04/06/2021 11:51 View: 2035

Truyền kỳ Yên Tử P8: Câu chuyện khó tin ở “nghĩa địa” các vua Trần

Mới đây, nhà sử học Đặng Hùng (Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình) đã xuất bản cuốn sách: “Long Hưng – đất phát nghiệp vương triều Trần”, rủ tôi về vùng Long Hưng xưa để viếng các vua Trần, tiện thể tham quan các công trình đền đài, di tích lịch sử có tuổi 700 năm.

trieu tran 1

Bìa cuốn sách viết về nhà Trần ở Thái Bình của nhà nghiên cứu Đặng Hùng.

Ông Hùng đã bỏ mấy chục năm nghiên cứu về đời trần ở đất Thái Bình và không ít công trình của ông đã gây tranh cãi, chú ý lớn trên các diễn đàn lịch sử. 

Giờ đây, vùng đất phát nghiệp của một triều đại rạng rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam chỉ còn lại những di tích ít ỏi là những ngôi chùa, đền thờ nhỏ bé, khiêm tốn sau lũy tre làng.

Đi qua cánh đồng làng Tam Đường (Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình), tôi chợt sửng sốt khi tận mắt những “quả đồi” sừng sững nhô lên giữa cánh đồng. Thái Bình vốn là tỉnh duy nhất của đất nước không có đồi núi, vậy những “quả đồi” này ở đâu ra.

Tôi vốn có nhiều lần bỏ công sức nghiên cứu, tìm hiểu về những “quả đồi” như thế này ở giữa cánh đồng vùng Hải Dương, và tôi nghĩ ngay đến những ngôi mộ Hán. 

lang mo vua tran thai binh

Những ngôi mộ vua Trần ở Thái Bình.

Hải Dương vốn là vùng đất trung tâm của thời Bắc thuộc, nơi các thứ sử Giao Châu từ Trung Quốc sang lập trang ấp, cai trị quận Giao Chỉ. Quan lớn, nhà giàu chết đi, họ dựng mộ gạch hoặc mộ cũi khổng lồ, đắp hàng ngàn khối đất trùm lên mộ thành những quả đồi lớn giữa cánh đồng. 

Nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành (nguyên giám đốc Bảo tàng Hải Dương) bảo rằng, không cần phải là nhà sử học, cứ thấy giữa cánh đồng bằng phẳng vùng Hải Dương, có gò đất nổi lên khỏi mặt ruộng, cao vài mét, hoặc như quả đồi nhỏ, thì đích thị là mộ Hán, có thể là mộ gạch, hoặc mộ cũi (mộ xếp gỗ).

Liên tưởng đến câu chuyện về mộ Hán ở Hải Dương, tôi chỉ tay về phía những “quả đồi” giữa cánh đồng làng Tam Đường nói với nhà sử học Đặng Hùng rằng, đó chính là những ngôi mộ Hán. Chỉ có điều khó hiểu, là vùng đất Thái Bình gần 2000 năm trước, còn sình lầy, lau sậy, không hiểu sao đã có mộ Hán mọc lên? Nhà sử học Đặng Hùng cười bảo:

“Không phải mộ Hán, mộ các vua Trần đấy!”.

Tôi lại chợt nhớ đến lời ông Tăng Bá Hoành, rằng hai loại mộ Hán, gồm mộ gạch và mộ cũi tồn tại ở Việt Nam đến tận thời Lý, thời Trần, chỉ có điều quy mô nhỏ hơn thời Bắc thuộc. Như vậy, có nghĩa là, có thể các vị vua Trần hiện đang nằm trong những ngôi mộ gạch hoặc mộ cũi xếp gỗ? Nhưng có điều khiến tôi băn khoăn, đó là, thời Trần, là thời kỳ thịnh hành của phật giáo, thì thường hỏa táng, nên chỉ còn tro cốt đặt trong các am tháp, chứ làm gì có mộ đắp đất hoành tráng như thế này? Những câu hỏi như thế thật thú vị, cứ ma mị, cuốn hút tôi đi tìm hiểu.

Theo nhà sử học Đặng Hùng, vùng đất Long Hưng, mà cụ thể là làng Tam Đường này, từng là nơi chôn cất, đặt cốt của các vị vua Trần. Ngay cả chuyện tổ chức tang lễ, chôn cất ngọc cốt của Điều Ngự Giác Hoàng (vua Trần Nhân Tông) ở lăng Quy Đức, tại Long Hưng cũng là điều có có thật. Mặc dù vua Trần Nhân Tông băng ở Am Ngọa Vân trên núi Yên Tử, nhưng xá lị của ngài cũng được an táng một phần ở đây.

Ngoài lăng mộ của vua Trần Nhân Tông, tại làng Tam Đường còn có phần mộ của Thái Tổ Trần Thừa, vua Trần Cảnh, Trần Thánh Tông. Sách "Kiến văn tiểu lục" của Lê Quý Đôn chép: "Xã Thái Đường, huyện Ngự Thiên có bốn cái lăng: Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông, lại có lăng của bốn hoàng hậu".

tho vua tran den an sinh

Tượng thờ vua Trần ở đền An Sinh

Nhưng trải 700 năm, mưa nắng bào mòn, chiến tranh tàn phá liên miên, nên hiện ở làng Thái Đường chỉ còn lại 3 lăng mộ của các vua Trần. Nhân dân trong vùng gọi 3 gò mộ to như quả đồi này là “gò mả vua”, mỗi gò đều có tên riêng là Phần Bụt, Phần Trung, Phần Đa. 

Cách đây mấy chục năm còn có ngôi mộ tên Phần Cựu, quy mô cực kỳ to lớn. Nhưng ngôi mộ này đã được khai quật. Theo ông Hùng, các nhà sử học đã xác nhận đó là mộ thời Trần, và ngôi mộ đó của Trần Thừa.

Hiện quan tài, ngọc cốt vẫn giữ ở Bảo tàng Thái Bình.

Nhà nghiên cứu Đặng Hùng đoán rằng, ngôi mộ mà nhân dân gọi là Phần Bụt, có thể là mộ của vua Trần Nhân Tông. Ông lý giải thế này: Bụt có thể hiểu là Phật. Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong tác phẩm "Theo gót chân Bụt", thì lúc đầu, khi giác ngộ chân lý của đạo Phật, Đức Phật Tổ cho rằng đạo của người là đạo "Tỉnh thức". "Tỉnh thức" nói theo tiếng Magadhi là Budn (tức là Bụt). 

Với những suy luận trên, ông Hùng cho rằng, rất có thể ngôi mộ có tên Phần Bụt theo cách gọi truyền miệng của nhân dân làng Tam Đường, chính là mộ của đức vua Trần Nhân Tông. Ngôi mộ trải 700 năm đã bị mài mòn khá thấp, nhưng mấy chục năm trước đã được nhân dân sửa sang, tôn đắp.

mo go an sinh vua tran

quach go an sinh

Mộ quách gỗ khai quật ở An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh).

Trong cuộc khai quật ngôi mộ Phần Cựu, các nhà khoa học mô tả ngôi mộ như sau: Dưới cùng, trong lõi ngôi mộ là quách gỗ, gồm những súc gỗ lim lớn, xếp thành căn phòng nhỏ, kín khít trong lòng đất. Lớp đất sét được đắp kín quách gỗ. Trên lớp đất sét là vách đá. Hàng ngàn mét khối cát sỏi rải xung quanh và lấp kín vách đá. Trên lớp cát sỏi lại có một lớp đất sét dày, nện rất chặt.

Cho đến nay, dù cuộc khai quật đã trải qua 30 năm, song những bí ẩn trong ngôi mộ vua khổng lồ vẫn chưa được sáng tỏ, các tài liệu vẫn nằm im, phủ bụi trong bảo tàng. Các ngôi mộ vua vẫn nằm đó, trơ trọi giữa cánh đồng và cũng chưa chắc chắn là mộ của vị vua nào. 

chua dong yen tu

Du khách hành hương lên Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử.

Lần giở các tài liệu lịch sử, mới biết, năm 1381, nhà Trần đã cho chuyển lăng mộ của các tiên đế từ Long Hưng (Thái Bình) về An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh). Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Tháng 6, rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương (Nam Định), Thái Đường (Hưng Hà, Thái Bình), Long Hưng, Kiến Xương đưa về lăng lớn ở Yên Sinh để tránh nạn người Chiêm Thành vào cướp”. 

Nhà sử học Đặng Hùng khẳng định rằng, cốt các vị vua vẫn nằm trong mộ ở Tam Đường, bởi khi đó nhà Trần chỉ rước tượng thờ về An Sinh mà thôi. Tuy nhiên, phần lớn các nhà sử học hàng đầu Việt Nam đều khẳng định nhà Trần đã đưa cốt các vua từ làng Tam Đường về xã An Sinh, rồi xây dựng khu lăng mộ lớn là Lăng Tư Phúc, xây dựng điện thờ lớn là điện An Sinh để thờ tự các vị vua này.  

hoa yen yen tu

Hoa Yên Yên Tử

Như vậy, hài cốt (nếu còn), tro cốt, hoặc xá lị của các vị vua nằm trong các ngôi mộ khổng lồ này đã được quật lên chuyển về An Sinh dưới chân núi Yên Tử, là quê hương gốc gác của các vị vua Trần? Nếu như vậy thì những ngôi mộ này chỉ còn là đống đất, là xác mộ?

Tò mò với câu chuyện về lăng mộ các vua Trần, tôi tìm về xã An Sinh nằm dưới chân dãy núi Yên Tử. 

Câu chuyện đi tìm lăng mộ những vị vua di chuyển từ Thái Bình ra Quảng Ninh đã đưa tôi đến rất nhiều bất ngờ. Tôi đã có những ngày tìm hiểu, chứng kiến, và nghe rất nhiều chuyện đau lòng. Các vị vua Trần, những người đã gây dựng nên một thời đại rực rỡ nhất của nền văn minh Đại Việt, đã từng 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông, hiện đang bị người đời lãng quên – một sự lãng quên rất tủi.

Di cốt 3 vị vua Trần ở Thái Bình hay Quảng Ninh?

Nhà nghiên Đặng Hùng (Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình) đã gọi điện cho tôi để khẳng định rằng, không bao giờ có chuyện chuyển lăng mộ, hài cốt các vị vua từ Thái Bình ra Quảng Ninh. Nhà nghiên cứu Đặng Hùng lấy danh dự mấy chục năm nghiên cứu về đời Trần ở Thái Bình để khẳng định với tôi như thế.

den an sinh

Đền An Sinh thờ các vị vua Trần.

Điều khẳng định của nhà nghiên cứu Đặng Hùng là có cơ sở vững chắc. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Tháng 6, rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương (Nam Định), Thái Đường (Hưng Hà, Thái Bình), Long Hưng (Kiến Xương) đưa về lăng lớn ở Yên Sinh để tránh nạn người Chiêm Thành vào cướp”. Cuốn sử đáng tin nhất của nước Việt đã chép rằng, vua Trần chỉ rước thần tượng (có thể là tượng vua, voi đá, ngựa đá…), chứ đâu có phải chuyển lăng mộ, hài cốt?

Ngoài sử sách chép rõ, thì ông Hùng cũng từng điền dã rất nhiều lần về làng Tam Đường để tìm hiểu về các ngôi mộ. Theo lịch sử ghi chép trong làng, lưu giữ trong các chùa chiền, thì quân Nguyên Mông, Chiêm Thành, cho đến quân Minh, khi xâm lược nước ta, đều tiến hành đào bới Phần Bụt (mộ nghi của Trần Nhân Tông). Thế nhưng, lần nào quân giặc đào bới cũng bị sét đánh chết lính. Vì vậy, chúng không dám đào bới nữa.

Cách đây 30 năm, người dân trong làng Tam Đường ra mộ đào bới, lấy cát, sỏi, đá vụn về xây nhà, đổ mái bằng, làm lộ ra đường hầm và quách đá. Ngày đó, nhà nghiên cứu Đặng Hùng, với sự giúp sức của người dân, đã chui xuống hầm mộ. Ông Hùng quan sát được quách đá nguyên vẹn, đường hầm và có cả những súc gỗ lớn đóng cũi, giống với mộ cũi thời Bắc thuộc và thời Trần. Tuy nhiên, dưới hầm mộ nhiều rắn độc quá, nên ông phải chui lên. Năm 2000, người dân trong làng đã lấp hầm mộ lại, giữ nguyên hiện trạng đến bây giờ.

Rõ ràng, mộ các vị vua Trần ở Thái Bình còn khá nguyên vẹn, nên khó có thể nói đã di chuyển lăng mộ các vua Trần ở Thái Bình ra Quảng Ninh. 

Thông tin chắc chắn nhất khẳng định mộ các vị vua Trần vẫn còn ở Thái Bình chính là cuộc khai quật gò mộ có tên Phần Cựu của Trần Thừa (Trần Thừa sinh năm 1184, mất 1234, là Thái thượng hoàng đầu tiên của nhà Trần, cha của vua Trần Thái Tông). Trong cuộc khai quật đó, Bảo tàng Thái Bình đã thu được khá nhiều đồ cổ, đặc biệt là những bình gốm chứa tro cốt, nghi là của chính Trần Thừa.

Với những thông tin trên, nhà nghiên cứu Đặng Hùng bác bỏ tất cả các quan điểm của các nhà khoa học cho rằng nhà Trần đã di chuyển lăng mộ, gồm cả di cốt các vua Trần từ Thái Bình ra Quảng Ninh.

lang mo tran thu do thai binh

Khu Lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ ở xã Liên Hiệp huyện Hưng Hà đã được tôn tạo.

Việc lăng mộ các vị vua Trần còn ở Thái Bình hay đã được đưa ra Quảng Ninh, còn cần sự nghiên cứu của các nhà khoa học, lịch sử, nhưng có một điều chắc chắn, đó là, tại An Sinh (Quảng Ninh) có lăng mộ của 3 vị vua Trần, gồm Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Giản Định.

Cụ Hứa Văn Phán, người trông nom đền An Sinh, ngôi đền thờ 3 vị vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Giản Định, là người nắm khá rõ về 3 vị hoàng đế này. 

Theo cụ Phán, các tài liệu ghi chép, hiện lưu giữ trong đền đều nói rằng, năm 1381, nhà Trần đã chuyển lăng mộ các vua từ Thái Bình, Nam Định về An Sinh. Sau khi chuyển lăng mộ 3 vị, gồm Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Giản Định từ Thái Bình lên, đã táng vào lăng Tư Phúc trên đỉnh núi, rồi cho xây điện An Sinh để thờ 3 vị vua này. Đời sau, điện An Sinh thờ cả 8 vị vua Trần an táng ở vùng Yên Sinh.

Từ lời cụ Phán, lần giở lại các tài liệu, tôi nhận thấy rất nhiều thứ bất nhất, khó hiểu. Theo nhà nghiên cứu Đặng Hùng, thì 3 phần mộ vua Trần ở làng Tam Đường là của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Vậy tại sao, khi chuyển từ Thái Bình về An Sinh, lại là ông Trần Giản Định, chứ không phải Trần Nhân Tông? Ngoài ra, việc chuyển lăng mộ (hoặc thần tượng  - như khẳng định của nhà nghiên cứu Đặng Hùng), vào năm 1381, trong khi đó, Trần Giản Định, vị vua hậu nhà Trần, lại mất vào năm 1410. Chẳng lẽ, ông vua này lại có mộ và mộ của ông được chuyển khi ông còn sống? 

Một tài liệu khác thì ghi chép rằng, năm 1381, nhà Trần chuyển lăng Trần Thái Tông từ Thái Bình và chuyển lăng Trần Thánh Tông từ Nam Định về Yên Sinh. Trần Giản Định được phụ táng vào lăng Tư Phúc sau này.

Ngoài ra, ở An Sinh cũng không có lăng mộ nào của vua Trần Nhân Tông. Hiện chỉ có tháp mộ cạnh am Ngọa Vân trong rừng già, sườn tây Yên Tử, được coi là lăng mộ của vua Trần Nhân Tông. Thông tin về việc di chuyển mộ các vị vua Trần từ Nam Định và Thái Bình ra An Sinh còn nhiều điều chưa sáng tỏ, cần sự tranh luận của các nhà khoa học, tác giả xin khoanh lại vấn đề này.

Trở lại câu chuyện về lăng mộ táng 3 vị vua Trần, gồm Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Giản Định. Theo các nhà sử học, sở dĩ, lăng mộ các vua Trần được chuyển từ Thái Bình về vùng đất này, ngoài việc tránh sự cướp bóc, phá hoại của quân Chiêm Thành, thì đây chính là vùng đất tổ tiên của các vị vua Trần. 

lang mo vua tran o yen tu

Lăng mộ một vị vua Trần ở Yên Tử chỉ còn lại thế này

Đại Nam nhất thống chí chép: “Bia thần đạo ở Yên Sinh nói rằng tiên tổ nhà Trần vốn người Yên Sinh, huyện Đông Triều, sau dời đến ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (Mỹ Lộc, Nam Định), cho nên các vua Trần đều táng ở Yên Sinh, mà khi nhường ngôi xuất gia cũng lấy Yên Sinh làm nơi tu ẩn”.

Theo gia phả họ Trần, tổ tiên nhiều đời cư trú ở An Sinh, đàn ông làm nghề chài lưới, đàn bà trồng cấy, dệt vải. Trần Kinh khi đi đánh cá, buôn bán thủy, hải sản xa nhà, thấy vùng đất bồi ở lộ Thiên Trường màu mỡ, phì nhiêu đã dừng chân. Ông cho người đắp đê, cải tạo, biến vùng đất bồi thành ruộng vườn, đặt tên vùng đất là Tức Mặc, rồi phát tích đế vương.

Lúc ở ngôi, Trần Thái Tông đã ban cho Trần Liễu vùng An Sinh làm ấp thang mộc vào năm 1237. Đời Trần Dụ Tông vùng đất An Sinh được đặt tên là Đông Triều. Sách Đông Triều huyện chí viết: “Đông Triều có nhiều núi non, dân cư ruộng đất xen lẫn với núi rừng… Núi non chót vót, tạo lên thành lũy, trường giang uốn lượn tạo nên thắng địa. Đường thủy thông nhau, nối liền các trấn thành, sông Khu Cầu Tháp là nơi người vật hội tụ, cũng là nơi danh thắng của phía Đông vậy”. 

Các đời vua Trần Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, khi còn ở ngôi báu cũng như khi đã rời ngai vàng làm Thái Thượng Hoàng đều rất quan tâm đến vùng đất này. 

Năm 1320, Thượng Hoàng Trần Anh Tông mất, triều đình đã cho xây Thái Lăng ở Yên Sinh để đặt di hài của ngài, đồng thời cho xây dựng miếu để hằng năm về bái yết, tế lễ. 

Về sau, các công trình như Mục lăng, Phụ Sơn lăng, Nguyên lăng, Đồng Hỷ lăng cũng được lần lượt dựng lên tại Yên Sinh. Năm 1381, để tránh nạn phá hoại của Chiêm Thành, nhà Trần tiếp tục chuyển các lăng ở Thái Bình, Nam Định về Yên Sinh. Sau khi chuyển về Yên Sinh, nhà Trần cho xây dựng tiếp hai khu lăng lớn là Tư Phúc lăng và Ngải Sơn lăng. Ngoài ra, nhà Trần dựng điện lớn là Điện An Sinh để thờ cúng các vị tiên đế.

Điện An Sinh đã trải qua nhiều lần sụp đổ, xây dựng, tôn tạo lại. Từ cả trăm năm trước, điện An Sinh đã là một phế tích. Năm 1997, nhờ công đức của khách thập phương, UBND huyện Đông Triều đã xây dựng lại điện và gọi là Đền An Sinh, thờ 8 vị vua Trần. 

Lăng mộ các vua Trần tọa lạc trên vùng đất non bình thủy tụ, trên diện tích 15km2, kéo dài từ núi Đạm Thủy đến núi Ngọa Vân thuộc xã An Sinh. Quần thể lăng mộ và đền, miếu trong khu vực có giá trị đặc biệt quan trọng, nên từ năm 1962, Bộ Văn hóa đã xếp hạng khu di tích Đền thờ và lăng miếu các vua Trần là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
-------------------