Cách đây tầm hơn tháng, đi công chuyện, tiện đường tôi có ghé vào nhà một Liên hữu chơi, cũng là hỏi thăm tình hình sức khỏe, bà năm nay cũng già lắm rồi...
Gặp tôi, bà rất vui, vì cũng lâu lắm rồi không có dịp gặp nhau ở thất để cùng nhau đọc kinh, làm các công việc Phật sự...Nghe tôi vừa hỏi thăm, bà khoe ngay:
- Chú biết không? Vừa rồi tui bị chết đi sống lại, thiệt là... Phật chưa cho tui đi đây mà...
Hỏi chuyện, bà cho biết cũng chẳng đau ốm gì, chỉ là tuổi già, sức yếu mà thôi. Hôm đó đang chuẩn bị ăn cơm, vừa bưng chén cơm lên là cấm khẩu, không nói năng chi được hết, chén cơm rơi xuống nền nhà rồi cứ vậy chìm vào hôn mê...
Tôi hỏi bà cảm giác khi đó như thế nào? Có thấy ông bà cha mẹ, có niệm Phật được không?. Vì tôi biết bà là một Phật tử lâu năm, tu theo pháp môn Tịnh Độ, hồi trước khi thỉnh thoảng gặp nhau ở thất, tôi được nghe bà chia sẻ kinh nghiệm tu tập, từ việc đọc kinh, niệm Phật.... Tôi rất hoan hỷ, nghĩ rằng: Người tu tập tinh tấn như bà, khi lâm chung, kiểu gì cũng được vãng sanh, vì sự tu tập tinh tấn, niệm Phật nhớ Phật luôn luôn của bà....
Nhưng trái kỳ vọng của tôi về câu trả lời từ bà, bà cho biết:
- Khi đó có một luồng hơi lạnh, đi từ dưới bàn chân lạnh dần lên phía trên, bà biết rất rõ mình đang dần chết đi...
Tôi hỏi bà:
- Vậy bà có sợ hãi không? Có niệm được danh hiệu Phật A DI ĐÀ Không? Trong lời nguyện thứ 18 của Phật A DI ĐÀ, có nói đến việc: "Những chúng sanh trước lúc lâm chung, chỉ cần niệm danh hiệu Ngài từ một đến mười niệm, Ngài và Thánh chúng sẽ đến đón người đó về cõi Tây Phương Cực Lạc, nếu ngài không làm việc đó, quyết không thành Phật...
Tôi nghĩ với thời gian tu tập sâu dày như vậy, phải trên 40 năm niệm Phật như lời bà nói, thì lúc sắp sửa lâm chung, lời niệm Phật chắc chắn được phát ra... Nhưng bà cho biết rằng:
- Không thể niệm danh hiệu Phật được, cũng không phải do bản thân sợ hãi hay là gì, mà đơn giản là không hề nhớ đến sáu chữ Hồng danh mà bà đã từng quen thuộc!?
Tôi hỏi:
- Vậy rốt cuộc tại sao bà lại sống?
Bà nói khi đó bà hôn mê, không biết gì hết, con cháu đưa bà lên viện cấp cứu cả tiếng đồng hồ, trong trạng thái mơ màng, bà thấy cô em gái của bà hiện ra, nói:
- Chị về đi, vài bữa em đón...
Rồi bà tỉnh dậy.
..... Ngay đó, trong sự ồn ào xung quanh (nhà con của bà bán quán ăn) tôi nghe một giọng nói của người phụ nữ:
- Chị tui 82 tuổi là tui đưa đi...
Tôi quay lại hỏi bà:
- Năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
Bà trả lời:
- Tám hai tuổi rồi chú ơi!
Tôi cười nói với bà:
- Đợt vừa rồi coi như là bà chết giả, Phật chưa đón bà là để bà tập dượt lại, chết cho hoành tráng. Bà nhớ niệm Phật luôn luôn nha, niệm cho nhớ... Chắc là năm ni bà đi lại, con nhắc bà: Ai cũng một lần, bà có mấy mươi năm tu tập, có đi thì đi cho hoành tráng để đồng đạo nhìn vào đó mà noi gương nha. Đừng phụ công Phật lúc nào cũng sẵn sàng đón bà về Tây Phương Cực Lạc...
Bà nói:
- Hồi em gái tôi còn sống, hai chị em có gặp một ông sư, ông có nói em tui sẽ chết năm bảy sáu tuổi, còn tui mất năm tám hai. Em tui năm bảy sáu mất rồi, còn tui....
Chào bà ra về, tôi cứ suy nghĩ mãi: Không dễ gì mà về cảnh giới thù thắng của Phật được nếu trước lúc lâm chung không thốt nên lời niệm Phật. Liên hữu có mấy mươi năm niệm Phật, khi lâm chung, giây phút cận tử nghiệp không có điều gì bức bách, vậy mà vẫn không cất lên lời niệm Phật?......
Không thường xuyên niệm Phật
Thì nhớ Phật chỗ nào
Vô thường tới làm sao
Được về cảnh giới tốt?
Trong Ta Bà lửa đốt
Càng siêng gọi tên Cha
Phút cuối rời Ta Bà
Cha đón lên Cực Lạc
Nam Mô A DI ĐÀ PHẬT...
***********************************************************************
Lê Cẩm Tú: "Bà có 40 năm Niệm Phật mà phút lâm chung không nhớ nổi Danh Hiệu Phật. Vậy như người thường hay ít Niệm thì lúc đó chắc hoảng loạn, sợ hãi lắm phải không anh!"
Tác giả: Đúng vậy em. Giây phút cận tử nghiệp của người sắp chết thường rất đau đớn, khổ sở. Trong kinh Phật có nói đến trạng huống này, nó giống cảm giác của một con rùa lột vỏ. Khi sắp chết, bao nhiêu là oán thân trái chủ bâu lấy, xâu xé hành hạ người sắp chết, thần thức những người này hoảng hốt kinh hoàng, thì lấy đâu mà nhớ Phật, niệm Phật?
Chỉ những người có quá trình tu tập sâu dày, niệm Phật thành phiến, thì họ sẽ có năng lực biết được trước giờ chết của mình, khi sắp lâm chung, họ tỉnh táo niệm Phật, hoặc có phước lành được đồng đạo hộ niệm.. Thì người đó mới chắc chắn được về Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Lê Trần Thiện Đức: Nói chung sống sao thì sống, hạnh phúc nhất không phải tiền nứt vách đổ tường mà là một ngày nào đó tuổi già không bệnh tật, sau đó ngủ rồi mất luôn là hạnh phúc nhất. Ông cố tôi ăn ở rất hiền lành và thương người, ngày nào cũng vào đình làng ngồi ghế bố uống trà. Một bữa nọ ổng uống trà xong dựa vào ghế bố rồi ra đi luôn. Tôi thấy thật an lành làm sao, mất luôn tại ngôi đình...
******
- Oán thân trái chủ là gì vậy ạ??
Tác giả trả lời:
Oán thân trái chủ có thể hiểu đó là những kẻ thù của chúng ta, mà chính bản thân chúng ta đã gây tạo ra trong kiếp này và những kiếp trước. Ví dụ trong một kiếp nào đó, ta giết người, hoặc dồn ép ai đó phải chết oan uổng, hồn họ cứ theo ta đòi mạng. Hoặc trong kiếp này, ta giết con trâu, con bò... hồn của chúng cũng chờ khi ta sắp chết để đòi mạng.
Trong Kinh Lương Hoàng Sám, có nói đến câu chuyện của Ngộ Đạt Quốc Sư: Trong 9 kiếp trước, vì xàm tấu với vua mà một người đã bị chém oan, hồn người đó đã theo Ngộ Đạt Quốc Sư 9 kiếp để báo thù, nhưng vì trong 9 kiếp đó, ngài làm sư, giữ gìn phạm hạnh nên oán thân trái chủ kia không làm gì được. Trong kiếp hiện tại, ngài cũng làm tăng, được vua kính trọng, tôn làm Quốc sư, lại tặng cho một cái ghế bằng trầm hương. Trong một lúc đắc chí, ngài cảm thấy mình quá ư là viên mãn, sinh tâm kiêu ngạo, hộ pháp bỏ ngài đi nên oán thân trái chủ kia vào được trong người, hiện ra cái nhọt hình mặt người ở đầu gối, biết ăn, biết nói chuyện, đau đớn vô cùng..... Sau nhờ nước suối cam lồ của một vị bồ tát rửa mới sạch ân oán của hai bên...
Ngài đã viết ra bộ kinh Lương Hoàng Sám để sám hối tội nghiệp và cảnh sách thế nhân.....
Tri ân công đức tác giả Hiếu Giang