04/06/2021 11:41 View: 2860

Tô Lịch: Sự thật & lịch sử (Phần 3)

Giang Khẩu vốn dĩ là nơi hội họp của hai con sông Tô Lịch và Nhĩ Hà, vùng này nức tiếng sầm uất, thuyền bè đi lại tấp nập không kể đêm ngày. Phàm những người đã từng một lần đến đây, hẳn sẽ bị mê hoặc bởi sự phồn thịnh trong nhịp sống.

su that song to lich, cao bien, truyen tam linh

Cái tên Giang Khẩu cũng theo đó mà đi vào tiềm thức của cánh lái buôn, họ đổ đến tìm kế sinh nhai, lâu dần dựng nhà lập ấp, văn hoá cũng vì thế được tô điểm thêm nhiều nét đặc sắc riêng biệt.

Lại nói về Bộ Lĩnh, người này tuy rằng dũng mãnh, bản thân trước sau đã từng trải qua nhiều phen sinh tử, nhưng đối với những chuyện liêu trai quỷ dị, y hoàn toàn không thể đoán định được mọi việc. Bấy giờ, Bộ Lĩnh đã đến gần vùng Giang Khẩu, nơi này tuy rằng người đông như kẻ chợ, khắp các ngóc ngách chỗ nào cũng thấy la liệt hàng quán. Kỳ thực, giữa buổi loạn lạc, dẫu là nơi quạnh vắng đìu hiu, hay chốn thành thị hoa mỹ, tất sẽ tồn tại những mối hung hiểm tai vạ, đặc biệt khi Bộ Lĩnh còn có liên quan mật thiết tới sứ quân Kỳ Bố.

Ấy là một bến thuyền nhỏ nằm nơi mé ngoài vùng Giang Khẩu

Bộ Lĩnh theo lời vài người lái buôn đến đây để tìm tung tích họ Tô. Nhưng ngặt nỗi, phàm khi Bộ Lĩnh nhắc đến Tô Hiển, rất ít người muốn tiếp tục câu chuyện, trừ tay lái đò tướng mạo bần khổ, tên này nhìn mặt Bộ Lĩnh thì đặt điều:

- Tôi mấy ngày nay chưa được chuyến khách nào, nếu ông đây có thể chi trả hậu hĩnh, biết đâu tôi lại nhớ được điều gì về Tô Hiển chăng ?

Bộ Lĩnh nghe thế thì cả mừng, liền nói

- Ở đây ta có hai nén bạc, nếu như ông được việc, ta sẽ thưởng thêm.

Người đàn ông nọ thấy thế thì hồ hởi, liền ra dấu cho Bộ Lĩnh theo chân, hai người này đi dọc bến Giang Khẩu về hướng nam chừng vài dặm, trước mắt chỉ còn thấy lau sậy phủ kín một vùng.

- Hai mươi lăm năm trước, phường Giang Khẩu này từng có sự lạ, phàm những người Giang Khẩu làm nghề chài lưới, đa phần đều vướng hoạ tuyệt tự. Dù chạy chữa thế nào thì cũng không sinh được một mụn con. Thời ấy trong vùng có người Tô Hiển giỏi về phong thuỷ, lão thấy dân làng gặp nạn thì mới đề nghị giúp đỡ. Theo như những gì Tô Hiển nói, vùng Giang Khẩu vốn dĩ rơi vào triệt địa, đất đai tuy trù phú bằng phẳng, trước mặt dẫu được sông ngòi tụ khí, nhưng đáng tiếc hai dòng Nhĩ Hà và Tô Lịch lại gấp khúc quanh co, thế nước lên xuống khôn lường, ấy là cát cước sát, điều này khiến cho gia đạo không bền, tài danh khó tụ. Chưa nói đến năm xưa vào thời nhà Đường, từng có kì nhân chế ngự nơi này bằng tà thuật, những sự hung hại vốn có của nó nay lại càng thêm dị hợm. Dân trong vùng nhẹ thì đau yếu, nặng thì tuyệt tự, gia đình phân li, muốn hoá giải được trước hết nên tìm cách phá yểm. Tô Hiển họp các bô lão trong làng, cho lập đàn tế lễ suốt mấy ngày đêm, dân chúng tuyệt nhiên không ai dám bén mảng đến gần, tôi vì hiếu kì nên mới bạo gan rủ thêm vài người tìm cách đến xem.

Gã lái đò thở dài, đoạn tiếp:

- Đêm ấy trời đen như mực, giông bão nổi lên suốt từ chập tối, Tô Hiển bấy giờ trên chiếc thuyền nhỏ đương cùng vợ mình xuôi dòng đàn hát xem thực lạ thường. Tôi với mấy người nữa vì đứng trên bờ nên rất khó để quan sát được cụ thể diễn biến phía dưới. Mãi đến tận canh hai, trên thuyền Tô Hiển bỗng sáng rực lên, chúng tôi thấy rõ ngoài y và vợ thì còn có mấy bóng trẻ con nhạt màu đang tíu tít vây quanh. Bất giác, sóng gió cuồn cuộn nổi lên, chiếc thuyền nhỏ trao đảo dữ dội.

Tô Hiển quát lớn một tiếng:

- Thoái

Tích tắc, ngọn lửa bùng lên, trước mắt chỉ thấy vợ chồng Tô Hiển đang ca hát trong biển lửa, mấy bóng trẻ con cũng đột nhiên biến mất, sự kiện quả thực ma mị. Chúng tôi nhìn nhau, chẳng ai bảo ai, nhằm thẳng đường làng mà chạy.

Bộ Lĩnh hối thúc

- Sau đó thì sao, có hoá giải được trận yểm không ?

Gã lái đò im lặng, hắn dẫn Bộ Lĩnh đi thêm một đoạn, trước mặt có mấy gian nhà san sát nhưng lại đìu hiu quạnh vắng. Đoạn nói:

- Ba tháng sau, trong làng có người mang bầu, đứa bé sau đó sinh ra tướng mạo tuy rằng tuấn tú, nhưng đáng tiếc sức khoẻ lại hời hợt, yếu ớt. Gia đình Tô Hiển đợt ấy cũng biệt tăm, gian nhà trước mắt ông chính là nơi y đã từng ở, thỉnh thoảng đêm hôm vẫn thấy sáng đèn, tiếng hát nữ nhân lanh lảnh khắp cả một vùng. Dần dà, chúng tôi cũng sinh ngờ về căn nhà ấy, nhưng suy đi tính lại thì cũng chỉ là nơi hoang tàn, đổ nát, nếu như thật sự có người..

Đến đây thì Bộ Lĩnh ngắt lời, khuôn mặt y tỏ vẻ ngờ vực:

- Nói vậy thì họ Tô quả thực kì bí, đây là hai nén bạc của ông.

Nói rồi Bộ Lĩnh liền quay người bỏ đi, trong đầu suy nghĩ ngày một bộn bề, rõ ràng Tô Hiển trước đây từng đến Kỳ Bố, tính ra thì cũng chưa lâu, nay lại nghe chuyện y gặp nạn hai mươi năm trước, thực chẳng biết đâu mà lần. Lúc ấy, chợt có người gọi gấp:

- Đinh tướng quân, xin hãy dừng bước.

Người phía sau là một nam nhân, tướng mạo trông thực khác thường, anh ta giường như nắm bắt rất rõ về thân thế của Bộ Lĩnh.

- Chúng ta đến quán trọ gần đây rồi nói chuyện, nơi này không an toàn.

Gã lái đò thấy có người xuất hiện thì vội vã cáo biệt Bộ Lĩnh rồi bỏ đi, khuôn mặt hắn ta xem chừng đang lo ngại điều gì đó.

- Đinh tướng quân, mau đi, thân thế của ngài đã bị bại lộ, nếu còn nán lại e rằng không được an toàn.

Người nam nhân nói rồi vội vã dẫn Bộ Lĩnh đến một khách trọ ngay gần bến Giang Khẩu, hai người gọi một bình rượu ngon, chờ tới khi xung quanh đã vãn người, Bộ Lĩnh liền hỏi:

- Cậu là ?

Người thanh niên nhấp ngụm rượu, anh ta cau mày thưởng thức mỹ vị trong thứ hảo tửu. Đoạn tặc lưỡi tắm tắc khen ngon:

- Thứ rượu này thực rất nổi tiếng trong vùng Đại La, nó được chưng cất chế biến từ loại gạo nếp ven sông Nhĩ Hà, cũng không phải tự nhiên mà người ta lại có sự lựa chọn đặc biệt như vậy. Nếu xét theo địa thế, Đại La vốn dĩ là nơi bằng phẳng, đất đai trù phú màu mỡ, bao quanh bởi những sông ngòi lớn nhỏ khác nhau, việc canh tác nuôi trồng tại đây tất sẽ có những lợi thế nhiều hơn vùng khác. Chưa kể tiết khí bình hoà, bốn mùa xuân hạ thu đông phân định rõ ràng thời vụ, người dân cũng vì thế mà biết được cái sự nhu thuận của trời đất để tiện bề tính toán. Nhưng nếu như chỉ dựa vào những yếu tố trên đây thì âu vẫn chưa đủ. Từ thời xa xưa, con người đã biết dụng thuật phong thuỷ vào đời sống thường nhật. Phàm những nơi linh khí đắc địa, sự phát triển của vạn vật cũng theo đó mà được bồi bổ ít nhiều. Thành Đại La thế đất vượng phát, xung quanh thấy tám dãy núi chầu về theo hình rẻ quạt, lại thêm những mạch sông lớn nhỏ như Nhĩ Hà, Tô Lịch, Thiên Phù, tất thẩy đều mang theo linh khí tứ phương về đất La Thành. Nói vậy để biết phong thuỷ Đại La đẹp đến mức nào, nơi đây núi chầu sông tụ, ngày một ngày hai không thể kể hết.

Đến đây thì người nam nhân ngắt ngứ, hắn ta chỉ tay về hướng Tô Lịch, đoạn thở dài:

- Sông này bắt nguồn từ dòng Lô Giang, theo hướng tây bắc chảy về phía nam, ôm lấy Đại La rồi nhập vào sông cái. Năm xưa thời Đường, Cao Biền dẹp giặc Nam Chiếu rồi vâng mệnh Ý Tông tiếp quản Giao Chỉ. Đợt ấy đang độ tháng sáu, nước sông lên cao, Biền ngồi thuyền nhẹ thuận theo dòng nước đi khắp La Thành. Được độ hơn dặm, y thấy trước mắt có một cụ già đương bơi lội giữa dòng, giáng điệu trông thực ung dung, phấn chấn. Biền dừng thuyền lại hỏi ?

- Nhà ngươi là ai, sao thấy bản quan mà còn không mau tránh đi ?

Cụ già cười to mà đáp lại:

- Ta họ Tô tên Lịch, đời đời làm chủ đất này, nhà người muốn biết thì về tra sổ sách rồi hỏi chuyện ta với Lý Nguyên Gia, mọi sự ắt được rõ ràng.

Nói xong cụ già liền đập tay xuống nước, trời đất tối sầm, cuồng phong nổi lên, sóng dữ cuồn cuộn làm trảo đảo bốn bề, Cao Biền tuy thoát được nhưng vẫn kinh hãi.

Hôm ấy, y về tra lại sổ sách cũ thì thấy vào năm Trường Khánh thứ hai đời Đường Mục Tông, Lý Nguyên Gia làm quan đô hộ Giao Chỉ, kẻ này am hiểu sử sách, biết rằng thời Tấn người tên Tô Lịch làm chủ La Thành, y bèn lập đàn tế lễ, xây dựng đền thờ rồi phong thần cho ngài. Cứ tưởng mọi chuyện như vậy là xong, đêm ấy khi họ Lý đương nằm bên cửa sổ thì mộng thấy có một cụ già phương trượng, thân cưỡi hươu trắng đến trước mặt mà bảo:

- Tôi được biết ban sáng ngài có lập đàn dâng sớ phong tôi làm thần hoàng. Xin cảm ơn ngài, nhưng đối với tôi cái danh vị ấy âu thật dư thừa, có hay không cũng chẳng can hệ tới tôi. Mấy trăm năm trước, khi ngài còn chưa có mặt trên đời, tôi từng làm quan ở đây rồi được dân chúng tưởng nhớ mà dựng đền thờ, sau này mất đi thì tiên thánh ban cho tước hiệu, nắm giữ cai quản cả một vùng này. Bây giờ ngài lập phủ đệ trên đất của tôi, sự ấy là tuỳ ngài, tôi không chấp làm gì. Nhưng xin ngài nhớ cho, làm quan đầu xứ thì phải biết bảo ban bọn thuộc hạ chớ có cướp bóc, sách nhiễu chúng dân, bản thân xét xử điều gì cũng phải minh bạch rõ ràng. Tiếng thơm của tôi để lại, ngài hẳn đã biết, mong ngài cũng hãy làm được như vậy.

Cao Biền đọc đến đoạn này thì mồ hôi vã ra như tắm

Y cho đây là điều linh dị, bèn viết quân lệnh đổi tên sông thành Tô Lịch để tránh sự mạo phạm. Cái tên Tô Lịch cũng là bắt nguồn từ ấy.

Tiếng cười hào sảng vang lên trong quán rượu, Bộ Lĩnh ra vẻ cao hứng, đoạn nói:

- Anh linh đất Việt quả thật kinh người, ta đây cũng có đọc qua về Cao Biền và Lý Nguyên Gia, nay lại được biết thêm về câu chuyện Tô Lịch, thực là hay lắm. Nhưng cậu đây tên họ là gì, cớ sao có sự am hiểu về phong thuỷ và sử sách đến như vậy, lại còn biết được thân thế thật sự của ta ?

Người nam nhân rót đầy hai bát rượu, khuôn mặt thoáng chút buồn bã:

- Tại hạ ...

--------------------------

Đọc tiếp: PHẦN 4  THẦN UY LONG ĐỖ

Bản quyền thuộc về tác giả Nguyễn Ngọc Quang