Đạo giáo quan niệm có tam hồn và thất phách. Vậy với các đồng nhân trong đạo Mẫu, Tam hồn Thất Phách này là những gì? Có ảnh hưởng gì đến quá trình tu tập & hầu Đồng không?
Tam hồn (Ba hồn):
+ Sinh hồn (Nhân hồn):
Phần đem lại nguồn lực sống, kế thừa máu huyết của cha mẹ hun đúc thân hình, tạo tư duy, tư tưởng, hành động cho thể xác.
+ Giác hồn (Địa Hồn):
Được hun đúc bởi thế giới và mảnh đất nơi sinh phần giúp cơ thể nhận biết, kế thừa văn hiến tư duy vùng đất, cảm thụ, phản ứng trong môi trường sống nơi đại địa sinh ra.
+ Linh hồn (Thiên hồn hay linh quang):
Phần quan trọng nhất, thâm sâu, linh diệu nhất của con người và vạn vật. Theo một số tín ngưỡng thì chịu kiếp luân hồi chính là phần hồn này.
Thất phách (Bảy vía):
Người Việt Nam quan điểm "vía” hiện ra gồm bẩy lỗ là nam, chín lỗ là nữ: Hai lỗ tai, mồm, mũi, mắt, hậu môn và dương vật/ âm hộ , nữ thêm hai lỗ ngực.
Từ quan điểm này đã phát triển quan niệm rằng nam có ba hồn bảy vía, nữ có ba hồn chín vía.
Sách cổ chép rằng người ta mới sinh sống được 7 ngày gọi là Lạp (hay còn gọi là Cữ) sinh ra 1 vía. Đủ 7 vía thành người (49 ngày). Đủ 100 ngày thành 1 tuổi. Bé trai đủ 7 ngày, gái 9 ngày gọi là đầy cữ.
Trong sách Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn cũng viết: " Tục nước ta sinh con được 3 ngày thì chỉ làm vài mâm cỗ cúng Thuần Dưỡng Bà. Đến ngày thứ 7, thứ 9, đầy 100 ngày thì làm lễ cáo gia tiên, yến tiệc linh đình...".
Vì thế, khi chết, sau 7 ngày là 1 ky tang, mất đi 1 vía. Bảy lần cúng ky tang thì cúng tuần chung thất - hết vía: 49 ngày. 100 ngày cúng Tốt khóc (thôi khóc).
Liên quan đến căn quả
Căn quả của người có đồng là bởi duyên nguyện và quả nghiệp của mình gây ra. Đặc biệt gọi là căn xuất địa sinh tam hồn đúc mệnh vị, do tam hồn tụ căn mà có.
Ta biết thiên hồn là điểm bất biến của mọi linh hồn trong tạo hóa. Thiên hồn đi lại nhiều kiếp kết hợp với nhân hồn và địa hồn cho ra nhiều hình hài khác nhau. Nó chỉ có chứa đựng những thứ tạo hóa cho phép mang theo trong luân hồi gọi là quả đạo duyên nghiệp đạo và pháp tắc.
Địa hồn hay còn gọi là Âm hồn là do đại địa nơi sinh hun đúc nó chứa đựng hiện tại hình hài của thế giới mảnh đất nơi sinh bao gồm văn hiến, văn hóa tín ngưỡng, phong tục thổ nhưỡng... của mảnh đất nơi đó.
Nhân hồn là do máu thịt và truyền thừa của cha mẹ hun đúc lên nó là đại diện hình hài thân thể và truyền thống nghiệp duyên phúc quả của cha mẹ gia tiên tiền tổ...
Trong Đạo Mẫu người có đồng là tu hồn tu cốt (xương cốt- Đồng cốt) tu mệnh. Vì tam hồn là cái trìu tượng không nhìn thấy được nên hay gọi là “Tu âm phúc” (Âm pháp môn). Tu cốt là đi đường Thần Đạo nguyện lực gọi là cốt tâm (đồ đằng chí tôn huyền hóa). Bản chất lấy chủ nguyện của tâm hướng tới khế hợp với đồ đằng.
Bởi là tu hồn nên Đồng Nhân luôn có được sự cởi mở trong tu tập hành trì.
Cũng do linh hồn con người gồm tam hồn cho phép chứa đựng tất cả những gì của thiên địa nhân nên đồng tu ngoài mật pháp của nhà Đồng có thể du nhập thêm các đạo tâm hay thân hay khí huyết (vì hồn là chủ của tâm của thân thể của khí huyết...) nên một số pháp của Đạo Phật hay Đạo Giáo, Nho Giáo... dung hợp trong tu đồng và có thể tương hỗ cho đồng nhân trên con đường tu đạo.
Tự Tuệ Trần