04/06/2021 11:41 View: 2576

Tô Lịch: Sự thật & lịch sử (Phần 6)

Đỗ Cảnh Thạc từ ngày mất trại Quyền thì tâm trí trở nên cuồng loạn, y bỏ bê việc quân cơ, được gần một năm thì đồn Bảo Đà thất thế, Đinh Bộ Lĩnh cho người mai phục tại chân núi Sài Sơn, Đỗ Cảnh Thạc tháo chạy đến đây thì bị trúng tên mà chết.

me tam ngai, to lich, truyen ma, lich su

Thời điểm bấy giờ, thanh thế của họ Đinh lớn lắm, dân gian cũng bắt đầu xuất hiện những câu chuyện dị bản về việc Bộ Lĩnh được kỳ nhân hậu thuẫn, dùng huyền thuật để đoán biết quân cơ. Giữa năm Đinh Mão, thành Hoa Lưu mở Bách Nguyệt hội, nhân sĩ giang hồ kéo đến cả ngàn người, họ Đinh cũng nhân đây mà luận công ban thưởng cho thuộc hạ dưới quyền. Hào kiệt thiên hạ vì mến mộ tài đức, lại thêm việc xưa nay Bộ Lĩnh cầm quân đánh đâu được đó, uy chấn bốn phương nên đồng nhất suy tôn làm Vạn Thắng Vương.

Giữa lúc họ Đinh đang cao hứng trò chuyện cùng với mấy vị bộ tướng thì người gia nô thân cận vội vã chạy đến, hắn ta mặt mày tím tái, hơi thở có phần ngắt quãng, đoạn đưa phong thư nhàu nát vào tay Bộ Lĩnh rồi ấp úng mấy câu:

- Đại Vương, thám mã của ta gửi thư cấp báo.

Bộ Lĩnh mở phong thư, bên trong chỉ thấy ghi ba chữ quỷ môn trận. Vương lấy làm kỳ lạ, liền quay sang hỏi người gia nô:

-Thư này do quân binh đạo nào gửi đến ?

Tên gia nô nghe Bộ Lĩnh hỏi thì luống cuống, nét mặt sợ hãi hệt như vừa trải qua một phen thất điên bát đảo, hắn ta nói:

- Bẩm Đại Vương, người đến chỉ kịp đưa thư, tiểu nhân lúc đó toan hỏi chuyện thì toàn thân hắn ta đã cứng đờ, máu đen từ hai khoé mắt đổ xuống, nhìn qua có thể biết ngay là bị trúng độc. Chỉ có điều, khi tiểu nhân vừa chạm tay vào thi thể của y thì giáp phục bên ngoài lập tức bốc cháy, dù làm cách nào cũng không dập tắt được lửa, xin Đại Vương minh xét.

Mấy người thuộc hạ có mặt trong bàn tiệc nghe xong thì đều đưa mắt nhìn về phía Bộ Lĩnh, không ngờ những việc kinh dị như trên lại xảy ra ngay trong thành Hoa Lư. Hẳn là phải có người dắc tâm làm loạn, cố ý gây ảnh hưởng đến uy danh của họ Đinh trong dịp Bách Nguyệt hội trước mặt anh hung thiên hạ. Đoán biết điều này, Bộ Lĩnh hạ lệnh cho tuỳ tùng giữ kín sự việc, nếu ai tiết lộ nửa lời, ắt sẽ nghiêm trị.

Hai ngày sau Bách Nguyệt Hội, Bộ Lĩnh họp binh bàn kế đánh sứ quân Nguyễn Siêu, người này từ trước khi Ngô Xương Xí rời thành Cổ Loa thì đã nắm trong tay cả vạn binh mã, thế lực lớn mạnh bậc nhất Giao Chỉ thời ấy. Nguyên là Bộ Lĩnh muốn cử một đạo quân tiên phong đến thăm dò thực lực của Nguyễn Siêu, nên buộc lòng vương phải chọn một người túc trí đa mưu, tránh sự hao binh tổn tướng. Nguyễn Bặc đoán biết được điều này nên bèn xin vương cho đem quân đi đánh trận tiên phong, lại thêm ba vị Cao Sơn, Đinh Thiết, Nguyễn Phục, đều là những bộ tướng dũng mãnh muốn theo Nguyễn Bặc lập công. Vương thấy thế thì ưng thuận, ban ấn tín cho Nguyễn Bặc rồi hẹn ngày khởi binh.

Hai huynh đệ Nguyễn Bặc, Nguyễn Bồ rời phủ quân vương khi trời đã sẩm tối, họ cưỡi ngựa nhằm thẳng về hướng khu rừng phía nam ngoài thành Hoa Lư. Nguyễn Bồ tuy là người xông pha trận mạc, đao kiếm chẳng nề, nhưng bản tính con người lại thích sự yên tĩnh, thưởng thức phong cảnh núi rừng thi vị, chính vì cái nhẽ ấy mà y cùng vợ mình là Quế Hương tiểu thư, chị gái của Đinh Bộ Lĩnh, nhiều năm nay đã cùng nhau lui về sinh sống dưới chân núi trúc, chỉ khi có việc quân cơ thì mới vào thành.

Trời bấy giờ mưa lớn lắm, tiếng nước chảy róc rách trên những tấm phên nữa nghe thực vui tai. Hai anh em Nguyễn Bặc ngồi bên cửa sổ, thứ rượu Nếp Hương được đun nóng bốc khói phảng phất tựa như tấm lụa nhẹ nhàng uyển chuyển trước mắt. Nguyễn Bồ rót rượu, khuôn mặt có chút buỗn bã, đoạn nói:

- Lần này đánh Nguyễn Siêu sợ rằng chẳng dễ thành công, chi bằng để ta thay đệ đến Phù Liệt, nhỡ có mệnh hệ gì, ta cũng chẳng tiếc. Còn cơ đồ nhà Đinh, dựng nước đã là việc khó, giữ được nó hay không thì lại còn phải tuỳ thuộc vào vận khí, thế thời. Đệ là người chính trực, bụng dạ một lòng vì bá tánh muôn dân, sau này chắc chắn sẽ là trụ cột quan trọng giúp sức cho bậc quân vương.

Nguyễn Bặc im lặng hồi lâu, giông bão bên ngoài vẫn điên cuồng quái đản, cả một bìa rừng dội vang tiếng gầm thét của non ngàn, cảnh sắc thực khiến lòng người phải dao động.

-Nguyễn Siêu binh hùng tướng mạnh, lại được sự hậu thuẫn của mấy mươi vị cao thủ trong giới thuật sĩ. Hắn ta sau khi nghe tin Nguyễn Cảnh Thạc tử trận thì kéo cả vạn quân đến Thanh Đàm, bản thân chắc chắn đã lường trước được việc chúng ta xuất binh. Đệ lăn lội giang hồ nhiều năm, đối với những thứ huyền thuật ảo bí cũng có chút hiểu biết, chuyến này đánh Nguyễn Siêu, cũng là muốn xem thứ quỷ môn trận của hắn lợi hại đến đâu. Đại huynh nay đã thành gia lập thất, cứ yên trí giao việc này cho đệ, trăm sự tất sẽ phải yên.

Hai huynh đệ họ Nguyễn hôm ấy uống rượu tới tận khuya, mãi cho đến khi mưa tạnh, bên tai chỉ còn nghe thấy tiếng muông thú náo nức gọi nhau, Nguyễn Bặc mới xin cáo từ.

Ba ngày trước khi quân Hoa Lư khởi binh, Nguyễn Bặc bất ngờ đổ bệnh, toàn thân không tài nào cử động được, đại phu trong vùng ai nấy cũng đều lắc đầu. Việc quân cơ lại đang gấp rút, họ Đinh buộc lòng phải tìm người thay thế Nguyễn Bặc thống lĩnh nhân mã. Vừa hay, Nguyễn Bồ đến phủ xin thay em trai cầm quân đánh trận tiên phong, tuy rằng xét về tài trí, Nguyễn Bồ còn thua kém người em của mình một bậc, nhưng trong tình cảnh hiện thời, quả thực không còn ai phù hợp hơn. Bộ Lĩnh phê chuẩn thỉnh cầu của Nguyễn Bồ, sắp đặt chỗ ăn nghỉ cho y cùng vợ ngay trong phủ quân vương để tiện bề bàn giao công việc. Tối ấy, Nguyễn Bồ cứ trằn trọc mãi không ngủ, y đánh thức thức Quế Hương dậy, nhờ pha một bình trà thơm, đoạn mở lời nói với vợ:

- Thứ hôm trước ta đưa cho nàng bỏ vào trong rượu được gọi là mê tâm ngải, không mùi, không vị, tác dụng chỉ đơn giản khiến cho người trúng ngải mê man bất tỉnh trong nhiều ngày. Cách hoá giải ta có ghi rõ trong cuốn cẩm nang đặt dưới bình hoa lục sắc trong gian nhà cũ. Nếu chuyến này ta có mệnh hệ gì, nàng nhớ phải trao cuốn cẩm nang ấy cho Đinh Vương, mong rằng Nguyễn Bặc hiểu cho ta lần này. Lúc sinh thời, cha ta vì biết thuật xem tướng, trong mấy huynh đệ chỉ có duy nhất Nguyễn Bặc là tài trí đa mưu, công tâm chính trực, sau này tất sẽ làm đến chức Quốc Công, tạo phúc cho muôn dân bá tánh. Chính vì thế nên trước khi lâm trung, cha ta có căn dặn phải bằng mọi giá bảo toàn được sự an nguy cho Bặc đệ, nếu không thì sẽ có lỗi với liệt tổ liệt tông, với giang sơn xã tắc.

Quế Hương tiểu thư nghe xong thì biết chồng mình phen này lành ít dữ nhiều, tâm lý dù đã có sự chuẩn bị, nhưng phận nữ nhi lấy chồng theo chồng, nay khó khăn trùng điệp, chẳng lẽ đứng nhìn phu quân của mình lâm phải đại nạn. Bóng trăng ủ rũ ghé bên hiên cửa, gian phòng chỉ còn nghe tiếng hát não nề:

- Lầu son gác tía chẳng đành lòng, nhà tranh núi trúc thế lại xong. Uyên ương trên đời sao buồn vậy, giữa dòng xa cách nghìn trùng mây…

Tháng bảy năm Đinh Mão, tiết trời hanh khô, Nguyễn Bồ dẫn đại quân tới Thanh Đàm, thành quách bốn bề hiu quạnh, xung quanh chỉ thấy tiếng quạ réo chim kêu. Sợ có phục kích, Nguyễn Bồ thúc ngựa quay lại mười dặm, cho toàn quân hạ trại rồi điều binh đi do thám.

Lúc ấy là đầu giờ hợi, Nguyễn Bồ cẩn trọng ngồi xem lại binh thư trong lều vải, thoạt nhiên bản thân có cảm giác như ai đó đương nhìn mình. Y đảo mắt xung quanh một vòng, mọi thứ vẫn yên vị đâu đấy. Nhưng kì lạ, cơ thể của Nguyễn Bồ từ lúc rời mắt khỏi cuốn binh pháp thì giống hệt như đang ngồi trên đống lửa, trong lòng bất an tột cùng. Nguyễn Bồ cho gọi lính canh, định bụng truyền lệnh ba quân giới bị, sợ rằng đêm ấy Nguyễn Siêu bày kế đánh úp. Nghĩ đến đây, Nguyễn Bồ lập tức mặc giáp phục, tay cầm thiết thương. Chợt, có tiếng pháo hiệu dội vang cả nền trời, nhân mã reo hò khí thế thực lớn lắm. Nguyễn Bồ chột dạ, vội vã hô hào binh lính, mấy vị Cao Sơn, Đinh Thiết, Nguyễn Phục, ai nấy cũng đều đã có mặt đầy đủ. Nguyễn Bồ nói:

- Lệnh cho toàn quân sẵn sàng giáp mặt, Nguyễn Phục, Cao Sơn, chỉ huy hai đạo binh mã bảo vệ lương thảo, Đinh Thiết theo ta.

Nguyễn Bồ vừa dứt lời thì tên thám mã chạy đến hồi báo:

- Bẩm tướng quân, bốn mặt không thấy quân thù, trong trại Thanh Đàm chỉ nghe tiếng gõ trống khua chiêng, tại hạ cùng hai người khác đánh liều cưỡi ngựa vào trại nhưng tuyệt nhiên trống trơn.

Trong mười hai sứ quân thời loạn, Nguyễn Siêu vốn nổi tiếng với sự tài trí hơn người, hắn ta không chỉ biến ảo trong cách dụng binh, bản thân còn thường có sở thích đem những huyền thuật ma quỷ vào trong trận mạc, cốt yếu là để làm loạn quân tình của kẻ địch.

- Chúng ta chia quân lính ra bốn mặt, nơi nào cũng phải đốt lửa thật lớn, tránh dị thuật của Nguyễn Siêu.

Bốn bề thoạt nhiên im bặt, tiếng quân binh reo hò ban nãy cũng tan đi, Nguyễn Bồ vừa hạ lệnh xuống còn chưa kịp dứt lời thì từ hướng tây có cột khói cuồn cuộn xung thiên. Mấy người Nguyễn Bồ, Đinh Thiết, cùng khoảng chục nhân mạng vội vàng kéo đến xem xét tình hình. Bấy giờ, trước mắt chỉ thấy xác người ngổn ngang, binh lính tử trận đều trong trạng thái quỳ gối, hai tay đặt trên nền đất, đầu cúi rạp xuống, mấy mươi người cùng chết như vậy mà tuyệt nhiên không có một âm thanh gì, lại chẳng ai phát hiện, quả thật kì dị. Biết trúng phải gian kế, Nguyễn Bồ lập tức điều động toàn bộ quân lính kéo về khu vực lương thảo, bấy giờ tiếng đao kiếm đã nổi lên, binh tình vô cùng hỗn loạn.

Quân Nguyễn Siêu không biết từ đâu đổ ra vây chặt lấy tứ phía, Nguyễn Bồ lên ngựa cầm thiết thương tả xung hữu đột trông thực uy phong. Chỉ tiếc, thế địch quá mạnh, lại thêm lòng quân bất nhất, trận ấy Đinh Sơn, Cao Thiết, Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục, cùng vô số tướng lãnh bỏ mạng nơi xa trường. Nghe đâu, binh lính của Nguyễn Siêu thoắt ẩn thoắt hiện, giả thần giả quỷ, chỉ đến đầu giờ Sửu là đã đánh bại toàn quân Hoa Lư.

Thám mã từ Thanh Đàm báo tin thất trận, Bộ Lĩnh giận lắm, trong lòng vô cùng bực tức. Còn về phần tiểu thư Quế Hương, nàng ta sau khi biết tin Nguyễn Bồ tử trận, ngày đêm trong gian nhà trúc chuyện trò một mình, tuyệt không gặp ai, ngay cả việc ăn uống cũng chẳng màng. Ít lâu sau, nàng ta chết bên cây đàn cổ cầm mà thường ngày vẫn hay tấu nhạc mua vui cho Nguyễn Bồ, đem theo cả bí mật về ngải mê tâm xuống nơi cửu tuyền.

Đinh Bộ Lĩnh cho gọi toàn quân về Hoa Lư, bàn kế đánh Nguyễn Siêu, trả thù cho bốn vị dũng tướng. Nguyễn Bặc lúc ấy vẫn còn đương mê man bất tỉnh, Bộ Lĩnh bèn hạ lệnh xuống cho hai bên tả hữu:

- Nguyễn tướng quân là người đặc biệt quan trọng, các vị ở đây, ai có cao kiến gì để cứu chữa cho Nguyễn Bặc xin cứ nói, việc thành ta sẽ trọng thưởng.

Tất cả im lặng nhìn nhau, Bộ Lĩnh chỉ còn cách thuận theo ý trời. Đúng lúc ấy, có giọng nói nam nhân từ bên ngoài vọng vào phủ quân vương.

- Xin Đại Vương chớ lo, mê tâm ngải trên người của Nguyễn Bặc, tại hạ đã có cách đối phó

--------------------------

Đọc tiếp: PHẦN 7

Từ tác giả:

 Tô Lịch Sự Thật Và Lịch Sử là một bộ truyện thật sự dày công. Nó không giống như Nghiệp Âm Kỳ Truyện, Tô Lịch Sự Thật Và Lịch Sử ngốn của tôi không ít thời gian, ngoài công việc hàng ngày, tôi tranh thủ mọi khoảng thời gian có thể để ngồi xét đoán, cân đo đong đếm từng nhân vật và tình tiết trong truyện. Từ Châu Âu, tôi phải nhờ mấy người bạn thân thiết ở Hà Nội cất công đi xuống tận Ninh Bình, Nam Định để có thể thu thập được cho tôi những thông tin quý giá.

Để nói về sông Tô Lịch thì thật không phải là chuyện đơn giản, bản thân tôi đã mất rất nhiều thời gian để có thể sở hữu trong tay những bộ tư liệu quý giá. Thông qua hiểu biết và kiến thức tìm tòi được, tôi xin mang đến cho quý vị bộ truyện Tô Lịch Sự Thật Và Lịch Sử, bộ truyện sẽ đi theo các giai đoạn lịch sử có thật để quý bạn đọc có thể hình dung được một cách cụ thể nhất về bối cảnh, nguồn gốc, những điều kì bí còn ẩn hiện sau con sông Tô uốn lượn quanh co. Hi vọng đây sẽ là món ăn tinh thần quý giá cho quý bạn đọc sau những ngày làm việc mệt mỏi, qua đó, tôi cũng muốn gửi gắm đến quý vị cái sử sách của non sông, của ý chì hào hùng trên đất Nam Việt.

Bản quyền thuộc về tác giả Nguyễn Ngọc Quang