04/06/2021 11:51 View: 2691

Vì sao nên hiếu kính với tổ tiên, ông bà?

Hãy gạt bỏ hết những trách nhiệm, nghĩa vụ, hay sợ tiếng đời thị phi, mai mỉa. Hôm nay tôi sẽ chỉ cho bạn thấy một góc nhìn về tâm linh và luân hồi để bạn hiểu được rằng, sự hiếu kính với tổ tiên ông bà không chỉ cho bất kỳ ai, mà còn vì chính bản thân mỗi người!

hieu kinh voi ong ba

Ảnh từ Facebook nhà báo Ngô Bá Lục

Nhờ phước ông bà để lại

Có rất nhiều người tuy thờ cúng ông bà, tổ tiên hay phải chăm sóc ông bà, cha mẹ lúc già yếu, bệnh tật, nếu họ có gia sản gì để lại cho con cháu đời sau thì khi chúng chăm lo lúc già yếu, tuy có khó nhọc, cực khổ nhưng có thể được xem là có lý do chính đáng.

Nhưng cũng không ít trường hợp do ông bà, cha mẹ không được may mắn, gia sản để lại cho chúng chẳng có gì, hoặc khi lúc còn nhỏ, đứa cháu đó, người con đó phải sống lang bạt nơi khác, không nhờ vả, cậy nương được gì nơi ông bà, cha mẹ mà phải tự lực cánh sinh. Cho nên tuy là ruột thịt, thân quyến nhưng tình cảm lại chẳng bằng nước lã, người dưng! Vì vậy khi ông bà, cha mẹ già yếu, bệnh tật, chúng phải nhận trách nhiệm chăm nom thì lòng lại cảm thấy chưa được thanh thản, như có chút gì đó còn vướng víu, lăn tăn.

Mỗi khi có việc gì may mắn như là vừa trải qua một cơn bạo bệnh, hay vừa thoát khỏi một tai nạn hy hữu, nguy hiểm thì người ta hay nói (nhờ phúc ông bà để lại)!

Theo cái lý nhân quả thì phúc ông bà thì ông bà hưởng chứ cháu con có phúc của cháu con, làm sao mà có chuyện người làm, kẻ hưởng như thế?

Có lẽ sẽ có nhiều người sanh lòng nghi ngại cái lẽ chưa thông suốt này!

Nhưng kỳ thực bản chất của sự vụ lại rất hợp lẽ, rất nhân quả!

Không phải chỉ hợp nhân quả ở cái đạo lý rằng (khi ta hiếu thuận với cha mẹ, ông bà thì con cháu của ta cũng sẽ thấy đó mà làm gương noi theo. Như trong câu chuyện đứa bé thấy cha đóng xe gỗ để kéo bà nội vào bỏ trong rừng vì bà nội đã quá già yếu, lại ốm đau bệnh tật, cho nên đứa con cũng bắt chước mà muốn giữ cái xe lại để mai này cha già như bà nội thì con cũng kéo cha vào rừng như thế!

Xét về góc độ luân lý, đạo đức thì như thế, còn về tâm linh và luân hồi thì ta sẽ thấy rõ ràng hơn.

Điều ta mong muốn nhất sẽ chiêu cảm ta luân hồi về đó

Như trong nhiều bài pháp đã kể qua, tức là một khi lòng ta còn chấp vào thứ gì đó không buông, thì khi ta đi luân hồi cái điều nào mà trong đầu ta khi còn sống thôi thúc nhất, mong muốn nhất, sẽ chiêu cảm ta luân hồi về đó.

  • Thí dụ khi ta còn tại thế, niềm mong muốn lớn nhất của ta là tìm thầy học đạo, cầu sớm giác ngộ, giải thoát. Thì khi ta luân hồi, nhân duyên gieo tạo được với vị chân sư nào thì duyên nghiệp sẽ mang ta đến đó mà cầu đạo.
  • Nhưng nếu là khi sống trong lòng ta chỉ có thù hận, căm tức một kẻ nào đó đã mưu hại mạng sống của ta, cướp vợ, giết con ta, ta muốn trả thù. Thì khi luân hồi ta sẽ bị chiêu cảm mà làm kẻ đối đầu hoặc làm con, làm cháu mà báo oán cừu đó! Việc này thì nhiều lắm, phổ biến ở khắp mọi nơi! Có lẽ mọi người đều đã từng cảm thụ được, nên tôi không thí dụ nữa!

Như vậy thì cái nguyên do phúc đức ông bà mà con cháu hưởng đã dần hé lộ!

Không đâu xa lạ, mà ta có khi chính là kiếp luân hồi của ông bà ta khi xưa ấy!

Vì sao như thế!?

Vì trong đời người phàm phu sống mấy mươi năm, trừ những người đã giác ngộ tu hành còn lại tất thẩy có lẽ là lo nghĩ cho gia đình, thân quyến nhiều nhất, có phải vậy không!?

Chính vì lo nghĩ cho con, cho vợ/ cho chồng mình sẽ ra sao, sau khi mình chết sẽ làm cho tâm trí họ chỉ còn lại có mỗi ái lực đó chủ đạo. Như vậy khi luân hồi lại dễ sanh trở lại trong dòng họ, thân quyến của chính mình!

Như vậy cho nên, khi ta nghe người ta nói nhờ phúc đức ông bà để lại thì phúc đức đó ở đâu ra mà ta hưởng vậy?

Là của chính ta gieo tạo mà ra đó thôi!

Chứ nếu khi còn sống ta là kẻ ác gian, gieo nhiều ác nghiệp thì làm gì có cái phúc ông bà nào cho ta hưởng lấy như thế được!?

Cho nên khi sống trong kiếp này, mỗi người chúng ta phải biết trân quý từng giây phút mà kiến tạo công đức, thiện phước. Mai sau chính ta là người hưởng lấy chứ không chỉ để cho con cháu đời sau gì đâu!

Như vậy hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ nào phải đâu chỉ là lòng hiếu thuận của đạo lý luân thường, mà đó còn là vì chính bản thân ta. Vậy thì:

  • Bậc làm người lớn ông bà, cha mẹ ta phải biết giữ lấy đức độ, phẩm giá, mà gieo tạo cho cháu con tấm gương mẫu mực, đó chính là tự mình tạo dựng tương lai các kiếp về sau.
  • Phận làm con cháu thì hiếu kính, tổ tiên, cha mẹ ông bà nào phải đâu là trách nhiệm, là bổn phận, là luân lý ở đời, đó còn là cho chính bản thân ta!

Những ai đang trong cảnh lòng còn chưa thông vì cha mẹ không tốt, ông bà không phải mà sanh lòng oán hận thì hãy nghe thầy buông xả ngay hôm nay! Bởi đó là nghiệp do mình gieo ra, giờ mình gặt lấy, chớ có oán thán trách than gì ai. Muốn tốt hơn ở kiếp vị lai sao ta không làm điều tốt cho họ, tự khắc về sau ta có sự chuyển biến thân nghiệp cho mình!

Những ai mà ghét người này, khinh người nọ thì hãy dẹp đi lòng sân hận đó, nếu không muốn mai kia thác sanh phải làm con, làm cháu kẻ mà ta oán hận!

Luyến ái cũng như sân hận! Cũng sẽ chiêu cảm mà luân hồi như thế!

Ta thấy những cặp song sanh 1 trai 1 gái không? Người ta phải làm lễ cưới giả cho các bé khi mới chào đời là vì lẽ này!

Vì họ luyến ái sâu nặng, tâm trí chỉ có người kia nên khi luân hồi cũng về cùng một mẹ, cùng một bào thai. Tất cả đều do chính ta mà ra! Không phải ai đi an bài chuyện lắt léo, tréo ngheo như thế làm gì cả!

Hãy liễu ngộ lẽ này!

Bài giảng của sư thầy Tuệ Minh - Quy luật tam giới