04/06/2021 11:50 View: 1751

Hồi ký tâm linh: Anh Năm sư huynh (Tập 1)

Sau 1975, một hôm trong khi tôi đang ở nhà Sư Phụ, thì có 1 anh bước vào nhà, dáng vẻ như 1 nông dân miền Nam chất phát, kính cẩn cung tay kiểu các võ thuật gia

anh nam su huynh 1, that son than quyen

Ảnh minh hoạ (Nguồn Read a)

Bàn tay phải anh ta nắm lại, tay rái xòe ra ôm nắm tay phải và chào bằng giọng nói cà lăm:

- Dạ, em kính…kính… chào Anh Hai, kính…kính… chào mấy em…

Thầy tôi cười cười nói:

-“Bộ bị Vợ đuổi nữa sao mà giờ này lại tới đây?”

Anh ta lúng túng gãi gãi đầu và đáp:

-“Dạ…phải…tại…tại… Vợ đuổi nên em dzọt qua Anh Hai”

(Tưởng cũng nên nói sơ đến các bạn là: Sư Phụ của Môn Phái mình dặn tất cả các Đệ Tử gọi Ổng là “Anh Hai”, như vậy ngoài đời không ai để ý, nhưng khi có điều gì phải viết Thư, thì trong trang đầu tiên phải gọi Ổng là “Sư Phụ” hoặc Thầy. Vì thế, anh em chúng tôi, ai cũng đều gọi Thầy là “Anh Hai” cả.)

Thấy tôi nhìn như có vẻ băn khoăn, Thầy cười nói:

-“Đây là “Chú Năm” sư huynh của chú mày đó, còn đây là “Chú Toàn” sư đệ của chú mày…”

Anh Năm lại 1 lần nữa cung tay vái chào tôi, khiến tôi lúng túng, vì không quen kiểu bái chào đó, nhưng cũng đành cung tay xá lại. Lúc đó, Thầy tôi nói tiếp:

-“Vợ đuổi, chắc bị bỏ đói rồi, thôi sẵn buổi, mấy tụi nhỏ đang dọn cơm kìa, chú Năm ngồi ăn chung luôn đi.”

Anh Năm đáp”

-“Dạ, nó hổng bỏ đói em, nhưng…nhưng..tại…tại nhà hết gạo!, nên nó đuổi em!”

Các bạn biết không, thời-điểm sau 1975, lúc đó xã hội cưc kỳ khó khăn về kinh tế, đại đa số là nhà nghèo, và tôi biết chắc là nhà của Sư Phụ mình thường thường mua gạo từng “lít” một, vì thế, bữa cơm hôm đó, tôi chỉ ăn qua loa 1 chén cơm lưng lưng rồi làm bộ nói là mình mới ăn sáng ở Sài Gòn, nên còn no. Thực sự, tôi sợ không đủ cơm vì tôi thấy có thêm anh Năm mới vô ăn nữa. Nhưng không ngờ, sau khi ăn cơm xong, thầy nói:

-“Ê ! Chú Năm mày về nhà đi, bi giờ tới phiên tao đuổi chú mày!”

Anh Năm gãi gãi đầu nhăn nhó nói:

-“Anh Hai nói…nói… chơi hay nói thiệt?”

-“Tao nói thiệt chớ nói chơi cái gì! Cái xe đạp của chú mày dựng đằng trước bi giờ có thùng gạo cột lên rồi đó, thôi mau đem về cho vợ con ăn đi!”

Tôi và anh Năm cùng ngoảnh đầu nhìn ra cửa: Đúng vậy, trên sau xe đạp của Anh Năm đã cột 1 thùng thiếc vuông, (loại thùng “Dầu Lửa” hồi đó, mà sau này mọi người thường dùng để đựng gạo).

Không hiểu thời gian chỉ trong một bữa cơm mà Chị Hai xoay sở làm sao đã đi mượn được của hàng xóm cả một thùng gạo, rồi âm thầm đem cột lên chiếc xe đạp từ lúc nào rồi. Thực là chuyện không ngờ! Và Tôi lẳng lặng vừa xót xa, vừa thấy thương quý gia đình Thầy của mình vô cùng…Vì tôi biết, nhà Thầy tôi lúc đó nghèo lắm, chuyện giúp anh Năm hôm nay, phải nói là… “Lá rách đùm lá nát !!!”. Tôi bắt được cái ánh mắt vui mừng của anh Năm, lẫn với sự xúc động của anh. Anh vội cung tay vái chào, cám ơn Thầy rồi ra đạp xe đi ngay.

Tò mò, tôi hỏi Thầy:

-“Anh Hai à, Anh Năm này coi tướng tá bự con khỏe mạnh quá, sao lại bị vợ đuổi vậy?”

Thầy đáp:

-“Tội nghiệp ! Nó đang bị hành phạt đó, còn thêm 2 năm nữa mới hết.!”

Thấy tôi nhìn Thầy bằng ánh mắt ngạc nhiên, thầy tiếp:

-“Chú Năm này, trước khi theo học Thầy, đã học qua nhiều phái võ, có lần thượng đài trên sân Tinh Võ, Chợ Lớn đã đánh gục một người, người này về nhà, bị nứt sọ mà chết. Sau qua học bên mình, bi giờ bị “hành phạt” để trả cái “nghiệp” đó.”

Tôi hỏi:

-“Hành phạt” ra sao hả Anh Hai?”

Thầy đáp:

-“Chú Năm tự dưng sau một đêm ngủ dậy thì được “Chư-Vị” dạy cho “Nghề thuốc” nên biết bắt mạch và hốt thuốc Nam, rồi cũng ăn chay trường. Từ đó, hắn bỏ ruộng rẫy, bỏ nhà cửa, không lo làm gì hết, mà sáng sớm thức dậy, đem theo một cây rựa phá rừng, một cây mai đào đất, một lon cơm với muối ớt, rồi đạp xe đến chân núi.. hắn gởi xe, leo núi đào cây thuốc từ sáng đến tối mới về. Ở nhà, chặt thuốc phơi đầy sân, đã vậy hễ rảnh thì đi xin giấy báo vể để dành gói thuốc.

Hắn khám bịnh cũng như hốt thuốc cho tất cả mọi người hoàn-toàn miễn-phí. Ruộng rẫy, nhà cửa một tay vợ hắn phải lo hết. Vì đó, hễ trong nhà hết gạo, bà vợ nổi nóng lên là la hét chú Năm, mà chú Năm biết mình không lo cho gia-đình, vợ chửi cũng phải, nên Chú Năm nín nhịn và đi…kiếm “viện-trợ kinh-tế” từ Thầy hoặc huynh-đệ thân-thiết. Thầy biết chú Năm phải làm như vậy suốt 3 năm mới hết nghiệp.”

Tôi rất ngạc nhiên khi nghe kể về anh Năm nên hỏi tiếp:

-“Sư Phụ, em thấy anh Năm tuy bự con, vạm vỡ, nhưng nói năng rất lễ phép, không ngờ anh ấy lại là một võ sĩ.  

-“Ừ, chú Năm này ăn nói hiền lành, và hắn cũng là người lễ phép nhất trong môn phái mình đó. Luôn luôn nh nhẹ, kính trên, nhường dưới. Nhưng võ học của hắn ngoài đời cũng khá lắm…”

Tôi hỏi tiếp:

-“Anh Năm học võ khá cao bên ngoài, sao lại vô theo mình vậy sư phụ?”

Thầy cười cười và nói:

-“Chuyện của chú Năm này y như mình coi “Kiếm Hiệp” vậy đó, sở dĩ thầy dạy hắn vì hắn muốn học bên mình để rửa nhục cho sư phụ dạy Thiếu Lâm của hắn. Ông ấy đã bị một tên sư đệ làm phản mà phá phách.”

-------------

Đọc trọn bộ: (Tập 1)            (Tập 2)               (Tập 3)                  (Tập 4)                         (Tập 5)

(Tập 6)                 (Tập 7)                    (Tập 8)

Tác giả Thày cư sĩ Atoanmt.

Ma