Vương cô chính là những người con gái của Vương ông (Hưng Đạo Vương). Bao gồm Vương cô Đệ Nhất và Vương cô Đệ Nhị. Truyền thuyết về nhị vị vương cô nhà Trần, quyền phép & ngự đồng
Đức Thánh Ông Trần Triều:
Hưng Đạo Đại Vương, được tín ngưỡng dân gian tôn làm Đức Thánh Trần, giúp dân sát quỷ trừ ma, trừ dịch bệnh, thế nên ở đâu có giặc dã dịch bệnh thì đều cầu đảo Ngài tất đựoc linh ứng. Khi hầu đồng về giá này, thanh đồng (người hầu đồng) mặc áo bào đỏ thêu rồng, tay cầm thanh đao, ngoài ra theo một tục cổ, khi hầu về giá Đức Thánh Trần Triều, người hầu đồng còn cầm dải lụa đỏ rồi mô phỏng động tác thắt cổ. Đền thờ Ngài cũng có ở rất nhiều nơi nhưng lớn nhất vẫn là đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương với hội mở ngày 20/8 âm lịch.
Đệ Nhất Vương cô:
Cô là cô con gái lớn của Hưng Đạo vương, tên thật là Trần thị Trinh thụy hiệu Quyền Thanh Quận chúa. Là người con gái nết na, tài năng xuất chúng, học hành thông tri nên cô được lấy vua Trần Nhân Tông, trở thành Vương phi Đệ Nhất đương triều. Sau Nhân Tông lại phong cho Cô là: “Đệ Nhất Khâm Từ Hoàng Hậu Quyên Thanh. Cô sinh hạ vua Trần Anh Tông. Vua Anh Tông lên ngôi lại phong là: “Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái hậu”.
Vương cô Nhất ít khi ngự đồng, thường chỉ những ai căn cô mở tung khăn hầu giá, nhưng khi ngự đồng cô ngự áo màu vàng thêu phượng, đầu đội xếp có thắt nét dài vàng, và chỉ phất cờ.
Cô được thờ cùng với Vương Ông trong các đền phủ thờ Ngài,
Ngày tiệc của Đệ Nhất Vương Cô là 12/1 âm lịch.
Khi thỉnh cô, văn thường hát rằng:
“Hoa hải đường thần thông Cô Nhất
Phủ Mạc Thư là đất trâm anh”
Hoặc cũng có khi hát là:
“Đức Thái Hậu ban cho mỹ tự
Đệ Nhất Vương Cô đại nữ Quyên Thanh
Kim chi ngọc diệp rành rành
Cung phi nhất phẩm đương triều ai hơn.”
Đệ Nhị Vương cô:
Đệ Nhị Vương Cô (Vương Bà) Đại Hoàng Công Chúa Trần Thị Tĩnh. Cô là con gái thứ của Hưng Đạo Đại Vương. Còn tương truyền rằng Vương Phu Nhân nằm mộng thấy vì sao sa xuống rồi lại thấy rồng ấp bên mình thì mang thai cô vào năm Bính Thìn. Cô tuy là con gái ruột của Đức Đại Vương và Vương Phu Nhân nhưng sau này lại phải đổi ra thành nghĩa nữ lấy hiệu Anh Nguyên (Thủy Tiên) Quận Chúa. Nên danh hiệu của cô là: Đệ Nhị Nữ Đại Hoàng Anh Nguyên Quận Chúa.
Sở dĩ vậy là có lí do: Hưng Đạo Vương rất quý mến Phạm Ngũ Lão, muốn gả cô cho Đức Ông họ Phạm, nhưng quy định của tôn thất nhà Trần là phải lấy người trong hoàng tộc, để bảo vệ ngai vàng. Vậy nên Đức Ông phải cho cô ra làm con nuôi, để khỏi phạm vào hoàng luật. Cô mang danh nghĩa tử của Hưng Đạo Vương, kết duyên cùng Phạm Ngũ Lão, trở thành Phạm Điện Súy Phu Nhân.
Cũng có khi, cô còn thay quyền Hưng Đạo Vương, chấp chính ba quân, cô cũng không hề ngại gian nan, sát cánh cùng cha nơi chiến trường trong sự nghiệp vệ quốc thời Trần. Sử nhà Nguyên xưa cũng chép rằng: Công Chúa (tức chỉ Vương Cô) dáng thanh như ngọc da trắng như ngà, dáng đi khoan thai giọng nói dịu dàng nhưng khi ra trận thi uy dũng, nam nhi ít người sánh bằng.
Khi hầu về hàng Hội Đồng Trần Triều, giá Đệ Nhị Vương Cô hay được hầu nhất (vì cũng theo một số quan niệm, thì Đệ Nhị Vương Cô thường hay theo về bên Tứ Phủ, vậy nên những người hầu Trần Triều cùng với Tứ Phủ thường hay mở khăn giá Đệ Nhị Vương Cô).
Khi ngự đồng cô thường mặc trang phục giống như Vương Cô Nhất nhưng không phải màu đỏ mà là màu vàng, tuy nhiên cũng do ảnh hưởng của Tứ Phủ, một số nơi hầu Vương Cô Đôi lại mặc màu xanh, và hiện giờ thì đa phần người ta thường dùng màu xanh, khi ngự, cô dắt một chiếc kiếm và cờ lệnh sau lưng, còn tay thì cũng cầm một kiếm một cờ lệnh.
Trong hàng Trần Triều, cô là giá thứ 3 có làm phép để trừ tinh tróc tà, khi hầu cô người ta thường làm một số phép như: xiên lình (nghĩa là lấy chiếc ngạnh nhọn bằng sắt trắng, xiên từ má này sang má kia, bên trong miệng phải có ngậm quả cau. Tuy nhiên hiện giờ cách xiên lình này không mấy người làm được mà nếu có người nào hầu về cô làm phép xiên lình thì thường chỉ dùng hai chiếc ngạnh, đêm vào hai bên má rồi xoắn lại cho nó chọc sâu vào má chứ không xiên từ bên này sang bên kia như lối cổ), ngoài ra còn có phép tiến lửa tróc tà (nghĩa là người hầu về cô đốt một bó hương rồi cho vào mồm ngậm tắt, vậy nên còn gọi là ăn lửa).
Cô cũng thường được thờ với Đức Đại Vương trong các đền phủ. Nhưng riêng ở Đền Kiếp Bạc và Đền Bảo Lộc, cô lại ngồi cận bên hữu của Đức Vương Phu Nhân. Ngày tiệc của Vương Cô Đôi là ngày 5/5 âm lịch. Trong khi hầu cô, văn thường hát những đoạn như:
Cô Đôi tên hiệu Đại Hoàng
Quê cô Bảo Lộc, Thiên Trường, Trần Quan”
BẢN VĂN VƯƠNG CÔ ĐẠI HOÀNG
Trên Non Đảo đùng đùng gió cuộn
Đỉnh Dược Sơn cuồn cuồn mây lồng
Lâu đài càn vị chính cung
Đào tiên đua nở non bồng khai hoa
Vương phi thấy sao sa đôi chiếc
Nhâm Tí niên truyền thuyết còn biên
Đang còn mơ mộng giấc tiên
Thấy đôi rồng ấp ở bên cạnh mình
Vương phi thấy tâm tình chuyển động
Sự lạ thường ứng mộng chiêm bao
Tháng năm mãn nguyệt thai bào
Sinh cô Đệ Nhị tốt sao lạ thường
Thái Hậu đặt hiệu Đại Hoàng
Thông minh chính trực sửa sang trong ngoài
Vua mới hỏi Đức Ông Ngũ Lão
Kết duyên lành trọn đạo quân vương
Đằng giang nghị tiệc đá vàng
Một nhà vinh hiển vạn bang yên lành
Phút chốc thấy mấy rồng gió chuyển
Trở ra về ngự chốn Thiên Thai
Có phen giá ngự lâu đài
Mày ngài mắt phượng thực người thần tiên
Có phen lên Vạn An Kiếp Bạc
Trở ra về Tức Mặc Thiên Trường
Tới đâu thời đấy kinh hồi
Ô Mã mất vía Phạm Nhan nạp mình
Có phen ngự chốn Thiên Đình
Độ thương đệ tử thực tình làm tôi
Vương cô Đệ Nhị ai tày
Ra vào coi sóc đêm ngày quân trung
Vẻ thanh tú giá trong ngọc đúc
Bẩm tư trời chính trực đoan trang
Gương soi phấn điểm dịu dàn
Tóc mây mườn mườn khăn ngang vấn đầu
cách yểu điệu mỹ châu dám đọ
Nhỡn song tinh soi tỏ thế gian
Áo thêu đôi sắc xanh vàng
lá non thua thắm hoa ngàn kém tươi
Ngẫm trần thế bao người tân khổ
Giá ngự đồng cứu trợ sinh nhân
Vương cô xuất thánh nhập thần
Thay quyền Vương Mẫu cầm cân thăng bằn
Trong cung ngọc hương đăng rực rỡ
Ngoài điện vàng nhị tự nguy nga
Thỉnh mời Đệ Nhị Vương Cô
Đêm ngày nhang khói phụng thờ trong cung.
Cô được thờ cùng đức Đại vương trong các đền phủ có phối thờ Ngài. Ngày lễ của Vương cô là mùng 5 tháng 5.
Tamlinh.org (tổng hợp)