04/06/2021 11:51 View: 1589

Truyền kỳ Yên Tử P6: Tận mắt tháp mộ vua Trần Nhân Tông uy nghi trên đỉnh núi

Di tích quan trọng nhất của hệ thống Ngọa Vân cũng như của cả dải Yên Tử đó chính là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông ngày đêm tu luyện, ẩn mình cho đến khi băng hà. Có nhiều thuyết kể lại sự chết của ngài, nhưng phổ biến nói ngài băng theo thế sư tử tọa trong rừng và hóa. Khi các đệ tử phát hiện ra cái chết của ngài, thì một cây trúc đã mọc xuyên qua đùi.

thap mo tho tran nhan tong yen tu

Tháp mộ Phật hoàng Trần Nhân Tông ẩn hiện trong rừng già. 

Tháp mộ uy nghi giữa rừng già

Từ khu Ngọa Vân 3, với những công trình đổ nát, có một con đường mòn nhỏ xíu, với những viên đá xếp bậc dẫn lên đỉnh Vây Rồng ẩn hiện trong mây mờ.

Anh Tuấn – người dẫn đường bảo rằng, chẳng mấy khi thấy cái đỉnh núi đó rõ ràng. Những đám mây cứ thoắt cái ngập tràn, quấn quyện đỉnh núi, rồi thoắt cái lại bay đi mất. Thật đúng là cảnh nằm trên mây, đúng với cái tên Ngọa Vân.

Hai bên con đường mòn có rất nhiều loại cây trồng ở dưới xuôi như nhãn, vải, bưởi, đào. Có mấy cây vả to tướng, quả sai trĩu trịt, quả nào quả nấy to bằng chiếc bát mắm. Một khung cảnh thiền rõ rệt hiện ra.

Đứng dưới chân dốc nhìn lên, tôi ngỡ ngàng khi thấy hai tháp mộ xuất hiện uy nghi giữa tán rừng rậm rạp. Phía sau hai tháp mộ là một gian nhà nhỏ, khiêm tốn nép vào sườn núi.

Tôi quả thực xúc động khi lần đầu tiên trong cuộc hành trình xuyên rừng dọc ngang Yên Tử, được chứng kiến một di tích còn khá nguyên vẹn, hoang sơ, đặc biệt, đó lại là di tích quan trọng nhất của hệ thống Ngọa Vân cũng như của cả dải Yên Tử này.

thap tho tran nhan tong , yen tu

Đường dẫn lên am Ngọa Vân được tận dụng bằng gạch cổ. 

Bởi vì, đó chính là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông ngày đêm tu luyện, ẩn mình cho đến khi băng hà. Có nhiều thuyết kể lại sự chết của ngài, nhưng phổ biến nói ngài băng theo thế sư tử tọa trong rừng và hóa. Khi các đệ tử phát hiện ra cái chết của ngài, thì một cây trúc đã mọc xuyên qua đùi.

Thân Tổ nằm nghiêng, trúc một mầm.

Chuyện rằng, niên hiệu Long Hưng thứ 16, ngày 5 tháng 10 năm 1308, vua Trần Nhân Tông xuống núi về thăm công chúa Thiên Thụy vì bà ốm nặng.

Thăm công chúa rồi, ngày 16 ngài trở về núi. Trên đường về, cảm thấy có chuyện chẳng lành, nên ngài tức tốc về am Ngọa Vân.

Tới chiều muộn ngày 18, vua Trần mới lên đến đỉnh núi Ngọa Vân nhờ sự giúp đỡ của đệ tử. Lên đến nơi, ông cảm ơn đệ tử và bảo: "Thôi xuống núi ngay đi, chăm chỉ việc tu hành, chớ coi sinh tử là chuyện chơi".

yen tu 1

Rất nhiều đá chân tảng được tận dụng để lát đường đi. 

100 ngày sau, các đệ tử lên Ngọa Vân. Tới lưng chừng núi thấy thoang thoảng mùi thơm. Phật hoàng đã hóa. Người vẫn nằm nghiêng dáng sư tử và một mầm trúc non xanh mọc xuyên qua đùi trái. Đời sau lưu truyền bài thơ, trong đó có câu: "Thân Tổ nằm nghiêng, trúc một mầm...".

Theo di chúc, đệ tử Pháp Loa đã hỏa thiêu thi hài người, thu được một ngàn viên xá lỵ (có tài liệu nói 3 ngàn viên lớn bé).

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Ở đỉnh núi Yên Tử, lúc Trần Nhân Tông băng, nằm trên tảng đá lớn, nhân đấy gọi là đá niết bàn, rước thi thể làm hỏa táng, khi thiêu xong, được xá lỵ, một nửa táng ở lăng Quy Đức, một nửa táng ở tháp này (tháp Phật hoàng trên am Ngọa Vân). Đời Chính Hòa triều Lê sửa lại, sau này nhà chùa và phòng tăng đổ nát, chỉ còn lại tháp này”.

thap tho mo tran nhan tong yen tu

Phật Hoàng tháp và Đoan Nghiêm tháp. 

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa thu, tháng 9, ngày 16 (năm Long Hưng thứ 18 - 1310) rước linh cữu thượng hoàng về chôn ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lỵ cất ở bảo tháp am Ngọa Vân… có sư Trí Thông phụng hầu”.

Như vậy, bảo tháp Phật hoàng Trần Nhân Tông đã 700 năm tuổi, vẫn còn đó, uy nghi, sừng sững giữa trời mây gió.

thap tho tran nhan tong 700 tuoi

Phật Hoàng tháp còn khá nguyên vẹn. 

Những gì còn lại của Ngoạ Vân

Hôm tôi lên Ngọa Vân, thật tiếc không gặp được sư trụ trì Thích Thanh Tiến, vì ngài vừa xuống núi. Chỉ có bà vãi tên Xuân, cùng cô cháu gái nhỏ ở lại trông chùa. Bà vãi Xuân nhà ở thôn Tây Sơn (xã Bình Khê, Đông Triều), dù đã 70 tuổi, song tuần nào cũng phăm phăm leo núi lên chùa Ngọa Vân hầu Phật.

Bà nấu một món ăn mời tôi, mà có lẽ đến cuối đời tôi vẫn không quên được. Đủ các loại rau thơm, rau rừng nấu chung một nồi lõng bõng nước, cùng với đĩa vả muối. Món ăn thật đơn giản, thanh tịnh và đầy sự thoát tục.

Bà Xuân dẫn tôi đi một vòng để tận mắt những thứ còn lại của Ngọa Vân. Kể cũng lạ, mọi thứ đều đổ nát, hoang tàn, chỉ còn lại nền móng, với những phiến đá chân tảng, bó vỉa đá cuội, nhưng hai ngôi mộ tháp cạnh nhau vẫn còn đó uy nghi và nguyên vẹn.

Tháp mộ bên Tây là của Phật hoàng Trần Nhân Tông, với rõ ràng 3 chữ Hán ở tầng thứ 2: Phật hoàng tháp.

thap tho tran nhan tong, bai vi tho

Bài vị trong tháp Phật Hoàng. 

Trong lòng tháp đặt một bài vị, mà sau này, tôi mới biết nội dung qua tài liệu của các nhà khoa học: “Nam mô đệ nhất tổ Trúc Lâm đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng Trần triều đệ tam Nhân Tông hoàng đế Điều Ngự vương Phật (Nam mô a di đà Phật, bài vị thờ Điều Ngự vương Phật Đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng, tổ thứ nhất phái Trúc Lâm, vua thứ 3 triều Trần Hoàng đế Nhân Tông)”.

Tháp mộ phía bên Đông, cũng bằng những phiến đá xanh rất lớn ghép khít bằng mộng có tên “Đoan Nghiêm tháp”, là nơi đặt bài vị của thiền sư Đức Hưng.

Đứng bên hai tháp mộ uy nghi rủ bóng cành đào, tôi vừa rưng rưng xúc động vừa lăn tăn với câu hỏi: Hàng trăm tháp mộ giữa đại ngàn Tây Yên Tử, rồi cả vườn mộ tháp cách am Ngọa Vân không xa bị bọn lục lâm thảo khẩu đào rỗng ruột, giật đổ để tìm kho báu, giờ chỉ còn lại nền móng, vậy lý gì chúng tha cho lăng mộ đức vua Trần Nhân Tông?

Hơn 10 năm gian khổ giữa đại ngàn..

Bà vãi Xuân kể về sư thầy Thích Thanh Tiến bằng lòng cảm phục, với hơn 10 năm gian khổ giữa đại ngàn để bảo vệ những gì còn sót lại của một thời huy hoàng 700 năm trước.

voi da tren thap tho tran nhan tong

Voi đá vẫn còn nguyên vẹn

Rằng, ngày ấy, chỉ có đại ngàn mênh mang rợn ngợp, dãy Yên Tử huyền bí chỉ có dấu chân lâm tặc và những kẻ săn đồ cổ ra vào, có một vị sư gầy còm nhom với áo nâu sồng chống gậy đi tìm nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông hóa.

Khi đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra hệ thống am tháp trên núi Bảo Đài rồi, nhưng những tiếng kêu của các nhà khoa học, chẳng khác nào tin mừng đối với đạo tặc. Chẳng có ai đứng ra bảo vệ di tích cả, nên chúng tha hồ tự do đào bới.

Ngày sư Tiến lên am, ngài đau lòng khi chứng kiến cảnh hai tấm bia đá xanh đẹp tuyệt trần (một tấm thời vua Minh Mạng, một tấm do chúa Trịnh Căn dựng) bị đập vỡ thành chục mảnh. Bên cạnh bia đá là tượng voi phủ phục còn nguyên vẹn dẫu đã chịu vài vết chém. Chú ngựa đá thân hình mảnh khảnh hơn thì đã bị chặt đứt đôi, chỉ còn lại nửa thân sau.

bia da tren ho thien yen tu

Bia đá bị đập vỡ được gắn lại. 

Phật Hoàng tháp và Đoan Nghiêm tháp cũng chịu chung số phận. Có cả một đường hầm nham nhở như giao thông hào xuyên dọc ngang hai ngọn tháp này. Cả am Ngọa Vân, nơi Phật hoàng tu tịnh cũng bị phá tan mái, đào rỗng nền.

Chúng lôi bài vị bằng đá quý màu đen trong hai tháp mộ đập vỡ tan tành, kéo đầu tượng ra khỏi tháp mộ, để tìm đồ cổ. Cũng may, đám vô thần vô thánh kia chưa kịp giật đổ tháp thì sư Tiến tìm lên bảo vệ.

Phải kiên trì lắm, thuyết phục nhiều, thậm chí sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng, sư Tiến mới giữ được di tích này, bởi những ngày sư trụ trì ở đây, đám lục lâm thảo khấu vẫn tiếp tục vác cuốc, thuổng và cả thuốc nổ đi săn đồ cổ.

thap tho tran nhan tong, bia da

Bia đá vỡ được chắp vá lại

Chẳng thế mà, có chuyện, ở di tích Hồ Thiên ngay sườn Đông dãy núi, dù đã có sư trụ trì, trông nom rồi, đám trộm cướp vẫn đào rỗng ruột khiến tháp đá xanh 7 tầng đổ rầm như núi lở.

Lên Ngọa Vân tức là sư Tiến đã dứt hoàn toàn cõi tục. Ngày ngài ăn một bữa với rau rừng, vả muối vào lúc chính ngọ. Thời gian còn lại ngài tu sửa lại phế tích Ngọa Vân am.

Sư Tiến cõng ximăng trắng lên ghép lại tấm bia bị đập vỡ, thu gom những cổ vật cất giữ trong nhà, lấp lại những hố đào cổ vật quanh hai tháp mộ và ra sức bảo vệ các di sản, để sau này các nhà khoa học có thứ mà nghiên cứu, khai quật, kẻ vẽ.

Còn lại cho hậu thế...

Giờ đây, du khách sau một ngày ròng rã cuốc bộ luồn rừng, leo núi, tìm lên am Ngọa Vân, sẽ có gian nhà nhỏ để nghỉ ngơi và được chiêm bái lăng mộ vị vua lẫy lừng của lịch sử, từng 2 lần đánh bại quân Nguyên Mông.

chau da tren thap mo tho tran nhan tong

Những chiếc chậu rửa bằng đá tạc hình hoa sen còn nguyên vẹn. 

Du khách cũng sẽ được ngắm vườn bưởi, vườn nhãn, vườn cam, mà theo sư Tiến do đích thân vua Trần Nhân Tông trồng.

Du khách cũng sẽ được ăn những quả vả (cùng họ với sung), thứ quả mà người dưới xuôi chúng ta không bao giờ có thể nghĩ lại làm thức ăn được.

Tôi trộm nghĩ, những cây vả khổng lồ, lúc lỉu quả kia, là một thứ di sản sống đậm chất thiền trên dãy Yên Tử, mà chúng ta cần phải bảo vệ. Nhìn cây vả ấy, tôi cứ mường tượng rõ ràng hình ảnh của một cõi tiên, nơi chỉ có những vị chân tu đắc đạo ẩn mình.

Chùa là nơi danh tiếng, là di tích thắng cảnh, là chỗ ban bố ân đức, là nơi vắng vẻ thanh tịnh, có muôn loài cây cối xanh tốt, khí thiêng chung đúc, nhà chùa há chẳng là nơi làm nhiều việc tốt để lưu truyền lâu dài hay sao?

vua tran nhan tong yen tu, lang mo

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tả cảnh ngài chết trong tư thế sư tử tọa

Nay thấy chùa Ngọa Vân, xã An Sinh, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương thực là nơi cổ tích danh lam, núi cao sừng sững, ngàn dặm giăng giăng, thẳm thẳm điệp trùng… đúng là nơi tinh túy của bầu trời, là chỗ đẹp nhất của thế giới, do trời đất chung đúc mà thành, có lẽ khởi đầu cũng là do con người tác động thêm vào đó chăng?

Chùa này cũng là nơi hoàng đế từ xa tới thăm viếng, vượt qua nguy hiểm của núi rừng, dựng lên nhà ở, kéo dài cơ nghiệp, cảnh phật cõi tiên, kết duyên tu luyện.

thap tho tran nhan tong, yen tu

Ngôi chùa Ngọa Vân được dựng lại tạm bợ trên nền móng cũ. 

Nay có người mến cảnh Phật đã dựng ngôi chùa này như sắp đặt từ trước, mãi mãi không thay đổi.

Trải qua hơn 400 năm, chẳng lẽ còn ai ghi nhớ nữa chăng? Xa nhìn thấy nước vững dân yên, thường thường nghe thấy tiếng trống vang vọng, thấy đèn hương mà cảm động…

---------------------

Đọc tiếp: 

----

Bản quyền thuộc về nhà báo Phạm Ngọc Dương