04/06/2021 11:51 View: 4300

Cậu bé Cửa Đông là ai? Sự tích, đền thờ và văn khấn

Khi nhắc đến tục thờ Trần triều ta có nghe đến cậu bé Cửa Đông (Cửa Suốt) nhưng trước đây trong hệ thống thờ các vị thánh nhà Trần thì lại không hề có Cậu Bé Cửa Đông. Vậy Cậu Bé Cửa Đông là ai? Tại sao Cậu Bé Cửa Đông lại được thờ trong hệ thống nhà Trần? Đền thờ Cậu Bé Cửa Đông ở đâu? Văn thỉnh Cậu Bé Cửa Đông (Cửa Suốt)? Sắm lễ Cậu Bé Cửa Đông như thế nào? Văn khấn đi lễ đền Cậu Bé Cửa Đông? .... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu

Tho cau be

CẬU BÉ CỬA ĐÔNG ( CỬA SUỐT) là ai?

 Cậu Bé Cửa Đông (Hiển Thánh Vương Tôn Chủ Bộ Tướng)

  • Một số tư liệu cho rằng Cậu là Thánh Cậu trấn giữ Cửa Đông, là Cậu bé Quận bản đền trong đền Cửa Ông được Đức Ông Đệ Tam trao quyền trấn giữ Cửa Đông, Cậu được thờ ở ngôi đền Mẫu trong Quần thể đền Cửa Ông.
  • Một số sách cho rằng Cậu là cháu trai của Hưng Đạo Đại Vương, ngang hàng với Cô Bé Cửa Suốt, tuy vậy tài liệu lại không nói rõ đó là vị cháu nào của Hưng Đạo Đại Vương.
  • Có giả thiết cho rằng Cậu là Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản (là cháu nội vua Trần Thái Tông).

Cậu bé cửa Đông thờ ở đâu? 

Tuỳ theo từng thần tích mà cậu bé Cửa Đông được thờ ở các vị trí đền - phủ khác nhau.

  • Cậu được thờ ở ngôi đền Mẫu trong Quần thể đền Cửa Ông, được thờ làm Cậu Quận bản đền, coi sóc ra vào Đền Cửa Ông.
  • Ngoài ra, đền chính thờ cậu bé cửa Đông ở Thôn Yến Hải, xã Đảo, Quan Lạn, Vân Đồn, Quảng Ninh.

Đền nằm trên Đảo Quan Lạn, Vân Đồn, Quảng Ninh (Xuất phát từ Cảng Cái Rồng, Huyện Vân Đồn, sau 1 tiếng rưỡi lênh đên trên Vịnh Bái Tử Long bằng tàu cao tốc). Đền Cậu Bé Cửa Đông nằm trên đường ra “eo gió Gót Beo”, cách trung tâm khu du lịch Quan Lạn khoảng 10km. Đây là điểm du lịch tâm linh khá nổi tiếng với nhiều du khách khi du lịch Minh Châu Quan Lạn mùa hè cũng thường ghé qua đền để làm lễ. Đền Cậu bé Cửa Đông có đông đảo du khách thập phương tới thỉnh lễ hơn vào mùa du lịch lễ hội đầu xuân.

den tho cau be cua dong

Đền chính thờ cậu bé Cửa Đông 

Tục thờ cậu bé cửa Đông trong hệ thống Trần triều

Trong hệ thống thờ các vị thánh nhà Trần thì lại không hề có Cậu Bé Cửa Đông. Có thể thấy rõ điều này ở một số đền lớn nổi tiếng nhất tại miền Bắc thờ Đức Thánh Trần như đền Kiếp Bạc, Trần Thương, Bảo Lộc, … đều không xuất hiện ban thờ cậu. Mặc dù, tại những đền này ngoài thờ Đức Thánh Trần còn phối thờ rất nhiều vị quan lớn, tướng tài thuộc nhà Trần. Thậm chí, tại đền Cửa Ông, nơi gần với đền thờ cậu bây giờ cũng không hề có ban thờ Cậu Bé Cửa Đông. 

Những điều này đã chứng tỏ, rất lâu sau thì tục thờ Cậu Bé Cửa Đông mới xuất hiện trong tín ngưỡng dân gian thờ công đồng Trần Triều.
Khi xuất hiện trong Công Đồng Trần Triều, Cậu Bé Cửa Đông được xếp cùng hàng vị với Cô Bé Cửa Suốt tại hàng Vương Tôn.

Cách gọi “Cậu Bé” cũng là do thứ bậc trong nội tộc Trần Triều chứ không giống với các Cậu Bé trong hàng Thánh Cậu của Tứ Phủ.

Đền thờ Cô Bé Cửa Suốt cũng nằm gần với khu vực đền thờ Cậu Bé Cửa Đông. 

Hầu giá cậu bé cửa Đông/ cửa Suốt

Trước đây, Tứ Phủ và Trần Triều được hầu tách nhau thành các buổi khác nhau nhưng từ những năm 1990 thì một số thầy đồng hầu giá Cậu Bé theo một lối mới ghép Tứ Phủ với Trần triều vào trong một buổi hầu. 

Trước đó, những thầy đồng khi thực hiện nghi thức hầu đồng thường tách riêng buổi hầu Trần Triều và buổi hầu Tứ Phủ thành hai buổi khác nhau.

Giá Cậu Bé Cửa Suốt cũng ít khi ngự về. Khi ngự đồng cậu mặc áo vàng hoặc trắng, đầu vấn khăn ngang, cầm đôi đèo hoa múa cờ và kiếm.

mieu tho cau be cua dong

Miếu cũ thờ Cậu bé Cửa Đông (Cửa suốt)

Đi lễ cậu bé Cửa Đông cầu gì? 

Hàng năm cứ mỗi dịp xuân về đầu năm, trong hoạt động du lịch du xuân lại vô cùng nhộn nhịp. Khách hành hương từ khắp nơi lại đổ về đền Cậu Bé Cửa Đông để du xuân, cầu lộc, cầu tài.

Ban công, ban lộc, ban quyền
Trừ tà diệt quỷ khắp miền nước Nam

Tính đến ngày nay, tục thờ Cậu Bé Cửa Đông đã xuất hiện trong đời sống người Việt xấp xỉ 30 năm. Hàng ngàn con hương tín thờ và thường xuyên ghé thăm đền thờ cậu để dâng lễ bạc tâm thành lên ban thờ cậu. Đông nhất là vào những ngày lễ tiết lớn trong năm như ngày đầu xuân năm mới hay mùa lễ hội tại đền. 

Sắm lễ cậu bé Cửa Đông? 

Mỗi con hương, đệ tử đến đền Cậu Bé Cửa Đông (Cửa Suốt) lại mang theo một mâm lễ đủ đầy hương hoa, phẩm quả mong cậu chứng giáng phù hộ độ trì cho gia quyến bình an, khỏe mạnh, có tài có lộc, làm ăn thuận lợi, tốt tươi.

Một mâm lễ dâng ban thờ Cậu Bé Cửa Đông gồm một đĩa hoa, một đĩa quả gồm nhiều loại quả, cơi trầu, quả cau, cút rượu, xôi thịt, thẻ hương, giấy tiền, và một cánh sớ. Mọi người đều tin rằng: Không cần mâm to quả lớn, chỉ cần lễ bạc tâm thành là Cậu cũng chứng cho.

Cau be cua dong tran trieu

Văn khấn đi lễ đền cậu bé Cửa Đông? 

Con nam mô A di đà phật (3 lần)

Hương tử chúng con kính lạy đức Trần triều Hiển Thánh Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương, Đại nguyên soái, Tổng quốc chính, Thái sư Thượng phu Thượng quốc công, Tiết chế Lịch triều, Tấn tặng, Khai quốc Anh chinh, Hồng đồ Tá trị. Hiệu linh trác vĩ, minh đức trí nhân, phong huân hiền liệt, chí trung đại nghĩa, dực bảo trung hưng, thượng đẳng Tôn Thần, Ngọc Bệ hạ.

Con lạy

Nguyên từ quốc mẫu, Thiên thành Thái trưởng công,

Tú vị Thánh tử Đại Vương, nhị vị Vương Cô Hoàng Thánh

Đức ông Phạm điện sũy tôn thần, cô bé cửa suốt

Con xin cung thỉnh Cậu Bé Cửa Đông, tả quan Nam Tào, hữu quan Bắc Đẩu, lục bộ thượng từ, chư vị bách quan.

Chắp tay lễ bái phù hộ độ trì cho:

Hương tử con là:….

Ngụ tại:….

Cùng toàn thể gia quyến luôn được khỏe mạnh, đầu năm chí giữa, nửa năm chí cuối, được tại qua nạn khỏi, điều lành mang đến điều dữ mang đi, cầu tài được tài, cầu lộc được lộc, cầu bình an được bình an.

Con nam mô A di đà phật (3 lần)

Hát văn Cậu bé Cửa Đông? 

Cửa Đông sóng dậy ầm ầm
Thỉnh mời Cậu Bé Cửa Đông ngự về
Thuyền ai thấp thoáng giang khê
Thuyền Cậu Cửa Suốt chèo về Hạ Long

Triều đình ban chỉ sắc phong
Gia ban chủ tướng vương tôn nhà Trần
Cậu Hoàng văn võ mười phần
Điều quân khiển tướng tài thần ra oai

Lĩnh ban quốc ấn quyền cai
An dân trấn giữ ra ngoài Cửa Đông
Phất cờ hạ lệnh tiến công
Phạm Nhan mất vía Nguyên Mông chạy dài

Thánh tôn xuất chúng đại tài
Văn thao võ lược đáng trai anh hùng
Danh thơm tám cõi lẫy lừng
Ngũ châu tứ hải khắp vùng ai đang

Tay mang kiếm bạc đường hoàng
Áo vàng, đai trắng ngực mang thẻ bài
Trên đời có một không hai
Thông minh chính trực nào ai dám bì

Tiên phong phất ngọn hồng kì
Bảo dân hộ quốc quản gì công lao
Để cho tỏ mặt anh hào
Thánh cậu tài giỏi trí cao hơn người

Tỏ tường chính trực vàng mười
Gian nan thử trí dẹp loài hại dân
Đánh cho tan tác gian quân
Tàu chìm bè đắm xa gần đều thua

Dẹp an về tấu Đức Vua
Mông Nguyên đã tháo đã thua tan tành
Xa gần nức tiếng thơm danh
Thánh Cậu Cửa Suốt anh linh muôn đời

Giữ cho trọn kiếp Vua tôi
Xin được lấy thưởng quy hồi nơi xưa
Kiệu vàng đón rước tiễn đưa
Qua miền Kiếp Bạc vào chùa Côn Sơn

Lễ Phật, Phật độ bình an
Lễ Thánh, Thánh độ an khang hiền hòa
Thánh Ông giá ngự trên tòa
Đòi Cậu Cửa Suốt kíp qua nghe truyền

Cậu liền giục ngựa băng miền
Thoát thôi Cậu đã về miền Quảng Ninh
Hòn Gai sơn thủy hữu tình
Lệnh cậu trấn giữ an bình yên vui

Tiểu con điểm trống ba hồi
Xin Cậu giá ngự xuống nơi bản đền
Ban công, ban lộc, ban quyền
Trừ tà diệt quỷ khắp miền nước Nam

Độ cho ngoài Bắc trong Nam
Nhớ ngày khánh hội về hàng quỳ tâu
Chúng con thành kính cúi đầu
Dâng văn thỉnh Cậu cậu thời giáng lai

Cậu về giá ngự điện đài
Khuông phù Nam Việt đời đời vinh hoa

Các thần tích về cậu bé Cửa Đông: Cậu bé Cửa Đông là Trần Quốc Toản?

Cậu Bé Cửa Đông là thuật ngữ mới xuất hiện trong tín ngưỡng thờ công đồng Trần Triều của người Việt vào cuối thế kỷ 20 nên mọi thông tin về cậu rất mơ hồ và không rõ ràng. Đến ngày nay, người ta cũng chưa xác định được chính xác, cậu là vị thánh nào.

Một số tài liệu chỉ nói một cách đơn giản rằng Cậu Bé Cửa Đông là thánh cậu trấn giữ ở Cửa Đông. Hay thánh cậu là Cậu Bé bản đền trong Đền Cửa Ông, được Đức Ông Đệ Tam trao quyền canh giữ Cửa Đông nên cậu mới có tên gọi như vậy. Nhưng bài vị hay ban thờ cậu lại hoàn toàn không xuất hiện trong đền Cửa Ông mà lại là ở một ngôi đền riêng gần đó.

tho cau be cua dong

Hiện nay, có ba giả thiết về thân phận của Cậu Bé Cửa Đông

Cậu Bé Cửa Đông là cháu của Hưng Đạo Vương:

Một hướng thì nói rằng Cậu Bé Cửa Đông là cháu trai của Hưng Đạo Vương, ngang bằng với cô bé Cửa Suốt.

Nhưng những tài liệu này lại không nói cụ thể là vị cháu trai nào.

Hơn nữa, theo bản văn thì cậu trấn giữ Cửa Đông và tham gia cuộc chiến chống Nguyên Mông bảo vệ đất nước và nhân dân. Mà trong những vị cháu trai của Hưng Đạo Vương, chỉ có Đức Ông Đệ Tam Trần Quốc Tảng mới đáp ứng đủ các tiêu chí này.

Cậu Bé có thân phận là Văn Huệ Vương Trần Quang Triều

Một hướng khác thì nói rằng Cậu Bé Cửa Đông là Văn Huệ Vương Trần Quang Triều – con trai duy nhất của Đức Ông Đệ Tam Trần Quốc Tảng. Tuy nhiên, tác giả cuốn sách “Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ và thờ Thánh ở Việt Nam” đã đối chiếu tiểu sử của ông cùng những tài liệu viết về ông và rút ra kết luận rằng Trần Quang Triều không phải Cậu bé Cửa Đông vì:

Thứ nhất: Trần Quang Triều không tham gia cuộc chiến chống quân Nguyên Mông của nhà Trần.

Mà thực tế là khi cuộc kháng chiến thứ 3 kết thúc thì ông mới được sinh ra (năm 1287). Điều này trái với bản văn viết về Cậu Bé Cửa Đông, rằng:

“Phất cờ hạ lệnh tiến công

Phạm Nhan mất vía Nguyên Mông chạy dài

Dẹp an về tấu Đức Vua

Mông Nguyên đã tháo đã thua tan tành

Xa gần nức tiếng thơm danh

Thánh Cậu Cửa Suốt anh linh muôn đời”

Thứ hai: Dòng thời gian của Trần Quang Triều không liên quan đến Cửa Đông hay bất kỳ địa danh nào gần Cửa Đông.

Bởi sau khi phong tước Văn Huệ Vương rồi được làm quan tại triều một thời gian, ông lui về chùa Quỳnh Lâm, hang Bích Động tại Đông Triều.

Tại sách vở và bia chùa Quỳnh Lâm ngày nay vẫn còn ghi tạc công ơn của Văn Huệ Vương Trần Quang Triều và vợ ông là Công Chúa Thượng Trân.

Thứ ba: Thánh cậu thường mất ở tuổi thanh niên?

Theo tín ngưỡng dân gian, người được tôn xưng là cô bé, cậu bé thường là những thánh cậu, thánh cô ở độ tuổi thanh niên, nói cách khác là mất khi ở độ tuổi thanh niên.

Trong khi đó, Trần Quang Triều mất ở độ tuổi 38 là độ tuổi trung niên chứ không phải thanh niên. Do đó, Trần Quang Triều không phải Cậu Bé Cửa Đông.

Cậu Bé Cửa Đông là Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản

Giả thiết thứ ba về Cậu Bé Cửa Đông đó chính là Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Chúng ta hẳn không xa lạ gì với cái tên Trần Quốc Toản và sự tích bóp nát quả cam năm nào.

Theo đó, Trần Quốc Toản là vị tướng trẻ tuổi nhất nhà Trần.

Ở độ tuổi chưa đầy 18, với lòng yêu nước và chí khí hiên ngang, ngài không ngần ngại dẫn binh tiên phong ra trận đối đầu với quân giặc Nguyên Mông hung ác, bạo tàn. 

Giải thích về căn cứ cho rằng Cậu Bé Cửa Đông là Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, tác giả cuốn sách “Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ và thờ Thánh ở Việt Nam” cho rằng có những lý do sau:

Thứ nhất: Trần Quốc Toản là danh tướng thuộc dòng dõi nhà Trần, là con cháu của nhà Trần.

Cuốn “Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam” nói rằng Trần Quốc Toản là con Trung Thành Vương và là cháu nội của Nhân Đạo Vương. Nhưng những kết quả nghiên cứu gần đây cho rằng, Trần Quốc Toản là con của Vũ Uy vương Trần Nhật Duy và vương phi Trần Ý Ninh. Trần Nhật Duy là con trai vua Trần Thái Tông nên Trần Quốc Toản là cháu nội của vua Trần Thái Tông, vị vua Trần đầu tiên của nước ta.

Thứ hai: Trần Quốc Toản là tấm gương tuổi trẻ chí lớn, với lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước quật cường.

Dám hy sinh tính mạng vì dân tộc, dẫn binh tham gia chống Nguyên Mông khi tuổi đời còn chưa đầy 18 được nhân dân đời sau vô cùng nể phục. Vì vậy, Cậu Bé Cửa Đông là Trần Quốc Toản cũng hoàn toàn hợp lý khi mà Cậu Bé được tín ngưỡng dân gian coi là những vị thánh ở độ tuổi còn trẻ,

Thứ ba: Trần Quốc Toản hi sinh ở trận Vân Đồn.

Mặc dù tham gia nhiều trận đánh ở nhiều nơi khác nhau nhưng trận đánh cuối cùng mà ngài tham gia và cũng là trận đánh ngài hy sinh đó chính là trận Vân Đồn. Đây là trận đánh nằm trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba. Trận Vân Đồn là trận thủy chiến giữa quân nhà Trần với Ô Mã Nhi nhằm tiêu diệt khi quân lương của quân Nguyên Mông. Trong trận chiến này, Trần Quốc Toản đã hy sinh anh dũng để chặn mũi tiến công của địch nhằm cướp lại kho lương thực. Vị trí Vân Đồn chỉ cách Cửa Ông chỉ vài cây số.

Thứ tư: Sự trùng hợp ở văn thỉnh cậu bé Cửa Đông và lá cờ Trần Quốc Toản.

Khi Trần Quốc Toản dẫn binh đánh giặc có mang theo lá cờ thêu sáu chữ vàng nổi tiếng sử Việt “phá cường địch, báo hoàng ân”. Mà trong bản văn Cậu Bé Cửa Đông cũng đã viết:

“Tiên phong phất ngọn hồng kì

Bảo dân hộ quốc quản gì công lao”

Ngọn hồng kỳ trong bản văn có lẽ chính là ngọn hồng kỳ thêu sáu chữ vàng của Trần Quốc Toản.

Thứ năm: Cậu Bé Cửa Đông được phong làm Hiển Thánh Vương Tôn Chủ Bộ Tướng.

Điều này hoàn toàn phù hợp với sự kiện Trần Quốc Toản được phong tước Vương sau khi hy sinh. Trong cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có viết:” Sau khi mất, vua rất thương tiếc, thân làm văn tế, lại gia phong tước Vương”. 

Thứ sáu: Thờ tự không thuộc hệ thống đền thờ nhà Trần

Cậu Bé Cửa Đông không được thờ chính thức trong hệ thống đền thờ Đức Thánh Trần cũng giống như Trần Quốc Toản thân là danh tướng thờ nhà Trần nhưng lại không có bài vị tại bất kỳ ngôi đền nào thờ Đức Thánh Trần. Sở dĩ như vậy vì khi đó, Trần Quốc Toản còn quá trẻ, mà khi đó, ngài cầm quân dưới trướng của tướng Trần Nhật Duật chứ chưa thể đứng đầu một đạo quân lớn để độc lập chỉ huy.

Như vậy, xét về độ tuổi, chức vụ và công trạng thì Trần Quốc Toản rõ ràng vẫn còn thấp hơn so với những vị danh tướng khác của Nhà Trần. Nhưng xét về tuổi trẻ chí lớn và lòng dũng cảm thì ngài ngài xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ đời sau noi theo.

Thứ bảy: Trần Quốc Toản hiện không có đền thờ chính

Trên khắp cả nước không có đền nào được cho là nơi thờ chính Trần Quốc Toản. Mà với những công lao của ngài thì việc có một nơi thờ chính thức và có một vị trí cụ thể trong tín ngưỡng dân gian có lẽ là một điều thỏa nguyện với mong muốn của nhân dân Việt Nam. 

Cậu bé Cửa Đông rất có thể là Trần Quốc Toản

Tóm lại, trong các giả thiết được đặt ra để giải thích câu hỏi ai là Cậu Bé Cửa Đông trong công đồng Trần Triều thì Trần Quốc Toản được cho là người thích hợp nhất để trả lời cho câu hỏi này. Các sự kiện trong cuộc đời ngài đều gần sát với bản văn Cậu Bé Cửa Đông còn lưu truyền tới hiện tại.

Tổng hợp