04/06/2021 11:50 View: 1417

Hồi ký tâm linh: Anh Năm sư huynh (Tập 7)

Sáng sớm hôm sau anh Năm vội chạy lại để mời Sư Phụ và Tứ Sư Thúc đi uống cà phê, dĩ nhiên là có cả chú Út theo nữa.

Khi mọi người ăn sáng xong, qua phần... nhâm  nhi cà phê thì có một anh tướng rất bự con và còn cao hơn anh Năm, chạy xe Honda vào đậu trước cửa quán.

anh nam su huynh 7, that son than quyen

Anh ta mặc bộ đồ lính và với bộ nặt nghênh ngang, đậu chiếc xe mà hất cái chân chống nghiêng mạnh đến nỗi xô chiếc xe của anh Năm ngã xuống.

Sợ chảy xăng, ngay lập tức anh Năm chạy ra đỡ chiếc xe của mình lên, và vì chỗ trước cửa hơi chật, nên anh Năm đã đụng nhẹ vào vai anh lính đó. Lập tức anh lính xổ ra một hơi các câu mà nếu người lịch sự nghe được sẽ phải ngứa tai, còn các cô mà nghe thì đỏ mặt:

-“Đ.M. bộ mày đui sao mà đụng dzô tao dzậy ?”

Anh Năm dằn lòng nói nhỏ:

-“Dạ...dạ..xin lỗi...anh...”

Thấy Anh Năm xuống nước nhỏ, anh chàng kia càng làm dữ, dường như muốn cho mọi người trong quán biết ta đây là “anh hùng” thứ thiệt:

-“Đ.M. mày biết tao là ai hông? Đ.M. mày cà chớn hả ? Mày ngon mày ra sân đi, tao đập cho mày một trận.!”

...Nếu hai ngày trước mà anh Năm gặp thế này, thì chắc là chỉ sau câu nói đó, anh Năm sẽ ra một chiêu để anh chàng kia đủ... bay ra khỏi quán, cùng lúc với vài cái răng sẽ rủ nhau... giã từ ...cái miệng!

Nhưng anh Năm chợt thấy lòng mình thật bình thản, và xem anh chàng này có vẻ đáng thương quá, vì anh ta to xác, nhưng cái đầu trống rỗng, đang làm trò cười cho mọi người trong quán mà lại cứ ngỡ mình là một anh hùng!

Hơn nữa, anh Năm nhớ lời Thầy dặn, gặp chuyện, luôn luôn phải nhịn 3 lần, và không bao giờ được ra tay trước, trừ trường hợp giúp kẻ thế cô bị người ta vây đánh ! Do đó anh Năm cười hoà hoãn nói:

-“Dạ...dạ...em xin lỗi đại ca, đại ca đừng nóng, cho em mời đại ca vô uống cà phê luôn nghen?”

Anh chàng kia thấy anh Năm cười hiền quá, nên nói:

-“Đ.M. mày nói vậy nghe được đó, tao bỏ qua cho!.”

Nãy giờ ai ai trong quán cũng lo xảy ra chuyện đánh lộn, có người vội hớp hết tách cà phê rồi tính tiền dzọt mất, có người thì cố quào quào lùa phở hay hủ tíu cho nhanh để kịp đi trước khi lộn xộn, bi giờ nghe vậy, ai ai cũng thở phào nhẹ nhõm, nhưng lúc ấy, chú Út đã tiến lại, chú cũng cười cười nói:

-“Dạ đại ca, anh em hông mà... nóng cái gì, mời đại ca vô bàn ngồi uống cà phê chung cho dzui nghen ?”

Thế là “người hùng” hiên ngang bước thẳng lại cái bàn mà ông Thầy và Tứ Sư Thúc đang ngồi, hắn không thèm chào hỏi ai hết, chỉ hất hất cái cằm một cái, rồi ngồi phịch xuống cái ghế cạnh Ông Thầy, miệng oang oang gọi:

-“Ê, chủ quán, Đ.M. cho một ly “Tài Phé Nại” đi .” (Tài Phé-Nại là ly cà phê sữa lớn)

Phần Ông Thầy và Tứ Sư Thúc vẫn tiếp tục câu chuyện đang dở dang nói về giống dừa Lùn, trái ngọt mà hai người vừa kiếm được, định trồng ở sau vườn, coi như không có anh chàng vô duyên trước mặt.

Có lẽ thấy mình hiên ngang đến vậy mà hai anh chàng... “thư sinh” trong bàn lại không để ý đến mình, nên anh lính bèn nhìn vào Ông Thầy mà nói:

-“Chà !, tướng anh coi thư sinh, ốm yếu thấy mồ mà cũng bầy đặt nói chuyện làm vườn !”

Ông Thầy ngửng mặt lên nhìn anh lính, Ông cười nói:

-“ Chú em nói tui hả? Chú lầm rồi ! Tui coi dzậy ốm mà ...yếu lắm, hơn nữa, chưa có mặt nào ngán mặt này đó nghen !”

Tất cả mọi người trong bàn đều cười rộ lên, trong khi anh lính ngẩn tò te hiểu không kịp !

Vì thời điểm lúc đó, trong Nam, thường có câu mà các “Dân Anh Chị Giang Hồ” hoặc người mới học được chút ít võ thuật vỗ ngực nói:

-“Tui coi ốm ốm chớ hổng yếu xìu đâu !”

 Và phổ thông hơn là các “người hùng” thường tự lấy tay chỉ vào mặt mình mà nói:

-“Coi kỹ nghen, mặt này chưa từng ngán mặt nào !” hoặc nói như:

-“Tụi bay chưa biết mặt tao hả? coi kỹ nghen, cái bản mặt nào cũng ngán mặt này !”

Nhưng ở đây, Ông Thầy đã nói diễu...ngược lại là:

-“.. chưa có Mặt nào ngán Mặt này...”

Và vì trong anh em đồng môn thường dùng cái lối nói diễu đó, nên nghe xong là ai ai cũng cười. Còn anh lính thì cứ nghĩ là Ông Thầy nói kiểu vỗ ngực xưng tên nên anh ta sừng sộ ngay:

-“Cái gì ? Anh nói anh ngon hả ?”

Ông Thầy cười tiếp:

-“Tui nói tui ngon hồi nào đâu?

Rồi Thầy trầm giọng nói chậm rãi:

-“Tui nói: Chưa có, Mặt nào, ngán, Mặt này, mà !”

Mọi người lại rũ ra cười nữa, nhưng Ông Thầy đã chỉ vào chú Út và nói;

-“Đây nè, có chú em này nhỏ tuổi, nhỏ con nhứt ở đây, vậy mà mạnh lắm !”

Khi anh lính quay mặt nhìn chú Út, thì Thầy nói tiếp:

-“Ê, Út, biểu diễn một cái đi !”

Chú Út lặng người, không biết phải làm gì, vì đây là lần đầu tiên, tự nhiên Sư Phụ lại nói mình biểu diễn trước người lạ, và trong Quán Cà phê nữa. Trong khi, thường ngày, mọi chuyện biểu diễn Võ Thuật hoặc Huyền thuật, đều bị nghiêm cấm ! Chú ngần ngại hỏi:

-“Anh Hai, sao kỳ dzậy ? Anh nói thiệt hay nói chơi ? mà anh biểu em làm gì bi giờ đây ?”

Ông Thầy nghiêm mặt đáp:

-“Coi dzậy mà Duyên đó ! Hiểu hông ? Anh lính này khi không xuất hiện, là một thử thách cho chú Năm, mà chú Năm đã vượt qua được rất tốt. Bi giờ lại ngồi chung bàn với tụi mình, kể ra cũng có Duyên lớn ! Nên Anh Hai cho chú biểu diễn một chút...”

Nói đến đây, Ông Thầy chỉ chỉ vào cái tô hủ tíu mà chú Út đã ăn... sạch sẽ trước mặt, và nói tiếp:

-“Úp cái tô lại, làm nhè nhẹ trên bàn cho anh lính này coi đi, mấy bàn khác hổng thấy đâu !”

Lúc đó, cả anh Năm và anh lính đều ngạc nhiên, không hiểu chú Út sẽ làm gì, nên đều chăm chú nhìn, chỉ riêng chú Tứ Sư thúc là thản nhiên, ...ngáp ruồi, vô tư nhâm nhi cà phê và nhìn ra ngoài đường...ngắm cảnh !

Chú Út vì thuận tay Mặt, nên lấy tay lập úp cái tô lại trên bàn, và chú nhìn Ông Thầy dò hỏi... Thầy khẽ nói ngay:

-“Ê, hổng được dùng tay Mặt nghen, dùng tay trái chặt nhẹ xuống là đủ rồi !” 

Chú Út chợt hiểu, nên vừa cười toe, đã vội nghiêm mặt lại, chú nhìn cái tô (Tiệm Hủ Tíu “Bình Dân” dùng loại tô mà người Nam gọi là “Tô Đá”, dầy cui, rẻ tiền, khó vỡ !) còn đang nhìn chăm chăm, thì có tiếng Ông Thầy nói với anh lính:

-“Coi nè, coi nó làm nè...rồi !”

Tiếng “rồi” vừa xuất ra thì tự động tay trái của chú Út cũng vừa chặt xuống cái đít tô, nhẹ nhàng, nhưng đủ để nghe cạch một cái, cái tô đá vỡ ngay làm hai mảnh!

Chú Út khoái chí cười toe toét khi thấy mình bỗng có... “Nội lực” kinh hồn !!!, Còn với anh lính thì đây lại là một dấu hiệu khiêu khích, nên anh ta đỏ bừng mặt, chống tay xuống bàn, dợm người đứng lên. Nhưng vì Ông Thầy, ngồi bên cạnh, phía bên trái của anh lính, ông đưa tay đặt lên vai anh lính và nói:

-“Chú ngồi im, chú nhỏ này là đệ tử của tui đó, hổng có gì đâu.”

Bên kia cạnh bàn, anh Năm cũng đã chuẩn bị... sẵn sàng xuất chiêu để đón phản ứng của anh lính, thì chú Tứ Sư Thúc bỗng ghé vào tai anh Năm mà nói nhỏ:

-“Rồi, ảnh ra chiêu điểm huyệt rồi, chú mày thấy bàn tay anh Hai đặt trên vai thằng kia hông ? ngón cái của ổng đang ở chính giữa xương bả vai, đó là huyệt Thiên Tông, mà trước khi đặt tay xuống đó, Anh Hai đã dùng ngón trỏ đưa qua điểm vào huyệt Phong Trì một cái rồi...”

Nói đến đây, Chú Tứ Sư Thúc, nhìn thẳng vào mặt anh lính và nói tiếp, đủ để mọi người trong bàn cùng nghe:

-“Bây giờ bảo đảm là chú mày thấy bả vai tê nhói, và và nửa người bên trái xuống tới chân, hổng còn miếng sức nào nữa. Chú mày có muốn đứng lên cũng hổng được phải hông ?”

Anh Lính vừa tức, vừa sợ tái mặt, trên trán anh đã bắt đầu đổ ra những hột mồ hôi lấm tấm, từ từ đọng lại và lớn dần lên như hột tiêu. Anh ta nhìn hết người này đến người kia mà ngạc nhiên -  Họ, những người trông rất bình thường, sao lại có thể chặt nhẹ một cái bể cái tô, và chỉ vỗ vai mình một cái là tê cứng cả người ???

Có lẽ thông cảm được nỗi băn khoăn đó, nên anh Năm cười hì hì nói:

-“Tại chú mày hổng biết, chứ anh Hai đây là Sư Phụ của tụi này, đây là Tứ Sư Thúc, mà chú em nhỏ tuổi này lại là “Sư Huynh” của tui đó. Tụi tui biểu diễn một chút cho chú mày thấy, sau này đừng ỷ mình bự con mà ăn hiếp người khác nữa nghen.”

Nói xong, để tỏ sự thân thiện như an ủi anh lính tội nghiệp đó, Anh Năm, ngồi bên phải của anh lính, nên anh đưa tay ra vổ vỗ vài cái vào vai anh lính. Không ngờ anh Lính quay lại anh Năm và cung tay xá xá anh Năm, đồng thời anh lính nói:

-“Trời trời, tui thiệt bậy quá, hổng biết mấy đại ca ở đây, cho tui bái đại ca một cái xin lỗi, bái thêm một cái cám ơn đại ca đã giải Huyệt cho tui,...”

Nói đến đây anh lính cung tay bái từng người trong bàn và tiếp:

-“Sư Phụ, em hổng biết, cho em xin lỗi Sư Phụ và xin mấy huynh đây bỏ qua cho... Xin lỗi, xin lỗi... Dạ em xin chào, em đi..”

Nói xong anh lính luống cuống vội vàng đứng dậy, tiến lại quầy tính tiền của chủ quán, thì Ông thầy đã nói vọng lại:

-“Thôi, chú mày đi đi, ly cà phê đó, tụi tui tính tiền trả chung cho.”

Anh lính thì gân cổ nói với chủ quán:

-“Hổng được, nguyên cái bàn đó, ăn uống bao nhiêu, tính đi, tui trả hết !”

Câu nói oang oang đó làm mọi người trong quán ai ai cũng ngạc nhiên, vì mới lúc nãy, anh lính sừng sộ nghênh ngang, hổng biết tại sao bi giờ lại trở nên quá lịch sự đòi trả tiền cho nguyên bàn nữa...

Người khoái chí nhất, có lẽ là Ông chủ quán người Hoa, ông ta cười hè hè nói:

-“Hầy dà, hầy dà, Lại Ca tốt quá, có lòng quá, trả tiền hết chọi thiệt hả, cám ơn cám ơn, bữa khác cái Nị tới, Ngọ sẽ làm Hủ tíu lặc piệt cho cái Nị ăn nghe.”

Anh Lính trả tiền, khi ra ngồi rồ máy xe, anh ta còn cung tay về phía bàn của ông Thầy, kính-cẩn cúi đầu xá xá vài cái rồi mới dzọt đi...

Anh Năm thì hãy còn ngẩn ngơ nhìn cái bàn tay của mình, hổng lẽ mình vỗ một cái mà giải được Huyệt sao, mà mình nào có biết Huyệt gì đâu...?

Có tiếng chú Tứ Sư Thúc giải toả cái thắc mắc đó của anh Năm:

-"Hổng phải chú mày giải Huyệt gì đâu, anh Hai chỉ điểm nhẹ thôi, hù cho thằng đó sợ mà. Nó chỉ có cảm giác tê bại đó qua hai phút thôi là tự động hết..."

Nói đến đây, chú Tư quay sang hỏi Ông Thầy:

-"Anh Hai, bộ cái thằng đó cũng có Duyên hả ?"

Anh Hai trả lời:

-"Ừ, nó coi lỗ mãng như vậy, chớ tánh nó thật thà tốt lắm, tại đi lính, tối ngày ở quán xá nhậu nhẹt, đánh lộn đánh lạo nên nói năng dữ dằn quen miệng. Tui thấy nó mà theo mình học, thì sẽ trở thành người tốt dễ dàng...

Nói đến đây, Ông Thầy trầm ngâm một chút rồi lại tiếp:

-"Mấy chú chờ coi, hồi nãy nó nói anh thư sinh ốm yếu làm gì mà trồng dừa ? Khẩu nghiệp đó của nó, hổng bao lâu, chính nó sẽ tới trồng một hàng hừa lùn cho anh đó....ha..ha..ha..."

-------------

Đọc trọn bộ: (Tập 1)            (Tập 2)               (Tập 3)                  (Tập 4)                         (Tập 5)

(Tập 6)                 (Tập 7)                    (Tập 8)

Tác giả Thày cư sĩ Atoanmt.

Ma