04/06/2021 11:47 View: 2457

Vì sao nhà Trần lại Suy vong theo góc nhìn phong thuỷ?

Trong thuật phong thủy có nói: “tiên tích đức, hậu tầm long” để giải thích cho việc, một con người, một dòng họ, một đất nước có thực sự sở hữu, sử dụng được một long mạch quý hay không phải phụ thuộc rất nhiều vào việc tổ tiên của họ có tích đức không, có dạy dỗ con cháu tốt và giữ được cơ nghiệp ấy không? Trường hợp của dòng tộc họ Trần là một minh chứng cho điều đó.

nha tran suy vong
 

“Hầu hết các triều đại khi hình thành cũng đều có cho riêng mình một truyền thuyết dựng nước. Từ triều Lý cho tới triều Nguyễn cũng đều như vậy. Có một thực tế rằng, ngoại trừ phần chính sử thì dã sử cũng chính là bộ phận quan trọng được dân chúng thích thú truyền tụng.

Chúng ta không ngoại trừ khả năng giai cấp cầm quyền cố tình tạo ra một truyền thuyết như vậy để chính danh quyền lực họ nắm giữ. Họ cố chứng minh với quần chúng nhân dân rằng: việc họ nắm giữ được đất nước là do thần linh, là do mệnh trời quy định, cộng thêm lòng dân hưởng ứng thì tất nhiên sức mạnh của vương triều đó sẽ càng được ủng hộ. Vì thế mà triều đại nào cũng có câu chuyện mang đậm tính liêu trai như thế này.

Dưới góc nhìn của phong thủy, việc thịnh suy của một dòng họ, một vương triều phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó phong thủy chỉ là một phần mà thôi. Trong khoa học phong thủy có câu rằng “tiên tích đức, hậu tầm long” để thấy rằng, một vương triều mới hình thành phải là sự tích đức rất lớn của tổ tông. Việc một ngôi huyệt tốt không phải quyết định dòng họ này được nước, dòng họ kia mất nước nhưng rõ ràng nó có ảnh hưởng cự kỳ quan trọng mang tính xuyên suốt đối với một dòng họ.

Vì sao nhà Trần có được thiên hạ?

Thứ nhất, thời cơ chiến lược đã đến với nhà Trần.

Đất nước ta vào cuối thời Lý loạn lạc, tình hình chính trị rối ren, các thế lực nổi lên cát cứ, đời sống nhân dân khổ cực, ai oán và muốn có một vị minh chủ mới đứng lên dẹp loạn, cứu dân, cứu đời. Ngay lúc đó, nhà Trần đã nổi lên, mà người mở đầu là Trần Tự Khánh; ông đã tập hợp lực lượng, đánh dẹp các xứ quân nổi loạn và từng bước gây dựng lòng tin cho họ Trần trong quần chúng nhân dân và trong quần thần vương triều Lý.

Vào thời điểm đó, nhà Trần đã đáp ứng được nguyện vọng của số đông nhân dân, đáp ứng được đúng điều kiện, tồn tại xã hội. Đây được gọi là Thiên thời

Thứ hai, đến từ yếu tố con người, nội lực bản thân.

Bản thân vua tôi nhà Trần trong giai đoạn đầu cấm quyền đã hết sức chăm lo đến đời sống nhân dân, luôn luôn lấy dân làm gốc. Và một điều đặc biệt quan trọng là họ luôn dạy dỗ con cháu các thế hệ sau này phải đặt mục tiêu lợi ích của dân cao hơn mục tiêu của dòng họ, mọi việc triều chính, kinh tế, văn hóa, xã hội đều phải xuất phát từ nhân dân, vua phải yêu dân như con.

Bên cạnh đó, trong việc thu hút nhân tài ra giúp nước thì họ Trần đã sử dụng lòng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân của mình và đặc biệt là các vị vua Trần đã sử dụng chính tấm gương yêu nước thương dân, nguyện vì dân vì nước của mình để thu phục những hiền tài nhất mực trung thành ra giúp nước như: Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão… Chính vì được lòng bề tôi như vậy nên triều đại nhà Trần đã kết hợp được sức mạnh toàn dân tộc, đã cùng nhân dân và đất nước xây dựng một triều đại oanh liệt và rực rỡ vào bậc nhất Việt Nam. Đây được gọi là yếu tố Nhân hòa.

Thứ ba, đến từ yếu tố tâm linh huyền bí.

Phải khẳng định rằng đây là một yếu tố quan trọng bậc nhất, quyết định đối với sự phát triển của dòng họ Trần. Bởi lẽ cha ông ta vẫn thường nói: "Anh muốn phát quan, phát tướng thì anh phải biết mộ nhà mình đặt ở đâu”. Câu nói ấy đã được tổng kết qua hàng nghìn đời nay và nó luôn luôn đúng.

Nhà Trần giành được thiên hạ có một phần công lớn từ việc được thầy địa lý Tàu chỉ cho một long mạch kết phát để đặt mộ tổ vào đó. Đó như là một câu nói đã đi vào tâm thức của người Việt “âm phù dương trợ” và khi đã có được long mạch để đặt mộ tổ vào đó thì “không phát phú cũng phát vương”. Ngay sau đó, nhà Trần đã phát triển rực rỡ như diều gặp gió. Đây gọi là yếu tố Địa lợi.

Điều này không mang tính huyền bí và ảo vọng như một số người hay phê phán bởi nó cần phải có quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, làm sáng tỏ. Thực hư nó như thế nào thì do mỗi người tự cảm nhận, suy ngẫm trong suốt những năm tháng sống trên đời của mình. Bản thân người viết không đi vào tranh luận đúng – sai đối với vấn đề này.

Chỉ biết một điều rằng, từ đó cho đến nay, yếu tố này luôn luôn có tính quyết định và được tất cả những người theo nghiệp chính trị, binh quyền đặt lên hàng đầu. Không đơn giản mà họ phải lao tâm khổ tứ đi tìm long mạch, phải tốn tiền và công sức để tìm hiểu, sở hữu cho được nó. Trong lịch sử và ngay cả trong thời đại ngày nay đã chứng minh rằng, có rất nhiều người đáp ứng được 02 yêu cầu trên nhưng không đáp ứng được yêu cầu địa lợi (đặc biệt là người làm chính trị, binh quyền (công an, quân đội) thì đã không nắm được thiên hạ, nắm được binh quyền, nắm được vận mệnh như họ mong muốn (bởi trong vạn người chỉ có thể chọn ra một người làm thủ lĩnh mà thôi) hoặc có nắm được thì cũng chênh vênh, sớm đánh rơi mất.

Kết luận, nhà Trần đã kết hợp đầy đủ cả 03 yếu tố “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa” nên đã phát triển một cách rực rỡ.

Vì sao nhà Trần mất thiên hạ?

Thứ nhất, sau một thời gian dài nhà Trần nắm quyền trong tay đã bắt đầu đi vào rệu rã, thoái trào.

Nó phát triển theo đúng quy luật “từ đỉnh cao đến thoái trào”. Bản thân họ không tự làm mới được mình mà cứ rập khuôn đi theo hình mẫu cũ nên lâu dần dẫn đến lạc hậu và gây cản trở cho sự phát triển xã hội (thời đó nhà Minh đang nhăm nhe xâm chiếm bờ cõi nước ta, các nước lân bang như Chiêm Thành, Ai Lao thường xuyên đưa quân đến cướp bóc, quấy phá biên giới làm đời sống trong nước luôn luôn bị xáo trộn. Tính ổn định của xã hội đã bị pha vỡ).

Thứ hai: Con cháu các vua Trần sau này đã không thực hiện đúng di huấn của tổ tiên

Họ sa đà vào ăn chơi, tửu sắc và lo xây dựng cung điện xa hoa, bỏ bê việc triều chính, để mặc đời sống của nhân dân. Điều ấy đã làm mệt nhọc sức dân, làm cho nhân dân rơi vào cảnh lầm than, đói khổ (với sưu cao, thuế nặng, phải đi phu phen, tạp dịch); nạn trộm cướp hoành hành, các nước lân bang đua nhau quấy phá biên giới…. Các vua nhà Trần sau này còn tin dùng hoạn quan và để mặc cho chúng tung hoành thay vua lo việc triều chính, xa rời trung thần (đến Chu Văn An còn phải về ở ẩn). Chính vì vậy mà lòng tin của nhân dân đối với nhà Trần đã không còn nữa, sau khi một loạt các trung thần qua đời và xin về ở ẩn thì nhà Trần thực sự đã mục ruỗng, suy yếu đến tột độ và đi đến hồi suy vong.

Thứ ba: Vận khí của nhà Trần

Một nguyên nhân được cho là ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến sự suy yếu của nhà Trần. Đó là vận khí của nhà Trần đã hết. Và vận khí ấy hết được mô tả qua câu chuyện sau:

“Sau khi người thầy địa lý Tàu giúp nhà Trần đặt mộ tổ vào huyệt quý bèn nói với người họ Trần: Tôi không cần ông chia cho tôi một nửa nước. Nhà ông cứ hưởng nước, chỉ cần đời đời tư cấp cho nhà tôi đủ ăn, đủ mặc thôi.

– Người họ Trần hứa sẽ ghi lòng tạc dạ. Rồi làm giấy tờ giao ước, mỗi bên giữ một bản để làm tin.

– Ngay sau đó, thầy địa lý Tàu nói: Tôi đã để lại cho dòng họ nhà ông một phép, có thể làm cho nhà ông trị vì được lâu dài hơn. Phép ấy là gì, tôi sẽ bảo cho biết sau rồi giã từ ra về.

– Họ Trần vô cùng cảm tạ rồi chia tay thầy địa lý

Tuy nhiên, người thầy địa lý Tàu vốn là người “tâm cơ trí lực”, đoán biết việc thiên hạ như thần nên đã làm hai bản sấm thư để lại cho con cháu và dặn rằng: Nếu sau này họ Trần vẫn đối đãi tử tế, thì bảo thực cho họ biết. Nếu họ bội ước thì như thế, như thế …

Sau khi lên ngôi báu, con cháu nhà Trần đều nhớ đến công ơn của thầy địa lý Tàu nên ban đầu khi con cháu thầy địa lý Tàu ở Trung Quốc sang, các Vua Trần đều tặng tống rất hậu hĩnh. Nhưng càng đến cuối đời thì lơ là nhiệm vụ và càng đối đãi kém tử tế. Cho nên con cháu của thầy địa lý Tàu đã phật ý. Vào một ngày nọ, một người cháu của thầy địa lý Tàu sang nói với Vua Trần rằng:

– Tổ tiên hạ thần có để lại một bản sấm thư, dặn đến năm nay thì đem sang trình quý Quốc.

Vua Trần xem sấm thư thấy nói: “Ngôi mộ phát tích ở Thái Đường đã hơn trăm năm, nay đã sắp hết thịnh, cần phải khơi thông Thủy đạo thì mới mong giữ được lâu dài”.

Vua Trần không một chút nghi ngờ, bèn chiểu theo họa đồ ở sấm thư của thầy địa lý Tàu mà đào một Thủy đạo từ sông Cái xã Phú Xuân đi vào, quanh đến xã Thái Đường (con sông ấy nay vẫn còn dấu vết). Không ngờ đào đứt Long mạch, làm cho vận khí mất đi. Từ đấy họ Trần cứ suy yếu dần, rồi bị nhà Hồ cướp ngôi vào năm 1400. Xét ra nhà Trần trị vì được từng ấy năm, là do mệnh Trời, chứ sức người làm thế nào được”.

Thu Thu