh các chị ạ, quả thật đất này rất không lành! oán khí mạnh. Ở dưới gốc ổi kia có một cái cốt, bị dòng xú uế đè lên, giờ nó rất tức giận nên đang tìm cách phá! Thêm với anh chị làm nghề giết mổ, sát khí nhiều nên bồi bổ cho cái vong này, e là còn ở đây thì còn có chuyện chẳng lành!"

Sau rồi nhà em nhờ thầy Phúc làm lễ giải, mẹ em từ đấy ăn chay mùng một ngày rằm, rồi dần dần sau này cho tới bây giờ, mẹ em ăn chay trường để giảm bớt nghiệp cho nhà em. Chú Lâm thuê người về chặt gốc ổi rồi đào xung quanh lên, thì thấy bên dưới có bộ hài cốt không biết từ bao giờ...cái rãnh đổ nước giết lợn nhà em chảy thẳng từ bên nhà sang vườn nhà chú, qua gốc ổi vào cái ao.

Đúng là cái rãnh chảy qua chỗ bộ cốt, thầy Phúc nói ngày ngày có máu lợn chảy xuống ấy nên cái vong hấp thụ được, rất khát máu.

Thằng Lam yếu đuối lại hay trèo lên cây ổi mọc gần chỗ vong nằm, nên bị cái vong nhập và điều khiển, con dao bầu nó dùng là của ông nội nó - ông Long, nhưng cái dao đã cũ gỉ vứt trong góc bếp, bị sứt một mảng nhỏ ở tay cầm, khi chú Lâm đè thằng Lam ra thì chú hất luôn cái dao, cái dao xiên cắm vào gốc ổi.

Lúc được công an nhổ ra, cái dao vẫn cũ gỉn như cũ, và lem máu trên cán tay cầm....có thể thằng Lam dùng chính cái dao này chọc vào cổ họng nó như cách bố nó chọc tiết lợn! Nhưng một con dao bầu cũ kĩ, cùn rít mà có thể rạch bụng người một cách sắc ngọt, thật khó tin!

Bố mẹ em sau ngày ấy, mẹ thì mải kinh cầu, chẳng quan tâm gì đến bố. Bố em theo chồng của dì Hạnh, học nghề thợ nhôm kính, rồi lên thành phố làm, tuần về nhà một lần. Thế rồi.... bố có em bé với một bà chết chồng gần xưởng nhôm kính, mẹ em càng buồn chán nên không thiết tha gì.

Sau rồi bố mẹ ly dị, ba mẹ con em vẫn sống trong căn nhà cũ, thằng Thắng không có bố kèm cặp, đến tuổi dậy thì tự nhiên bướng bỉnh không chịu nghe lời ai cả. Đến bây giờ suốt ngày lêu lổng đi chơi điện tử. Em với cái Hà thương mẹ, trách bố... nhưng chẳng biết làm thế nào...

Cái Hà sau đợt ấy thì không hiểu sao chân cứ tập tễnh như con lợn què, nó mặc cảm nên cứ ở trong nhà miết, chẳng giao du bạn bè gì... Em như hoá thành trụ cột gia đình, học xong cấp 3, em không chọn học mấy trường trên thành phố mà học trường cao đẳng sư phạm gần nhà để tiện bề coi sóc em và mẹ.

Mẹ em thì giờ chỉ trồng trọt cấy hái, lúc bố đi lấy vợ mới có để lại hết tài sản nhà cửa cho mẹ, nhưng nuôi ba đứa con ăn học, lại làm không ra rồi mẹ suốt ngày đi lễ lạt, nên của nả cũng cạn dần. Giờ nhà em tay làm vã miệng ăn, thi thoảng còn phải vay tiền nhà dì Hạnh....

Phần nhà chú Lâm, sau khi an táng cái bộ hài cốt kia, cô Làn quyết tâm đưa thằng Lam về ngoại trị bệnh, vì sợ nhỡ cái vong nó không đi khỏi đất ấy mà hành thằng bé thì khổ! Người làng thì nhìn thằng Lam như một con quái vật. Ông Long mất sau đấy vài tháng, lúc ông mất cũng vật vã, kêu la như lúc lợn bị chọc tiết!

Chú Lâm thì đột nhiên bị điếc đặc hai tai, lúc nào cũng nghe thấy những âm thanh chát chúa như tiếng chày đập vào đầu con lợn liên hồi... đi khám bác sĩ nói chú bị chứng bệnh lây từ lợn rồi biến chứng làm tai bị điếc, muốn chữa chỉ có thể đặt ốc tai nhưng giá hơn 1 tỷ cơ! Thế là chú chẳng chữa trị gì, chú lên khu chợ đầu mối làm cửu vạn, bà Voan mẹ chú Lâm thì đi làm giúp việc trên Hà Nội cho khuây khoả. Căn nhà chú hiu quạnh không một bóng người, chỉ có ngày rằm ngày giỗ thì chú cùng bà Voan mới về hương khói...

Thằng Lam giờ cũng lớn, đến tuổi cập kê, nhưng nó vẫn lì lì không nói không rằng, da nó vẫn trắng nhưng trắng xanh, nếu nhìn nó mặc quần áo trắng đi trong lúc trời nhá nhem tối, chẳng khác nào nhìn thấy ma! Thi thoảng lắm ngày tết gặp nhau, nó mới cười với em... vẫn nụ cười nửa miệng ám ảnh ngày ấy khiến em lạnh hết cả sống lưng...

Vậy là, nhà em lẫn nhà chú Lâm đều tan đàn xẻ nghé... nhà chú Lâm thì đau đớn hơn, chắc có lẽ do đời bố lẫn đời con đều làm nghề thịt lợn... nhà em thì cái Hà cũng mang tật ở chân suốt đời, thằng út vẫn đang trên đà phá phách....

Nghề thịt lợn không xấu, không có người thịt lợn thì lấy đâu ra thịt cho mọi người ăn? Nhưng đã làm nghề này, đến khi đủ ăn đủ mặc phải biết làm nhiều việc thiện, phải biết chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, biết giúp đỡ mọi người từ việc nhỏ đến việc bé, từ việc lớn đến việc to. Bởi sinh mạng nào cũng quý, kể cả có là giết lợn để phục vụ mọi người, thì bản thân ta vẫn mang nghiệp vì đã tước đi quyền sống của sinh vật khác!

HẾT!

Nguyễn Hoài Thương

nghiep giet trau bo, sat sinh, giet chonghiep giet cho, nghiep sat sinh

Nghiệp báo nghề mổ bò, mổ chó

Các bạn có để ý những người làm nghề giết mổ động vật gia súc lâu năm đều bị dính vận hạn không?

Mình quê ở Hà Tây, ngày bé gần nhà có một nhà chuyên mổ bò, mình nhớ cứ sáng sớm nhà ấy lại có một đội năm sáu ông đàn ông to khoẻ hò nhau. Ông cầm thòng lọng, ông cầm gậy gỗ to, rồi dùng cả điện giật nữa để giết bò. Tiếng bò rống nghe ầm ĩ cả xóm. Lúc đến giờ mình đi học cấp 1 qua là thấy máu me lênh láng cộng với mùi tanh nồng bốc lên. Cái đầu lâu bò còn treo lủng lẳng.

Mà nhé, hồi ấy hễ bọn trẻ con chăn đàn bò đi qua lò mổ ấy là bọn bò đều tránh, đi dẹp hết sang một bên đường. Có lần một ông có xe bò kéo lúa đang đi lững thững, đến đoạn lò mổ con bò tự nhiên nổi điên phi như bay, cả xóm mình náo loạn vì bò điên, mãi mới ghìm được nó lại.

Chủ lò mổ là lão M. bò, thời mình cấp 1, lão ấy chắc mới độ 27 tuổi, khoẻ lắm, người như sắt thép. Thế mà độ chục năm thì dính đủ thứ bệnh tật, người như cái xác ve, mà đôi mắt của lão tự nhiên cứ trố với lồi ra y như mắt con bò ấy, nhìn sợ lắm.

Còn cả nhà mổ chó nữa, làng mình có đặc sản thịt chó, nhà nào bán thịt chó cũng có cái lồng sắt to. Chó ngày ấy nhiều lắm, người ta nhốt vào lồng thịt dần. Có hai vợ chồng trẻ bán thịt chó cũng được đâu độ 5 năm, một hôm hai vợ chồng nghỉ làm rủ nhau ra Hà Nội chơi, vừa đi khỏi cổng làng anh chồng bảo tự nhiên thấy mệt quá rồi cứ thế thiếp đi rồi mất, chả ai hiểu chết vì cái gì.

À còn chuyện thịt chó ở khu Tam Trinh nữa, lúc mình lên Hà Nội, có nhà bà chị ở khu ấy. Bà ấy kể là có nhà bà H. bán thịt chó lâu năm, nổi nhất cả khu ấy. Không biết bao nhiêu con chó bị xả thịt ở nhà bà. Có lần bà ấy mua một lô chó, có con chó trắng nhìn đẹp lắm, nhưng tính dân buôn, đẹp thì cũng thịt thôi.

Sáng hôm sau, bà H ngủ mơ thấy có người đàn bà bảo là

- "Cho tôi xin... Cho tôi sống thêm vài ngày để đẻ nốt lứa con"

Tỉnh dậy, bà H nghe tiếng chó tru, giật mình bà chạy ra sân thì thấy con chó trắng bị làm thịt, tròn bụng có sáu bào thai chó. Sau lần ấy nhà bà H lụi bại, còn nợ nần mất hết cả nhà cửa, rồi bán xới mà đi.

Nhà bố mẹ bạn mình ở Thái Bình làm nghề bán thịt mèo, cũng không thoát được số vận hạn, làm ăn khấm khá vừa xây được nhà to xong thì cả hai dính ung thư, người giờ chỉ chờ chết thôi..!

Tại chứng kiến nhiều nên mình nghĩ, nếu được nên hạn chế ăn thịt mấy con vật nuôi gần gũi và nên nuôi một con thú nào đó, nuôi cho nó lớn, sinh con đẻ cái, chính là một cách cắt nghiệp tạo phúc cho chính mình và người thân. Làm nhiều việc thiện, tích đức tích phúc cho con cháu sau này, chứ nghề giết mổ - nghiệp đổ nhanh lắm các bạn ạ.

Cre: Thiện Nhân

nghiep da ga, choi ga, ga choi

Nghiệp đá gà

Thật ra không phải giết mổ mới mang tội không đâu. Mẹ mình có một cô bạn, lớn hơn mẹ mình 4 tuổi, ăn chay trường nhiều năm, cô là người rất hiền lành dễ mến. Cách đây 3 năm cô nằm mơ thấy ba mình khóc lóc kể khổ, ông cụ mất trước thời điểm đó tầm chừng 2 năm, cô mới thấy sao cha mình lại khổ sở đến thế nào mà lại hiện về trong mơ khóc đến vậy, dù định kì cô đều đốt áo quần giấy tiền xuống cho ông cụ.

Cô mới xuống một chùa ni dưới chỗ mình, nhờ sư phụ dẫn dắt đi thiếp, hay còn gọi là đánh đồng thiếp ( hình thức xuất hồn xuống cõi âm phải người có đạo hạnh cao mới thực hiện được mình không rõ lắm nhưng nghe mẹ kể vậy). Lúc cô xuất hồn để xuống âm giới tìm cha thì thấy ông cụ đang bị nhốt trong một cái lồng gà ngồi tum húm co mình lại. 

Cổ, tay, chân.... đều có xích sắt, bên dưới là chén nước, thóc rơi vãi khắp nơi, xung quanh là lũ gà đi vòng vòng canh giữ. Quần áo cô đốt xuống lũ gà đều mặc lên người.

Mẹ mình bảo lúc sinh thời ông cụ rất mê đá gà, cứ nuôi rồi cho đá đến chết, không chết mà bại trận thì ông đem đi mần thịt ngay. Thời đó ông giết bao nhiêu con gà chúng không chịu đi đầu thai mà ở lại đợi ông xuống, ông từng giết bao nhiêu con gà thì bị bấy nhiêu tháng ngày giam giữ như vậy. Sau khi trở về cô bạn mẹ mình khóc nhiều lắm, chăm tụng kinh cầu siêu mỗi tối cho cha cũng như cho lũ gà, chả biết đến giờ ông đã ra khỏi cái lồng đó được chưa.

Quyên Trần

-------------------------

Mẹ mình ngày xưa làm cán bộ trại giam, hôm đó có thằng tù kia mới vào, mẹ mình liền bâng quơ nói với mấy người khác “Sao mặt thằng này giống con vịt ghê” ... Y như rằng là ba mẹ thằng này nhà bán vịt, nên giờ đẻ ra con mặt giống y con vịt luôn. Nghĩ cũng tội, nhưng chả hiểu tại sao nên mình vẫn kể. 

Hoàng Myyy

Trên đây là một vài ví dụ cho thấy kết quả của các hành động sát sinh. Các câu chuyện cụ thể mà bạn đọc nêu ra về sự báo ứng của gia đình làm nghề đồ tể mới chỉ là những trường hợp cụ thể thôi, vì nhìn rộng ra thì gần như nhà nào làm nghề này thì đều chẳng có kết cục tốt đẹp gì, không thể bình yên nổi, không gặp bệnh hiểm nghèo thì đời sau, con cháu cũng rất dễ hỏng. Trừ khi trong nhà xuất hiện một người Phước cực lớn thì mới hóa giải nổi "dớp" này. Thông thường thì nghiệp báo của nghề này đến vào kiếp sau và các kiếp sau nữa, khi ấy mới thực sự nặng nề và đau khổ.  

Cuộc sống hiện tại của chúng ta là kết quả của cái Nghiệp (Karma), việc làm quá khứ của chúng ta. Hoàn cảnh tương lai, các điều kiện mà trong đó chúng ta sẽ tái sinh vào, những cơ hội mà chúng ta sẽ có hay không thể có được để tạo dựng một cuộc đời hạnh phúc tốt đẹp hơn sẽ tùy thuộc vào những hành động và việc làm hiện nay của chúng ta. Mặc dù hoàn cảnh hiện tại được quyết định bởi những hành vi trong quá khứ, nhưng chúng ta vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hành động của chính mình trong hiện tại. Bản thân ta có khả năng và trách nhiệm để chọn lựa phương cách nhằm hướng dẫn mọi việc làm của mình đi theo con đường đạo đức.

duoc lam nguoi kho thay, than nguoi kho duoc, phat phap kho nghe

Có cung mới có cầu, không giết mổ động vật thì lấy gì để ăn?

Đúng vậy, nhưng cái nghiệp của nghề giết mổ thì hoàn toàn có thật. 

Với sự chuyển kiếp như mọi người vẫn nói là: Ta giết nó để ăn cũng là một cách để chuyển kiếp cho nó chứ? Ta đâu có tội? 

Nhưng ta phải xét từ nguyên nhân và tâm ý dẫn đến hành động này để biết được tội của ta là đến đâu, ảnh hưởng tới phước ra sao. Ví dụ khi bạn mổ gà vịt hay tôm cá, mục đích không phải giết cho vui mà là để phục vụ nhu cầu thực phẩm sinh sống cho gia đình bạn, điều này vẫn có tội (vì cái tham cầu của mình mà hại tới loài khác), nhưng tội này nhẹ hơn rất nhiều so với việc giết hại tràn lan, vượt ngoài nhu cầu của mình, càng nhẹ hơn việc giết hại đồng loại, đồng bào. Nghiệp vẫn có, nhưng phước cũng có luôn, một phần là ta đang phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người thân, phần là ta cũng giúp con vật đó dứt được một kiếp nạn bị đày đọa, phần phước này tuy không xí xóa được cho tội nhưng chí ít cũng làm giảm được phần nào cái Nghiệp ta đã gieo ra. 

Chuyện kể thêm như thế này: Đức Phật Thích Ca thủa còn tại thế, một lần đi qua ngôi làng, thấy có 1 toán cướp đang cướp của và giết hại rất nhiều người, những người không có khả năng tự vệ hay chống trả. Khi đó Phật đã ra tay diệt trừ lũ cướp ấy (lần duy nhất trong đời người phạm tội sát sinh). Tính về Công đức vô lượng của người thì tội ấy có thể bù trừ được, tính về đạo lý thì người làm vậy hoàn toàn đúng, nhưng tính về Nghiệp quả thì người vẫn phải mang. Vì vậy sau đó, một lần đang ngồi tĩnh tọa trong rừng Vệ Đà, từ trên trời có 1 thanh đao vàng rớt xuống chỗ Phật tọa, chúng đệ tử nháo nhác sợ hãi, riêng đức Thích Ca vẫn điềm nhiên ngồi đợi cho đao rơi xuống và chém vào người ngài (trúng bắp chân) mà không hề tỏ ra đau đớn hay hối tiếc gì. Về sau có người đệ tử hỏi Phật vì sao biết mà mà không tránh? Người khi ấy mới giải thích cho nghe là: "Trời biết việc ta làm nên mới cho đao xuống giúp ta giải nghiệp như vậy.".

Đến đức Phật với công đức vô hạn như vậy mà còn phải chịu trả nghiệp cho tội sát sinh, huống gì người thường chúng ta, ít nhiều gì cũng dính Nghiệp hết. Cái quan trọng là làm thế nào để dính ít thôi và làm cho nó nhẹ bớt đi. 

Nghiệp sát sinh trong 5 giới luật của nhà Phật 

Ngũ giới là 5 điều nghiêm cấm căn bản của nhà Phật đối với chúng Phật tử. Những điều này được đức Thích Ca truyền dạy lại cho những người bắt đầu nhập môn, học về giáo lý Phật giáo, nhằm mục đích tạo ra tâm thanh tịnh, an lành và tránh gây thêm nghiệp chướng để phải chịu quả báo về sau. Nói là vậy nhưng không phải những Giới luật này chỉ áp dụng cho người tu Phật pháp mà còn khuyến khích tất cả mọi người làm theo vì lợi ích trực tiếp chính là mang đến tâm an lành cho tất cả mọi người.

Ngũ giới gồm: Không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không gian dâm và không uống rượu.

Sát sinh không chỉ là việc giết hại các sinh vật lớn như người hay gia súc, thú vật, mà cả những sinh vật bé nhỏ vô hại cũng tránh gây tổn thương cho chúng. Thậm chí kể cả các nghề làm dao kiếm, vũ khí, súng đạn cũng gián tiếp mắc vào tội này. Mắc tội này Nghiệp rất nặng, khó trở lại làm người mà sẽ phải chịu báo ứng ở kiếp Địa ngục và kiếp Súc sinh (thậm chí là với người làm nghề đồ tể hay các chiến binh tàn bạo thì về sau sẽ phải chịu rất nhiều vòng làm giống súc sinh cho người ta giết mổ triền miên).

Lưu ý rằng có thể ta chỉ chăn nuôi mà không trực tiếp giết mổ động vật, nhưng khi ta bán đi cho các lò mổ (để thu về lợi lộc cho ta) thì thực tế là ta đang tiếp tay cho tội này, Nghiệp báo trả nặng cũng không kém kẻ trực tiếp sát sinh là bao nhiêu. Điều này đồng nghĩa với việc nếu chỉ nuôi và bán ra chợ đủ để phục vụ nhu cầu sống hàng ngày của gia đình mình thì Nghiệp cũng nhẹ hơn, không đến nỗi bị báo nặng.

Trong trường hợp chọn nghề chăn nuôi để kiếm sống, ta có thể chọn cách nuôi con giống, nuôi lấy trứng (không giao phối) hay nuôi lấy sữa thì Tội nghiệp sẽ nhẹ hơn rất nhiều.

Để hiểu thêm vì sao Tội này tạo nghiệp nặng thì có thể mường tượng ra rằng sinh linh ta giết đi (hay tiếp tay cho kẻ khác giết đi) ấy, trong một kiếp nào đó rất có thể đã là người như ta, là con của ai đó, là chồng vợ của ai đó, là cha mẹ người nào đó và cũng có thể là tổ tiên của chính chúng ta cũng không chừng, phải không ạ?

Trong cả 5 giới luật trên thì ngoài việc mình tự thực hiện thì còn nên khuyên nhủ, giúp đỡ người khác cùng tránh, nhằm tạo ra một cộng đồng hòa hợp, công bằng và an lành hơn. Làm được như vậy Phước đức sẽ càng được tăng tiến hơn. Đây cũng là tiền đề của những người đạt được đạo hạnh cao, sự "ưu ái" của số phận về sau cũng lớn hơn.

Ở đây, cần phải hiểu quy luật vận động và cách "tính toán" của Phước, Tội hay Nghiệp là khá phức tạp và còn có sự Bù trừ nữa. Nghĩa là ngày trẻ gây Nghiệp nặng, nhưng về sau biết sám hối sửa sai và làm nhiều việc phước đức thì Nghiệp của một đời sẽ giảm nhẹ đi, nếu được hưởng thêm phước đức còn lại của gia tiên và của tiền kiếp nữa thì sẽ lại giảm đi thêm phần nữa. Nói chung để mà tính xem Nghiệp rơi vào mức độ nào thì là rất khó. Song ta có thể xác định rằng việc gì đã biết sẽ gây nên tội thì ngay từ lúc bắt đầu biết là bắt đầu ta nên tránh dần đi là hơn.

Ngoài ra Phật dạy những điều này, nhưng với tấm lòng từ bi của người thì chính Ngài cũng có "ghi chú" thêm rằng:

Phàm là những người mới tu tập, việc từ bỏ ngay một lúc chừng ấy suy nghĩ, thói quen và hành động là rất khó, vì vậy trong 5 Giới thì không nhất thiết phải làm đúng như cả 5 ngay lập tức mà có thể thực hiện một số Giới trước, về sau sẽ nguyện thực hiện nốt những Giới còn lại cũng không sao, miễn sao nhận thức được rằng càng sớm tránh xa được các tội ấy bao nhiêu thì công đức tu tập sẽ càng đến sớm bấy nhiêu, Nghiệp chướng sẽ càng giảm nhẹ nhiều hơn. Ngược lại, không giữ được điều nào thì khỏi nói thêm, mất công, đơn giản đó là những người không có duyên với cửa Phật, vậy thôi. 

Lưu ý thêm rằng nhà Phật chỉ nghiêm khắc với người đã nguyện Quy y tu tập chứ không ép uổng, áp đặt hay dọa nạt người khác phải làm theo. Phật chú trọng sự minh bạch rõ ràng và tính tự giác của mỗi người chứ không hô hào giáo điều vô lý vô nghĩa, tin và thấy đúng thì làm theo, không tin thì cũng chẳng ai áp đặt gì cả, tự mình gieo Nhân thì tự mình sẽ gánh Quả, không ai chịu thay cho mình được hết.

Lựa chọn thế nào là tùy ở mỗi người, cách nghĩ và tâm ý ra sao. Một khi đã biết mà vẫn chấp nhận giữ nghề thì có nghĩa là họ chấp nhận hy sinh bản thân mình và đón xem "tập tiếp theo" ra sao, thế thôi. Còn nếu không biết và làm nghề ấy thì đó gọi là sự Vô minh, chưa chắc đó đã là nghiệp họ phải chọn, mà chọn là vì không biết.

Tamlinh.org

Sao chép, trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn