04/06/2021 11:39 View: 10809

Phần mộ tổ tiên ảnh hưởng đến con cháu như thế nào?

Mồ mả (mộ phần) của tổ tiên là một phần vô cùng quan trọng trong tâm linh người Việt. Có thể coi nó giống như gốc rễ, cội nguồn cung cấp nguồn sống, lương thực nuôi dưỡng toàn bộ khí huyết vận mệnh của con cháu đời sau. Vậy ảnh hưởng từ phần mộ của tổ tiên lên con cháu trong tương lai như thế nào? 

mo to tien, phuc khi, am phan

Ảnh: Thể thao văn hoá

Mỗi mảnh đất, mỗi ngôi nhà đều gắn liền với phận số những chủ nhân của nó. Thịnh suy của đời người một phần do phúc ấm ông bà tổ tiên và mảnh đất đang ở mà thành.

Đất lành, thần linh cai quản phù hộ cộng với phúc đức đủ dày thì ăn nên làm ra và thành đạt. Phúc mỏng phận mỏng xui khiến gặp những điều trớ trêu thì gặp phải mảnh đất xấu. Âm đức không ra sao cộng với mảnh đất nghịch. Gặp khi vận hạn đến cộng với âm binh quanh quất thổ điền họ hành không chóng thì chày cũng gặp đại hoạ. Thế cho nên, bên cạnh một mảnh đất tốt thì phúc ấm từ ông bà tổ tiên cũng vô cùng quan trọng. 

Phúc khí, dưỡng khí của mảnh đất là gì?

Tiên thiên phong thuỷ là tổ tiên thông qua khí của môi trường xung quanh ảnh hưởng đến thế hệ con cháu, trường khí này cũng thường được gọi là “mồ mả” hoặc “âm trạch”. Còn hậu thiên phong thuỷ  chính là “nhà ở” hay còn gọi là “dương trạch”!

Âm trạch nơi mộ phần là nơi sản sinh ra các loại khí tốt để nuôi dưỡng đời sống sinh hoạt của người dương, tạo nên tài lộc và vận may của con cháu ở trên dương gian. Theo các cụ xưa, khi một dòng họ gia đình sinh sống gắn bó từ 4 đời trở lên ở một vùng đất trong khoảng thời gian từ 100 năm trở đi thì bắt đầu sản sinh ra Phúc Khí, Dưỡng Khí cho con cháu đời sau. 

Do vậy, phong thủy tốt xấu của phần mộ, vô hình chung có khả năng ảnh hưởng đến vận mệnh tiền đồ của con cháu và phúc phận của cả dòng họ. Do đó, chúng ta càng không thể không biết, không thể không tin.

Vì sao phần mộ tổ tiên lại phù hộ cho con cháu đời sau? 

Đơn giản vì giữa Âm và Dương có sự liên kết gắn bó với nhau. Trong “Thanh Nang Kinh” nói rằng: Âm dương gặp nhau, phúc lộc trường tồn. Một trong những nguyên nhân là do linh hồn của những bậc trưởng bối, xương cốt và con cháu là có quan hệ huyết thống (gen di truyền và sinh học dẫn điện). Bộ xương cốt được chôn cất đúng long huyệt, tự nhiên sẽ hấp thụ long khí, hình thành khí phản hồi, nhập lại xương mới. Đây chính là lý vạn vật sinh ra từ đất rồi lại trở về với đất. Người sống thuộc dương, người chết thuộc âm; Long khí (2 khí âm dương) thuộc dương; người chết thuộc âm; Long khí được dưỡng thành bởi khí âm và khí dương, sau đó có quan hệ đối ứng với người có cùng huyết thống. Đây chính là ý chỉ “âm dương gặp nhau, phúc lộc trường tồn!”

Con người được sinh ra bởi tinh cha, trứng mẹ và được hợp thành bởi các nguyên tố tự nhiên như: nước, gió, lửa, đất,... Rồi khi con người mất đi, quá trình tan rã của thân thể từ da thịt về với tự nhiên, máu huyết thấm vào lòng đất rồi chuyển hóa thành mạch nước, xương cốt tan hoại trở về với cát bụi, hơi thở hòa vào gió tạo nên thời tiết khí hậu.

Toàn bộ phần xác từ thể hữu hình tan hoại chuyển hóa vào thành vô hình thấm vào nhành cây ngọn cỏ hòa vào gió vào nước vào đất quyện thành 1 trường năng lượng khí thống nhất, tuy vô hình nhưng lại vô cùng mạnh mẽ. Và trường năng lượng này sau nhiều đời tạo thành long mạch nuôi dưỡng hậu duệ đời sau. Điều đó cho thấy, tổ tiên mặc dù đã chết như ngọn đèn đã tắt, nhưng trường khí của họ vẫn lấp đầy một không gian nhất định, vẫn âm thầm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai.

Với những mối quan hệ càng gần thì sự kết nối lại càng mạnh, vì trong con cháu đời sau có chứa những cấu trúc gen gần giống tổ tiên, điều này tạo thành những mảnh ghép gần hoàn chỉnh của một bức tranh trường năng lượng tổng quát.

Thật không may, loại gen câu thông này (từ trường cực kì nhỏ và yếu), nên con người nhìn không thấy sờ không được, không những thế nếu chúng ta sử dụng các phương tiện khoa học và công nghệ hiện có cũng rất khó khăn để phát hiện ra. Nhưng thực tế đã chứng minh, những gì các nhà khoa học  chưa phát hiện được không có nghĩa là nó không tồn tại.

Mối liên kết tâm linh giữa chúng ta và ông bà tổ tiên

Những người trong dòng tộc tức là có cùng cấu trúc gen, thói quen tập tục đồng nhất về mặt phân tử sinh học với vùng đất tổ tiên. Bởi vậy, cuộc sống của họ trực tiếp chịu ảnh hưởng về phần tâm thức, suy nghĩ hành động, cũng như xu hướng về nghiệp giống ông bà cha mẹ tổ tiên nhà mình.

Nhiều nhà nghiên cứu tâm linh cho rằng: giữa chúng ta và tổ tiên là 1 thể, chỉ khác nhau ở dạng tĩnh hay dạng động mà thôi. Dạng tĩnh là thể chất tồn tại hòa quyện vào thiên nhiên, cây cỏ, khí hậu và nguồn nước. Còn dạng động là cá nhân có thân xác riêng biệt có thể chủ động đi lại và sinh hoạt nhưng lại cùng đồng nhất về gen và mặt cấu trúc phân tử. Nên tuy 2 mà là 1, trong tĩnh có động và ngược lại trong động lại có tĩnh.

Như vậy, tác động của các phần mộ tổ tiên đến các đời hậu duệ sau này quả thực là một bộ phận rất trọng yếu trong học thuyết phong thuỷ. Nó không chỉ là nơi mà thân xác thịt vật chất của người sau khi chết quy tụ. Mà đây còn là một nơi thiêng liêng cho các thế hệ tương lai tỏ lòng tôn kính đối với tổ tiên của họ. Đồng thời mộ cũng là một trường vô hình gây ảnh hưởng đến sự phồn thịnh và phát triển của các thế hệ sau.

Phần mộ tổ tiên ảnh hưởng trực tiếp như thế nào đến con cháu?

  • Về hôn nhân: Nếu các ngôi mộ được xây dựng trong vùng đất cô quả, thì cuộc hôn nhân của con cái sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Lấy ví dụ một trường hợp như vậy: Gia đình nọ có hai con trai đã hơn ba mươi tuổi, nhưng đều chưa kiếm được vợ, người trong nhà đều rất lo lắng. Một vị thầy phong thủy đã đi khảo sát ngôi mộ tổ tiên của gia đình họ và phát hiện ra nó nằm ở vùng đất cô quả, vì vậy đã giúp họ chọn một vùng đất địa cát hơn. Sau khi di chuyển mộ chưa đầy một năm thì liền được song hỷ.
  • Về con cái: Con cái nhiều hay ít, có tiền đồ hay không đều có thể được dự đoán từ phong thủy của ngôi mộ của gia tiên.
  • Về thọ mệnh: Thọ mệnh tốt xấu, dài ngắn của con cái trong gia tộc đều sớm có thể phản ánh từ phong thuỷ phần mộ gia tiên.
  • Về tài vận: Tài vận của con người tùy thuộc vào ngày giờ sinh bát tự của họ. Nhưng phong thủy có thể thật sự thay đổi vận thế của người đó. Ví dụ, nếu một người trong số mệnh định là triệu phú thì nhất định sẽ không thể nghèo, nhưng cụ thể, trong tương lai họ sẽ có bao nhiêu tiền? Nếu áp dụng phong thủy âm trạch, dù họ không có được một triệu đô la, thì cũng cho phép họ đạt được 990.000 đô la.

Con cháu cần làm gì để giúp gia tiên hưng thịnh

Tuy cá thể mỗi người thể hiện ở 1 thể xác riêng biệt nhưng lại có cùng chung cốt khí với gia tiên từ một mảnh đất nên con người muốn cuộc sống hạnh phúc thì:

  • Điều quan trọng là phải có chữ Tâm sống đúng đạo đức nên không được rời xa gốc rễ của mình.
  • Chữ Hiếu luôn được đặt lên hàng đầu, nhớ đến những ngày giỗ, lễ tết mà anh em họ hàng quây quần tụ họp thắp hương gia tiên tiền tổ.
  • Giữ gìn nơi thờ phụng trang nghiêm sạch sẽ.
  • Trên ban thờ luôn có hoa thơm quả ngọt nhang khói thường xuyên.

Những điều này có ý nghĩa "tụ khí chân linh" giúp gia tiên hưng thịnh ngày càng linh thiêng, sinh vượng nhiều phúc khí cho gia đình tăng sức mạnh phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, cuộc sống bình an, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Trưởng họ: Người giữ phúc khí cho cả dòng tộc

Con trai cả hay còn gọi là nhánh trưởng, hay là nhánh chính cho một dòng tộc là người thay mặt cho những thành viên trong gia đình chắp táp hương khói tụ khí cho gia tiên. Người này vô cùng quan trọng vì nắm giữ phúc khí cho cả dòng họ. Người con trai trưởng phải có tâm lành, sống có đạo đức lương thiện để tạo nên Phúc Khí.

Nếu trong gia đình con trưởng là người vô thần, không tin nhân qủa, sống vô đạo đức, làm điều sai trái gây nhiều ác nghiệp, không giữ được thân tâm trong sạch thì cũng làm giảm phúc khí, may mắn và thọ yểu của những người trong dòng họ.

Kết luận:

Như vậy để có cuộc sống hạnh phúc viên mãn tròn đầy thì con cháu phải luôn biết nhớ đến nguồn cội và gốc rễ của mình, thờ cúng tổ tiên thành tâm, chu đáo & trọn vẹn.

Thờ cúng tổ tiên để liên kết với quá khứ và phát huy các giá trị sống tốt đẹp cho hiện tại.

Thờ cúng ông bà cha mẹ để thực tiễn hóa ý niệm tri ân và báo đáp thâm ân sinh dưỡng.

Thờ cúng đồng thời cũng là cách giáo dục lòng hiếu thảo cho con cháu về sau.

Giáo lý đạo Phật đề cao tinh thần hiếu đạo, kính thờ và phụng dưỡng cha mẹ mang lại phước báo lớn… đã hòa quyện với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt để trở thành nếp sống đạo đức, hiếu thảo của người Phật tử Việt hiện nay.

Tamlinh.org (tổng hợp)