04/06/2021 11:51 View: 3785

Tại sao trong chùa lại thờ tượng có vẻ ngoài hung tợn?

Hỏi: Chào ad. Khi bước chân vào chùa, tôi thấy có một số tượng Thần nhìn rất dữ tợn, nhe răng, đưa tay cầm vũ khí như muốn đánh nhau. Tại sao trong chùa lại thờ những vị ấy? Không phải rằng tu là phải hiền lành sao?

ho phap trong chua

Tượng Hộ Pháp trong chùa

Khi đến với bất cứ ngôi chùa nào, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy bên phải luôn có tượng một vị rất hiền hòa, đó là hình tượng của Ngài Vi Đà. Ngược lại, bên trái là tượng một vị rất dữ dằn – Ngài Tiêu Diện đại sĩ (hoá thân của Bồ tát Quan Thế Âm).

Ý nghĩa về ngài Tiêu Diện đại sĩ và ngài Vi Đà hộ pháp trong các ngôi chùa

Vi Đà Bồ tát nguyên là thiên thần Thất Kiện Đà của đạo Bà La Môn, là con trai của thần Hộ pháp Phật giáo Đại Tự Tại Thiên, sau đó trở thành thần Hộ pháp của Phật giáo. Trong hàng ngũ những vị thiên thần Hộ pháp thì Vi Đà nổi danh bởi tài năng chạy nhanh như bay.

Tiêu Diện Đại Sĩ là vị Bồ Tát chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sanh. Hóa thân của ngài Bồ Tát Quan Thế Âm, mặt trước là hình tượng mang sắc tướng nữ, rất mực từ bi với dương chi ngọc liễu và bình cam lồ sẵn sàng độ sanh giải nạn.

Mặt sau của hóa thân là hình tướng nam, là một vị thần dáng điệu oai nghiêm, trang phục võ tướng nhiều màu sắc sặc sỡ, tay phải cầm lá cờ, tay trái chống nạnh, gương mặt quái dị hung dữ với 3 cái sừng nhọn trên đầu và trán, hai mắt lồi to trợn ngược dữ tợn, sáng hoắc, cái miệng rộng nhe răng lởm chởm, khạc ra lửa khói, đặc biệt nhất là chiếc lưỡi thè cong dài xuống tới ngực.

Chiếc lưỡi là biểu tượng uy quyền, đặc trưng nhất của ông Tiêu. Trong cái thế giới bóng tối dày đặc của ma quỷ, ông Tiêu xuất hiện với gương mặt hung dữ, dễ sợ để xua đuổi ma quỷ, ma quỷ tránh né ông bằng cách chạy về phía có ánh sáng, nơi đó ma quỷ sẽ được cứu vớt ra khỏi ác đạo.

a vi da tieu dien dai si

Ngài Tiêu Diện đại sĩ và ngài Vi Đà trong các ngôi chùa Việt Nam

Tại sao trong chùa lại thờ tượng có vẻ ngoài hung tợn?

Thật ra thì việc thờ những vị Thần, Thánh có hình dạng cổ quái kỳ dị, hung dữ cũng là việc rất bình thường không có gì là lạ. Bởi vì tu thì quan trọng nhất vẫn là Tâm. Còn hình tướng bên ngoài không phải là yếu tố quyết định việc người đó hiền hay dữ, điều này chỉ thể hiện một phần nào đó mà thôi.

Thêm vào đó, việc nhe răng, cầm vũ khí như chuẩn bị đánh nhau chính là để bảo vệ Đạo Pháp.

Bởi vì tu là phải hiền, mà hiền lành thì thường bị người khác ức hiếp. Ở đây chính là thế lực tà quái, chúng muốn cản trở, dụ dỗ, đe dọa người tu, làm sao cho người tu phải bỏ Đạo Pháp mà trở về với vô minh.

Vì vậy, việc thờ những vị Thần, Thánh có hình dạng bên ngoài rất dữ tợn và cầm vũ khí là để bảo vệ người tu, bảo vệ chùa chiền, nơi chốn tôn nghiêm tránh khỏi sức mạnh phá hoại của thế lực tà quái. Tượng của các vị này thường được đặt hai bên cổng vào chùa hay trước bảo điện… trước những nơi cần sự tôn nghiêm để giữ vững giá trị của Đạo Pháp.

Đôi khi những vị Thần có hình dáng dữ tợn này lại chính là những biến hóa Pháp Thân của các vị Phật, Bồ Tát. Vì bảo vệ Đạo Pháp, bảo vệ người tu chống chọi với vô minh, thế lực tà quái ác trược, thêm vào đó là nhắc nhở răn đe những cái bất thiện mà các Đấng ấy phải mượn hình ảnh dữ tợn để thực hiện việc bảo vệ Đạo Pháp. (VD như ngài Tiêu Diện Đại Sĩ mà chúng tôi vừa nhắc đến ở trên)

Bên cạnh khía cạnh khách quan từ thế giới bên ngoài thì cũng có khía cạnh chủ quan, đó là trong bản thân mỗi con người chúng ta cũng tồn tại tà quái, ác trược. Khi nhìn thấy những pho tượng này, ác trược ấy được đè nén xuống phần nào, để tâm chúng ta thanh tịnh khi bước vào những nơi tôn nghiêm mà học hỏi Đạo Pháp không bị nội tâm ác trược ấy cản trở.

Đối với những pho tượng này thì người sống có đạo đức sẽ đi vào thong thả, không có gì e ngại. Nhưng những người sống thiếu đạo đức sẽ cảm thấy bất an, lo sợ mà không dám quậy phá.

Tổng hợp