04/06/2021 11:41 View: 2324

Tô Lịch: Sự thật & lịch sử (Phần 4)

- Tại hạ họ Tô, tên Chí Thiệu, cha là Tô Hiển, người trước đây đã từng tới thành Kỳ Bố báo tin cho Minh Công. Họ Tô xưa nay độc đinh cha truyền con nói về thuật phong thuỷ bói toán. Phàm những người quan trọng có tầm ảnh hưởng nhất định đến xã tắc đều được gia tộc dốc sức trợ lực.

den long do, den bach ma, to lich

....Đinh tướng quân tài trí hơn người, lại yêu dân như con, cha tại hạ vì điều này nên đem lòng cảm phục, dẫu biết chuyến đi tới thành Kỳ Bố là hoạ sát thân, nhưng nếu để so với đại cục thiên hạ thì đâu có xá gì. Nay tướng quân đã ở đây, tại hạ cũng không dám dấu. Số là trước đây thân phụ có xem một quẻ về vận mệnh đất nước, trong quẻ nói rõ sự tương quan giữa tướng quân và đền thờ Long Đỗ. Cụ thể như nào thì xin tướng quân hãy cùng tại hạ đến phía đông thành một phen.

Bộ Lĩnh tuy rằng bán tín bán nghi, nhưng ngẫm lại những gì Chí Thiệu vừa nói, trong lòng quả thực muốn biết cho rõ sự tình. Đoạn nói:

- Cha ngươi trước đây vì ta mà bỏ mạng nơi Kỳ Bố, bản thân thiết nghĩ không thể phụ lòng họ Tô. Chuyến này ta theo ngươi, dẫn đường đi.

Chí Thiệu và Bộ Lĩnh rời khỏi khách trọ, hai người nhằm về hướng Đông mà đi, tới đoạn đền thờ Long Đỗ, Chí Thiệu mới dừng lại nói.

- Long Đỗ là thượng thần cai quản huyết mạnh Đại La, tương truyền năm xưa khi Cao Biền đốc quân mở thành, nền trời phía đông bỗng dưng xuất hiện đám mây ngũ sắc, một người đầu đội xích mão, thân mang tử hà, chân đi giày đỏ xiêm la cứ mập mờ ẩn hiện lúc thấp lúc cao, ước chừng vài khắc thì tan đi. Biền lấy làm kinh dị, cho đó là yêu quái, định bụng dùng thuật trấn yểm. Đêm ấy, Biền họp bàn quân sĩ dưới chướng, tất thẩy đều khuyên lập đàn tế lễ, dựng đền thờ phụng, duy chỉ có Bùi Hình, người được Cao Biền tin dùng về mặt phong thuỷ là muốn chế ngự Long Đỗ. Tên này bày trận vạn đồng, cho lính chôn tám người trẻ tuổi xung quanh cửa Đông, vòng trong thì dùng vàng bạc đúc thành những cột nhỏ rồi cắm xuống đất tạo nên sáu tư hình thù kì quái.

Đêm ấy, Biền nằm mộng thấy vị thần nhân tới trách

- Ta là Long Đỗ vương khí quân, thấy ông mở rộng kinh thành thì đến xem chơi, chứ ta có sợ gì bùa phép ?

Biền vừa tỉnh mộng thì thấy trên trời sấm chớp nổi lên, hắc vân hùng đồ kéo đến tựa như thiên binh vạn mã. Biết có điềm xấu, Biền lập tức chạy đến cửa Đông, lúc này trận pháp trận đương bốc cháy ngùn ngụt, tám xác người chết bỗng nhiên dựng dậy đi lại trong đám lửa trông thật kì dị. Cao Biền chứng kiến cảnh tượng trước mắt thì buột miệng nói:

- Linh khí nước Nam quả thật kinh người.

Được vài hôm sau thì Cao Biền hạ lệnh cho người xây dựng đền thờ tại ngay cửa Đông, phong làm Long Đỗ chính thần, việc này vừa xong thì Biền đổ bệnh, liệt giường phải đến vài hôm.

Nói đến đây, Chí Thiệu ngắt lời, đoạn giục Bộ Lĩnh vào trong để tránh thị phi bên ngoài. Thoáng chốc, Bộ Lĩnh trong lòng sinh chút phiền muộn, âu cũng là vì cảnh sắc nhà đền hiu hắt, một nơi đáng lẽ phải được thờ phụng đàng hoàng, nay lại tiêu điều, sơ xác. Trong lúc Chí Thiệu đương lên hương khấn bái, Bộ Lĩnh đứng phía sau tranh thủ đọc mấy tấm văn bia thì phát hiện được vài điều đặc biệt.

Bất giác, thiên tượng thay đổi, bốn bề thoáng chốc đen đặc chẳng rõ mặt người. Bộ Lĩnh toan gọi Chí Thiệu, đoạn cố định hướng đi về phía trước. Chợt, sấm chớp nổi lên, giữa thứ âm thanh kinh thiên động địa, Bộ Lĩnh nghe tiếng nam nhân cười nói khắp cả gian phòng:

"Thập nhị quân sứ phân tranh
Trời nam đổi sắc máu thành quỷ môn
Sinh thời có bậc chí tôn
Cỏ lau lập trận tiếng đồn anh minh
Trời cao phái xuống thần binh
Đầu thai chuyển kiếp phù Đinh phen này
Nguyễn Bặc bắt cọp hai tay
Thần uy cái thế lông mày vuốt cong
Đinh Điền trung nghĩa một lòng
Tựa hồ trăng sáng giữa dòng phù vân
Họ Phạm hai người cầu thân
Người anh chữ Hạp một vần định tên
Cự Lượng người ấy kế bên
Tiên phong liên thủ sấm rền Phạm gia.
Lê Hoàn long hổ nguy nga
Lại hay chữ nghĩa ắt là đế tinh
Liễn kia trăm trận quên mình
Ấy người con cả họ Đinh một dòng."

Hai ngọn đèn dầu đột nhiên cháy sáng

Trước mắt Bộ Lĩnh bấy giờ chỉ thấy Chí Thiệu đương đứng dương tay lên trời, hai mắt trợn tròn trắng dã, khuôn mặt có phần uy nghi lạ thường. Được chừng vài khắc, Chí Thiệu gầm lên một tiếng, ánh mắt bình hoà trở lại, hắn quay lưng cúi lậy tam bái trước ban thờ, đoạn gọi Bộ Lĩnh:

- Tướng quân, nay thần uy đã hiển hiện, mong tướng quân nhanh chóng nắm bắt thời cơ mà xây dựng đại nghiệp. Chẳng hay vừa rồi, tướng quân có nghe được điều gì lạ không ?

Bộ Lĩnh chột dạ, đáp ngay:

- Ta có nghe được vài ý thơ, những nhân vật được đề cập đến ta đều biết cả, thậm chí còn rất tường tận. Có điều, nếu để ngẫm nghĩ, hai câu thơ nói về Lê Hoàn, há chẳng phải dự đoán người này sẽ thành bậc đế vương ?

Giữa ánh nến vàng vọt yếu ớt, gian phòng dội về một màu cô liêu, tẻ nhạt, Chí Thiệu ngập ngừng, khuôn mặt đâu đó thấy chút buồn bã:

- Xưa nay các triều đại thịnh suy âu cũng là điều dễ hiểu, tướng quân nếu được đại nghiệp phải nhớ lấy dân làm gốc, lấy xã tắc làm đầu. Mọi việc sau này tại hạ sẽ tìm cách ứng cứu, xin tướng quân chớ có lo xa.

Lời nói của Chí Thiệu phần nào cũng chỉ mang tính nhất thời, Bộ Lĩnh hiểu được điều này nên cũng gật gù cho qua. Y tiến tới trước ban thờ Long Đỗ, đoạn cúi đầu mà nói:

- Họ Đinh ta từ nhỏ ham thích võ nghiệp, nay thấy vận nước suy vong, bá tánh trầm luôn khổ ải. Họ Đinh quyết chí gác lại việc tư, dựng cờ lập nghiệp, cúi mong oai linh tiên tổ soi đường chỉ lối, công ơn này xin được ghi lòng tạc dạ.

Bộ Lĩnh nói xong thì trời quang mây tạnh, cảnh sắc trong đền Long Đỗ tươi mới lạ kì

Hoa thơm sắc vị uyển chuyển trước mắt trông thực diễm lệ, tinh thần con người cũng nhờ đó mà được phấn chấn hơn hẳn.

Chí Thiệu dẫn Bộ Lĩnh rời khỏi đền thờ, hai người rảo bước về hướng khách điếm ven sông, khuôn mặt ai nấy cũng đều cũng vội vã. Khi gần đến nơi, Bộ Lĩnh bất giác dừng lại, ánh mắt đăm chiêu nhìn vào mấy người xuất gia đương hành khất. Lấy làm lạ, Chí Thiệu liền quay sang hỏi:

- Tướng quân, mấy người xuất gia này ngày nào cũng đi hành khất trong vùng, có điều gì lạ sao ?

Bộ Lĩnh im lặng, mãi cho đến khi mấy người xuất gia rời khỏi, y mới kéo Chí Thiệu vào trong. Đoạn gọi lấy một bình trà thượng hạng, mùi hương mỹ vị phảng phất, lững lờ trong không gian. Bấy giờ, Bộ Lĩnh mới mở lời:

- Thuở còn hàn vi, ta thường hay đánh cá trên sông Giao Thuỷ, tháng sáu nước lên, ta dong thuyền suốt từ chập tối để kéo lưới, ai ngờ vô tình bắt được viên Ngọc Khuê to lắm, nhưng vì sơ xuất mà làm mẻ mất một góc. Người dân nơi đó truyền nhau dưới lòng sông Giao Thuỷ vốn có bảo vật phát sáng lạ kì, nhưng suốt mười hai năm chẳng ai tìm được. Đoán đây chắc là thứ quý, ta định bụng giấu đi rồi mai tìm được thương lái sẽ bán cho họ. Đêm ấy mưa to, ta không về được nên đành xin vào trong chùa Giao Thuỷ ngủ nhờ. Ta cẩn thận để viên ngọc vào đáy giỏ cá rồi mới đi ngủ, nhưng khi vừa đặt lưng xuống chiếu thì nó bất ngờ toả sáng. Sư trụ trì biết được thì bảo ta cho xem, ta cũng thuận lòng đồng ý rồi kể lại mọi việc từ đầu chí cuối.

Vị sư nghe xong thì than rằng:

- Người có Ngọc Khuê trong tay, sau này phú quý không thể nói hết, chỉ tiếc ngọc đã bị sứt một góc, đây là điềm báo phúc khí không được vẹn toàn.

Trước lúc ta rời đi, sư trụ trì còn đề mấy câu thơ rồi bỏ vào trong giỏ cá

“Con ta phúc đức thay là
Ngày sau làm chúa quốc gia trị đời
Nghĩ hiềm phúc hậu chẳng dài
Vắn dài có số tượng trời đã chia”.

Bộ Lĩnh nói tiếp:

- Từ ngày ta nuôi chí khởi binh, nhiều đêm trằn trọc nghĩ mãi về mấy câu thơ này, cũng từng nhiều lần cho người đi dò hỏi tin tức ở chùa Giao Thuỷ, nhưng tất cả đều chỉ là công cốc. Nay thấy mấy người tăng nhân hành khất, lại nghe được vài câu trong đền Long Đỗ, ta thật sự có chút hoài nghi về những tiên đoán trước mắt. Nếu quả thật ý trời đã định, ta cũng đành phải bằng lòng, nay việc ở Đại La đã xong, ta xin hết lòng cảm tạ họ Tô. Sau này khi đại công cáo thành, chúng ta nhất định sẽ còn gặp lại.

Bộ Lĩnh chuyện trò cùng Chí Thiệu qua vài tuần trà thì nói lời cáo biệt, trời bấy giờ đã sẩm tối, y cưỡi ngựa nhằm thẳng về hướng đông mà đi. Trăng non vằng vặc rọi sáng, trước mắt chỉ còn thấy núi rừng trùng điệp…

Cùng năm ấy, Bộ Lĩnh dựng cờ chiêu binh tại huyện Cổ Bảng, phủ Sơn Nam, một mặt viết hịch truyền đi khắp cả trong ngoài. Anh hùng hào kiệt khắp nơi nghe tiếng họ Đinh thì đổ về nhiều lắm, quân số đến cả vạn người. Giao Châu thủa ấy có bảy vị được suy tôn làm thất hùng, ngoài Bộ Lĩnh ra thì tất thẩy những người còn lại đều được nhắc đến trong bài thơ thần ở đền Long Đỗ.

--------------------------

Đọc tiếp: PHẦN 5 TIẾNG ĐÀN ÂM DƯƠNG

Bản quyền thuộc về tác giả Nguyễn Ngọc Quang