04/06/2021 11:44 View: 10955

Trót quên ngày giỗ phải làm sao?

Vì công việc quá bận mải mà đôi khi con cháu quên mất ngày giỗ ông bà cụ kỵ...Vậy việc quên mất ngày giỗ có tội lớn lắm không? Trót quên ngày giỗ thì phải làm sao? Chuyển ngày giỗ vào thứ 7 hoặc chủ nhật để đông đủ con cháu có được không?

mam com cung gio, quen ngay gio

Ảnh minh hoạ (Internet)

Quên ngày giỗ có tội gì không?

Từ rất xa xưa, cúng giỗ là một nét văn hóa trong phong tục thờ cúng tổ tiên của người Á đông. Tục cúng giỗ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, con cháu đừng quên và không thể không làm. Ngày cúng giỗ được xem là ngày thể hiện tấm lòng thương xót, tưởng nhớ của người còn sống gửi đến người đã khuất.

Cho nên, đây cũng là dịp để con cháu tụ tập, sum vầy bên nhau, giúp gắn kết tình cảm gia đình, anh em, dòng họ, đồng nghiệp. Vì thế, dù có điều kiện hay không, làm giỗ lớn hay nhỏ cũng được, nhưng tuyệt đối bạn không được quên ngày làm giỗ.

Quên ngày giỗ tất nhiên không phải là tội lỗi gì quá lớn, tuy nhiên việc con cháu quên ngày giỗ sẽ khiến người đã khuất rất tủi thân và buồn lòng. 

Có người đã từng nói: "Con người chết đến 2 lần. Lần thứ nhất là khi người ấy dừng thở, tim ngừng đập, não ngừng hoạt động. Lần thứ 2 là khi tên họ được nhắc đến lần cuối cùng." Đừng để người thân đã mất của mình cảm thấy bị lãng quên trong cô độc.

Nếu quá bận rộn, chỉ cần nén hương mời, sắp lễ bát cơm úp, con trứng luộc, đĩa muối thôi là đủ. 

Trót quên ngày giỗ phải làm sao? 

Nếu đã trót quên ngày giỗ của người thân bạn cũng không nên quá lo lắng, vì không ai lại phạt con cháu mình chỉ vì lỡ quên một vài lần. Gia tiên chỉ buồn và phạt khi con cháu sống không ra gì, thiếu nhân đức, bất hiếu hoặc bất kính, có tội với dòng tộc, đất nước... Vì vậy, nếu đã lỡ quên ngày giỗ, khi nhớ ra hãy thắp hương lên ban thờ gia tiên, xin lỗi người thân, sau đó khấn xin dời ngày giỗ vào một ngày gần nhất mà chúng ta sắp xếp được. 

Chú ý hơn để năm sau đừng quên ngày giỗ nhé.

Xin chuyển ngày giỗ vào thứ 7, chủ nhật để con cháu về đông đủ

Hiên nay, rất nhiều gia đình có con cháu đi làm ăn xa hoặc công nhân, viện chức làm việc cả tuần, không có thời gian tụ tập đông đủ để làm giỗ người thân nếu ngày giỗ rơi đúng vào các ngày làm hành chính trong tuần. Vậy nên mới có chuyện xin chuyển ngày giỗ vào thứ 7, chủ nhật để con cháu về đông đủ. 

Theo Phật giáo, một người sau khi chết trong khoảng thời gian tối đa là 49 ngày thì thần thức sẽ tái sanh vào cảnh giới khác, tương ứng với nghiệp lực của họ. Việc cúng bái kỵ giỗ về sau nhằm tưởng niệm người đã mất là chính, ngày giờ cúng bái thì tùy duyên. Vì thế, chọn ngày Chủ nhật để cúng giỗ cho con cháu được sum vầy đầy đủ, trong tinh thần phương tiện cũng không có gì trở ngại.

Tuy nhiên, trong ngày giỗ chính chúng ta cũng đừng quên thắp nhang đèn, thổi bát cơm con trứng, đĩa muối và hoa quả để nhớ ngày, có lời khấn gia tiên và vong linh người đã khuất xin chuyển giỗ. 

Nếu thành tâm và đầy đủ, các cụ cũng sẽ đại xá mà hoan hỉ. Nhà đông anh em cũng có thể phân công mỗi người làm giỗ một năm cũng rất hay.

Nhưng con cháu cũng nên hiểu, đây là việc bất đắc dĩ chứ không phải vì tiện mà làm. Cũng đừng gộp chung giỗ vào để cúng 1 lần cho thật to, thật hoành tráng vì theo các cụ xưa thì điều này là bất kính. Phật giáo ngày nay có cái nhìn cởi mở hơn, không còn quan trọng việc nhớ ngày hay gộp giỗ, các Sư vẫn khuyên phật tử cúng gộp giỗ gia tiên vào môt ngày, VD như ngày 15, 20, hoặc 25 tháng chạp hàng năm. Do vậy, tuỳ vào quan niệm vùng miền và từng gia đình mà có cách tổ chức cho phù hợp. 

Dù cúng lớn hay cúng nhỏ, cúng ít hay cúng nhiều, “giàu làm kép, hẹp làm đơn” - việc cúng giỗ cũng nhằm tưởng niệm công ơn của ông bà trong ngày sum họp gia đình, thân bằng quyến thuộc.

Mâm cơm cúng giỗ cơ bản

Mâm cơm cúng giỗ miền Bắc theo truyền thống được người dân thực hiện khá đơn giản và tiết kiệm. Tuy nhiên, sự đơn giản và tiết kiệm này vẫn luôn đảm bảo sự thành tâm của con cháu dâng lên người đã khuất. Theo đó, mâm cơm cúng giỗ của người miền Bắc đầy đủ sẽ bao gồm những món sau đây: 

  • Gà luộc (có thể thay thế bằng thịt lợn luộc) 
  • Xôi gấc (hoặc có thể sử dụng xôi đỗ lạc, đỗ xanh) 
  • Cơm trắng và trứng gà luộc 
  • Giò chả 
  • Chân giò hầm với măng khô, mộc nhĩ 
  • Ngoài ra gia chủ còn có thể chuẩn bị thêm nem rán, tôm tẩm bột chiên giòn
  • Một số món xào như: giá đỗ xào, miến xào lòng gà
  • Các món rau củ quả dễ ăn như: rau luộc hay nộm 

Tuy nhiên, tùy vào điều kiện kinh tế cụ thể của mỗi gia đình mà gia chủ có thể chế biến thêm một số món ăn khác hoặc giảm bớt một số món ăn sao cho phù hợp. Dù vậy, gia chủ luôn cần phải đảm bảo yếu tố sạch sẽ, tươm tất cho mâm cơm cúng để thể hiện lòng biết ơn và sự thành kính của mình dành cho người đã khuất. 

Bài văn khấn trong ngày cúng giỗ

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy Đức Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần Quân.

Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.

Con kính lạy Tổ Tiên nội ngoại họ………………………………………………….

Tín chủ (chúng) con là……………………………………Tuổi………………………

Ngụ tại………………………………………………………………………………….

Hôm nay là ngày ………tháng ………năm…………………………( m lịch).

Là chính ngày Cát Kỵ của……………………………………………………………

Thiết nghĩ…………………. vắng xa trần thế, không thấy âm dung.

Năm qua tháng lại ngày húy lâm. Ơn võng cực xem bằng trời biển, nghĩa sinh thành không lúc nào quên. Càng nhớ công ơn gây cơ tạo nghiệp bao nhiêu, càng cảm thâm tình, không bề dãi tỏ.

Ngày Cát Kỵ, hôm nay chúng con và toàn gia con cháu thành tâm sắm lễ, quả cau, lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án thành khẩn kính mời…………………………………………………………

Mất ngày ……..tháng…….năm…………………………( m lịch).

Mộ phần táng tại…………………………………………………………………

Cúi xin linh thiêng giáng về linh sàng, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, độ cho con cháu an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia cảnh hưng long thịnh vượng.

Con lại xin kính mời các vị Tổ Tiên nội ngoại, Tổ Khảo, Tổ Tỷ, Bá Thúc, Huynh Đệ, Cô Di, Tỷ Muội và toàn thể các Hương hồn gia tiên đồng lai hâm hưởng.

Tín chủ con lại xin kính mời ngài Thổ Công, Táo Quân và chư vị Linh thần đồng lai giám cách thượng hưởng.

Tín chủ lại mời các vị vong linh Tiền chủ, Hậu chủ nhà này, đất này cùng tới hâm hưởng.

Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được phù hộ độ trì.

Phục duy cẩn cáo!

********************

Nếu có điều kiện cúng kiếng lớn thì quá tốt. Tuy nhiên, là Phật tử thì nên lưu ý không sát hại sinh vật, không rượu chè say sưa.Cũng không nên mời làng xóm nhiều sẽ khiến mọi người phải đi đáp lễ lại rất phiền phức. Tưởng nhớ người thân là một điều cần thiết nhưng phải tổ chức đám giỗ sao cho phù hợp với không gian, thời gian, điều kiện sống. Hãy nhớ rằng: Lòng tôn kính, thương tiếc người đã khuất phụ thuộc vào việc con cháu phải nhớ ngày người mất để làm giỗ, không liên quan đến việc làm giỗ lớn hay nhỏ.

Tamlinh.org

(Sao chép, trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn & dẫn link từ website. Cám ơn các bạn.