04/06/2021 11:46 View: 4125

Quan Hoàng Đôi là ai? Đền quan Hoàng Đôi ở đâu?

Theo truyền thuyết thì Quan Hoàng Đôi là con của Vua cha Ngọc Hoàng được sai xuống trần đầu thai vào làm con trai nhà họ Nguyễn ở đất Thanh Hoa. Ngài là một vị tướng toàn tài, hay kinh sử, nhuần binh thư. 

quan-hoang-doi-thanh-hoa

Quan Hoàng Đôi trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Quan Hoàng Đôi hay Ông Hoàng Đôi là vị thánh hoàng thứ hai trong hàng Tứ phủ Ông Hoàng trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ của người Việt.

Trong số thập vị quan hoàng thì Quan Hoàng Đôi đứng sau Quan Hoàng Cả và đứng trước Quan Hoàng Bơ Thoải. Sử sách lưu truyền về ngài là một vị tướng toàn tài, hay kinh sử, nhuần binh thư, trung thần phò vua hộ quốc. Thánh Ông Hoàng Đôi từng tham gia nhiều trận đánh trên thượng ngàn và sau này khi hiển thánh, được nhân dân nhiều vùng lập đền nghiêm cẩn thờ kính.

Quan Hoàng Đôi là ai? 

Theo truyền thuyết Quan Hoàng Đôi là con vua cha Bát Hải Động Đình, ngài được sai giáng xuống trần đầu thai vào làm con trai nhà họ Nguyễn ở đất Thanh Hoa. Lớn lên ngài là một vị tướng toàn tài, hay kinh sử, nhuần binh thư. Ngài là một vị trung thần thời Lê có nhiều công lao trong việc phù giúp nhà Lê dẹp Mạc. Khi đánh nhà Mạc tháo chạy lên Cao Bằng, ngài được phong quan trấn giữ vùng Triệu Tường làm việc an dân. Khi Ngài thác hóa được vua khắc tên lên bảng vàng ghi công và lập đền để hậu thế tưởng nhớ. Vì vậy có nơi xem ngài là một vị Quan Lớn gọi là Quan Lớn Triệu Tường và thỉnh ngài ngay sau giá Quan Điều Thất. Trong khi đó thánh tích tại đền Mẫu Sòng Sơn và đền phố Cát để lại, Quan Hoàng Đôi là vị thánh hoàng hầu Mẫu Liễu Hạnh, ngài được sắc phong Thượng Đẳng Thần làm việc thượng ngàn giám sát, là một trong Tứ Vị Khâm Sai đi chấm lính nhận đồng, nhận căn số cho con nhà Tứ Phủ về sau hầu thánh.

Nhà thờ tôn miếu của dòng họ

Tương truyền khi sinh thời Quan Hoàng Đôi là người Mán có công cùng Quan Hoàng Bảy trừ giặc cứu dân, được sắc phong Tướng Công. Trong văn Quan Hoàng Bảy có đoạn mô tả về Quan Hoàng Đôi có công đánh trận cùng Hoàng Bảy, chính vì vậy mà người ta còn gọi Quan Hoàng Đôi là Quan Hoàng Đôi Bảo Hà. Trong văn ông Bảy có câu rằng: “Doanh trung thường có hai hoàng vào ra Quan Hoàng Bảy Bảo Hà chính vi Cùng tướng công Đệ Nhị Hoàng Đôi Can qua dâu bể biển đời, anh hùng xưa đã ra người cung tiên”

Quan Hoàng Đôi về ngự đồng

Theo sắc phong Tứ Phủ, khi ngự về đồng Quan Hoàng Đôi ngự áo xanh lá cây chít khăn mỏ rìu, mặc áo trấn thủ, đi mạng chéo, đi ghệt tay và ghệt chân, tay cầm đôi hèo. Ngài làm lễ khai quang, đi hèo ngự tọa, hiến tửu, nghe thơ, ban phát lộc tài.

Trước kia, Ông Hoàng Bảy thường ít được hầu hơn là Quan Hoàng Đôi, tuy nhiên về sau thì người ta hầu Quan Hoàng Bảy là chủ yếu, ít khi hầu Quan Hoàng Đôi hơn. Nhiều quan điểm cho rằng thường chỉ hầu một trong hai ông vì hai ông đều cùng chinh chiến đánh giặc với nhau. Theo lối cổ chỉ những đồng cựu, thủ nhang, đồng đền, đạo trưởng mới được hầu giá Quan Hoàng Đôi.

Đền quan Hoàng Đôi ở đâu?

Hiện nay Quan hoàng Triệu Tường được thờ ở hai nơi là Đền Hoàng ở Hà Nội và Đền Quan hoàng Triệu Tường ở Thanh Hóa. Ngoài ra khi hầu bóng ở nhiều phủ, đền người ta cũng hay thỉnh Quan hoàng Triệu Tường về trong các giá hầu các Quan hoàng thuộc hệ thống Tứ phủ trong Đạo Mẫu Việt Nam.

Đền thờ quan Hoàng Đôi Thanh Hoá

Đền Quan Hoàng Triệu Tường, còn được gọi là đền Đức Ông, ở thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa là một ngôi đền cổ linh thiêng.

Trải qua những thăng trầm của thời cuộc, ngôi đền đã bị tàn phá vào những năm 1960. Toàn bộ kiến trúc và những giá trị lịch sử - văn hóa đi theo của ngôi đền đã bị phá hủy hoàn toàn.

Ngôi đền được phục dựng lại vào những năm 1990 nhưng những giá trị văn hóa trong ngôi đền cũ đã mãi mãi mất đi khó có thể tìm lại được, một trong những giá trị đó là những thần phả, thần tích và sắc phong nói lên lịch sử ngôi đền và tiểu sử, công tích của Quan hoàng Triệu Tường. Năm 2010, nhân ngày kị của Quan hoàng Triệu Tường, Ban quản lý đền đặt ra vấn đề tìm hiểu về sự tích của Ngài để có thể công bố cho bà con trong làng xã và khách thập phương cùng hiểu rõ.

Đền tại Gia Miêu, Hà Long huyện Hà Trung, Thanh Hoá

Sau một thời gian sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu, giải mã các lời văn, tiểu sử và công tích của Quan hoàng Triệu Tường đã dần hiện rõ và đã có thể công bố được. Tuy vậy nghiên cứu này chỉ mới ở mức độ ban đầu, chủ yếu tập trung vào việc tìm hiểu sự tích của Quan hoàng Triệu Tường, mà niên đại thì cũng đã quá lâu nên không thể nào tránh được thiếu sót. Rất mong nhận được sự góp ý và bổ xung thêm tư liệu để chúng ta cùng nhau hiểu rõ, hiểu kỹ hơn về sự tích và công đức của Ngài.

Đền tại Hậu Lộc, Thanh Hoá

Để xác định được Quan hoàng Triệu Tường là Thiên thần hay Nhân thần, Thân thế và Sự nghiệp của Ngài như thế nào, chúng tôi đã dựa vào các nguồn tư liệu sau:

Đền thờ Quan Hoàng Đôi tại Phủ Tây Hồ, thành phố Hà Nội

Đền tại Từ Liêm, Hà Nội

Phủ Tây Hồ nơi gắn liền với Thánh Mẫu Liễu Hạnh thì nơi đây cũng là một trong những địa điểm tâm linh thờ phụng Quan Hoàng Đôi. Nơi thờ ông nằm ở bên cung Sơn Trang, nhìn vào hai bên cầu sẽ thấy có hai vị Quan Hoàng đang cưỡi ngựa bạch. Một vị mặc áo đỏ, đai vàng, khăn xếp lét màu vàng là Quan Hoàng Tư. Vị còn lại mặc áo xanh chính là Quan Hoàng Đôi. Ngoài ra, chùa Quang Minh ngay phía sau đền Bảo Hà là nơi Ông Hoàng Đôi được thờ chính.

Bản văn hầu giá quan Hoàng Đôi

Đây là bản văn tiêu biểu mà các cung văn thường hát khi hầu giá Quan hoàng Triệu Tường (bản văn này do Giáo sư Ngô Đức Thịnh sưu tầm):

VĂN QUAN HOÀNG TRIỆU TƯỜNG (QUAN HOÀNG ĐÔI)

Chí càn khôn nổi miền Nam Việt

Xứ Thanh Hoa nhân kiệt địa linh

Có ông Hoàng Triệu giáng sinh

Vào nhà Nguyễn tộc nên danh tướng tài

Ngài là con vua thứ hai

Đời Lê Thái tổ quản cai triều đình

Có nhà họ Mạc bất bình

Vua sai quan Triệu để hành binh sang

Khi đi tế độ nghiêm trang

Khi về đóng đất Tống Sơn Triệu Tường

Hay đâu sự lạ phi thường

Hoàng về cho tới Triệu Tường xứ Thanh

Bái Đô còn dấu anh linh

Công người còn ghi để sử xanh muôn đời

Việt sử chép đời vua Lê Thái tổ

Đức Nguyễn Kim phò chúa an dân

Sinh ông Hoàng Triệu trung thần

Đã hay kinh sử lại nhuần binh thư

Giận họ Mạc quyết trừ căn thảo

Đấng trung thần giữ đạo Khương Duy

Ra tay huấn luyện binh kỳ

Làm cho họ Mạc khiếp uy nhường tài

Đã nên đấng khôi đai đệ nhất

Dải Hoành Sơn khởi vận hoàng đồ

Sắc vàng choi chói ngàn thu

Lầu son phủ tía đế đô muôn đời

Đất Đại việt chia Trung Nam Bắc

Khí anh linh đệ nhất thuộc kỳ trung

Đất Thanh Hoa giời để một dòng

Trời sinh đấng anh hùng cái thế

Triều Lê kỷ có nhà Nguyễn thị

Trời định sinh Đệ nhị vương quan

Vẻ tốt tươi lá ngọc cành vàng

Tài văn võ đôi đường kiêm vẹn cả

Giận ngụy Mạc quy mô dân xã

Lê quốc quân chỉ hạ cầu tài

Quan Triệu người vâng lệnh bài sai

Đề binh mã ra ngoài Bắc trấn

Vận thần toán bầy binh bố trận

Mạc thế cùng chiếu cuốn thu quân

Nẻo Cao Bằng Mạc chúa ẩn thân

Ra lệnh chỉ an dân định cảnh

Ca khải tấu triều đình phụng mệnh

Gió đưa lay phút lánh cõi thần tiên

Sổ bìa vàng choi chói đề tên

Sắc truy tặng ngũ môn chủ soái

Lập đền thờ Triệu quan thành ngoại

Biển vàng ban truyền đến hậu lai

Thỉnh Quan giá ngự đền đài

Khuông phù các chư đệ tử đời đời vinh hoa

Giải mã lời văn trong bản văn mà các cung văn thường hát khi hầu giá Quan hoàng Triệu Tường trong hệ thống Tứ phủ, chúng ta thấy:

1- Quan hoàng Triệu Tường là người Thanh Hóa:

Chí càn khôn nổi miền Nam Việt

Đất Thanh Hoa nhân kiệt địa linh

Có ông Hoàng Triệu giáng sinh…

2- Ngài là con trai thứ hai Ngài Nguyễn Kim:

“…Việt sử chép đời vua Lê Thái tổ

Đức Nguyễn Kim phò chúa an dân

Sinh ông Hoàng Triệu trung thần

Đã hay kinh sử lại nhuần binh thư…

…Triều Lê kỷ có nhà Nguyễn thị

Trời định sinh Đệ nhị vương quan

Vẻ tốt tươi lá ngọc cành vàng

Tài văn võ đôi đường kiêm vẹn cả…”

3- Ngài là Quan trấn thủ ở phương Nam, là trung thần phù Lê diệt Mạc:

“…Giận họ Mạc quyết trừ căn thảo

Đấng trung thần giữ đạo Khương Duy

Ra tay huấn luyện binh kỳ

Làm cho họ Mạc khiếp uy nhường tài…”

“…Lê quốc quân chỉ hạ cầu tài

Quan Triệu người vâng lệnh bài sai

Đề binh mã ra ngoài Bắc trấn

Vận thần toán bầy binh bố trận

Mạc thế cùng chiếu cuốn thu quân

Nẻo Cao Bằng Mạc chúa ẩn thân…”

4- Ngài là người có công đầu tiên trong việc khai phá, xây dựng và mở mang bờ cõi tạo nên sự nghiệp lớn (khởi vận hoàng đồ), khởi đầu từ dải Hoành Sơn:

“…Đã nên đấng khôi đai đệ nhất

Dải Hoành Sơn khởi vận hoàng đồ

Sắc vàng choi chói ngàn thu

Lầu son phủ tía đế đô muôn đời…

5- Ngài được vua Lê phong công và cho đem binh về đóng ở đất Triệu Tường thuộc Tống Sơn. Khi Ngài mất, Ngài được ban tặng và cho lập đền thờ ở đất Triệu Tường để lưu truyền cho hậu thế:

“…Khi đi tế độ nghiêm trang

Khi về đóng đất Tống Sơn Triệu Tường

Hay đâu sự lạ phi thường

Hoàng về cho tới Triệu Tường xứ Thanh…

…Ca khải tấu triều đình phụng mệnh

Gió đưa lay phút lánh cõi tiên

Sổ bìa vàng choi chói đề tên

Sắc truy tặng ngũ môn chủ soái

Lập đền thờ Triệu quan thành ngoại

Biển vàng ban truyền đến hậu lai…”

Với việc giải mã lời hát của bản văn hầu giá Quan hoàng Triệu Tường, đối chiếu với các tư liệu lịch sử có trong “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Đại Nam thực lục”, chúng ta nhận thấy Quan hoàng Triệu Tường trong hệ thống Tứ Phủ của tín ngưỡng Đạo Mẫu Việt Nam chính là Ngài Nguyễn Hoàng.

Có một vấn đề được đặt ra là Ngài Nguyễn Hoàng có kéo quân về đóng ở đất Triệu Tường, Tống Sơn như trong bản văn hầu giá Quan hoàng Triệu Tường nói đến hay không?

Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ tục biên, quyển XVIII – Kỷ nhà Lê, trang 1b và 2b có viết:

“…Bình An Vương (Trịnh Tùng) sai Thiêm đô ngự sử Gia Lộc tử Lê Nghĩa Trạch đem thư cho Thái úy Đoan quốc công Nguyễn Hoàng ở Quảng Nam…. Thư có đoạn “…Đến khi kinh thành đã lấy lại, thiên hạ đã yên Cậu mới ung dung theo về. Triều đình ưu đãi, cho coi một phủ Hà Trung và bẩy huyện miền trên trấn Sơn Nam, trao cho chức Hữu tướng…””

Theo như nội dung thư, trong thời gian Ngài Nguyễn Hoàng ra Bắc để giúp vua Lê đánh nhà Mạc ( 1593 - 1600 ), do có công lao nên được vua Lê phong công và giao cho cai quản một phủ Hà Trung và bẩy huyện miền trên của trấn Sơn Nam. Khi đã nhận cai quản vùng đất này thì đương nhiên Ngài phải đưa quân về trấn giữ, trong đó có cả quân bản bộ của Ngài, và có lẽ khu vực mà Ngài chọn để đóng quân lúc này không đâu hơn vùng đất Triệu Tường, Tống Sơn. Vùng đất có ruộng vườn tươi tốt, có núi đồi rộng lớn và hiểm trở, tiến thì dễ theo đường bộ và đường thủy đi khắp nơi, lui thì dựa vào núi rừng để phòng ngự chờ thời, hơn nữa vùng đất này là quê hương bản quán của Ngài, Ngài về trong sự chở che và giúp sức của những người đồng hương và họ hàng ruột thịt.

Do vậy, việc Ngài Nguyễn Hoàng đem quân về đóng ở đất Triệu Tường, Tống Sơn trong thời gian Ngài cai quản phủ Hà Trung và bẩy huyện miền trên trấn Sơn Nam là hoàn toàn có thể.

tam mo hoang doi tai hue

tam mo hoang doi tai hue

Tẩm mộ tại Huế

II- TỪ NGHIÊN CỨU CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC

1- Cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng là một nhà sử học uy tín. Trong tham luận của Giáo sư viết cho một hội thảo về vua Gia Long dự kiến tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1996, do liên quan đến quan điểm chính trị lúc bấy giờ nên hội thảo này cuối cùng đã không thể tổ chức được, Cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đã viết

“…Từ thế kỷ XVII – XVIII trên đường hình thành Đạo Mẫu Việt Nam …, Nguyễn Hoàng đã được thờ ở khắp xứ Đàng Ngoài dưới tên gọi “Quan lớn Triệu Tường”….”

(Giáo sư Trần Quốc Vượng – Mấy vấn đề về Vua Gia Long, phần 03.7, trang 8):

2- Giáo sư Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh

Giáo sư Tiến sí Ngô Đức Thịnh là nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, ông nguyên là Viện Trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam và hiện nay là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á.

Trong quá trình nghiên cứu về Đạo Mẫu Việt Nam, ông đã sưu tầm và hoàn chỉnh các bản văn mà các cung văn thường hát khi hầu giá các Mẫu, các Quan, các ông Hoàng và các Cô các Cậu, trong đó có bản văn hát về Quan hoàng Triệu Tường trong hệ thống Tứ phủ như đã nêu ở trên, đồng thời ông cũng xác định Quan Hoàng Triệu Tường là người có công mở rộng bờ cõi đất đai.

den tho quan hoang doi

Nguyên Miếu tại, Gia Miêu, Hà Long, huyện Hà Trung

III- TỪ CÁC THÔNG TIN TRÊN MẠNG VỀ TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN VIỆT NAM

Trên các trang tin điện tử về Tín ngưỡng dân gian Việt Nam đều cơ bản thống nhất khi nói về Quan Hoàng Đôi (Triệu Tường) như sau:

  • - Ngài là người xứ Thanh Hóa;
  • - Là con trai nhà họ Nguyễn, thân phụ Ngài là Ngài Nguyễn Kim, người cai quản triều đình dưới thời vua Lê;
  • - Ngài là trung thần triều Lê, có công phù Lê diệt Mạc;
  • - Ngài đem quân về đóng ở đất Triệu Tường;
  • - Ngài khởi nghiệp lớn từ dải Hoành Sơn;
  • - Khi mất, Ngài được Vua Lê ban sách vàng và cho lập đền thờ Ngài ở Triệu Tường xứ Thanh Hoa.

IV- ĐỀN QUAN HOÀNG ĐÔI Ở ĐÂU?

Hiện nay ở miền Bắc chỉ còn thấy 2 nơi có đền thờ Quan Hoàng Triệu Tường:

  • 1- Đền Hoàng ở xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Tương truyền đền được xây lên để thờ Ngài ngay trên đất Ngài đóng quân khi Ngài ở Đông Đô giúp vua Lê đánh nhà Mạc.
  • 2- Đền Quan Hoàng Triệu Tường ở đất Triệu Tường xưa (nay là làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa).
  • 3- Ngài thường hay được thỉnh về trong các giá hầu các quan Hoàng thuộc hệ thống Tứ phủ trong Đạo Mẫu Việt Nam.

quan hoang doi, trieu tuong

V- TIỂU SỬ VÀ CÔNG TÍCH NGÀI NGUYỄN HOÀNG

Ngài Nguyễn Hoàng là người Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa. Ngài sinh ngày Bính Dần, tháng Tám, năm Ất Dậu [1525], là con trai thứ hai của Ngài Nguyễn Kim (Cam) - người có công tôn lập Trang tông Dụ hoàng đế húy là Ninh lên ngôi vào năm 1533 mở đầu thời kỳ Lê trung hưng, được vua Lê tôn là Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công, chưởng nội ngoại sự, sau này được triều Nguyễn suy tôn là Triệu tổ Tĩnh Hoang đế.

Khi anh trai bị hãm hại, nghe tiếng Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm là người giỏi về thuật số, từng làm tới chức vị Thái Bảo trong triều Mạc, Ngài Nguyễn Hoàng liền bí mật sai người tới hỏi về kế sách giữ mình thì được Trạng khuyên:

“Hoành Sơn nhất đái

Vạn đại dung thân”

Nghĩa là một dải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời. Hiểu ý, Ngài nhờ chị gái là Ngọc Bảo nói với Trịnh Kiểm tâu lên vua Lê để xin vào trấn đất Thuận Hóa.

Mùa Đông, tháng Mười, năm Mậu Ngọ [1558], Ngài vâng mệnh vua Lê, Ngài đem theo những người bộ khúc đồng hương ở Tống Sơn và những người nghĩa dũng xứ Thanh Hoa lên đường vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Ngài vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, bấy giờ thường được gọi là chúa Tiên. Nghiệp đế dựng nên, thực là xây nền từ đấy.

Tháng 5 năm Nhâm Thìn [1592], Ngài đem binh quyền ra Đông Đô yết kiến vua Lê, được phong làm Trung quân đô đốc phủ tả đô đốc chưởng phủ sự Thái úy Đoan quốc công. Ngài đã có nhiều công lao giúp nhà Lê trong việc tiễu trừ nhà Mạc. Tháng 5 năm Canh Tý [1600], Ngài đem cả tướng sĩ thuyền ghe bản bộ đi đường biển trở về Thuận hóa. Từ đấy Ngài và các thế hệ con cháu kế tiếp liên tục mở rộng bờ cõi về phía Nam, xây dựng nên một đất nước thống nhất dưới quyền của Vương triều Nguyễn. Tháng 6, ngày Canh Dần, năm Quý Sửu [ngày 03 tháng 6 ÂL năm 1613], Ngài yếu mệt, cho triệu hoàng tử thứ 6 và các thân thần đến trước giường căn dặn rằng:

“Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Ngang [Hoành Sơn] và sông Gianh [Linh Giang] hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời …”.

Ngày ấy Ngài băng, hưởng thọ 89 tuổi. Ban đầu thì an táng ở núi Thạch Hãn (xã thuộc huyện Hải Lăng, Quảng Trị), sau cải táng ở núi La Khê (xã thuộc huyện Hương Trà, Thừa Thiên-Huế; năm Minh Mệnh thứ 2, phong núi ấy làm núi Khải Vận).

Trong suốt 55 năm cai trị Thuận-Quảng, nhẫn nhịn để chờ thời cơ, lập chí lớn, gây dựng cơ nghiệp lâu dài để lại cho con cháu mai sau, Ngài vừa là một vị tướng mưu lược, vừa là một vị Chúa khôn ngoan lại có lòng nhân đức, thu phục hào kiệt, vỗ về dân chúng và lo phát triển kinh tế, mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía nam, mở đầu cho việc hùng cứ phương nam của 9 chúa Nguyễn, tạo tiền đề cho việc thành lập Vương triều nhà Nguyễn bao gồm 13 vua;

Ngài là người có tầm nhìn của một nhà chiến lược xuyên thế kỷ: Ngài hướng ra Bắc mong khôi phục nhà Lê, hướng vào Nam để mở mang bờ cõi; hướng ra các đảo trên biển Đông xác lập chủ quyền quốc gia; mở mang giao thương quốc tế, lập nên các khu thương mại tự do để làm cho Đàng Trong giầu mạnh; tin dùng người hiền tài, vỗ về khoan thư sức dân cho nên Ngài được dân chúng Thuận Quảng cảm mến, thường gọi Ngài là Chúa Tiên.

Ngài được các vua triều Nguyễn sau này suy tôn là Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế, lăng gọi là Trường Cơ.

LỜI KẾT

Quan hoàng Triệu Tường – ngài Nguyễn Hoàng, vị Nhân thần có nhiều công lao trong sự nghiệp xây dựng và mở mang bờ cõi mở đầu cho việc hùng cứ phương nam của 9 chúa Nguyễn, tạo tiền đề cho việc thành lập Vương triều bao gồm 13 vua nhà Nguyễn.

Nhà Nguyễn – bao gồm cả các chúa Nguyễn và các vua Nguyễn – đã để lại một di sản lớn lao nhất cho dân tộc là một giang sơn đất nước trải rộng trên lãnh thổ thống nhất từ Bắc chí Nam, bao gồm cả đất liền và các hải đảo trên biển Đông.

Trên lãnh thổ đó là một di sản văn hóa đồ sộ bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ 11/12/1993 và đến ngày 07/11/2003 Nhã nhạc cung đình Huế lại được công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hội An cũng là một cảng thị tiêu biểu và khu di tích phố cổ Hội An cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 04/12/1999. Chưa có một thời kỳ lịch sử nào để lại cho dân tộc ba di sản văn hóa được thế giới công nhận và tôn vinh với những giá trị mang ý nghĩa toàn cầu như vậy.

Khi sinh thời Ngài là một vị tướng lĩnh, một vị quan lớn, một vị Chúa tài năng, đức độ, trí dũng song toàn có nhiều công lao to lớn và căn bản với đất nước. Khi mất Ngài là một vị Nhân thần anh linh luôn phù hộ cho nhân dân và xã tắc, đó là Quan Hoàng Triệu Tường – ngài Nguyễn Hoàng, đức Thái tổ Gia dụ Hoàng đế, vị Chúa và là vị Nhân thần mãi trường tồn trong đời sống tâm linh của nhân dân và luôn được khắc ghi những công lao to lớn của Ngài trong lòng dân tộc Việt Nam./.

Tác giả: Nguyễn Hữu Kúc