Lại nói về Tô Chí Thiệu, bấy giờ y đang ở vùng Âu Hoá, cách thành Hoa Lư chừng mấy mươi dặm về hướng tây, người đứng đầu đất này là hào trưởng Nguyễn Tấn.
Nghe đâu vào thời loạn lạc, Nguyễn Tấn đứng ra chiêu mộ dân binh, tự mình tổ chức luyện tập võ nghệ, đào hào đắp luỹ. Nhưng ngặt nỗi, sức lực y có hạn, không thể mở rộng được lực lượng của mình nên chỉ cố thủ xung quanh Âu Hoá mà thôi.
Hôm ấy đúng vào ngày rằm, tiết trời đầu hạ quả thực có phần dễ chịu, cảnh vật bốn bề uyển chuyển nhẹ nhàng dưới ánh trăng đượm sắc. Vốn là người ham thích nhạc hoạ, Nguyễn Tấn thường lấy việc tấu đàn vào những đêm khuya vắng để làm trò giải khuây.
Nghe đâu, thứ âm sắc trầm bổng từ cây mộc cầm của y có thể huyễn hoặc lòng người, đưa thần thức rơi vào trạng thái mơ hồ ảo mộng. Dân chúng quanh vùng Âu Hoá ít nhiều cũng từng được nghe qua về sự ma mị bên tiếng đàn cầm của Nguyễn Tấn, nhưng thực hư cụ thể thế nào thì lại chẳng ai dám tự mình đứng ra khẳng định.
- Lão gia, có người bên ngoài tự xưng là con cháu của Tô Hiển xin được cầu kiến.
Nguyễn Tấn bấy giờ nghe qua hai chữ Tô Hiển thì vội vã trở vào trong phủ, một mặt lại cho gia nhân mời người bên ngoài đến thư phòng. Y lúc này đã nghĩ tới Chí Thiệu, con trai duy nhất của Tô Hiển, nhưng cũng vì nhiều năm chưa gặp nên bản thân còn chút nghi ngại, sợ rằng có người mạo danh để tính chuyện ám toán. Đắn đo một hồi, Nguyễn Tấn liền bầy kế cho tên sư gia nhằm thử lòng họ Tô, còn bản thân y thì đứng bên ngoài để nghe ngóng tình hình.
Người thanh niên trong gian thư phòng điệu bộ bình thản, khuôn mặt có phần thất vọng khi thấy tên sư gia xuất hiện. Đoạn nói:
- Không ngờ Nguyễn Tấn sau mấy năm không gặp mà nay đã sinh lòng nghi ngờ về người của họ Tô. Ngươi báo lại với chủ nhân của mình, ta là Tô Chí Thiệu, con trai Tô Hiển, ở đây có tín vật, nếu Nguyễn Tấn không tin thì cứ đưa cho hắn xem.
Chí Thiệu đưa cho tên sư gia một chiếc lệnh bài bằng gỗ, chính giữa có khắc hoạ mấy thứ hoa văn rồng phượng trông thực cầu kì. Nguyễn Tấn dưới ánh nến vàng vọt trông thấy tín vật của Chí Thiệu thì vội vã từ bên ngoài bước vào:
- Quả thật đúng là cậu rồi, xin thứ lỗi cho ta đã đem lòng nghi hoặc, nhưng giữa thời loạn lạc, nếu như không cẩn trọng thì ngay cả đến tánh mạng của mình cũng khó lòng mà bảo toàn được. Ta từ lúc nghe tin cha cậu gặp nạn ở Kỳ Bố thì cũng năm lần bảy lượt cử người đi dò hỏi, nhưng lần nào cũng bặt vô âm tín. Nay cậu đích thân đến đây, trong tay còn có lệnh bài của bang chủ Xích Long, lẽ nào … ?
Nguyễn Tấn nói đến đây thì ngắt ngứ, Xích Long bang nguyên là do Tô Hiển đứng đầu, thành viên đa phần là những người có thế lực và tầm ảnh hưởng nhất định trên đất Giao Chỉ. Phàm các việc trọng đại có liên quan đến quốc gia đại sự, tất thẩy đều được Xích Long bang tìm cách ngấm ngầm giúp sức. Nay lệnh bài của người đứng đầu lại nằm trong tay Chí Thiệu, sợ rằng tuổi trẻ không đủ sức lực để gánh vách đại sự, Nguyễn Tấn cũng là vì thế mà trong lòng đâm sinh lo ngại.
Nắm bắt được tâm lý ấy của Nguyễn Tấn, Tô Chí Thiệu liền nói ngay:
- Ông chớ phải suy nghĩ nhiều làm gì, cha ta trước khi trao lại quyền hành của Xích Long có dặn dò kĩ lưỡng, nếu như lần này ta không thể giúp được họ Đinh lên ngôi thì mọi việc lớn nhỏ trong bang sau này đều sẽ do tướng Nguyễn Bặc quyết định.
Vốn là người đi lại trong giang hồ, Nguyễn Bặc vì võ nghệ và tính tình trượng nghĩa của mình nên được không ít các anh hùng hào kiệt nể trọng, vị trí của y trong Xích Long bang thì cũng chỉ đứng dưới duy nhất có một người. Nguyễn Tấn thấy Tô Hiển sắp xếp cho Chí Thiệu hợp tình hợp lý như vậy nên cũng xuôi, đoạn hỏi:
- Vậy lần này đích thân tân bang chủ đến đây, chẳng hay sắp tới có chuyện đại sự gì hay chăng?
Chí Thiệu cẩn trọng đưa cho Nguyễn Tấn một phong thư rồi nói:
- Đây là việc cơ mật, nói ra ở đây thì không tiện, ta có ghi chép đầy đủ trong này, ông đọc xong thì huỷ nó đi, tránh để lộ tin tức ra bên ngoài.
Bàn giao công việc xong xuôi, Chí Thiệu ở lại thêm Âu Hoá hai ngày rồi từ biệt Nguyễn Tấn. Hành tung của người nhà họ Tô xưa nay rất khó để phán đoán, ít ai gặp được, trừ phi họ Tô tự mình chủ động.
Năm 967, Đinh Bộ Lĩnh xua quân đến vùng Phong Châu đánh Kiều Công Hãn, thế như trẻ tre. Kiều Công Hãn thấy kẻ địch binh hùng tướng mạnh, đoán mình không trống lại được nên đành phải bọ chạy về phía nam, định bụng sẽ cầu cứu Ngô Xương Xí, nhưng khi vừa đến vùng Âu Hoá thì lại bị Nguyễn Tấn đón đầu.
Bấy giờ, Nguyễn Tấn đã bày binh bố trận đợi sẵn, một mặt lại cho người vòng ra phía sau để khoá chặt bốn hướng. Họ Kiều biết mình phen này khó sống, đành liều mạng để mở đường máu. Hai bên giằng co đến vùng Lũng Kiều thì Nguyễn Tấn thắng thế, bốn mặt quân lính trùng điệp. Trước khi xuống tay hạ thủ, Nguyễn Tấn nói:
- Trời sinh nhà ngươi vào buổi loạn lạc, năm xưa theo hầu Ngô Tiên Chúa có công hiến kế dẹp giặc Nam Hán. Nay vận nước rối ren, ngươi là phận bề tôi, cớ sao không tìm cách trị quốc an dân mà lại tự đi đẩy mình vào vòng tranh quyền đoạt vị, ấy há chẳng phải tội bất trung ? Việc ngươi chạy loạn qua vùng Âu Hoá vốn dĩ đã được đoán trước, Nguyễn Tấn ta chỉ phụng mệnh hành sự.
Cái chết của Kiều Công Hãn khiến cho nhiều người đặt ra nghi ngờ về thân thế cũng như năng lực của Chí Thiệu. Nếu như đêm ấy kẻ này không tới Âu Hoá tìm Nguyễn Tấn thì chưa chắc đã có chuyện đón đánh họ Kiều. Bởi lẽ, Nguyễn Tấn xưa nay ít khi động tới binh đao, y cũng chưa từng bàn đến việc đối đầu với các sứ quân khác. Ấy vậy mà ngay sau khi gặp Chí Thiệu, Nguyễn Tấn lại ngày đêm rèn luyện binh mã, công khai đối địch với những thế lực bên ngoài, quả thực là đáng để người khác phải suy nghĩ.
Đêm ấy, Đinh Bộ Lĩnh trong chướng đang bàn chuyện đem quân đánh Đỗ Cảnh Thạc, người này vì mất một bên tai nên được binh sĩ suy tôn làm Độc Nhĩ Đại Vương. Từ ngày đất nước nơi rơi vào biến loạn, Đỗ Cảnh Thạc chiêu binh mãi mã, vì được tài mưu lược nên sứ quân của y nhanh chóng hùng cứ một phương, đất ấy được gọi là Đỗ Động Giang.
- Chúng ta đã nhiều lần tiến quân nhưng không được, đồn Bảo Đà và Trại Quyền của Đỗ Cảnh Thạc quả thực dễ thủ khó công. Các vị ở đây, ai có cao kiến gì không ?
Đinh Bộ Lĩnh nói rồi đưa mắt nhìn mấy người thuộc hạ, dưới ánh lửa phập phùng lên xuống, tất thẩy đều im lặng, chỉ còn nghe tiếng củi khô đương cháy lách tách. Chợt, Nguyễn Bặc nói, bộ dạng của y có đôi phần lưỡng lự:
- Thuộc hạ có cách này, nhưng chỉ sợ vương cùng các vị ở đây chê cười, cho là chuyện hão huyền.
Bộ Lĩnh thấy vậy thì nói ngay:
- Nguyễn tướng quân đừng ngại, ta cùng các huynh đệ ở đây vào sinh ra tử cùng nhau, nếu như kế sách của tướng quân vẹn toàn, cớ gì mà không thử ?
Được câu này của Bộ Lĩnh thì xem chừng Nguyễn Bặc hào hứng lắm, y rót rượu đầy bát, chờ cho mọi người uống cạn rồi mới tiếp chuyện:
- Số là trước đây thuộc hạ có giao hảo với mấy người thuật sĩ giang hồ, bản thân vì cơ duyên nên học được một thuật gọi là thấu thị. Phép ấy giúp con người ta nhìn thấy được trước huyền cơ để lo việc đại sự, nhưng đổi lại gia sự khó bền, hậu vận khó yên.
Mấy người có mặt trong chướng lúc đó đều phản đối, duy chỉ có Bộ Lĩnh là khẳng khái, đoạn không để cho Nguyễn Bặc nói tiếp, Bộ Lĩnh lập tức truyền lệnh:
- Ta đây từng thề sẽ thống nhất giang sơn, mang lại thái bình thịnh trị cho bá tánh trăm họ. Nay có phương pháp để tìm ra được đối sách phá địch, dù phải đánh đổi như nào, ta cũng cam lòng. Tướng quân Nguyễn Bặc, trăm sự cứ theo ý ngài mà làm.
Ngay trong đêm ấy, Nguyễn Bặc cho người giết trâu, nấu rượu, thiết đãi bàn lễ trong doanh trại, mùi hương mỹ tửu phảng phất đi khắp ba quân, thực dễ khiến cho con người ta phải say đắm. Nguyễn Bặc cho thắp tám ngọn đuốc xung quanh bàn lễ, bên phải cắm lệnh kỳ của quân đội Hoa Lư, bên trái cắm thanh đao của Bộ Lĩnh, y tự tay thắp mấy nén nhang. Trời đất bấy giờ đột nhiên nổi trận cuồng phong, bốn phương tám hướng nghe tiếng gầm thét kinh thiên động địa.
Bộ Lĩnh phóng tầm mắt về phía trước, giữa cái đêm đen bất tận bạt ngàn, sương khói mờ ảo vô định lập lờ che phủ không gian, vương giường như phần nào cảm thấy phía trước đương có những sự xuất hiện kì dị. Một toán người mặc trang phục sẫm màu, ai nấy mặt mũi cũng đều nhợt nhạt, buồn bã, họ khiêng chiếc kiệu gỗ lớn có phủ mành che cứ thoáng chốc lại ẩn hiện bất định trông thực ma mị.
Chợt, đoàn kiệu dừng hẳn, bấy giờ chỉ còn cách Bộ Lĩnh chừng vài mét. Đâu đó, giữa thứ cảnh vật thực hư lẫn lộn, có tiếng nói nghe thật oai hùng vọng đến, âm sắc kình lực vang dội cả núi non,
- Ta là thần núi Sài Sơn, phụng mệnh của Giao Chỉ đệ nhất tinh quân Long Đỗ đến báo tin cho họ Đinh. Nội trong vòng bảy ngày nữa, Đỗ Cảnh Thạc sẽ rời trại Quyền đến đồn Bảo Đà, tướng quân hãy nhân dịp này mà kéo quên lên, ắt có kỳ nhân tương trợ.
Mấy ngọn đuốc quanh bàn lễ đương cháy sáng bỗng dưng vụt tắt, mây mù cũng tan đi, ánh trăng nhẹ nhàng quyến luyên nhân gian vừa thi vị vừa hữu tình.
Sáng hôm sau, có ba huynh đệ họ Cao đến xin tòng quân dưới chướng Bộ Lĩnh, cả ba xuất thân gần Đỗ Động Giang, địa thế vùng này nhiều năm qua vốn dĩ đã nắm cả trong lòng bàn tay. Bộ Lĩnh xem đây là ý trời, một mặt cho người đi nghe ngóng tình hình phía Đỗ Cảnh Thạc, một mặt truyền lệnh ba quân giới bị, sẵn sàng lên đường đánh phá trại Quyền.
Thám mã báo tin Đỗ Cảnh Thạc đưa người rời trại quyền, Đinh Bộ Lĩnh biết thời cơ đã điểm, lập tức kéo quân lên Đỗ Động Giang. Đêm ấy, Bộ Lĩnh cho người bí mật vây chặt trại Quyền. Nhưng ngặt nỗi, bên trong vẫn thấy đốt đuốc, vì sợ phục kích nên vương án binh bất động, chờ xem diễn biến ra sao rồi mới đánh.
Thoạt, giữa cái đêm đen mờ đặc, có tiếng đàn cầm ai oán sầu thảm dội về từ ngàn trùng, nó da diết, nặng nề, quanh quẩn bên tai khiến con người ta chẳng thể nào giữ được tỉnh táo. Không biết tự bao giờ, ngay dưới cổng trại Quyền, trùng trùng điệp điệp là những bóng trắng không rõ hình dạng, chúng ẩn hiện đan xen rất khó phân biệt. Binh sĩ trong trại quyền bấy giờ không có chủ tướng, thấy dị tượng thì đều thất kinh, Bộ Lĩnh nhân lúc này hạ lệnh đốt lửa, ba quân nhằm thẳng tiền doanh mà đánh, khí thế tựa hồ thiên binh vạn mã.
Trại Quyền thất thủ, người chết kẻ chạy, Bộ Lĩnh trận ấy thắng lớn, lương thảo khí giới thu được không ít. Đỗ Cảnh Thạc nghe tin trại Quyền rơi vào tay địch thì giận lắm, định xuất quân đánh trả ngay trong đêm, nhưng khoảng cách giữa đồn Bảo Đà và trại Quyền trên dưới hai mươi dặm, không chừng còn có phục kích, y đành ngậm ngùi chờ thời cơ phản công.
--------------------------
Đọc tiếp: PHẦN 6 MÊ TÂM NGẢI
Bản quyền thuộc về tác giả Nguyễn Ngọc Quang