Đầu tiên có lẽ nên hiểu rằng: Tứ Đức luôn đi cùng bộ với Đào Hoa -Thiên Không - Kiếp Sát. Tử Vi có 4 bộ sao Đức, bao gồm: Nguyệt Đức, Thiên Đức, Phúc Đức, Long Đức.
Ngũ hành
- Nguyệt Đức, Thiên Đức hành Hỏa
- Phúc Đức hành Thổ
- Long Đức hành Thủy
Chữ Đức khởi bằng 2 chữ ghép lại.
Dưới chữ “TÂM” và bên trên là chữ “Phúc”. Hiểu nôm na rằng phải xuất từ Tâm, từ tấm lòng, từ sự bác ái quảng đại để khởi chánh niệm, khởi tâm sáng, tránh cõi vô minh, tránh cõi tham sân si. Để rồi cùng Phước báu tu tập qua nhiều kiếp luân hồi. Để rồi cái Tâm sáng, trí tuệ sáng kia kết hợp với Phúc Tâm hành thiện mới tạo ra sự “Đức” độ của con người.
Chữ Đức thật lớn.
Ấy là cốt của người Quân Tử. Cốt của bề tôi là trung thành, đạo của con cái là hiếu nghĩa, của vợ chồng là thuỷ chung, của anh em là nhường nhịn, của bạn bè là san sẻ.
Chữ Đức là móng của đạo học, ấy cũng chính là “KHIÊM CUNG”. Khiêm nhường với kẻ ở dưới và biết cung kính với người bề trên. Đạo làm người ấy là vậy.
Còn Đào Hoa là sắc đẹp, là lương duyên, là cõi nhân sinh con người. Là sân si, là nét đẹp, là cái đẹp từ nhân quả trời đất con người mà tự sinh tự diệt. Đào Hoa cũng là nét đẹp của thiên nhiên đất trời cỏ cây hoà quyện. Còn Đức là cái đẹp cốt tuỷ của nhân sinh kiếp người. Đào Hồng Tứ Đức chính là sự giao thoa hoá quyện. Vừa đan xen kết hợp vừa kìm hãm lẫn nhau. Đào hoa là tình ái dục vọng thì Tứ Đức chính là trí tuệ con người, đạo đức con người để tiết chế nó.
Sao Nguyệt Đức trong bộ Tứ Đức
Chữ Nguyệt trong Hán Tự nghĩa là mặt trăng. Khí tượng âm dưỡng ngũ hành thuộc Thuỷ. Chủ về âm khí, ban đêm. Nhân tượng là người đàn bà. Vậy đức của người đàn bà là gì? Cổ nhân đúc kết cái Đức của đàn bà vỏn vẹn trong 4 chữ “Công-Dung-Ngôn-Hạnh” cái này các bạn search Google là có.
Vậy Nguyệt Đức chính là Đức Hạnh cao đẹp nhất của người Phụ Nữ. Đâu chỉ là Công Dung Ngôn Hạnh mà diễn tả hết đâu. Nguyệt Đức chính là đức hy sinh, sự nhường nhịn, biết sẻ chia, sẵn sàng mang nặng đẻ đau.
Người có sao Nguyệt Đức ắt tâm can sáng như trăng rằm tháng 7.
Bộ Thuỷ tượng cho nước. Cũng chẳng ngoa khi nói rằng:
Tâm như mặt nước
Phật như ánh trăng
Nước Yên thì Trăng hiện.
Vậy là tính chất tĩnh lặng và đức hạnh cao nhất của loài người chính là Nguyệt Đức. Sự hy sinh lớn lao, đức nhẫn nhịn hiền lành, biết đâu là đúng, đâu là sai. Biết sống, biết nhìn, biết nghe, biết làm, biết cả giác ngộ.
Nguyệt đức thì đức hạnh cao lắm. Tính dịu hiền nhẹ nhàng lắm. Sẵn lòng từ bỏ sân si để tâm sáng quán chiếu cho lòng thành kính với bề trên. Có lẽ Nguyệt Đức là đức hạnh cao nhất của chính Con Người.
Ai có Nguyệt đức thủ Mệnh ắt tâm bồ đề, dễ tu hành, dễ buông bỏ. Lòng sân hận cứ vơi dần đi theo tháng ngày. Chế hoá được dục tính của Đào Hoa, chế hoá được mu muội của Thiên Không, át được tính hung của Kiếp Sát. Ấy chính là Nguyệt Đức.
Người có Nguyệt Đức đến vận thì tu hành hương khói tự khởi niệm chánh Pháp. Vận hạn đến thì hoá cát trừ tai. Gặp hoạ hoá may, gặp hung hoá lành.
Vài điều về sao Nguyệt Đức trong bộ Tứ Đức. Nhân tháng Vu Lan báo hiếu xin thân tặng tất cả các bà, các mẹ, các chị em bài viết về sao Nguyệt Đức. Ấy chính là đức hy sinh của người mẹ. 3 sao còn lại, Tamlinh.org hẹn các bạn ở bài viết sau.
Tamlinh.org
Nguồn: Sưu tầm