14/09/2021 11:21 View: 4537

Trần Triều: BÁT KHÍ của dòng ĐỒNG NHÀ TRẦN

Con đồng Nhà Trần phải là người biết giữ khí tiết, như Đức Thánh giữ bằng được, học theo Thánh có đủ khí tiết dù thác mà vẫn như còn sống. Còn con đồng Nhà Trần mà thất tiết, tuy sống mà như đã chết.

 

tran trieu hung dao dai vuong
Trần Triều Hưng Đạo Đại Vương

 

Đời mà học được một phần trong “bát khí” của Đức Thánh Trần thì mới là con đồng Nhà Trần hiển hách, phải cố học và noi theo Đức Thánh.

Con đồng Nhà Trần phải là người biết giữ khí tiết, như Đức Thánh giữ bằng được, học theo Thánh có đủ khí tiết dù thác mà vẫn như còn sống. Còn con đồng Nhà Trần mà thất tiết, tuy sống mà như đã chết.

Hãy ghi nhớ tám loại khí tiết mà con đồng Nhà Trần phải học theo đạo Thánh:

Chính khí (sự cương trực):

Tính tình cương trực, quân tử, chính nghĩa, chính nhân vì cái chính đạo, chính kiến, chính lễ, chính tín, vì dân, vì nước, vì cộng đồng dân tộc và đạo đức.

Những con đồng nào có chính khí, có địa vị dù là quan cũng phải thanh liêm.

Là người thường cũng phải có chính khí.

Quỷ Thần phải hộ pháp, ma quỷ phải chịu đè nén mà tránh xa.

Chí khí (ý chí):

Chí khí thì không kể ai dù con đồng Nhà Trần có làm quan hay dân thường cũng phải có.

Người lập chí lớn sẽ vì nó mà nỗ lực, tiền đồ sẽ phát triển không ngừng; người lập chí nhỏ, cũng cần chăm chỉ cố gắng, tạo nên sự khác biệt; người không có chí thì sẽ không đạt được gì cả.

Đức Thánh có câu: “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ sáu trụ xương cánh”

Trong văn cả lục bộ Thánh ông có viết: “Chim hồng hạc phải bay cao nhìn mới xa”.

Kẻ có chí khí riêng của mình, dù lớn nhỏ đều là kẻ đầu đội trời chân đạp đất.

Cũng như cổ nhân có câu nói đến chí của người anh hùng: “Chim tước biết sao chí của chim hạc”.

“Có chí thì nên", kẻ không chí khí thì chả nên công trạng gì.

Đại khí (sự rộng lượng):

Không thức đêm không biết đêm dài

Không leo lên núi, sao biết núi cao

Không xuống sông sâu sao biết đất dày

Không đi ngày đàng sao học sàng khôn

Ai cũng phải trải nghiệm mới thấu hiểu. Người đại khí tất biết trời cao đất dày, biết nông sâu dài ngắn.

Cũng như Đức Thánh uy nghi như núi cao, bụng dạ có thể chứa cả dòng sông lớn, oai linh và lòng vì dân vì nước của Đức Thánh không chỉ có thể hấp thụ chia sẻ cho dân đen như hạt cát nhỏ trên mặt đất, mà còn chứa được cả càn khôn, bao quát được vạn dòng suối nhỏ khắp nhân gian.

Từ trong đến ngoài, lúc sống Đức Thánh đều toát ra một chất đại nhân đại trí đại đức đại khí, dám làm dám chịu, không bị lẫn lộn, làm người cởi mở hào sảng, hành vi hào phóng, khiến muôn người kính nể.

Cốt khí (sự bất khuất):

Xưa các cụ vẫn dạy có mới mà không nới cũ, giàu sang mà không hoang dâm, nghèo hèn mà không đổi chí khí, gặp quyền thế không chịu khuất phục, như cây đứng thẳng mà vươn lên… đấy gọi là cốt khí. Người cốt khí mạnh mẽ thì không gì có thể cản được; người không có cốt khí thì chỉ là kẻ theo sau và hèn kém.

Thậm chí người cốt khí dù chết cũng không hàng không quỵ không buông.

Linh khí (sự thông hiểu):

Đức Thánh có câu: “Quân cốt tinh nhuệ không ở số đông”

Suy ra: Con người đứng đầu trong sinh linh vạn vật, linh khí rất mạnh, mà linh khí thật sự chính là một loại khí chất thông thấu, có thể cảm nhận qua trực giác.

Một người mà tâm trí có thể đạt đến cảnh giới “minh tâm kiến tính” thì sẽ có linh khí dồi dào bất tận. Có thể thấy điều người khác không thấy, có thể nghĩ được điều mà người khác chưa nghĩ đến, biết được những điều mà người khác còn không biết. Linh khí hiện diện ở khắp nơi, đối với việc thì thấu tình đạt lý, đối với người thì tâm đầu hợp ý.

Đức Thánh rèn ra một đội quân dân Việt có cốt khí như câu của ngài vẫn nói: “Lấy đoản binh để thắng trường trận”

Hòa khí (Thái độ ôn hòa):

Các cụ nói: “Dĩ hoà vì quý”, “Thuận hoà là hạnh phúc”, “Hòa khí sinh tài”, “Hòa khí chí tường”, “Đồng tâm hiệp lực”, “Gia hòa vạn sự hưng”…đều dạy phải xem trọng sự ôn hòa.

Bình hòa, hoà thuận, hòa khí, hòa hảo, ôn hòa, hòa nhã, hoà là thắng… từ tâm lý đến lời nói hành động, đều thể hiện ra một loại sức mạnh mang sự thân thiện, lương thiện, hoà nhã, tử tế và tốt bụng, thiện chí, ...

Như Đức Thánh ăn với dân ngủ cùng lính hoà mình với mọi người.

Ngạo khí (sự tự tôn):

Sống trên đời này, không thể chỉ mãi nhẫn nhịn cầu toàn, mà khi cần thì phải lên tiếng, chứ không thể trở thành khúc gỗ mục được! 

Việc cần làm là phải làm, cần nói là phải lên tiếng.

Bởi vậy, khi đối mặt với việc nhà việc nước, từ việc cướp dâu trước việc ban hôn của nhà vua rẽ duyên đe dọa từ hoàng thân quốc thích, hay việc nước như câu bệ hạ hãy chém đầu thần trước rồi hãy hàng...

Nhân sinh từ xưa đến nay ai mà không chết, sống mà không có ngạo khí thì cũng như chết.

“Sinh vi tướng tử vi Thần”.

Ta học tu theo Thánh đạo, có người có công danh, cũng có người không có công danh. Nhưng sinh là lính ghế Nhà Trần chết cũng xứng là Thần tử Nhà Trần mới về được theo hầu Đức Thánh.

Hào khí (khí khái anh hùng):

Khí khái anh hùng phải học Đức Thánh.

Là người có tính cách cởi mở, tâm tình vui vẻ, là người chân chất, hào sảng lạc quan, thường không câu nệ tiểu tiết, có thể đối mặt với cuộc sống, cầm lên được bỏ xuống được. Thua trước mắt nhưng không thua về sau. Cho dù trải qua bao trắc trở, hoặc không được trọng dụng cũng sẽ không nhụt chí mà tiếp tục dũng cảm bước về phía trước.

Đức Thánh về chuyện của Đức vương phụ mà bị liên lụy, không được trọng dụng nhưng vẫn hào sảng nuôi dưỡng dậy dỗ và kết giao các hào kiệt gặp gian nan,  không bao giờ thay đổi khí chất hào sảng của mình.

Bản thân Đức Thánh lấy cái hoà khí trị nước an dân như câu: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc”.

Bát khí của đồng Nhà Trần như đã nêu trên, đồng nhân không dễ mà tu trọn được nhưng buộc phải tu theo để răn mình, sửa mình và cũng là để hoàn thiện mình. 

Thanh đồng Trần Quốc Thêm tự Tuệ Trần