Trong tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, bốn người con trai của Hưng Đạo Đại Vương được con nhang đệ tử rất mực phụng thờ, gọi chung là Tứ Vị Vương Tử. Vậy bốn vị Vương Tử này là những ai? Đền thờ ở đâu? Khi ngự đồng các ngài như thế nào? Ngày hoá (thác) của từng vị ra sao?... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu
Ảnh: Epic
Danh sách Tứ vị Vương tử nhà Trần
Trong tín ngưỡng Đức Thánh Trần, bốn người con trai của Hưng Đạo Đại Vương cũng được con nhang đệ tử rất mực phụng thờ, gọi chung là Tứ Vị Vương Tử, bao gồm:
- Đức Thánh Cả Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn
- Đức Thánh Phó Hưng Hiến Vương Trần Quốc Uất
- Đức Thánh Tam Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng
- Đức Thánh Tứ Hưng Trí Vương Trần Quốc Hiện
Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn:
Ngài là con trai thứ nhất của Hưng Đạo Vương. Tháng 4 năm 1289, sau khi cùng cha chiến thắng quân Nguyên Mông, Ngài được phong là Khai Quốc công. Ngài cưới công chúa Thiên thụy, là phò mã của Trần Thánh Tông.
Hưng Vũ vương còn được gọi là đức Thánh cả, khi ngự đồng ngại ngự áo màu đỏ, buộc khăn áp đầu, lên đai thượng đeo cờ kiếm, múa kiếm. Phù thủy xưa có tục, khi hầu Ngài xuyên lình, cắt lưỡi lấy màu viết bùa. Ngài ra phép trừ bệnh vô sinh và trẻ con khóc.
Đền thờ Ngài ở Hạ Long Quảng Ninh ngay bên cạnh núi Bài Thơ. Ngài hoá ngày 24 tháng 4.
Hưng Hiến Đại vương Trần Quốc Uất (Uy)
Ngài là con thứ hai của Hưng Đạo Vương, còn gọi là đức Thánh phó. Sau khi có công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông ngài được vua sắc cho chấn thủ đất Cao Bằng, phong là Hưng Hiến Vương.
Khi ngự đồng, Ngài ngự áo đỏ, khăn đỏ, mùa cờ kiếm lệnh, chuyên trừ tà ma, tìm hài cốt trị trùng quỷ. Ngài hóa ngày mùng 3 tháng 8.
Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng:
Còn được gọi là Đức Ông Cửa Suốt, Thánh ông Cửa Đông, Đông Hải Hưng Nhượng Vương là con trai thứ 3 của đức Thánh Trần, khi xét công ông được làm Tiết độ sứ. Con gái ông gả cho Trần Anh Tông tức là Thuận Thánh Hoàng hậu.
Trong một lần hỏi ý kiến về di ngôn của An Sinh vương Trần Liễu, đức Vương ông (Hưng Đạo Vương) đã hiểu lầm ý của Ngài nên nghĩ là Ngài muốn phản nghịch, Vương ông bắt đày ra chấn thủ Vân Đồn. Nhưng ở đây, Ngài vẫn một lòng vì dân nước và lập được nhiều công trạng lớn lao.
Người đời suy tôn ông là: Đệ tam Phó súy Đông hải Đại vương Trần Quốc Tảng. Khi hầu đồng, Ngài ngự áo khăn đai đỏ, múa cờ kiếm, cầm lình ra uy. Ngài ngự đồng cứu dân, trừ tà sát quỷ.
Ngày lễ của Ngài là mùng 3 tháng 2. Đền thờ Ngài là đền Cửa Ông – Quảng Ninh.
Hưng Trí Đại vương Trần Quốc Hiện:
Con trai út của Vương Ông, Ngài ít giáng ngự, nhưng khi giáng thì mặc áo đỏ và đi cờ kiếm. Lịch sử cũng dành ít giấy mực về Ngài. Ngày lễ của Ngài mùng 7 tháng 5.
Tứ vị vương Tử ngự đồng
Các vị Vương Tử ngự đồng đều mặc áo đỏ, xiên lình hai bên má, cắm hai quả cau non trong mồm, vắt chéo lình lên trên cài vào khăn vấn đầu; múa cờ kiếm, lấy dấu mặn làm bùa sát quỷ trừ tà.
Riêng Đức Thánh Tam hay ngự đồng nhất, khi về đồng còn lên đai thượng (buộc lụa đỏ thắt cổ) để ra oai với quỷ dữ.
Tích xưa truyền lại
Chuyện xưa còn kể lại, An Sinh Vương Trần Liễu trước khi mất để lại lời trăng trối dặn Hưng Đạo Vương hãy cướp lại ngôi vua để trả thù cha, nhưng ông chưa bao giờ coi là phải. Về sau ông đem lời cha dặn khi trước đem hỏi các tướng tâm phúc Yết Kiêu, Dã Tượng và con cả Hưng Vũ Vương, họ đều can ngăn khiến Hưng Đạo Vương rất mát lòng. Đến khi hỏi Trần Quốc Tảng thì được đáp lại rằng: “Thái Tổ là một ông lão làm ruộng mà thừa cơ dấy vận cũng có được thiên hạ”. Ông nghe vậy tức giận rút gươm kể tội Quốc Tảng: “Kẻ làm phản loạn là do ở đứa con bất hiếu”, toan giết con. Hưng Vũ Vương vội chạy tới van xin cha tha mạng cho Quốc Tảng, ông mới nguôi giận, nói rằng: “Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài lại mới cho Quốc Tảng vào”.
Hưng Nhượng Vương ra trấn giữ cửa Suốt, lập công chuộc tội khi quân Nguyên xâm lược lần thứ ba. Ông mất được dân chúng suy tôn là Đức Đệ Tam Phó Súy Đông Hải Đại Vương Trần Quốc Tảng, là Đức Ông Đệ Tam trong tín ngưỡng Trần Triều. Tương truyền ngày ông thác, trời mưa to gió lớn. Ông thấy phiến đá to bèn ngồi lên, đúng lúc nước dâng cao cuồn cuộn. Ông thác tại đó, sau khi ông mất trời yên bể lặng, trên phiến đá còn chiếc mũ đá. Dân chúng được ông báo mộng, đem mũ đá về lập đền thờ.
Đức Thánh Cả có đền thờ ở núi Bài Thơ (Hạ Long, Quảng Ninh), đền Đức Thánh Phó ở Cao Bằng, đền Đức Thánh Tam ở An Châu (Hải Dương), Cửa Ông (Quảng Ninh). Các Đức Thánh đều có bài vị thờ ở chính đền của phụ vương tại Kiếp Bạc (Hải Dương).
Tổng hợp