04/06/2021 11:34 View: 37006

Quan ngũ hổ là ai?

Như chúng ta đều biết trong Tín ngưỡng thờ Tứ phủ có các: Hàng Quan ( Ngũ vị tôn Quan), hàng Chầu, hàng quan Hoàng, hàng Thánh Cô, hàng Thánh Cậu, Thanh Xà và Bạch Xà cũng như quan Ngũ Hổ. Vậy quan Ngũ Hổ - là ai? Cụ thể gồm những ông nào? Quan ngũ hổ hay thờ ở đâu? Thần tích & văn khấn quan ngũ hổ?

quan ngu ho, ngu ho than tuong, van khan quan ngu ho

Quan ngũ hổ là ai? 

Quan ngũ hổ là một trong những vị quan binh của nhà Thánh. 

Quan ngũ hổ được thờ ở hạ ban, trong quan niệm dân gian hổ là vị chúa cai quản rừng núi, hình tượng hổ biểu tượng cho sức mạnh thiêng liêng, diệt trừ tà ma, trấn giữ các phương, là thần linh canh cửa ở các ngôi đền, đem lại sự cân bằng cho ngũ phương trời đất. Ngũ Hổ Thần Quan bao gồm năm vị với năm màu sắc khác nhau, danh xưng cấu trúc theo thứ tự: <Ngũ Phương – Can – Ngũ Hành – Ngũ Sắc>

Trong đó Bạch hổ được thờ nhiều nhất tại điện của các thầy pháp. Bên trong thờ ngũ dinh ngũ hổ bên ngoài trấn bạch hổ, ngoài cổng nữa trấn kim quy. Trong những đàn nặng âm, thường khi vào bài sai ngũ dinh ngũ hổ sẽ khao thỉnh bạch hổ trước. 

Các thầy hay khấn quan ngũ hổ tại điện như thế nào? 

Sắc sắc linh linh, các tướng Âm binh nghe nhời thày dặn. 

Xem binh thư như tập trận đóng đồn, chia ra ngũ tướng ngũ môn đông tây nam bắc giữa đồn trung ương, trấn năm phương năm quan ngũ hổ. 

Chu tước huyền vũ, đối mặt trước sau. Ngồi ở thiên thanh, bạch sà lục độc.

Sét nơi địa hậu, các tướng âm binh.

Bắt được đứa tà tinh phản ác băm thây ra mà xách đầu về.....

Quan ngũ hổ gồm những vị nào? 

Ngũ là 5, vậy Quan ngũ hổ gồm 05 vị là:

  • Đông phương giáp ất mộc đức thanh hồ thần quan
  • Nam phương bính đinh hỏa đức xích hổ thần vương
  • Trung ương mậu kỷ thổ đức hoàng hổ thần quan
  • Tây phương canh thân kim đức bạch hổ thần quan
  • Bắc phương nhâm quý thủy đức hắc hổ thần quan

Như vậy, các Ngài trấn giữ ngũ phương tuân theo quy luật ngũ hành: Hoàng Hổ (màu vàng - hành thổ) ở vị trí chính giữa ứng với trung ương chính điện, Thanh Hổ (màu xanh - hành mộc) ứng với phương Đông, Bạch Hổ (màu trắng - hành kim) ứng với phương Tây, Xích Hổ (màu đỏ - hành hỏa) ứng với phương Nam, Hắc Hổ (màu xám đen - hành thủy) ứng với phương Bắc.

Hình tượng Ngũ Hổ không chỉ tượng trưng cho ngũ hành với mối quan hệ tương sinh, tương khắc trong vũ trụ mà còn để thể hiện quyền uy của mỗi vị thần trong phép nhà thánh. Trong đó, Hoàng Hổ tướng quân giữ vai trò trưởng trung cung, có nhiều quyền phép, trấn giữ điều lệnh các phương. Ông là vị lãnh chúa cao nhất, thâu tóm mọi uy quyền, quyết định âm phù dương trợ cho dân gian.

Sự tích, thần tích Quan Ngũ Hổ

Sự tích thờ thần hổ còn lưu truyền nhiều ở vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh như sau: vào thời vua An Dương Vương, người Việt còn đóng khố, cởi trần, định cư ở vùng đồng bằng và trung du, làm nghề nông và săn bắn. 

quan ngu ho, ong ho

Ở làng nọ có một ông lão nhà nghèo, quanh năm vất vả mà vẫn không đủ ăn, không làm được nhà ở, ông phải lên rừng đốn nứa đem về làm bè và dựng thành lều trên sông Lam, ngày ngày tảo tần đơm đó và đưa đò kiếm sống. Vùng này có nhiều hổ dữ, chúng thường bắt người ăn thịt. Một hôm có đoàn người lên rừng làm rẫy, gặp năm con hổ đang ngồi rình trên hòn đá ven đường chờ người đi qua để bắt. Ông lão đang chống bè trên sông trông thấy, liền kêu lớn cho đoàn người quay lại. Nghe tiếng động, hổ liền đuổi theo bắt được một người và xé xác ăn thịt. Người xấu số đó lại chính là cha của ông lão chèo đò.

Lần khác, ông lão chèo bè đi đỗ đó trên sông. Một con hổ xám chờ ông lão đến gần rồi nhảy xuống bè bắt ông. Nào ngờ bè nứa bị choãi ra và một chân sau của hổ bị kẹp chặt lại. Hổ càng giãy thì chân càng lún sâu xuống và bị nứa xước, máu chảy đầm đìa. Hổ đau đớn gầm lên náo động cả khu rừng, muông thú đều hoảng sợ bỏ chạy tán loạn.

Trong khi đó, ông lão hết sức bình thản, một tay cầm con dao, một tay cầm bó đuốc đến bên con hổ và nói: "Nhà ngươi dòng dõi trên thượng giới, xuống hạ giới sinh sống sao nỡ bắt con người để ăn thịt? Ta đã già yếu, xin hiến thân cho ông và xin từ nay trở đi ông đừng giết hại con người nữa". Nói đoạn, ông cầm dao chặt dây nẹp bè cho bung nứa ra và lấy tro thấm dầu hỏa bôi vào vết thương cho cầm máu. Hổ cảm kích, hai chân sau quỳ xuống, hai chân trước đứng chầu cảm tạ hồi lâu rồi mới chạy vào rừng.

Nhưng rồi hổ xám vẫn thường lui tới ven đường, nơi có người qua lại để bắt ăn thịt. Một hôm hổ xám vồ trúng ông lão đang đỗ đó. Khi kéo xác lên bờ, nó mới nhận ra ân nhân của mình. Hổ hối hận, kêu gào ầm ĩ cả khu rừng. Sáng hôm sau dân làng đi làm, thấy xác ông lão bên đường và nhìn dấu vết biết là ông bị hổ vồ.

Dân làng thương xót, chôn cất tử tế và tôn ông làm thần thổ địa của làng. Đêm đêm, con hổ xám về chầu trước mộ ông, kêu la thảm thiết và cuối cùng gục chết, hóa thành hòn đá bên mộ. Từ đó, các loài muông thú không đến phá hoại và dân làng làm ăn trúng mùa liên tiếp. Đặc biệt, hổ xám được dân làng thờ cúng và tôn là ông hổ, thần hổ, ông ba mươi. (Những con hổ đá đặt ở đền chùa, miếu mộ... đều nằm trong thế quỳ, miệng há rộng là nhắc lại sự tích trên).

Trên bức bình phong tại cổng các đền chùa, người ta thường đắp một con hổ đang bước xuống những bậc đá gập ghềnh. Với tư thế đó, hổ biểu hiện cho sức mạnh của "thế giới Diêm Vương". Người ta còn thờ ngũ hổ để tượng trưng cho năm phương: hoàng hổ ở giữa gọi là trung phương, xích hổ là phương nam, lục hổ là phương đông, bạch hổ là phương tây và hắc hổ là phương bắc. Tất cả đều mang ý nghĩa cầu mưa và cầu cho mọi sự sinh sôi, phát triển.

Văn khấn quan Ngũ Hổ, quan mãnh hổ

Thần cung thỉnh

Ngũ-Phương Ngũ-Đế, Ngũ-Hổ oai linh
Tướng ở thiên-đình con Vua Đế-Thích
Ngày thời triều-trực ở chốn điện-tòa
Xông đột vào ra thần thông dõng mãnh

Ngày nay có lệnh Phật-Thánh chỉ-truyền
Sai xuống nhân gian Thạch Bàn chốn ấy
Tướng thời lừng lẫy có phép thần thông
Rão khắp tây đông cứu dân độ vật

Nay tôi phụng sự Phật-Thánh độ cho
Thỉnh tướng về thờ cho linh cho mạnh
Nghe lời tôi thỉnh khuya sớm đêm ngày
Có việc bằng nay trừ tà trị bệnh

Làm cho dõng mãnh hỏa tốc như lôi
Hỡi Quan Tướng ôi là tật tốc giáng
Rày tôi đội lệnh thiên-đình
Thỉnh triệu các tướng oai linh đáo đàn

Hoặc là ở thượng-ngàn vui thú
Hay là về đất tổ thanh ba
Nghe tôi luyện tập thời về
Phi phong hỏa tốc phải trì phép công

Trấn phương Đông sai quan Thanh Hổ
Tróc Mộc-tinh lưới bủa ghê thay
Quan Bạch sai trấn phương Tây
Xu trừ kim khí ghê thay lạ dường

Quan Xích trấn Nam phương Ly Ngọ
Tróc Hỏa-tinh lưới bủa ngục trung
Bắc phương Quan Hắc oai hùng
Xu trừ thủy khí hiện-hung gia-hình

Chưỡng trung-ương sai Quan Quỳnh Hổ
Lịnh bài sai phá thổ thạch-tinh
Ngũ phương Ngũ Hổ oai linh
Nghe Thánh hạ lịnh tùy hành tùy sai

Cứ lời tôi hiện hình biến tướng
Thính hịch văn giáng hạ đàn trung
Dù ai thiếp tánh phụ đồng
Giáng phù giáng trượng pháp công chẳng rời

Bắt ăn tươi nội tà ngoại tý
Tuân lịnh hành tróc quỷ trừ ma
Đằng vân giá võ ai qua
Phục thi cố khí đều tra gia hình

Nhãn song trinh hào quang lóng lánh
Mình tròn dài, dõng mãnh ai đương
Lưng eo thắc đới dịu dàng
Đôi vai thiên trụ tà càng sợ kinh

Lông mày xanh đôi tay lẫm-trúc
Tiếng hét hầm quỷ khốc tà kinh
Vốn xưa tướng ở rừng xanh
Nghe lời tôi thỉnh lịnh hành chớ lâu

Đã đắc-đạo cùng nhau khuya sớm
Bén lửa hương nào dám quản công
Nào khi tướng giáng đàn trung
Tôi cùng Quan-tướng mấy đông chẳng rời

Tướng cùng tôi đồng tâm hiệp lực
Việc sai hành chẳng được trì-diên
Nay tôi đắc đạo Thánh truyền
Nghe lời tụng chú thỉnh liền thần thông

Đáo tịnh trung oai-nghi xuất-hiện
Tuân lịnh hành biến hiện phân minh
Tróc tam danh thượng thiên thần nữ
Thấu tứ phương thủy-phủ động-đình

Sai câu ngoại đạo tam danh
Sơn tiêu Thổ-địa âm binh đẳng thần
Tróc tà sư kỳ binh phản ác
Tướng đáo đàn tài võ quá nhơn

Ăn tươi cho hết tà thần
Nào là chư Tướng khâm sai lịnh hành
Các Quan kéo đến điện đền
Năm mươi Hổ-Tướng anh linh đáo đàn

Trên đầu có chữ sắc phong
Hai tay có chữ tứ tung ngũ hoành
Tróc tà quỷ mỵ yêu tinh
Đem ra chém quách hồn kinh đùng đùng

Lại bắt các đãng gian hung
Gia hình trị tội thạch công làu làu
Ôn hoàng dịch lệ đâu đâu
Thành-Hoàng xã lệnh nhiệm mầu hư không

Thần kỳ các xứ Thổ-công
Oai linh củng phục anh hùng tiếng vang
Quỳ tâu phục vọng các quan
Phò trì đệ tử thiên ban cát tường.

Cát Xướng Thiên Thu Vạn Vạn Tuế. (3 lần).
Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc 
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc 
Chung thân chi kế mạc như thụ nhân

Nhất thu nhất hoạch giả, cốc dã 
Nhất thu thập hoạch giả, mộc dã 
Nhất thu bách hoạch giả, nhân dã

Quan ngũ hổ có ngự đồng không? 

Quan Ngũ Hổ được thờ ở hạ ban trong điện thờ Mẫu, hình ảnh về các ngài cũng rất hay xuất hiện trong các tranh thờ, đặc biệt là bộ tranh dân gian Hàng Trống. Ngũ Hổ và Ông Lốt là hàng cuối cùng trong Công Đồng Tứ Phủ, rất ít khi các ngài về ngự đồng vì bóng các ngài rất nặng, hiếm thanh đồng đủ khả năng hầu được. Khi về ngự, Quan Hổ vật lộn, gầm gừ, khuôn mặt hết sức dữ tợn, tay chân tạo dáng như thế hổ vồ, có khi nhai đĩa sành, mắt mở to, trào bọt mép để thị uy sức mạnh.

Tamlinh.org

Tổng hợp (có trích dẫn từ báo Tuoitre)
(Sao chép, chia sẻ vui lòng trích dẫn link từ website. Cám ơn các bạn)