04/06/2021 11:33 View: 13868

Tại sao kẻ ác lại không bị quả báo?

Tại sao kẻ ác lại không bị quả báo? Tại sao 2 người cùng làm việc xấu nhưng lại có người bị hậu quả ngay có người mãi vẫn không sao cả? Vậy nhân - quả có thật không? Nếu nhân quả có thật thì tại sao lại để người xấu, người ác không bị quả báo như thế?

nhan qua bao ung

Đây là những câu hỏi rất thường gặp về nhân quả luân hồi. Thực tế thì thời gian từ khi tạo nhân đến khi nhận quả báo của mỗi người là nhanh chậm khác nhau do nhiều yếu tố

VÌ SAO QUẢ BÁO KHI ĐẾN NHANH, KHI ĐẾN CHẬM ?

  • 1. Người trong quá khứ tạo nhiều phước, qua kiếp sau tạo tội, quả báo không đến ngay được, vì phải chờ người đó hưởng hết phước cũ. Như vậy, có những người tạo phước quá lớn, phước đó quy định anh ta 10 kiếp không bao giờ bị bệnh, bị đói khổ, tai nạn… Thế thì nếu trong 10 kiếp sau đó, anh ta có giết người, tạo đủ thứ tội lỗi nặng nề , cũng không thấy bị quả báo gì cả. Phải qua 10 kiếp, phước cũ hết rồi, cộng dồn tất cả tội lại, quả báo sẽ đổ ụp xuống vô cùng khủng khiếp. Đây là lí do phổ biến nhất khiến người tạo nghiệp mãi không bị quả báo. 
  • 2. Ngược lại, là với người trong quá khứ ít tạo phước, vì không có phước bảo vệ, chỉ cần hơi tạo nghiệp là sẽ nhanh chóng thấy xui xẻo, báo ứng kéo đến hành cho đau khổ. Đây vừa là bất lợi, vì người đó sẽ thấy cuộc đời thật lắm đau khổ. Xong lại vừa chính là một điều may mắn, vì nó khiến anh ta nhanh chóng tỉnh ngộ, sớm biết dừng tay tạo nghiệp.
  • 3. Một số người được sự gia hộ của chư Phật – Bồ Tát , hoặc thần linh, hoặc các vong linh trong vô hình…, nên khi tạo nghiệp gì đó, sẽ được nhắc nhở bằng những tai họa nhỏ, kiểu như “một lời cảnh cáo”, để người đó tỉnh ngộ, biết dừng tay lại. Có người tính xách mã tấu đi chém người, ra cửa là đã bị té xe. Có người vào chùa ngênh ngang, bất kính trước tượng Phật, đêm về liền thấy ác mộng có quỷ thần đuổi đánh, qua ngày sau bị bệnh, nên từ đó chừa bỏ không dám nữa.v.v… Đây chưa phải quả báo chính thức, mà chỉ là sự nhắc nhở của thế giới vô hình, để giúp người đó nhanh chóng quay đầu sửa đổi.
  • 4. Trường hợp đặc biệt, nếu một người nào đó có trí tuệ nhìn xa, sợ nhiều kiếp sau mình sa ngã, gây tội tạo nghiệp, sẽ phải nhận quả báo đau khổ lâu dài.

Người đó lập một lời nguyện, nhằm chặn chính mình sau này không thể làm việc xấu ác, đại khái như sau :

” Con nguyện vô lượng kiếp sau, hễ trong ý nghĩ con khởi lên điều bất thiện, miệng định nói lời bất thiện, thân định tạo điều bát thiện, trái với giới hạnh Phật dạy, liền đó thân con sẽ đau nhức, thống khổ, cho đến khi con buông xả được những thân – khẩu – ý bất thiện đó, không khởi nữa, không làm nữa thì thân con mới an ổn trở lại “

Phát lời nguyện đó nhiều lần rồi, thì các kiếp sau, cứ đúng như lời đã nguyện, hễ cứ làm việc xấu ác, bất thiện, thân sẽ đau đớn, buộc phải dừng tay tạo nghiệp. Đây không phải là quả báo tới ngay, mà là do NGUYỆN LỰC từ kiếp trước của chính mình, khóa mình lại, không cho sa ngã vào những điều bất thiện.

Có những người, ngay từ nhỏ mới sinh, hễ cha mẹ cứ cho ăn thức ăn mặn, có máu thịt của chúng sinh, là nôn thốc nôn tháo ra bằng sạch, quằn quại, gào khóc… buộc cha mẹ, người nhà phải cho ăn chay.  Đây không phải quả báo, mà hẳn là do lời nguyện của chính đứa bé trong kiếp trước. Và như thế, không cần cố gắng gì, mặc định đứa bé đó sẽ ăn chay trường, có thể cả đời không phạm giới sát sinh.

Trong kinh Phật có ghi lại một số trường hợp, một người do kiếp trước nguyện không bao giờ gần gũi nữ sắc để phạm dâm dục. Qua những kiếp sau, khi sinh ra, hễ mẹ hay vú nuôi cho bú là gào khóc, không chịu, chỉ có thể uống gián tiếp sữa được đựng trong ly, trong cốc.

Trong khi bao nhiêu người tu hành, muốn giữ giới không sát sinh, không tà dâm… vật lộn mãi mà vẫn bị phạm, còn những đứa bé đó bẩm sinh đã giữ được giới, cho ta thấy lời nguyện quả là lợi hại !

___________________

Ví dụ về người tạo nghiệp mãi không bị quả báo

LY KÌ: NGƯỜI TỰ SÁT XUỐNG ÂM PHỦ – XEM NHÂN QUẢ CÓ THẬT KHÔNG.

Vào năm Thuận Trị thời nhà Thanh, tại huyện Thuận Nghĩa, Bắc Kinh có một đại gia đình họ Cung, nhà có ruộng đất cả trăm mẫu, lừa ngựa cả đàn. Lúc trung niên, họ sanh được một cậu con trai, đặt tên cúng cơm là Khánh Hữu. Trong lúc này, ông Lý làm quản gia quản lý việc tá điền cho nhà họ Cung cũng sanh được một thằng con trai, đặt tên là Lý Phúc.

Đợi Cung Khánh được 7 tuổi, ông Cung mời một gia sư đến dạy học cho con trai. Lý quản gia thấy con trai của ông chủ Cung được học sách, nên cầu xin ông Cung cho con mình học cùng với Cung Khánh, được ông Cung đồng ý. Tháng ngày qua mau, lúc Lý Phúc đến 14 tuổi thì cùng Cung Khánh tá túc tại học viện, tức ngày thì học chung, đêm thì ngủ chung.

Có một đêm, Lý Phúc đang ngủ, mơ thấy trên trời mở một cổng lớn, từ trên trời hạ xuống hai ông thần, hạ đúng trong học viện, có một ông thần chỉ ngón tay đến Cung Khánh Hữu, còn ông thần kia nói:
– Anh ta ra sao?
Ông thần kia nói:
– Anh ta là người toàn phước, năm 17 tuổi đậu tú tài, 19 tuổi đậu cử nhân, tương lai sẽ thăng quan đến cấp nhị phẩm, suốt đời hưởng vinh hoa phú quý.
Ông thần nọ lại chỉ vào Lý Phúc, hỏi ông thần kia:
– Còn anh kia?
Ông thần kia nói:
– Người này thuộc mạng khổ vô công danh, vô phận nghèo suốt đời.

Nói xong, hai ông thần bay về trời. Sau khi hai ông thần đi vào cửa trời, cửa trời đóng lại như trước. Lý Phúc tỉnh dậy, cảm thấy kỳ lạ liền kể hết chuyện trong mơ cho cha mẹ và những người khác nghe.

Đợi đến khi Khánh Hữu năm 17 tuổi, quả nhiên thi đậu tú tài, lúc này Lý Phúc không còn học nữa. Nhà có ruộng đất, Lý Phúc tuy canh tác nhưng luôn để ý đến hành vi của Khánh Hữu, anh ta thấy Khánh Hữu có tính độc đoán, luôn làm chuyện ác, tàn nhẫn bạo hành, không làm việc tốt.

Sau khi Khánh Hữu thi đậu tú tài và tiếp tục thăng tiến, đúng là thăng chức đến làm đại quan nhị phẩm. Nhưng Khánh Hữu làm quan thì tham nhũng, tàn độc với bá tánh, đánh người trung lương. Hành vi của Khánh Hữu, trong lòng của Lý Phúc xem đó là tội ác, cảm thấy Khánh Hữu sau này phải chịu quả báo. Ai ngờ, Khánh Hữu sống thọ đến năm 71 tuổi vẫn phú quý, khỏe mạnh, con cháu đầy nhà.

Không chỉ có vậy, Khánh Hữu còn có thể biết được mình lúc nào chết, lúc ông chưa chết, ông nói với con trai làm sao lo hậu sự cho ông. Nhưng hành vi của Lý Phúc lại khác biệt hoàn toàn so với Khánh Hựu, Lý Phúc sống rất cần kiệm, đối xử với người dân rất chu toàn, hướng thiện mà đi, không làm chuyện độc ác.

Đối với loại người ác độc như Khánh Hữu lại được hưởng phước trọn đời, còn biết trước ngày mình mất. Trong lòng ông ta cảm thấy bất bình, cảm thấy dưới âm phủ cũng có chuyện mua chuộc hối lộ, quyết tâm cùng Khánh Hữu đến Diêm Phủ hỏi cho ra lẽ. Nên ông nói với con trai của ông là sẽ chết vào ngày tháng đó, chuẩn bị lo cho hậu sự của ông. Ông Lý Phúc muốn đi cùng Khánh Hữu đến âm phủ xem như thế nào, nhất thiết phải xem rõ ràng cho bằng được. Lý Phúc nói với con trai là mình chết vào lúc nào, không phải vì ông ta tự biết ngày giờ chết mà là ông ta mua sẵn một gói thuốc độc.

Nếu như Khánh Hữu thật sự chết vào ngày ông ta nói thì ông sẽ uống thuốc độc để chết theo Khánh Hữu để đi xuống âm phủ gặp Diêm Vương. Không ngờ, Khánh Hữu đến ngày đó thật sự chết đi, ông Lý Phúc cũng uống thuốc độc chết theo. Xuống đến Âm Phủ, Diêm Vương xử lý xong công việc của Khánh Hữu mới ra gặp Lý Phúc, nói:
– Sao ngươi cũng đến vậy?

Lý Phúc trả lời:
– Tôi vì Khánh Hữu mà đi xuống đây. Trên trần gian, người người sợ quyền thế, trọng giàu sang, tại sao Diêm Vương dưới âm phủ cũng phải sợ như thế sao? Tôi nghĩ ông Khánh Hữu sống trên trần gian, tàn nhẫn độc ác, làm việc ác vạn lần, ông ta lúc trên trần gian không phải chịu ác báo, đến âm phủ, chắc phải chịu hình phạt, không ngờ trần gian với âm phủ cũng như nhau. Diêm Vương nói:
– Ông ráng chờ một lát thì sẽ hiểu.

Diêm Vương ra lệnh cho phán quan mở ra cuốn sổ sanh tử thiện ác để xem, trên tên của Cung Khánh Hữu có một hàng chữ. Diêm Vương nói:
– Vì kiếp trước Khánh Hữu làm rất nhiều việc thiện to lớn, kiếp này tuy làm ác, đã tiêu hao không ít công thiện của kiếp trước. Nhưng vẫn còn dư rất nhiều việc thiện to lớn, chuyển đến kiếp sau vẫn được hưởng phước, nhưng không có lớn như kiếp trước nữa. Với những chuyện ác mà ông ta đã làm, vẫn chưa đến thời kỳ thuần thục. Lý Phúc nhà ngươi vì kiếp trước không có làm việc thiện nên kiếp này phải chịu khổ. Nhưng vì do ông giác ngộ, một lòng làm việc tốt, cho nên ông sống trên đời tuy không hưởng phước nhưng ăn mặc không thiếu thốn gì, khi ông chuyển kiếp sau, ông sẽ hưởng phước thật là lớn.

Lý Phúc cầu xin Diêm Vương lúc chuyển kiếp đừng cho ông ta uống nước canh Mạnh Bà, để kiếp sau có thể xem được kết quả hành vi của Khánh Hữu. Diêm Vương đồng ý lời cầu xin của Lý Phúc.

Lý Phúc lại đi theo Khánh Hữu đi chuyển kiếp luân hồi. Vì ông ta chưa uống nước canh Mạnh Bà biết hết sự việc, biết được Khánh Hữu lại đầu thai đến một gia đình phú quý. Ông thì đầu thai đến một gia đình trung bình, vẫn tu hành giữ thiện. Khánh Hữu sau này trưởng thành, làm quan huyện trưởng, vẫn tàn ác với bá tánh, hoàn toàn không có một chút hối hận, dựa vào quyền thế tham nhũng, hãm hại dân lành.

Vì ép buộc khẩu cung, đã móc đi hai con mắt của người ta; vì một vụ án, chém mất đôi chân của người khác, Khánh Hữu sống thọ đến hơn bảy mươi mấy tuổi, bị bệnh và qua đời. Lý Phúc do có trí tu hành từ bi, đã tu đến xuất hồn có thể đi xuống âm phủ. Lý Phúc ngồi thiền, lúc này, ông ta nhìn thấy Khánh Hữu sau khi chết, linh hồn đi theo Khánh Hữu xuống gặp Diêm Vương. Lúc này khác với lúc trước, Diêm Vương tiếp đến Lý Phúc trước rồi mới xử Khánh Hữu sau. Khi thấy dưới tên của Khánh Hữu trong sổ, phước thiện đã hoàn toàn tiêu hao hết.

Lúc làm quan, móc mắt người ta, chém đôi chân người khác, hai sự việc này, chỉ có thể lấy thân mà trả nợ, phán quyết Khánh Hữu kiếp sau đầu thai đến một gia đình nghèo khổ, đôi mắt mù lòa, tàn tật hai chân, mỗi ngày ra mặt đường ăn xin, khổ hết biết.

Khi Lý Phúc nhìn thấy Khánh Hữu có quả báo của ba kiếp, trong lòng sợ mất đi bản tính mà phải tọa lạc sự luân hồi, nên kiên trì tu hành, phát tâm dũng mãnh độ mình độ người, quyết tâm tinh tấn cho đến khi viên mãn công đức, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi sinh tử khổ đau này.

Như vậy, người xưa thường có câu: “Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm”. Việc ác là những việc làm gây nên những hậu quả tiêu cực cho mọi người xung quanh. Làm việc ác có thể có lợi lớn cho mình nhưng lại ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh. Người làm những việc ác nhỏ thấy cái lợi trước mắt của bản thân mà quên rằng khi tích tụ lại cái ác ấy ngày càng lớn, nghiệp báo mình phải trả sẽ tương ứng. Nói vậy để thấy rằng: Làm việc ác nhất thời không báo ứng, đừng tưởng rằng luật nhân quả đã bỏ qua. 

Quả đã đến thì khó lòng trốn chạy.

Tamlinh.org