04/06/2021 11:34 View: 5625

Truyền thuyết: Thăng Long Tứ Trấn toàn tập

Thăng Long Tứ Trấn là tên gọi của bốn ngôi đền thiêng trấn giữ bốn phương đông tây nam bắc thành Thăng Long xưa, mỗi ngôi đền thờ một vị thần Thành hoàng phù hộ cho dân chúng an cư lạc nghiệp.

Thang long tu tran, huyen thoai, truyen thuyet

1. Trấn Đông: Đền Bạch Mã thờ Long Đỗ Vương Chính Khí Thần

Trấn Đông là đền Bạch Mã, thờ thần Long Đỗ, hay còn có tên là thần Long Độ, thần Bạch Mã.

Thần tích kể rằng thời Bắc thuộc, Cao Biền được nhà Đường cử sang làm Tiết độ sứ cai quản Giao Châu, cho đắp thành Đại La. Thành lũy xây xong, một buổi sớm Cao Biền dạo chơi ngoài cửa đông, bỗng nhiên trời nổi mưa to gió lớn, mây ngũ sắc dâng lên chói lòa. Giữa đám mây hiện ra một người cưỡi con rồng đỏ, đầu đội mão xích hoa, thân mặc áo tử hà, xiêm là, giày đỏ, bay lượn trong mây mù, hương lạ thơm lừng, đàn sáo hợp tấu, lững lờ uyển chuyển, lúc thấp lúc cao, lâu ước độ hai khắc rồi bỗng nhiên tan mất.

Cao Biền kinh dị, coi là yêu quái muốn thiết đàn để cúng. Đêm hôm ấy, hắn mộng thấy người hồi sáng đến nói rằng:

- “Ta không phải yêu khí đâu, mà là Long Đỗ vương chính khí thần muốn xem kĩ thành mới hiện ra đó thôi”.

Biền tỉnh dậy, than rằng phải chăng do hắn không khuất phục được người Giao Châu mà để quỷ thần dòm ngó. Có người khuyên hắn đúc tượng, lập đàn trấn yểm thần Long Đỗ. Biền làm theo, vừa đọc chú thì trời đất mù mịt, mưa gió vần vũ, tượng sắt hóa tro bụi. Cao Biền sợ hãi, có ý rút về phương Bắc. Người dân thấy lạ, bèn lập đền tại mạn đông thành mà tế thần.

Đời Lý Công Uẩn dời đô về Đại La, đổi tên thành Thăng Long, muốn mở rộng thành nhưng đắp xong đều bị lở. Đêm vua nằm mộng thấy thần dặn dò cứ theo vó ngựa mà đắp.

Từ ngôi đền của thần Long Đỗ, có con ngựa trắng đi ra, đi một vòng sang phía tây về phía đông rồi trở lại vào đền. Vua y lời thần cho đắp thành lũy theo vết chân ngựa, xây đến đâu chắc đến đấy. Vua cho đúc tượng con ngựa trắng để thờ, từ ấy gọi là đền Bạch Mã. Về sau khu phố chợ nhiều lần hỏa hoạn, mà ngôi đền của thần vẫn uy nghi đứng vững không hề bị lửa thiêu rụi.

2. Trấn Tây: Đền Voi Phục thờ Linh Lang Đại Vương

Trấn Tây là đền Voi Phục hiện nằm trong trong lòng vườn thú Thủ Lệ, nơi thờ Linh Lang Đại Vương, một vị hoàng tử triều Lý.

Thần tích về ngài mỗi nơi chép một khác nhau. Kể rằng ngài vốn là con thứ năm của Lạc Long Quân, đến triều vua Lý Thánh Tông giáng sinh làm con thứ tư của cung phi Hiệu Nương. Một hôm phi tới hồ Dâm Đàm (nay là hồ Tây) tắm gội bỗng thấy rồng thần nổi lên hồ, phun sóng thành mây rồi bay lên không mất hút.

Khi đó toàn thân phi thơm phức, năm sáu ngày sau được vua gọi vào cung, từ đó có thai. Phi mang bầu tới 14 tháng trời, một đêm kia nằm mộng thấy một người áo gấm đai ngọc vái xin làm con; tức thì cung phi hạ sinh hoàng tử, đặt tên là Hoàng Lang (có nơi viết Hoằng Chân). Phi xin mang con về nuôi ở Trại Chợ.

Ít lâu sau giặc Tống xâm lược bờ cõi, sứ giả đi khắp nơi chiêu mộ người tài. Hoàng Lang thấy thế xin sứ giả tâu vua cấp một cờ hồng cán dài mười trượng và một con voi chiến. Sứ về tâu, vua mừng cấp cho Lang cả voi lẫn 5000 binh sĩ. Lang hô một tiếng, con voi lập tức phủ phục dưới chân ngài. Đoạn phất cờ ra trận, đánh tan quân giặc.

Đánh thắng giặc Tống, ngài không nhận vinh danh bổng lộc, hồi hương về Trại Chợ rồi bảy tháng sau mất do bệnh đậu mùa. Ngài hóa con giao long bay về hồ Dâm Đàm rồi biến mất. Vua thương tiếc phong làm Linh Lang Đại Vương, sai lập đền thờ tại Trại Chợ, nay là đất Thủ Lệ. Trong đền đúc tượng hai con voi phủ phục trước mặt ngài theo thần tích, chính vì vậy mà gọi là đền Voi Phục.

Ở làng Yên Phụ và làng Thụy Khuê cũng thờ thần Linh Lang, nhưng thần tích ở đây lại chép về hai nhân vật thời Trần. Ở làng Yên Phụ là con vua Trần Thánh Tông, gọi là Uy Linh Lang, ở làng Thụy Khuê là con vua Trần Nhân Tông, gọi là Vân Linh Lang. Cả hai vị thần đều có những giai thoại sinh nở kỳ lạ và có công chiến đấu chống giặc Nguyên xâm lược.

3. Trấn Nam: Đền Kim Liên thờ Cao Sơn Đại Vương

Trấn Nam là đền Kim Liên thờ phụng Cao Sơn Đại Vương. Thần Cao Sơn được thờ ở rất nhiều nơi khắp đồng bằng Bắc Bộ.

Chính vì vậy thần tích về ngài có vô vàn dị bản, mỗi nơi kể một khác nhau. Một phiên bản phổ biến kể rằng hai anh em Cao Sơn và Quý Minh là anh em con chú con bác của Tản Viên (tức Sơn Tinh). Cao Sơn là sơn thần, Quý Minh là thủy thần hoặc thổ thần tùy dị bản; hai anh em đã trợ lực Tản Viên Sơn Thánh chống lại Thủy Tinh trong trận hùng chiến kinh thiên động địa.

Sau đó Hùng Duệ Vương phong cho hai anh em làm tướng quân, có công đánh thắng một trận lớn dẹp giặc Thục Phán (An Dương Vương sau này). Một thời gian sau ba ngài hóa, mỗi ngài Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh ngự trị một đỉnh trong dãy núi Ba Vì.

Thần tích ở đền Kim Liên lại kể rằng Cao Sơn là một trong 50 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ theo mẹ lên núi, được phong chức Lạc tướng Vũ Lâm, cai quản vùng núi ở Ninh Bình. Về sau, do linh ứng phò trợ Lê Tương Dực diệt quân Lê Uy Mục mà được dân làng Kim Liên rước về thờ, phong làm Cao Sơn Đại Vương trấn giữ phía Nam thành Thăng Long.

Ngoài ra ở những nơi khác cũng thờ các vị thần khác cũng tên là Cao Sơn. Ở Chí Linh, Hải Dương thờ vị Cao Sơn là thầy thuốc chữa bệnh đậu mùa cho dân.

Ở một số đình đền còn thờ ông Cao Sơn người Trung Quốc, vốn sinh ở Đại Việt, sau trở về phương Bắc học tập rồi dẫn quân sang tiêu diệt triều đại nhà Hồ. Sau trở về phương Bắc, được vua nhà Minh phong làm Cao Sơn Đại Vương, về tu ở núi Bảo Đài, thọ 103 tuổi.

4. Trấn Bắc: Đền Quán Thánh thờ Huyền Thiên Trấn Vũ

Thăng Long Tứ Trấn là tên gọi của bốn ngôi đền thiêng trấn giữ bốn phương đông tây nam bắc thành Thăng Long xưa, mỗi ngôi đền thờ một vị thần Thành hoàng phù hộ cho dân chúng an cư lạc nghiệp. Trấn Bắc là đền Quán Thánh, tên chữ là Trấn Vũ Quán, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ.

Vốn Huyền Thiên Trấn Vũ là một vị thần tiên Đạo giáo xuất xứ từ Trung Quốc. Truyền thuyết kể rằng ông vốn do Ngọc Hoàng Thượng Đế (có nơi nói là Thái Thượng Lão Quân) tách ra một thế phách của mình xuống đầu thai làm con trai vua nước Tịnh Lạc. Lớn lên, vị thế tử không muốn làm vua, từ bỏ giàu sang phú quý mà đi tu ở núi Võ Đang dưới sự dạy dỗ của Diệu Lạc Thiên Tôn.

Đạt được thần thông rồi, ngài rạch bụng moi ruột gan, vân du về phương bắc trừ yêu ma quỷ quái giúp dân. Không ngờ gan và ruột biến thành hai con quái Rùa và Rắn làm hại dân lành. Thấy vậy thần quay về thu phục hai con yêu quái trở thành hai vị tướng Rùa và Rắn dưới trướng mình. Thần được Ngọc Hoàng Thượng Đế giao cho trấn giữ phương bắc. Vì vậy mà Huyền Thiên Trấn Vũ cũng được cho là tương ứng với Huyền Vũ (một trong Tứ thánh thú: Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ) cũng trị vì phương bắc.

Về sau du nhập vào Việt Nam, dân ta đã kể rằng Huyền Thiên Trấn Vũ sau khi tu hành đắc đạo đã du hành sang nước ta. Ngài đến ngôi làng Long Đỗ ven hồ Tây ngày nay, tu đạo ở một ngôi đền. Dùng đạo pháp, ngài trừ yêu ma quỷ quái giúp dân lành, trong đó trừ được một con cửu vĩ hồ nham hiểm.

Lý Công Uẩn khi dời đô về Thăng Long đã lập đền thờ phụng ngài, phong làm vị thần trấn giữ phương bắc thành Thăng Long. Về sau mỗi đợt hạn hán, các vua triều Lê cũng thường tới đây để cầu ngài ban mưa thuận gió hòa.

Dù giai thoại về Huyền Thiên Trấn Vũ xuất hiện từ đời nhà Tùy, nhưng dân ta sau này còn kể những câu chuyện về ngài diễn ra từ thời nước ta dựng nước. Rằng ngài thác sinh thành Thánh Gióng giúp Hùng Vương thứ 6 diệt giặc Ân, thác sinh giúp Hùng Vương thứ 7 đánh giặc Thạch Linh. Đời An Dương Vương lại phò vua trừ yêu tinh gà trắng để xây thành Cổ Loa.

Cho một vị thần phương bắc “nhập tịch”, giúp dân ta tiêu diệt giặc phương bắc, đúng là “tuyệt chiêu” của các cụ nhà ta!

Baldur (Epic)

Tamlinh.org