04/06/2021 11:44 View: 59772

Có nên cúng giỗ trước ngày mất không?

Thờ cúng gia tiên là một nghi lễ rất quan trọng trong văn hoá tâm linh người Việt. Tuỳ từng địa phương và gia đình sẽ có cách cúng giỗ rất khác nhau, có nhà cúng giỗ đúng vào ngày người thân đã mất, có nhà lại cúng giỗ trước một ngày. Vậy có nên cúng giỗ trước ngày mất không? 

com cung gio

Mắm tôm, nem chua...là những thực phẩm có mùi quá nồng, hạn chế để lên mâm cúng

Trước khi trả lời câu hỏi này, Tamlinh.org sẽ gửi đến các bạn một chút thông tin về 2 lễ quan trọng trong một kỳ giỗ. 

Trong một kỳ giỗ, người ta thường tiến hành 2 lễ quan trọng là lễ Tiên thường và lễ Chính kỵ.

Lễ Tiên thường là gì? 

Lễ Tiên thường còn được gọi là ngày cúng Cáo giỗ, cúng trước ngày người quá cố qua đời.

  • Trong ngày này, con cháu cáo giỗ để mời người đã khuất hôm sau về hưởng giỗ, xin phép Thổ công cho vong hồn người quá cố và Gia tiên nội ngoại về hưởng giỗ cùng cháu con.
  • Ngày này con cháu, người thân cũng thường sắp lễ ra mộ, vừa là thăm viếng, sửa sang phần mộ, vừa trực tiếp mời vong linh người thân, đồng thời cáo thỉnh thần linh, thổ địa cai quản nghĩa trang cho phép vong linh thân nhân được về hưởng giỗ.

Tiên thường có nghĩa là nếm trước. Ý nghĩa ban đầu của lễ Tiên thường là con cháu sắm sanh một ít lễ vật, dâng lên mời gia tiên nếm trước. Lễ Tiên thường thường được cúng vào buổi chiều ngày hôm trước. Ngày này, từ sáng sớm bàn thờ được dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ để bày mâm biện lễ, chuẩn bị cho việc cúng bái buổi chiều.

Trong lễ Tiên thường, khi khấn, chủ lễ phải kính cáo Linh Thần Thổ Địa trước, rồi mới khấn mời Gia tiên sau. Bắt đầu từ lúc đó bàn thờ luôn phải duy trì đèn nhang, hương khói cho đến hết lễ Chính kỵ vào ngày hôm sau.

Chú ý trong lễ tiên thường

  • Có một điều chú ý là, lễ  Tiên thường chỉ được áp dụng đối với Giỗ Trọng, tức giỗ những người hàng trên hoặc ngang hàng trưởng gia như kỵ, cụ, ông, bà, cha, mẹ, chồng, vợ, anh, chị, em...
  • Còn đối với Giỗ Mọn, tức giỗ những người hàng dưới trưởng gia như con, cháu, chắt, chít... thì không cần cúng Tiên thường mà chỉ cúng ngày Chính giỗ.

Đây cũng chính là lý do có câu truyền nhau: "trẻ dôi ra, già rút lại", vậy nên chết trẻ thì cúng giỗ đúng ngày chết, còn người già thì cúng trước một ngày. 

Trước đây Lễ Tiên thường được tổ chức rất long trọng. Những gia đình có điều kiện còn làm cỗ mời bà con thân thích, thông gia, xóm giềng đến ăn giỗ vào ngày này. Ngày nay, trong nhịp sống hiện đại, lễ Tiên thường được tổ chức đơn giản đi nhiều.

Trên bàn thờ chủ yếu bày hương hoa, trầu cau, trái cây, rượu nước và một số vật phẩm chay tịnh như phẩm oản, xôi chè để kính cáo Gia thần và khấn mời vong linh Gia tiên, mang đúng ý nghĩa là cúng Cáo giỗ. Bây giờ không nhiều người làm cỗ cúng và mời khách trong Lễ Tiên thường mà tập trung vào ngày Chính kỵ.

Ngày chính kỵ là gì?

Ngày Chính kỵ  còn được gọi là Chính giỗ, là ngày mất của người quá cố. Tùy theo điều kiện từng gia đình, lễ Chính kỵ có thể được tổ chức quy mô to nhỏ khác nhau.

  • Nhà giàu thì tổ chức làm giỗ linh đình, mời người thân trong dòng họ, bạn bè gần xa, anh em bằng hữu về dự giỗ.
  • Nhà nghèo thì chỉ cần lưng cơm, đĩa muối, quả trứng, tuần nhang và vài món ăn giản dị cúng người đã mất.

Lòng kính trọng, tiếc thương đối với người đã khuất phụ thuộc vào việc con cháu phải nhớ ngày mất để làm giỗ, không phụ thuộc vào việc giỗ lớn hay nhỏ. Thân bằng, cố hữu của người quá cố nếu có tình nghĩa, thấy lưu luyến thì nhớ ngày giỗ chủ động đến thắp nén hương, không cần phải đợi có lời mời.

Ngày chính kỵ: Phải có bát cơm con trứng và đĩa muối

Một điều quan trọng trong Lễ Chính kỵ là trên bàn thờ phải có bát cơm úp và một quả trứng luộc kèm gia vị. Ý nghĩa của việc này được chi phối bởi thuyết Âm Dương, thể hiện sợi dây tình cảm giữa người đang sống và người quá cố. Theo luận thuyết, sự vật có Âm Dương hài hòa thì mới phát triển sinh sôi.

Ở bát cơm úp, phần chìm dưới bát thuộc Âm, phần nổi trên thuộc Dương. Quả trứng luộc cũng vậy, lòng đỏ bên trong thuộc Âm, lòng trắng bên ngoài thuộc Dương. Trong quả trứng còn mang mầm sống, thể hiện ý nguyện của con cháu là các bậc tiền bối qua đi sẽ luôn nảy sinh ra thế hệ mới kế tục.

Sau khi cỗ cúng và đồ lễ bày biện xong xuôi, gia chủ khăn áo chỉnh tề, bước vào thắp hương, khấn bái. Khác với lễ Tiên thường, trong lễ Chính kỵ gia chủ cần phải khấn mời vong linh người được hưởng giỗ trước, tiếp theo mời Gia tiên nội ngoại, từ bậc cao nhất đến thấp nhất, sau đó mới cáo thỉnh Gia thần cùng về hâm hưởng.

Khách đến dự giỗ thì đặt đồ lễ lên bàn thờ, thắp nén hương vái 3 vái rồi đọc lời khấn. Khấn xong vái thêm 4 vái nữa.

Đợi hết ba tuần hương, gia chủ đứng trước bàn thờ để lễ tạ bằng ba vái ngắn rồi lấy đồ vàng mã đem đi hóa. Sau đó hạ lễ, mời khách khứa và mọi người thụ lễ (ăn giỗ). Sau khi ăn giỗ xong, gia chủ hạ lễ vật trên bàn thờ xuống, chia thành từng túi cho từng gia đình - thân khách gọi là lộc của Tổ tiên.

Có nên cúng giỗ trước ngày mất không?

Theo đúng phong tục cổ truyền thì lễ Tiên thường phải cúng vào buổi chiều ngày hôm trước, lễ Chính kỵ phải cúng vào buổi sáng ngày chết (kể cả việc người đó chết vào buổi chiều hay tối).

Tuy nhiên, ngày nay  nhiều gia đình không câu nệ, có khi chuyển cúng Chính giỗ vào buổi chiều, thậm chí cúng trước một, hai ngày nếu đó là ngày nghỉ để tạo điều kiện thuận lợi cho con cháu được dự giỗ đông đủ. Vào sáng ngày Chính giỗ chỉ thắp hương tưởng nhớ người đã khuất và yết cáo Tổ tiên, Thần Phật. 

Cúng ngày sống hay cúng ngày chết, hay nói cách khác lễ tiên thường hay lễ chính kỵ, lễ nào là lễ quan trọng hơn, chẳng qua đó là cách biện hộ cho phong tục từng nơi. Nếu đúng theo nghi lễ thờ cúng, bạn có thể

  • - Cúng giỗ cả hai ngày
  • - Người hàng trên hoặc ngang hàng thì cúng trước 1 ngày, người hàng dưới như con cháu thì cúng đúng ngày mất
  • - Hoặc cúng giỗ vào 1 trong 2 ngày tuỳ theo điều kiện và hoàn cảnh mà sắp xếp

Không có đúng hay sai ở việc cúng giỗ chọn ngày, chỉ có tâm thành ta dâng lên và tưởng nhớ đến người đã khuất là điều mà đám giỗ nào cũng cần phải có. 

Tamlinh.org (tổng hợp)