Ai cũng muốn làm việc tốt hàng ngày để tích đức cho con cháu, để cải tạo số mệnh. Vậy những việc ta đang làm có đúng là đang tạo ra phúc đức không? Như thế nào là âm đức? Như thế nào là dương đức? Cách tích đức cho con cháu sau này?
ÂM ĐỨC VÀ DƯƠNG ĐỨC
Người xưa nói tích đức, tích âm đức. Vậy thế nào là âm đức, dương đức?
Từ nhỏ chúng ta vẫn thường nghe ông bà căn dặn: “Phải tích âm đức, không cho mình thì cũng là cho con cháu”. Nhưng thế nào gọi là âm đức và dương đức?
Làm việc tốt để người khác biết gọi là “dương đức”. Dương đức phúc báo nhanh, người ta sẽ ca ngợi bạn, tuyên dương bạn, báo đáp bạn bằng vật chất hoặc khen thưởng biểu dương. Dương đức đã được báo đáp rồi thì sẽ hết.
Làm việc tốt mà không để người khác biết gọi là “âm đức”. Âm đức dù không được ai biết đến, không được ai biểu dương, nhưng phúc báo lớn, tích được lâu dài.
Đừng sợ làm việc tốt thì sẽ phải chịu thiệt. Hành thiện sẽ tích đức, đức ấy vĩnh viễn là của bạn, người khác không thể trộm được, không thể cướp được. Tự mình tu đức thì tự mình được phúc báo, vì đức là một loại năng lượng. Tuy đức nhìn không thấy, sờ không được, nhưng không lúc nào và không nơi nào là không tồn tại.
Dương đức không lâu dài, đa số là tùy theo việc làm tốt mà nhận được phúc báo ngay trong đời. Âm đức tích được lâu, hơn nữa càng tích càng lớn, càng tích càng dày, còn có thể để lại phúc trạch cho cháu con. Do đó làm việc thiện thì nên xuất tự đáy lòng, không nên truy cầu để người khác biết. Sự tường trình cho các buổi từ thiện, cúng dường.. nhằm minh bạch việc làm cho những thành viên đã đóng góp hoàn toàn khác với làm thiện .. với ý khoe khoang hay với mục tiêu đánh bóng cho tên tuổi cá nhân..
Người xưa rất coi trọng âm đức, cho rằng âm đức mới là trân quý, còn dương đức chỉ là một chút hư danh, không có giá trị thực tế đối với sinh mệnh.
''Sống trong đời sống cần có một Tấm Lòng'', và tấm lòng chỉ ''để gió cuốn đi''.. Đó chính là âm đức vậy.
Tích đức cải vận mệnh?
Vận mệnh con người theo 8 chữ vốn không bất di bất dịch.
- Vận số dù vào thuộc loại cao tốt nhất, nếu phạm vào các việc thất đức, tùy theo mức độ mà bị trừ đi, trở thành số cùng khốn ngay.
- Vận mệnh ở loại thấp nhất nếu làm được nhiều việc thiện cũng tùy theo mức độ mà tăng lên.
Điều này giải thích, có kẻ tiền vận sống trong nhung lụa, tiền bạc như nước, hậu vận trở thành kẻ ăn mày, tha phương cầu thực. Có người là kẻ ăn mày, hậu vận trở thành người giàu phú gia dịch quốc. Vì vậy, điều quan trọng là hành động nhân đức.
Lịch sử cho thấy, xưa nay những kẻ khốn cùng chạy theo vua chúa thất thế hoặc tham gia khởi nghĩa, đồng kham cộng khổ lúc hàn vi, dám ăn đói mặc rét, vào tù ra tội, sau khi thành công đều trở nên giàu có, thành đạt.
Nếu bỏ qua mục đích ý nghĩa hành động trước hết ta phải khâm phục họ là những người dám xả thân vì việc nghĩa, không tính toán lợi ích cá nhân, nay được vinh hoa phú quý cũng là lẽ đương nhiên ở đời. Đã là con người thì phải có kẻ giàu, người nghèo, kẻ sướng, người khổ, đã là xã hội thì phải có lúc thịnh lúc suy.
Cách tích đức cho con cháu?
1. Tích đức từ lời nói
Lời nói cần phải thể hiện sự khoan dung độ lượng đối với người khác. Lời nói thẳng: Có thể chuyển sang cách nói “vòng, nói giảm, nói tránh” một chút. Lời nói lạnh như băng: Hãy hâm nóng lên một chút trước khi nói. Lời nói phê bình người khác: Trước khi nói hãy chú ý cân nhắc đến lòng tự tôn của người nghe. Một lời khen ngợi đúng lúc có giá trị ngàn vàng.
2. Tích đức từ việc giữ lễ tiết
Người có lễ tiết đi khắp thiên hạ cũng khó có người trách mắng, không ưng ý.
3. Tích đức từ chung thủy
Phàm là vợ chồng, nên sống chung thủy, không ngoại tình, không hãm hại hôn nhân của người khác, nếu ta làm vậy thì về sau bản thân ta và con cháu luôn bị người khác phản bội và phá hoại hạnh phúc của mình. Rồi lại sẽ gặp quả báo đau khổ.
4. Tích đức từ tính cách khiêm nhượng
Người xưa nói: Người kiêu căng ngạo mạn, thích thể hiện tài năng thì đi đâu cũng có kẻ địch. Tránh khoe khoang tài năng của mình mọi lúc mọi nơi. Buông bỏ kiêu căng, giảm bớt tự kỷ. Không nên ở trước mặt người đang thất ý mà đàm luận về đắc ý của mình. Làm người, trước là đừng khoa trương tùy tiện, sau đừng đắc ý, nên khiêm nhượng một chút.
5. Tích đức từ việc cứu người
Khi gặp người bị nạn, gặp khó khăn, rơi đồ xuống đường, nên đến giúp đỡ, nếu ta bỏ đi thì ắt về sau sẽ gặp quả báo. Nhìn thấy những đoạn đường hư, lở,… Chúng ta nên mở lòng bồi đường, đắp lộ để cho nhiều người đi qua được bình an.
6. Tích đức từ việc hạn chế sát sinh
Sát sinh là tội ác thất đức trên đời. Nên buông dao xuống và nhớ rằng: Sinh mạng của chúng cũng như chúng ta, ăn đồ sát sinh, nên nghĩ đến là khi cầm dao giết nó, nó đã kêu lên thảm thiết và đau đớn cầu xin chúng ta như thế nào, nó chẳng khác gì chúng ta khi bị kẻ thù cầm dao cắt cổ rồi ăn xác chết của nó.
7. Tích đức từ việc làm ăn lương thiện
Nếu kinh doanh mà làm ăn lừa đảo, trốn thuế, cân sai, ăn bớt, thay linh kiện kém, sản phẩm gây độc hại cho nhiều người sử dụng, dùng âm mưu hãm hại đối thủ, bán cho xong tay, rồi mặc cho sự đau khổ của người khác thì những việc làm thất đức của bản thân, về sau ta và con cháu của ta phải gánh chịu Quả Báo rất nặng. Làm ăn chân chính và Tích Đức thì có Phúc lớn về sau.
8. Tích đức từ việc thành thật với mọi người
Không thành thật sẽ khó tồn tại, người giả dối tất sẽ không có bạn chân thành. Luôn lấy thành tín làm gốc, coi trọng thành tín trong mọi mối quan hệ. Dùng thành tín thu phục người khác, sẽ dễ đạt được thành công. Một người nếu như mất đi sự thành thật thì làm việc gì cũng khó. Bất kể lý do gì cũng không thể giải thích được lý do sự giả dối của bản thân.
9. Tích đức từ việc tôn trọng người khác
Đem lòng tự tôn của người khác đặt ở vị trí cao nhất. Cố gắng để người khác cảm nhận thấy sự tôn nghiêm của bản thân mình. Tôn trọng người yếu kém hơn mình càng là đáng quý. Địa vị càng cao thì càng không thể khinh thường người khác.
10. Tích đức từ giữ thể diện cho người khác
Ở một số tình huống việc “không nể mặt” là một thái độ vô lễ lớn nhất. Người phương đông rất xem trọng thể diện vì vậy ở bất cả thời điểm nào cũng nên giành cho người khác một “lối thoát” để giữ thể diện. Nhìn thấy rõ một người cũng đừng nên chỉ thẳng ra, hãy lựa lúc mà nói. Hãy nhớ đừng bao giờ làm tổn thương thể diện của người khác bởi hậu quả của nó là khôn lường. Trong một số tình huống, vạch trần người khác là một cái tội đẩy người ta đến đường cùng.
11. Tích đức từ việc tín nhiệm người khác
Người có tính đa nghi trời sinh thì khó có người bạn chân thành. Được người khác tin tưởng, tín nhiệm là một loại hạnh phúc. Người có bao nhiêu tín nhiệm thì sẽ có bấy nhiêu cơ hội thành công. Người xưa nói: “Đã nghi ngờ người thì không kết giao, đã kết giao thì không nên nghi ngờ người.”
12. Tích đức từ việc cho người khác sự thuận lợi
Cho người khác được lợi cũng chính là làm lợi cho mình. Thời điểm người khác cần bạn nhất, hãy sẵn sàng cho họ một bờ vai để nương tựa. Suy nghĩ cho người khác cũng chính là suy nghĩ cho bản thân mình.
13. Tích đức từ việc hiểu người khác
Mọi người, ai cũng mong muốn người khác hiểu và thừa nhận mình. Hiểu người khác cũng chính là một cách đem lại lợi ích cho người khác.
14. Tích đức từ việc giúp đỡ người khác
Ở vào thời khắc quan trọng, ai mà không hy vọng có người trợ giúp mình?“Vì người khác” sẽ luôn luôn chiến thắng “vì mình”. Lòng tốt sẽ luôn luôn được người khác khắc sâu, nhớ kỹ. Khi giúp đỡ người khác cũng phải tìm cách để đối phương vui cười mà tiếp nhận.
15. Tích đức từ việc biết cảm ơn người
Cảm ơn là một cách ngợi ca cuộc đời. Trong cuộc sống, lời cảm ơn kịp thời sẽ khiến mọi người thân thiện với nhau hơn. Cảm ơn đối thủ là một cách thể hiện của người có chí khí.
16. Tích đức từ đôi tay
Học cách ca ngợi, vỗ tay tán thưởng người khác. Mỗi người đều cần tiếng vỗ tay của người khác bởi vì ủng hộ, khen ngợi người khác là điều cần có ở mỗi người. Không biết vỗ tay, khen ngợi người khác thì đời người thực sự quá nhỏ hẹp. Cho người khác tiếng vỗ tay kỳ thực là cho chính bản thân mình.
17. Tích đức từ lòng nhân ái của bản thân
Mỗi người đều nên tu dưỡng lòng nhân ái trong mình. Bởi người có tấm lòng nhân ái luôn sống nhẹ nhàng mà lại dễ dàng nhận được sự hợp tác từ người khác.
18. Tích đức từ lòng lương thiện
Không có ai là không muốn làm bạn, làm hàng xóm hay hợp tác với người có tấm lòng lương thiện. Người lương thiện có thể thu phục người khác. Chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm.
19. Tích đức từ sự biết lắng nghe
Người xưa có câu: “Nhìn nhiều, nghe nhiều và nói ít”. Người biết lắng nghe thường được lòng người khác bởi lắng nghe là một cách lấy lòng người khác tốt nhất.
20. Tích đức từ lòng khoan dung
Không thể khoan dung người khác có thể là bởi vì lòng dạ của mình còn quá nhỏ hẹp! Dùng khoan dung có thể cải biến một con người lầm lỗi. Người có lòng khoan dung sẽ dễ dàng chiếm được lòng người khác. Hãy học cách tha thứ khuyết điểm của người khác. Đôi lúc, một quan hệ tốt đẹp là từ nhẫn mà sinh ra đấy!
Tổng hợp