04/06/2021 11:51 View: 1040

Truyền kỳ Yên Tử P14: Ứng xử thế nào với lăng mộ các vua Trần?

Đám săn kho báu đã đập vỡ các pho tượng hòng tìm kiếm vàng bạc bên trong.

Sau khi thống kê hàng loạt thảm kịch rùng rợn liên quan đến những người đào phá mộ vua Trần Nghệ Tông, ông Hồng mệt mỏi vào giường nghỉ. Vợ ông Hồng dẫn tôi đi xem ngôi mộ ở xóm Mới (thôn Bãi Dài, An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh), cách nhà bà không xa. Theo vợ chồng ông Hồng, một số người dân sống quanh ngôi mộ này cũng toàn gặp chuyện xui xẻo, không bệnh tật thì cũng chết chóc khó hiểu.

Lăng mộ nằm trên một bãi đất rộng, hơi khum, người dân gọi là Đống Tròn. Người dân trong xóm chỉ biết đây là mộ vua, còn mộ ông vua nào, ở thế kỷ bao nhiêu thì họ chịu. Sau này, lục lại các tài liệu cổ, tôi mới biết khu vực mồ mả trên Đống Tròn chính là lăng mộ của vua Trần Dụ Tông. 

Trần Dụ Tông là vua thứ 7 của nhà Trần. Ông lên ngôi năm 6 tuổi, ở ngôi 28 năm. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Ông mất ngày 25 tháng 5 năm 1369 ở chính tẩm, thọ 34 tuổi. Mùa đông, tháng 11 táng Dụ Tông vào Phụ Lăng ở Yên Sinh.

Mặc dù chưa tiến hành khai quật, nhưng qua quá trình khảo sát sơ lược, các nhà khoa học thấy rằng, toàn bộ diện tích đất thuộc lăng (qua các dấu tích hiện vật) rộng gần 1 héc-ta. Như vậy, lăng mộ vua Trần Dụ Tông cũng rất lớn. Tuy nhiên, cũng như những lăng mộ vua Trần khác, Phụ Lăng đã đổ nát hoàn toàn. Tôi chỉ còn thấy một ít di vật, vài chiếc chân cột, gạch, ngói thời Trần nằm ngổn ngang, rải rác trên mặt đất. 

Toàn bộ khu vực từng là lăng mộ vua Trần Dụ Tông đã được giao cho 4 hộ gia đình xây dựng nhà cửa, làm vườn. Khu trung tâm lăng mộ nằm trọn trong mảnh đất thổ cư, có sổ đỏ đàng hoàng của gia đình ông Đỗ Văn Tư. Tại khu lăng mộ, ông Tư trồng vải, trồng mít tốt um tùm.

Trong số những lăng mộ vua Trần ở An Sinh, có lẽ lăng mộ vua Trần Dụ Tông là ấm cúng nhất. Nói là ấm cúng vì người dân đã dựng một ngôi miếu nhỏ bằng đất, có mai che bằng phi-brô-xi-măng, che mưa hắt nắng chiếu. Thi thoảng người dân vẫn ra ngôi miếu nhỏ này hương khói. Theo vợ ông Hồng, mấy năm trước, một người trong xóm đào mương dẫn nước qua mộ, vài hôm sau lăn đùng ra chết, nên người dân trong xóm rất sợ, rủ nhau đắp miếu thờ cúng cẩn thận.

Trong số các lăng mộ vua Trần ở vùng An Sinh ngày nay và Yên Sinh khi xưa, có lẽ duy nhất lăng mộ vua Trần Hiến Tông là được chăm chút, thờ cúng cẩn thận. 

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Ngày 15 tháng 8 năm Mậu Thân (1344) táng vào An Lăng ở Kiến Xương”. Năm 1381, lăng mộ Trần Hiến Tông được đưa về Yên Sinh, táng vào Ngải Sơn Lăng. 

Theo Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ, thì lăng Ngải Sơn có rất nhiều tượng đá, gồm voi đá, trâu đá, ngựa đá, hổ đá, người đá, rồng đá… 
Theo sử sách, lăng mộ vua Trần Hiến Tông vốn rộng 1 héc-ta, song hiện tại, diện tích đất của lăng được chia cho các hộ dân làm nhà, làm vườn trồng trọt, canh tác. 

Theo ông Hà Duy Cầu, người trông nom hương khói lăng mộ, khi người dân quanh khu vực cuốc đất làm vườn, thì thường xuyên cuốc phải gạch đá nằm dưới lòng đất, chỉ cần đào xuống lòng đất nửa mét, sẽ bới lên được cả đống gạch đá cổ. 

Công trình lăng mộ này cũng bị đổ nát từ lâu rồi. Năm 2002, Công ty Than Mạo Khê đã đầu tư kinh phí xây dựng miếu thờ và ngôi mộ mô phỏng trên diện tích 1000 mét vuông. 

Vì có lăng mộ, có nơi thờ cúng, hương khói, nên hàng năm, xã An Sinh đều tổ chức giỗ vua ngay tại khuôn viên lăng mộ. Mặc dù lăng mộ được xây dựng lại khang trang, song những di vật còn lại thì thật thảm hại, vứt ngổn ngang, chỏng chơ ngoài góc sân, gốc cây.

Rùa đá thì mất đầu, thân gẫy đôi. Hai pho tượng đá quan hầu rất quý trong tư thế đứng, hai tay chắp trước ngực, được tạo tác bằng chất liệu đá xanh, đều bị cụt đầu, một pho gãy đôi. Các loại tượng linh thú đặc biệt thời Trần như voi đá, ngựa đá, chó đá cũng đều rụng đầu, gãy ngang thân. Theo ông Nguyễn Hữu Tâm, người sống ngay cạnh lăng mộ, thì đó là kết quả của các cuộc tìm kiếm, đào bới kho báu. Đám săn kho báu đã đập vỡ các pho tượng này hòng tìm kiếm vàng bạc bên trong.

Ông Tâm dẫn tôi đi vòng sang ngõ khác để đến một khu vườn của dân, được ngăn cách với lăng mộ bằng bức tường gạch rất cao. Giữa khu vườn na này, có một rùa đá khổng lồ. Ước chừng rùa đá dài gần 2m, rộng hơn mét, dày 0,4 mét và nặng vài tấn. Rùa đá còn khá nguyên vẹn, chỉ mất phần chỏm đầu mà thôi. Rùa đá nằm trên đế gắn bằng sỏi và có lẽ đã nằm đó hơn 600 năm rồi. Vì rùa quá lớn và nặng, nên không dễ gì di chuyển được. 

Theo lời người dân, chính quyền đã có chủ trương giải phóng 7 hộ gia đình ở xung quanh lăng mộ vua Trần Hiến Tông để làm công tác khảo cổ, phục dựng lăng mộ. Tuy nhiên, chưa biết đến khi nào việc này mới được thực hiện.

Qua tìm hiểu, tôi thấy rằng, trong vài năm trở lại đây, đã có rải rác vài cuộc khai quật khảo cổ của Viện Khảo cổ học phối hợp với Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh. Tuy nhiên, các cuộc khảo cổ mới chỉ dừng lại ở việc thăm dò quy mô, hiện trạng một số di tích mà thôi.

Trong số các lăng mộ, mới chỉ có lăng Đồng Thái (Trần Anh Tông) và lăng Tư Phúc là được khai quật sơ bộ vào năm 2009. Ngay sau khi khai quật, các nhà khảo cổ lại lấp đất giữ nguyên hiện trạng. Từ đó đến nay, không thấy có thêm cuộc khai quật nào nữa. 

Theo nhà nghiên cứu Vũ Thị Khánh Duyên (BQL các di tích trọng điểm Quảng Ninh), Đông Triều xưa là dải đất gắn liền với quê hương, với những chiến công, những thắng lợi và những công trình văn hóa đồ sộ của nhà Trần, một nơi đã từng được coi là “Triều đình ở phía Đông”. Giờ đây, các công trình ở Đông Triều chỉ còn là phế tích, đã vùi sâu trong lòng đất, do đó, chỉ có qua công tác khảo cổ mới tìm được câu trả lời. Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản văn hóa nhà Trần ở Đông Triều, BQL các di tích trọng điểm, cũng như chính quyền tỉnh Quảng Ninh cần sự giúp đỡ của các nhà khảo cổ, sử học và đây còn là quá trình phức tạp.

Nhà nghiên cứu Đinh Kiều Sơn (BQL các di tích trọng điểm Quảng Ninh) đưa ra các bước cụ thể để bảo tồn, trùng tu, phát huy giá trị di tích về sau này. Trước mắt cần tiến hành điều tra khảo sát và khai quật thám sát khảo cổ học nhằm xác định phạm vi phân bố của di tích, rồi tiến hành khoanh vùng bảo vệ. Tiếp đó, cần tiến hành nghiên cứu làm rõ tính chất di tích, di vật nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích.

Theo ông Sơn, sau khi tôn tạo di tích, sẽ khoanh vùng di tích rồi kết nối thành hệ thống và mở rộng với các khu vực Ngọa Vân, Hồ Thiên, Quỳnh Lâm cũng như với Yên Tử, tạo thành một không gian văn hóa Trần rộng lớn ở khu vực Đông Bắc Tổ quốc. Từ đây, sẽ kết nối với Chí Linh (Hải Dương) và Hạ Long (Quảng Ninh) tạo thành một tuyến du lịch liên hoàn.

Với những giá trị to lớn của di tích các lăng mộ và khối lượng công việc đồ sộ, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, việc xây dựng quy hoạch cũng cẩn phải tiến hành song song với việc xây dựng Dự án đầu tư trình Chính phủ phê duyệt.

Có thể nói, việc trùng tu, tôn tạo lăng mộ các vua Trần còn là quá trình rất lâu dài, thời gian có thể tới cả chục năm. Tuy nhiên, trong lúc chờ dự án được phê duyệt, chờ các nhà khoa học nghiên cứu, tranh luận, chúng ta có nên nhẫn tâm để các vị vua Trần phải chịu cảnh hương tàn hoang lạnh như thế này không?