04/06/2021 11:50 View: 1226

Hồi ký tâm linh: Anh Năm sư huynh (Tập 4)

  Anh Năm hỏi:

-“Vậy thì Ông Sư này hay thiệt...nhưng Sư Phụ của chú có biết Ổng hông?”

anh nam su huynh 4, that son than quyen

Út cười:

-“Biết chớ, vì tui có mấy ông sư huynh nhà cũng ở gần Chùa, mấy ổng rước Sư Phụ xuống hoài, nên thỉnh thoảng cũng có ghé Chùa thăm Ông Sư đó... Nhưng có điều, hễ mỗi lần có Sư Phụ tui, là Ông Sư biểu xẻ dưa sai hết ráo... nên Ông Sư thường nói:

-“Ông cao quá, tui coi hổng thấu!”

Còn Sư Phụ thì cười cười đáp:

-“Tại thấy Sư vui tánh, nên tui cũng giỡn cho vui vậy mà, cao gì mà cao.....ha ha..ha..”

Anh Năm vừa cười nhăn nhó, vừa liếc nhìn đồng hồ:

-“Chít cha, vậy là hồi nãy tao nói bậy bạ... kẹt rồi, bi giờ gần trưa mà hổng thấy Sư Phụ dzìa, thôi tụi mình quay lại nhà của Ổng mới được.!”

Chú Út:

-“Dậy sao, anh thấy ngán rồi hả? Chưa đâu, vô học rồi còn thấy nhiều cái hơn nữa đó anh Năm.”

Khi cả hai quay lại nhà Ông Thầy, anh Năm thấy “Bà Thầy” đang ngồi may áo trên cái bàn máy may nhỏ cũ xì. “Bà Thầy” nói ngay:

-“Ổng chưa dzìa mấy chú ơi, mà hổng biết tới chừng nào ổng mới dzìa nữa....”

Anh Năm lúng túng gãi đầu nói:

-“Dạ...dạ chị Hai...thiệt ra tui có chuyện ngặt nghèo lắm, rất mong được gặp Sư Phụ bữa nay, cầu giúp đỡ... Kẹt hồi sáng lỡ ăn hủ tíu mà trễ...bi giờ, chị Hai làm ơn làm phước coi có cách nào liên lạc cho ổng dzìa không chị Hai...?

“Bà Thầy” cười nụ cười chất phác nói:

-“Tui thiệt tình hổng biết làm sao mà giúp mấy chú... Ổng đi tùm lum, ai biết đâu mà kiếm... tui thì hổng biết phép tắc gì, chớ Ổng muốn kêu ai, Ổng chỉ đốt 3 cây nhang lên, lầm thầm một chút là thế nào người đó cũng tới trong ngày...”

Anh Năm mừng rỡ nói:

-“Hay chị Hai cũng đốt nhang rồi vái Ổng dìa đi...”

“Bà Thầy”:

-“Đốt nhang thì được rồi, nhưng phải biết câu chú kêu dzìa mới được chớ! Mà tui có biết chú phép gì đâu ...”

Lúc đó, bỗng chú Út xen vô:

-“Được rồi, tui có một câu chú, câu “Triệt Người về” vậy để tui đốt nhang nghen chị Hai?”

Chị Hai nghiêm mặt lại nói:

-“Cái chuyện Ổng dạy mấy chú, tui hổng biết, chú muốn làm gì thì làm, làm sao mà bị Ổng la thì ráng chịu !”

Chú Út cười hì hì:

-“Hổng sao đâu chị Hai, tui nhớ rõ câu chú mà, hơn nữa, tui học câu này mà chưa xài lần nào, sẵn bữa nay, tui làm làm thử coi có “linh” hông...?”

Thế là Chú Út thắp hương lên tất cả các bàn thờ trong nhà Sư Phụ, rồi chú chắp tay nhắm mắt, miệng lâm râm niệm chú... Anh Năm và “Bà Thầy” đứng một bên theo dõi.

Bỗng người chú Út lảo đảo, rồi chú Út quỳ cái “bụp” xuống nền nhà, y như bị ai đạp cho một đạp vào lưng, chú đập đầu binh binh một hơi 3 cái rất nhanh xuống đất.

Anh Năm còn đang ngạc nhiên thì “Bà Thầy” đã rối rít la lên:

-“Rồi rồi, niệm bậy bạ bị phạt rồi... Để tui đốt nhang xin mới được.”

Vừa nói, “bà Thầy” vừa nhanh nhẹn thắp hương và vái lạy. Lập tức chú Út bên kia cũng dập đầu lạy, nhưng lần này lạy nhẹ nhàng chứ không mổ bụp bụp như lần trước. Xong chú Út bước ra ngoài, mặt đỏ bừng, tay xoa xoa cái trán còn đỏ ửng và sượng sùng nói:

-“Kỳ quá, tui mới niệm hai chữ đầu của câu chú là liền bị “mấy Ổng” đạp cho một đạp, rồi nghe như ai nói: “Tên này hỗn thiệt phạt nó 3 lạy” tui hổng hiểu ra sao cả...”

 Anh Năm hỏi:

-“Thiệt sao Út, mày nghe có tiếng người nói thiệt hả?”

Chú Út trợn mắt:

-“Tui nghe rõ ràng mà !”

Nghe chú Út nói xong, anh Năm lẳng lặng tiến đến trước bàn thờ, anh quỳ xuống, chắp tay và nhắm mắt một lúc, anh kính cẩn bái lạy rồi bước ra sân.

Chú Út tò mò hỏi:

-“Anh vái cái gì dzậy?”

 Anh Năm cười nghiêm nói:

-“Tao thấy linh thiệt, coi chú mày quỳ cái bụp như bị ai xô vậy, nên tao đến thắp nhang tạ lỗi, và đồng thời cũng xin Chư Vị có linh thì giúp tao lòng thành cho được gặp Sư Phụ bữa nay... Vậy 2 đứa mình chỉ còn nước...ngồi đồng ở đây chờ luôn tới chiều nghen...?”

Đằng trước và sau nhà Sư Phụ đều có sân, vườn rộng rãi, nhất là sau nhà, có rất nhiều cây dừa cao, nên “Bà Thầy” nói:

-“Mấy chú ra sau vườn cho nó mát, ra ngoài đó chờ “cầu may” coi Ổng có dzìa hông, chú nào biết leo dừa, thì cứ leo bẻ dừa tự nhiên nghen, dừa cao, mà trái ngọt lắm. ”

Thế là hai anh em lủi ra sau vườn, chú Út đi vòng vòng ngắm nghía chọn dừa xong rồi leo như khỉ, thoăn thoắt bẻ dừa. Khi chú Út còn đu đưa trên cây, thì có tiếng xe Honda ngừng phía trước, anh Năm mừng rỡ vội đi ngay ra… Anh thấy một thanh niên dáng nho nhã như một thư sinh và cũng khoảng tuổi mình vừa ngừng xe trước cổng, anh không biết là ai, nhưng nghĩ chắc anh này cũng là học trò gì đó, nên anh Năm khẽ gật đầu chào. Chàng thanh niên mới đến, vừa dựng chiếc xe Honda Dam cũ mèm xong, quay lại hỏi anh Năm:

-“Chú em tới kiếm Thầy hả?”

-“Dạ tui kiếm Thầy Hai...”

-‘Dzậy vô nhà ngồi đi.”

 Anh Năm còn đang ngỡ ngàng thì bà Thầy đã chạy ra và nói:

-“Ổng dzìa rồi hả, hên thiệt, tội nghiệp chú này và chú Út tới kiếm ông từ hồi sáng tới giờ đó... à để tui ra sau vườn biểu chú Út bẻ thêm dừa cho ông uống nghen’. Nói xong là bà Thầy biến vào sau bếp luôn.

Anh Năm gãi gãi đầu nói:

-“Vậy thầy là Thầy Hai ? sao mà tui thấy trẻ quá...”

-“Ừ tại tui hổng biết lo nên lâu già, chú em tuổi con gì?”

-“Dạ tui tuổi con...”

-“Dzậy sao, dzậy tui lớn hơn chú tuốt cả con giáp một khúc lận”

-“Trời, Thầy coi trẻ quá...”

-“Thôi chú kêu tui là anh Hai được rồi, đâu chú nói cho tui nghe chuyện gì mà tới đây đi.”

Anh Năm mừng rỡ vội kể đầu đuôi câu chuyện của sư phụ dạy thiếu lâm và tên Cảnh phản Thầy ra cho anh Hai nghe. Nghe xong, anh Hai nói:

-“Vậy chú muốn học để ít bữa nữa lên đấu võ đài ? Mà từ hồi nào tới giờ, tui dạy học trò, không có cho một đứa nào lên võ đài cả...”

Anh Năm nghe vậy thì luống cuống, mới hả miệng, chưa kịp nói (vì ảnh cà-lăm, nên nói chậm...) thì Anh Hai đã tiếp:

-“...Nhưng tui hồi nãy thấy chú Năm kể về Sư Phụ mà còn ứa nước mắt, xét ra thấy chú em cũng có cái Tâm “Tôn Sư Trọng Đạo” nên được rồi, tui sẽ dạy cho để gỡ danh dự cho Thầy. Chỉ có đều, trước khi dạy chú, tui cho chú biết là coi vậy mà học “bên này” khó lắm....” 

Anh Năm vội nói:

-“Dạ, dù khó cỡ nào tui cũng sẽ ráng mà anh Hai..”

-“Phải Thề giữ Ngũ Giới cấm như sau: 

KHÔNG LỪA THẦY PHẢN BẠN
KHÔNG TÀ DÂM TỬU SẮC
KHÔNG GIAN THAM TRỘM CƯỚP
KHÔNG SÁT SANH, HẠI VẬT
KHÔNG NÓI DỐI HẠI NGƯỜI,

Đồng thời cũng phải ăn chay ít nhất một tháng hai ngày. Trong ngày chay đó, chẳng những không Làm Ác, không Nói Ác, mà còn không được Nghĩ Ác nữa... có giữ như vậy thì mới đúng nghĩa là ngày Ăn Chay..."

-“ Dạ tui sẽ ráng giữ được mà...”

Thầy Hai trầm ngâm một chút, rồi xoè bàn tay bấm bấm các lóng tay, Thầy khẽ lắc đầu, làm anh Năm hơi lo, nhưng vẫn im lặng quan sát... Một lúc sau thầy Hai nói:

-“ Được rồi, tui sẽ dạy cho chú em, nhưng tui đã tính là sau khi chú học tui, chú sẽ bị nhiều khổ nạn trong vòng 3 năm đó. Đó không phải vì theo Môn Phái mà bị nạn đâu. Đây là “nghiệp” riêng của chú đã tạo từ hai năm trước, chú đã vô tình đánh chết người !!! Thay vì “nghiệp báo” sẽ kéo ra 10 năm sau, nhưng nay có duyên với tui, theo học, thì chú sẽ trả “nghiệp” sớm hơn, và trả nhanh hơn. Nhưng tui phải nói cho chú biết, chịu được thì học. Sợ chú không hiểu, thấy sau khi theo học mà sao lại bị xui quá, rồi oán trách bậy bạ, mang thêm “khẩu nghiệp” nữa... chú hiểu ý của tui không ?”

Anh Năm lặng im ngẫm nghĩ những lời nói của Ông Thầy, anh nhớ lại chuyện mình đấu trên sân Tinh Võ năm nào, sau đó đối thủ của anh về nhà bị chấn thương sọ não mà chết. Anh toát mồ hôi lạnh, nhìn lại Ông Thầy có bộ mặt trẻ măng đó, bất chợt anh bắt gặp ánh mắt của Ông, Một ánh mắt phát ra những tia sáng trắng, chói lọi, đến nỗi anh cảm thấy mắt của mình khó chịu, y như mình nhìn thẳng vào ánh nắng mặt trời, anh Năm bừng hiểu, và có một chấn động nào đó trong nội tâm khiến anh quỳ mọp xuống, dập đầu sát đất, anh lạy Thầy, bằng cả một sự vừa cung kính vừa nể sợ.

Có tiếng Ông thầy vang lên:

-“Ủa, chú mày làm cái gì kỳ vậy? Thôi ngồi lên đi, khi không mà lạy tui mần chi, bộ muốn làm tui tổn thọ sao?”

Vừa lúc có tiếng chân của bà thầy và tiếng cười oang oang của chú Út từ sau vườn bước vào, nên anh Năm vội ngồi lên.

Chú Út vừa cười vừa bưng ly nước dừa trao cho Thầy và nói:

-”Anh Hai, anh đi uống càphê ở đâu mà kỹ quá, tụi em chờ mệt xỉu luôn... Anh uống nước dừa đi, em mới bẻ sau vườn... ”

Ông Thầy nghiêm nghị nhìn chú Út rồi nói:

-“Hồi nãy, ai biểu chú mày đốt nhang niệm chú dzậy?”

Chú Út... hết cười:

-“Dạ... tại em thấy anh Năm đang kẹt quá, mà sợ Sư Phụ đi xa tới mai mới dzìa, nên em mới niệm chú “Triệt người về” để xin cho Sư Phụ dzìa nhà cho sớm...”

Ông Thầy hỏi:

-“Rồi sao?”

Chú Út gãi tai cười cười:

-“Thì linh quá, nên bi giờ Sư Phụ dzìa rùi đó !!!”

Ông Thầy lắc đầu nói:

-“Chú mày thiệt bậy bạ, tao dzìa là tại câu van vái năn nỉ của chú Năm này, chớ đâu phải do chú mày đọc câu chú “Triệt người về” ? ...mà Chú mày có bị Hộ Pháp đánh không ?”

Chú Út xệ mặt xuống... hết cười:

-“Dạ có, con bị một đạp té chúi nhủi luôn...mà sao kỳ dzậy Sư Phụ ?”

-“ Chú mày hiểu chữ Triệt là gì không? Chú mày chỉ có thể dùng đối với người ngoài môn phái, mà dùng cũng giới hạn, không dùng bừa bãi. Còn trong môn phái, không thể dùng với những người cao vai vế hơn mình. Nhất là dùng đối với Sư Phụ thì là phạm thượng ! hiểu chưa ? Mà hồi đó, ai chỉ cho chú mày câu chú đó vậy ? Sao lúc chỉ mà không dặn gì hết ?”

Chú Út gãi đầu rồi xá dài:

-“Dạ, cho em xin lỗi Sư Phụ...bài chú đó là chú Tư dạy em”

Ông Thầy lắc đầu, tiếp:

-“Lại chú Tư nữa, cái thằng này ẩu tả quá... Thôi, tối nay về nhà cúng và nhớ sám hối là được rồi...mấy đứa phải luôn luôn nhớ rằng dùng Mật Chú, phải cẩn thận và giới hạn, không phải đụng một chút là lấy ra dùng bừa bãi đâu nghen.”

Anh Năm và chú Út liền “dạ” và anh Năm hỏi ngay:

-“Dạ, anh Hai, còn em bi giờ phải làm gì ? Vì tính ra còn có 5 ngày nữa là tới ngày thằng Cảnh thách đấu ... Em lo quá.”

Ông Thầy trầm ngâm một chút rồi nói;

-“Được rồi, chú em nói chú Út chép cho một bài chú, “Pháp Danh, Hội Thượng Phật”, cũng không dài lắm, chỉ có một trang giấy thôi, và một trang Giới Cấm, về nhà học thuộc lòng. Trưa mai mua lễ vật: Hương, Hoa, Trà, Quả đến đây Thầy làm lễ nhập môn cho. Thôi hai đứa về đi và ráng học bài chú sao cho trưa mai phải thuộc lòng nghen.”

-------------

Đọc trọn bộ: (Tập 1)            (Tập 2)               (Tập 3)                  (Tập 4)                         (Tập 5)

(Tập 6)                 (Tập 7)                    (Tập 8)

Tác giả Thày cư sĩ Atoanmt.

Ma