04/06/2021 11:50 View: 3233

Thất Sơn Thần Quyền: Môn võ kỳ lạ chỉ dùng bùa chú

Thất Sơn thần quyền là một chi phái trong võ công mật tông và lấy di nguyện của đức Phật làm tôn chỉ thực hiện võ học hành hiệp. Nhưng điều kỳ lạ trong môn phái này là không chỉ có quyền cước mà còn chuyên dùng thần chú để tạo uy lực siêu phàm

vo that son than quyen

Trưởng môn phái Thất Sơn Thần Quyền tại miền Bắc 

Không như các môn võ khác, phải tập luyện từ căn bản đến phức tạp, rèn các chiêu thức, đòn thế… Thất Sơn Thần Quyền hướng tới yếu tố tâm linh với những cách thức vô cùng kì lạ.

Lễ nhập môn Thất Sơn Quyền như… truyện kiếm hiệp

Theo lời kể của các đệ tử Thất Sơn Thần Quyền, không phải ai cũng có thể theo học môn này. Bởi người thầy sẽ quan sát và cảm nhận xem đệ tử nào thực sự có “thiên căn”, đó là những người đức, đạo và phải sở hữu niềm tin tuyệt đối vào môn phái thì mới truyền dạy.

Trong một số tài liệu ghi, thực chất các đệ tử đến với Thất Sơn Thần Quyền là do cái “duyên”, và họ học võ để nhằm mục đích tu thân. Khi đã đến với Thất Sơn Thần Quyền cũng là lúc các võ sinh đạt được những khả năng mà trước đó họ không bao giờ nghĩ tới.

Trong buổi làm lễ nhập môn, người thầy luôn phải đả thông huyệt đạo, khai mở kinh mạch giúp cho người học phát huy hết những tiềm năng sẵn có lâu nay bị bó hẹp. Trước khi đến nhập học, môn sinh phải khai báo tên, tuổi, quê quán. Sư phụ sẽ chọn một ngày tốt hẹn môn sinh đến làm lễ nhập môn.

Đầu tiên, môn sinh sẽ phải mang lễ vật bao gồm hoa, quả, bánh, kẹo, vài nén nhang và số lệ phí ít ỏi. Lễ nhập môn Thất Sơn Thần Quyền có thể khiến chúng ta liên tưởng tới những bộ phim kiếm hiệp. Khi nghi lễ bắt đầu, môn sinh sẽ dâng hương cùng lễ vật lên bàn thờ để tỏ lòng thành kính.

Tiếp đó, môn sinh đọc 9 lời thề của môn phái trước bàn thờ tổ.

  • 1- Hết lòng hiếu thảo với cha mẹ;
  • 2- Không phản thầy;
  • 3-Không phản bạn, xem bạn như anh em ruột thịt;
  • 4- Không phản lại môn phái Thất Sơn Thần Quyền;
  • 5- Không ỷ mạnh hiếp yếu;
  • 6- Không ham mê tửu sắc;
  • 7- Không cưỡng bách những người đàn bà đã có chồng con;
  • 8- Hết lòng làm việc nghĩa;
  • 9- Không phản đạo.

Cuối cùng, môn sinh ngồi xếp bằng ngay ngay ngắn trước bàn thờ, sau đó người thầy sẽ dùng hai bàn tay ấn vào lưng môn sinh nhằm đả thông huyệt đạo. Ngay sau khi được truyền nội lực, đả thông kinh mạch, các môn sinh sẽ được thầy trao cho một lá bùa và phải đốt để uống hết. Lúc này, môn sinh coi như chính thức trở thành người của phái Thất Sơn.

Tiếp đó, môn sinh giữ nguyên không được nói cười, rồi đi ngay ra sân bắt buộc phải tập quyền theo kiểu tự do nghĩ sao đánh vậy, đấm đá liên tục không nghỉ, chỉ khi nào hết sức mới thôi.

Thêm vào đó, đệ tử Thất Sơn thần quyền còn có niềm tin rằng nếu ra sức luyện tập, đến một lúc nào đó có thể luyện thành “thần quyền”, có sức mạnh siêu phàm “hô phong, hoán vũ”, có thể một đánh mười, thậm chí vài chục người. Chính niềm tin này đã thu hút rất nhiều người tìm đến học Thất Sơn thần quyền. Tuy nhiên, không phải đệ tử nào cũng có cơ duyên được ngộ  “thần quyền". Chỉ khi vượt qua được 9 lời thề ban đầu của người học, mới biết có cơ duyên tiếp tục tiến tới những tầng tiếp theo của võ công Thất Sơn hay không.

Xem thêm: Cách tự tính SAO - HẠN hàng năm đơn giản

Quá trình tu luyện võ Thất Sơn Quyền kỳ lạ

Do mang nặng màu sắc tâm linh, không nặng về kỹ thuật, nên các môn sinh Thất Sơn Thần Quyền ít khi phải tới võ đường để tập luyện, thay vào đó họ tự tập ở nhà mà không cần ai hướng dẫn. Có khi một tháng hoặc vài tháng, các môn sinh mới đến võ đường một lần nhằm để giúp thầy kiểm tra trình độ.

Theo một số nguồn ghi chép, các môn sinh phải thực hiện một số điều kỵ như không ăn thịt chó, cá chép… điều quan trọng nhất là không được lợi dụng võ công để làm điều ác. Nếu vi phạm lời thề thì nội lực sẽ bị suy giảm đáng kể hoặc bị đau bụng, nặng hơn là bị …“tẩu hỏa nhập ma”, mất hết công lực.

Các môn sinh Thất Sơn sẽ phải lập một bàn thờ riêng, thường được đặt ở một góc nhà để thờ cúng Đức Phật và các vị thần linh. Đặc biệt nhất, những người theo học môn võ này sẽ phải luyện tập ở những nơi vắng người, thậm chí là những nghĩa địa vào lúc nhá nhem tối hay sáng sớm không có bóng người qua lại. Thông thường, các đệ tử Thất Sơn sẽ bắt buộc phải tập lúc nửa đêm vào những ngày rằm, mùng 1 bất kể trời nóng hay lạnh.

Như một nguyên tắc, các môn đệ Thất Sơn trong quá trình tập luyện chỉ trao đổi về môn võ với người cùng môn phái và rất ít khi họ tiết lộ với những người “ngoại đạo”.

Cách trao đổi võ học trong nội bộ Thất Sơn Thần Quyền

Không giống các môn phái khác phải tập từ thấp tới cao, từ đơn giản tới phức tạp, quá trình tập luyện của môn Thất Sơn Thần Quyền hầu như cũng không gò bó trong một quy tắc nào.

Với những đệ tử có “thiên căn”, chỉ luyện tập nội công trong vòng 6 tháng đã dùng đầu đập vỡ cả đống gạch hoặc chai thủy tinh cứng – một điều mà các môn phái khác phải bỏ ra rất nhiều năm mà chưa chắc đã có kết quả. Các môn sinh Thất Sơn ngoài tập quyền cước, đấm đá còn tập bay nhảy, lăn lộn, công phá, thiền… Những người có trình độ cao hơn sẽ tập được khả năng chữa một số loại bệnh tật.

Với Thất Sơn Thần Quyền, ngoài tính kiên nhẫn, giỏi chịu đựng, lòng quyết tâm thôi là chưa đủ. Họ cần phải có niềm tin và phải có cơ duyên mới có thể đạt tới trình độ "thâm hậu".

Một thời nổi danh trong làng võ đất Việt

Mặc dù các môn đồ Thất Sơn thường thiên về lối sống và tập luyện “ẩn dật” và kín tiếng nhưng môn phái này cũng từng trải qua thời kỳ nổi danh ở làng võ đất Việt, vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước.

Thời kỳ đó, một bộ phận nhỏ của Thất Sơn Thần Quyền vì mong muốn hùng bá thiên hạ đã thường xuyên thách đấu để thượng đài với các môn phái khác. Trong đó có võ sư Hoàng Sơn, vốn nổi danh khắp miền Nam và đã có lần thượng đài với võ sĩ Kh’mer tên Nosar, nổi danh ở Campuchia. Tuy nhiên trong lần thượng đài đó, họ đã nhận ra nhau là đồng môn của Thất Sơn Thần Quyền nên lập tức hủy trận đấu.

Kể từ đó, rất nhiều võ sĩ nổi tiếng đương thời như Nguyễn Thành Diệp, Phùng Vũ Châu (Tư Tiếp), Nguyễn Giầu, Nguyễn Thọ, Nguyễn Thôi, Lê Đình Tây, Trần Văn Tủy, Lê Minh Nho, Sáu Rẩm, Hoàng Bá... Họ đã cùng nhau tham gia, khôi phục môn phái Thất Sơn Thần Quyền ở khu vực miền Nam, sau đó được lan ra các vùng lân cận.

Một thời gian sau, nhiều đệ tử Thất Sơn Thần Quyền đã tham gia vào các trận chiến trên võ đài. Trong đó có một trận đấu rất nổi tiếng giữa Hoàng Thọ (đệ tử của võ sư Hoàng Sơn) đấu với võ sĩ Tinor (môn phái Trà Kha) vào năm 1973 trong Đại hội Võ thuật tại Sài Gòn. Đây là trận đấu có kết cục bất ngờ nhất bởi trong khi Hoàng Thọ vốn chỉ là võ sĩ vô danh, lại gặp phải một “đại cao thủ” Tinor, vốn có biệt danh “cọp bay” và chưa biết đến thất bại là gì.

Bước vào trận đấu, Hoàng Thọ bị đối thủ tấn công liên tiếp với những đòn cước đầy uy lực, tưởng chừng không thể chống cự nổi. Nhưng ở vào thế chân tường, Hoàng Thọ tung mình đứng lên, mặt đỏ bừng, mắt trợn ngược, tay chân vung đánh loạn xạ không theo một chiêu thức nào. Hệ quả là võ sĩ Tinor bị trúng một cước, gục ngã bất động. Hoàng Thọ chiến thắng trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Kể từ đó, người ta phải nhìn Thất Sơn Thần Quyền bằng con mắt khác. Suốt một thời gian sau đó, môn phái càng phát triển rầm rộ. Nhiều trận thư hùng khu vực giữa các võ đường danh tiếng Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines đều có mặt võ sĩ Thất Sơn, với nhiều “cao thủ” được làng võ kiêng nể như Chín “cụt”, Thành “vuông”.

Thậm chí thời gian này, Thất Sơn Thần Quyền còn được truyền bá sang tận Nhật Bản, Ukraine… Tuy nhiên theo một số tài liệu, sau những thập niên 70 và 80 thì Thất Sơn Thần Quyền cũng dần đi vào thoái trào và những trận thượng đài cũng thưa dần. Cho đến ngày nay, hầu như người ta không còn thấy các đệ tử Thất Sơn Thần Quyền tham gia vào các võ đài nữa. Những “cao thủ” năm xưa cũng dần vắng bóng.

Hầu hết ở các sự kiện của võ cổ truyền nói riêng và võ thuật nói chung trên cả nước, người ta cũng không còn thấy sự xuất hiện của Thất Sơn Thần Quyền.

Chính vì thế ngày nay những gì là tinh hoa nhất, đặc sắc nhất của Thất Sơn Thần Quyền vẫn chỉ như một tấm màn nhung đầy bí ẩn và không dễ để có thể giải đáp một cách trọn vẹn.

Theo Đại lộ