04/06/2021 11:47 View: 4879

18 quy tắc cần nhớ khi đi lễ đền, chùa?

Đi lễ đền chùa là phong tục rất đẹp của người Việt. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ khi đi lễ chùa không nắm được các quy tắc cơ bản nhất khiến việc tổn phước không đáng tiếc ở cửa chùa ngày càng nhiều. Từ trang phục, đi đứng nói năng đến các nghi thức cơ bản nhất... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu 18 quy tắc cần nhớ khi đi lễ, đi vãng cảnh đền, chùa?

quy tac di chua le phat

Thắp nhang khi đi chùa:

Khi đi lễ chùa, chỉ nên thắp một cây nhang duy nhất, nhà Phật gọi là "Tâm Hương". Không nên đốt nhang như đốt nhà.

Thắp nhang nhiều không đồng nghĩa với bạn có nhiều lòng thành, nó chỉ làm khói nhiều hơn, đặc biệt nếu bạn dùng nhang của chùa thì rất lãng phí cho chùa.

Thắp nhang nên thắp bên ngoài sân chùa, thắp bên trong làm ảnh hưởng đến tượng Phật.

Khi cắm hãy cắm thẳng cây nhang và nhớ là Phật chứng Tâm chứ không chứng nhang.

Cài hoa khi đi chùa: 

Bạn đã biết ngày Vu Lan, ai còn mẹ thì cài bông hồng, ai mất mẹ thì cài bông trắng. Sau khi lễ xong, bông hoa cài vào áo thì nên mang về nhà cất đi.

Đừng cài xong vừa ra đã vứt ngay sân chùa, không phán xét lòng thành của bạn, nhưng như vậy vừa tốn công dọn vừa phí bông, có người muốn cài mà không có.

Ăn chay trên chùa: 

Ăn bao nhiêu thì bạn xin bấy nhiêu, đừng theo thói quen ở nhà, no miệng đói mắt.

Ăn chay tuyệt đối là không để thừa. Các chùa nghèo sẽ phải ăn chỗ thừa đó của bạn vì nếu đổ đi thì phí, có tội.

Hãy học cách ăn chay ở chùa để sau này đi ăn buffee cũng lịch sự.

Không xả Rác: 

Theo kinh nghiệm đi chùa của tác giả thì 99% các ngôi chùa đều có thùng rác, vì vậy bạn nên bỏ rác vào thùng, đúng nơi, đúng chỗ.  Vì những người làm công quả, không được trả lương cho việc dọn dẹp.

Hãy giữ ý thức chung để chùa hay rộng hơn là các nơi công cộng luôn sạch sẽ.

Đi lại trong chùa: 

Khi đi chùa không nên chạy qua chạy lại, nói chuyện, bình phẩm, ngồi hoặc nằm trong Phật đường.

Không tùy tiện hắt hơi sổ mũi, khạc nhổ… quanh khu vực Phật điện, tam bảo.

Đôi lứa khi đi chùa: 

Với những cắp đôi đang yêu nhau hay cặp vợ chồng, khi đi lễ chùa thì những cử chỉ thân mật chỉ nên dừng lại ở nắm tay.

Cửa chùa sẽ rất ngại việc tỏ ra khó chịu với bạn, nhưng tốt nhất không nên làm người khác khó chịu. 

Chen lấn khi đi chùa:

Chùa là chốn thanh tịnh, tránh xa những bon chen đời thường vì vậy khi lên chùa hay chỉ một lần trong tháng các bạn hãy tập cách nói không với chen lấn.

Chùa chỉ có Phật và nhang thôi, chứ không phải hội chợ nên đừng chen lấn nhé. 

Lễ phật trong chùa: 

Khi lễ Phật các bạn nhớ đứng nép về một bên, tránh đứng ở giữa vì theo dân gian thì giữa là nơi các chư thiên đang đứng để chứng cho lòng thành của bạn.

Vào chùa nào các bạn ít nhất cũng nên quỳ lạy Phật 3 cái, xá Phật cúi người từ tốn nhẹ nhàng và thành tâm hướng Thiện

Sử dụng điện thoại khi đi lễ chùa: 

Khi tụng niệm, khi ngồi thiền, hoặc khi người khác đang tụng niệm thiền thì bạn nên để điện thoại ở chế độ rung hoặc tắt máy.

Người đi lễ đang tĩnh tâm mà nghe tiếng chuông điện thoại hoặc tiếng các bạn nói oang oang sẽ thấy rất vô duyên.

Làm cho Đồng Tu bị động tâm là chúng ta dễ bị mất phước.

Trang phục khi đi chùa: 

Khi đi lễ chùa phải ăn mặc giản dị, sạch sẽ.

Đặc biệt không mặc váy ngắn, quần cộc, áo hở lườn hở nách…

Nói chung chúng ta càng kín cổng cao tường càng tốt, đừng mặc hở hang, bó sát người, rất phản cảm & dễ thành trò cười cho người khác.  

Đảm bảo sạch sẽ khi đi lễ chùa: 

Trước khi đi chùa chúng ta nên tắm rửa súc miệng sạch sẽ nhất có thể. Nhiều các già còn chay tịnh cả tuần trước khi đi chùa, vì vậy các bạn trẻ cũng nên lưu ý. Tâm có thể chưa thanh tịnh nhưng thân phải thật sạch sẽ.

Không nên vừa ở quán thịt chó hay bún chả ..rồi rẽ vào chùa ngay nhé. 

Phóng sinh khi lễ chùa: 

Phóng sinh không nên đặt mua trước vì đặt trước là người ta sẽ đi bắt, mình thay vì được phước thì lại mang tội.

Cứ ra chợ, những chúng sinh đang chuẩn bị lên bàn mổ mà cứu được chúng thì mới đáng quý.

Mua vật phóng sinh chúng ta nhớ lựa cho phù hợp, đúng loại, thả đúng nơi con vật có thể sống được.

Không tự tiện lấy của Tam bảo: 

Đồ dùng, vật dụng, thức ăn của chùa là do thập phương bá tánh cúng dường vào nên chúng ta không được tự tiện hạ lễ hay xin lộc.

Có người cho rằng: Một người ăn trộm đi trộm xe thì chỉ mắc tội với một người mất xe, còn vào chùa ăn cắp hoặc tự ý dùng không xin phép là mắc nợ với cả thập phương bá tánh và chư Phật. Vì vậy, tuyệt đối không trộm xe cũng không lấy đồ ở chùa về xài nha các bạn. 

Đừng đi "nhầm" dép của người khác.

Nhiều người vào lễ xong khi đi ra thường không lấy dép của mình đi mà lại chọn đôi dép đẹp nhất, mới nhất để đi. Lấy dép của người khác đi về vừa tội người ta, vừa bị ghi thêm tội rất nặng khi ăn cắp ngay cửa Phật. 

Hãy nhớ: Các vị hộ pháp luôn dõi theo từng cử chỉ và hành động của các bạn tại chùa

Tụng kinh - Niệm Phật: 

Khi tụng kinh không tụng lớn tiếng, cao giọng, khác biệt với đại chúng.

Nếu tụng chậm hoặc nhanh sẽ làm cho người cùng tụng với mình bị loạn tâm - Như vậy sẽ dễ bị tổn phước của mình.

Gặp các tu sĩ thì nên xưng hô như thế nào? 

Khi gặp các tu sĩ trong chùa chúng ta nên xưng hô là Sư - Con. Hoặc Là Thầy, Cô - Con.

Xưng Con đây ko phải là Con của các sư thầy, sư cô mà Con đây biểu thị cho mình là Con của Phật (Phật tử - Con của Phật).

Không tự ý chạm vào áo quần hoặc bá vai tu sĩ.

Dù thân thiết đến đâu cũng không được tự ý chạm vào áo quần hoặc bá vai tu sĩ trong chùa. Trang nghiêm nơi chùa chiền là nét văn hoá mà chúng ta nên gìn giữ. 

Nói Chuyện trong chùa:

Người đi lễ chùa với nhau chúng ta nên nói vừa đủ nghe, không nói cười lớn tiếng, không gọi hò réo. Vì xung quanh ta có nhiều người đang tĩnh tâm hoặc cầu nguyện nên âm thanh to làm họ động tâm - ta cũng rất dễ bị tổn phước mà không biết. 

Tamlinh.org