04/06/2021 11:51 View: 17045

Người mất ở bệnh viện linh hồn có về nhà được không?

Người mất ở bệnh viện khi mất đi thân mạng, thần thức họ thường vướng mắc ở Trung Giới bệnh viện ấy. Họ vẫn tồn tại nơi giường bệnh họ từng nằm, quanh quẩn nơi họ lúc tỉnh táo, vì vậy mới có những trường hợp người khuất mặt đòi giường, dựng giường làm mọi người sợ hãi.

nguoi mat o benh vien

Người mất ở bệnh viện: Thần thức dễ ở lại Trung Giới bệnh viện ấy

Những bệnh nhân mất ở bệnh viện, hầu hết đều trong trạng thái tinh thần không được tỉnh táo, thần thức mê man hoặc hỗn loạn, sợ hãi, đau đớn vật vã với cơn đau từ bệnh tật hay vết thương nơi thân tâm.

Do vậy, khi mất đi thân mạng, thần thức họ thường vướng mắc ở Trung Giới bệnh viện ấy. Họ vẫn tồn tại nơi giường bệnh họ từng nằm, quanh quẩn nơi họ lúc tỉnh táo thì ghé vui đùa thư giãn chớ chẳng phải trong nhà xác.

Cần nhiều thời gian để thần thức họ định tỉnh, nhận thức được bản tâm mình, ký ức của kiếp sinh vừa rồi mình mới trải qua. Sau khi thần thức tỉnh táo rồi, họ có thể nhìn thấy được cảnh giới quanh mình rõ ràng, có thể tìm được đường về nhà thăm gia đình.

Làm gì để thần thức người thân được định tỉnh, về nhà? 

Các trường hợp: 

  • Có việc hồi hướng tưởng nhớ sâu sắc đến người bệnh của thân nhân
  • Có thực hiện các việc gọi tên kêu về nhà tại nơi người bệnh ấy vong thân mạng
  • Có việc trì tụng kinh chú, thực hiện các nghi thức cầu siêu hồi hướng giúp tịnh hóa tâm tình, thần thức cho chân hồn người bệnh ấy

... Tất cả những việc này sẽ giúp chân hồn người ấy sớm được định tỉnh. Lúc bấy giờ, có thể nương theo sợi dây liên kết cảm ứng bởi thân nhân mình, biến hiện về lại nơi đang có đặt bàn thờ cúng lễ mình, hoặc là nơi mình rất thân quen, thường xuyên cư trú, gắn bó sâu đậm lúc còn sống.

Hồi hướng, tưởng nhớ, thường xuyên gọi tên người mất kêu về nhà, làm các việc thiện nghiệp để tăng trưởng cộng thiện nghiệp với người đã mất, tụng kinh trì chú giúp họ an định, thức tỉnh tâm thức mình là những việc cụ thể có thể giúp chân hồn người bệnh mất ở bệnh viện hoặc mất ở nơi nào đó ngoài chớ không phải tại nhà.

Người sắp lâm chung ở bệnh viện gia đình nên đưa về nhà 

Khi chúng ta có người thân đang nằm bệnh viện và bác sĩ đã nói tình trạng bệnh của họ chỉ sống trong khoảng thời gian rất ngắn. Chúng ta nên nói với người bệnh và thuyết phục họ về nhà để không bị vương vất nơi trung giới bệnh viện. 

Đặc biệt, khi người bệnh đang trong tình trạng nguy kịch, chúng ta nên lập tức đưa người bệnh xuất viện, về nhà. Bất luận tắt thở hay chưa, nếu lúc đó chưa có ban hộ niệm, người thân phải hết sức bình tĩnh, không được khóc lóc làm người bệnh buồn rầu, hoảng hốt, chúng ta gọi tên người thân của mình, lớn tiếng niệm Phật và cũng nói bên tai người bệnh (dù họ đã tắt thở hay chưa) rằng: Con/em/cháu di chuyển thân thể của bà/cha/mẹ/anh… phải niệm Phật. Bây giờ chúng ta lên xe, xuống xe, đã tới nhà,…”

Trong khoảng 49 ngày, việc trợ niệm vẫn phải diễn ra liên tục. Bởi người thân khi mất nếu có thể tự niệm Phật được thì quá tốt nhưng nếu như thần trí mê man, không còn biết gì, lại thêm mất tại Bệnh viện thì thần thức người bệnh càng thêm hoảng loạn. Việc trở niệm trong vòng 49 ngày đem lại một lợi lạc bất khả tư nghì. Nếu bản thân không có sức niệm thì không thể vãng sanh được, họ sẽ thọ sanh vào sáu đường, công đức niệm Phật này có thể giúp họ tránh đọa vào ba đường ác, họ sẽ vãng sanh vào đường lành, rồi trong cõi lành đó tăng trưởng phước huệ. Đây là dịp tốt, là lợi ích thiết thực, cho nên lúc niệm Phật chúng ta phải thành tâm thành ý.

Chú ý khi niệm Phật hồi hướng công đức cho người mới mất 

Tám tiếng đồng hồ đầu là thời gian quan trọng nhất, tất cả mọi người nên toàn tâm toàn ý dồn hết tâm lực để hộ niệm cho người lâm chung, cầu xin Đức Phật A Di Đà từ bi thị hiện phóng quang tiếp dẫn cho người lâm chung sớm được vãng sanh cực lạc.

  • Khi hộ niệm cho người thân, chúng ta nên tránh để cho chó, mèo, côn trùng, ruồi, muỗi… chạm vào người mất. (nếu có thể thì nên nhốt chó, mèo,…lại).
  • Tránh ho, sặc, ách xì bên cạnh người mất + tránh ngồi quá gần người bệnh (cách ít nhất 2 mét), không kéo ghế, không nói chuyện… Cố gắng hết sức để cho người lâm chung lúc này chỉ còn nghe danh hiệu A Di Đà Phật là tốt nhất.
  • Khi hộ niệm cho người thân, chúng ta nên nhất tâm niệm Phật, đừng sanh tâm đau buồn, khổ não, chỉ một lòng niệm Phật. Không nên niệm quá to hoặc quá nhỏ, khi người thân đã mất chỉ nên niệm 4 chữ A Di Đà Phật là đủ rồi, nhất nhất niệm trong vòng từ 8-12 tiếng, tốt hơn nữa là 24 tiếng.
  • Khi người thân mất, chúng ta chỉ nên nhất tâm niệm Phật,  một số người được giao nhiệm vụ lo hậu sự thì cứ làm việc của mình. Tuyệt đối không tranh cãi, phân chia tài sản hay thuê các đoàn cải lương, ca nhạc, kèn, trống về phục vụ tang ma.
  • Tất cả mọi người phải ngồi ngay hàng thẳng lối, thanh tịnh trang nghiêm, không được đi qua, đi lại phía trước những người đang ngồi hộ niệm, người hộ niệm không nên ngồi dưới đất, nên ngồi trên ghế và ngồi ở tư thế phải cao hơn người được hộ niệm.

Những điều nên làm trong 49 ngày đầu để tạo nên công đức cho người mới mất

Y theo Kinh Địa Tạng, người thân vì người chết trong vòng bảy thất (49 ngày), làm ‘phật sự’ một cách thành khẩn như là ăn chay, phóng sinh, cúng dường Tam Bảo, tạc tượng Phật, giữ giới, tụng kinh, niệm Phật vv… rồi lấy công đức này hồi hướng cho người mất. Trong vòng 49 ngày người sống rốt ráo làm phật sự như vậy, thì trong bảy phần công đức, người chết chỉ nhận được một phần mà thôi. Vì thế khi còn thân người, thì chúng ta nên tu tập là tốt nhất. Ai tu nấy hưởng. Tuy nhiên,  những người thân của người quá cố chí tâm tu hành như Pháp thì dù chỉ một phần công đức cho người chết nhưng họ sẽ được siêu thoát vào cõi lành (thiên, nhân) hoặc có thể về Cực Lạc Quốc của Đức Phật A DI ĐÀ.

Cái chết là điều mà bất cứ ai cũng phải một lần chứng kiến bởi ai cũng có gia đình, người thân, bạn bè nên việc chuẩn bị tinh thần và hiểu những việc cần làm cho người thân khi lâm chung và nhất là khi họ mất tại bệnh viện điều hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, mỗi người cần sống trong tỉnh thức, không đợi chờ đến lúc chết có người hộ niệm mà tự chúng ta phải chuẩn bị tư trang cho mình bằng việc thường xuyên làm các việc lành, tụng kinh, niệm Phật hàng ngày để tạo thành một thói quen. Và khi lâm chung, nhờ những công đức ấy mà chúng ta sẽ có thiện duyên gặp hàng thiện tri thức hộ niệm cũng như thần trí được minh mẫn, một lòng niệm Phật, cầu vãng sanh Tây Phương.

Gặp ma tại bệnh viện 

"Trong chuyến đi du lịch cùng đoàn mình có một chị lớn tuổi, chị là bác sĩ của một bệnh viện tư có tiếng tại Sài Gòn. Chị kể kỷ niệm đáng nhớ về thời sinh viên là câu chuyện ma mà đến bây giờ như chị nói là không thể hiểu được.

Hồi đó chị là sinh viên y khoa năm tư. Trong một ca trực đêm tại bệnh viện, khoảng 12h đêm sau khi phụ giúp các y tá ở phòng bệnh nặng, chị về phòng. Vừa bước ra chị thấy một bệnh nhân nam tay cầm bình truyền đi trên hành lang. Thấy ông ấy cầm bình truyền hơi bị thấp (dịch truyền sẽ không vào mà máu sẽ chảy ngược ra), chị bước tới hướng dẫn cho ông ấy. Đang rảnh, chị nói: “Để con cầm giúp chú về tới phòng luôn. Chú ở phòng nào”. Người đàn ông tay chỉ về phòng phía trước và nói: Cô tử tế quá. Số cô sau này giàu lắm. Chị bật cười vì thời chị là sinh viên, những năm 80 ai cũng đói vàng cả mắt, huống chi là đám sinh viên xa nhà. Cha mẹ cũng chạy gạo hằng ngày lấy đâu ra của cải mà giàu. Chị nói với ông: “Con chỉ mong ra trường có việc làm là mừng lắm rồi chú ơi. Giàu thì con chưa bao giờ nghĩ tới”.

Ông ấy lại nói: Nhìn cô tôi biết sau này cô giàu mà.

Nghĩ ông chuyện trò cho vui nên chị cũng không nói gì. Đến phòng bệnh, ông chỉ: Tôi ở phòng này. Thôi chào cô. Cảm ơn cô nhiều lắm. Chị bước theo vào phòng và nói: “Thôi để con đưa chú tới giường rồi treo bình truyền luôn cho chú. Mà sao không có ai chăm chú hết vậy. Chú quê ở đâu”. Người bệnh trả lời: “Tôi quê Bình Thuận. Cảnh nhà đơn chiếc lắm nên tôi vô đây có một mình”. Chị treo bình truyền xong thì nói chú ráng ngủ cho khoẻ, con chào chú nha.

Chị về ngủ một giấc ngon lành đến sáng và định về nhà thì bỗng dưng sực nhớ ra mới chạy đến phòng bệnh để hỏi thăm người đàn ông chị gặp tối qua.

Đến nơi chị ngạc nhiên vì thấy chiếc giường trống trơn không có vật dụng gì. Chị hỏi những người trong phòng rằng ông ấy đi đâu sáng sớm. Xuất viện thì chắc chắn là không vì lúc đó mới 6h sáng. Những người trong phòng ngơ ngác nhìn nhau rồi nói không biết.

Chị quay về phòng trực của khoa đó và hỏi cô y tá ở giường bệnh số ... phòng số ... chuyển đi đâu. Cô y tá tròn mắt nhìn chị ngạc nhiên:

- Em có lộn không? Giường đó ba ngày nay chưa có bệnh nhân nào mà.

Chị khẳng định là có vì chính đêm qua chị còn cầm giúp bình truyền đến tận giường cho bệnh nhân mà. Cô y tá thì cứ cho là chị nhớ nhầm số phòng.

Chị bắt đầu run và hỏi: Vậy cái giường đó trước đó ai nằm hả chị? Cô y tá đáp tỉnh queo: Có ông bệnh nhân ở Bình Thuận bị xuất huyết dạ dày đi rồi. Từ hôm đó đến giờ chưa có bệnh vào nằm đó. Chị hỏi cô y tá xin xem hồ sơ bệnh án của bệnh nhân. Cô y tá vừa tìm vừa kể: Nghe kể hoàn cảnh ông này cũng tội. Có hai chị em đều không lập gia đình. Em nhập viện mà nghèo và xa quá nên bà chị cũng không thăm được. Đến khi ổng chết thì không ai ký giấy nên bệnh viện phải lo hết.

Run run mở hồ sơ ra xem, chị thấy năm sinh của người bệnh cũng trạc độ tuổi của bệnh nhân chị gặp tối qua.

Đến bây giờ nghĩ lại chị vẫn thấy hoang mang cứ tự hỏi: nếu ông ấy đã chết, chỉ là vong hồn sao lại có thể đi đứng và chuyện trò với chị y như người còn sống.

Có một điều mà mình thấy rõ ràng nhất là lời nói của người đàn ông đó về chị: Sau này cô giàu lắm. Đúng vậy các bạn à. Chị là một trong những cổ đông lớn của một bệnh viện tư rất lớn, còn chồng của chị là chủ tịch HĐQT của một tổng công ty có tiếng." - Linh Nguyễn

Tổng hợp