Ở các thị xã nhỏ bé, các lò võ thường là nhà ở của các võ sư, và lớp học của họ chỉ là một mảnh vườn ở sân trước hoặc sân sau nhà mà thôi. Và võ sinh đa số là con cháu trong lối xóm đến theo học, nhà nào có tiền, thì còn đóng lệ phí cho Thầy, còn nhà nghèo thì đến học…miễn phí.!
Thầy dạy lại gần như là “truyền nghề” để không bị mất đi cái học của mình, và Thầy kén trò, chứ không phải ai ai có tiền là học được, do đó nếu coi như là một nghề để kiếm sống, thì các Thầy hầu như kiếm không đủ sống ! Mà nói theo văn chương bình dân, thì Thầy Võ... “Nghèo rách mùng tơi” !
Trong khi đó, võ đường Song Long lại xây cả một cái sân gạch rộng trước một căn nhà tường 3 gian đồ sộ. Phải nói đây là lần đầu tiên trong thị xã, có một võ đường xây cất quy mô và quảng cáo rầm rộ cho ngày khai giảng, hơn nữa trên bảng quảng cáo, họ còn nêu lên sự thi đấu giữa 2 môn sinh: Một là anh Năm đại diện Lò Võ Thiếu Lâm ở “Cầu Ngang” - Hai là anh Cảnh, đại diện Lò Võ Song Long, nên đã thu hút được nhiều công chúng, ai ai cũng mong đến ngày khai trương để được xem chuyện gay gấn mới mẻ này…
Nhiều gia-đình giàu có, khá giả đã vội ghi danh cho con cháu vào học, cho nên, tuy chưa mở mà dân địa phương đã “âu yếm” đặt cái tên là: “Võ Đường của nhà giàu !”
Thấy giấy quảng cáo dán ngoài chợ, anh Năm hơi hoảng nên tối hôm trước khi thi đấu, anh Năm chạy đến nhà Sư Phụ với một nỗi âu lo bồn chồn khó tả. Anh vẫn thấy trong óc mình hầu như chưa có một bài quyền gì mới cả, và thể lực cũng không khá hơn…
Nhìn bộ dạng của Anh Năm, Sư-Phụ biết ngay nên ông cười và nói:
-“Chú mày sợ hả? hà hà .. có gì mà sợ ? Chút nữa tao “Tom Phép” vô người là ngày mai thắng thằng Cảnh dễ ợt ! Khỏi lo!”
Anh Năm gãi gãi đầu, lắp bắp:
-“Dạ tại em học mấy bữa nay, lúc đánh thì thấy đánh mạnh và hay lắm, xuất nhiều chiêu lạ, nhưng lúc nghỉ, ngủ một đêm tới sáng thì quên hết ráo, muốn nhớ cũng hông nhớ được một chiêu nào, nên em hơi lo… Mà ngày mai khi đến võ đường, anh Hai cũng đi nghen, chớ nếu anh Hai hông tới, chắc tui còn lo dữ…”
Thầy nói:
-“À, bên Võ Đường Song Long đã cho người mời hầu hết các Võ Sư địa phương. Chú Năm mày biết hông? Chắc mấy tay Võ Sư bên Song Long đó, có nghe nhắc gì đến anh Hai, nên họ cho người phát thiệp mời anh. Và nếu anh đến, mà chú mày là đệ tử của anh, đánh thắng họ thì cũng hơi kỳ… Trong khi đó, tụi thằng Cảnh đã nói là chú mày đại diện cho Lò Võ Thiếu Lâm của ông Thầy Già tới thi đấu. Vì vậy ngày mai thấy anh tới, cùng chú Tư và một đám đệ tử nữa thì chú mày cứ làm lơ nghen, đừng lại chào hỏi gì hết, biết hông?”.
.....
Sáng hôm sau:...
Khán đài thi đấu được làm cao lên bằng các thùng phi xăng dầu dựng thẳng hàng, bên trên kê bằng các bộ ván gỗ tháo ra từ “Bộ Ngựa” dầy khoảng 6 phân, sàn đấu vuông vức khoảng 5m. Đối diện khán đài là hàng ghế danh dự cho các quan chức địa phương và các Võ Sư ngồi. Còn song song hai bên tường thì họ cũng lót ván gỗ dài kê lên các cây gỗ dọc theo tường cho các võ sinh của Võ Đường Song Long mặc đồng phục ngồi như hai dàn chào long trọng.
Sau những nghi thức cúng Lễ Tổ, hai anh em Võ Sư chủ võ đường cùng ra bái chào khán giả cũng như đọc diễn văn khai mạc. Kế đến họ giới thiệu các em thiếu sinh ra biểu diễn quyền thuật. Bắt đầu từ cấp nhỏ tuổi nhất...có lẽ các em bé này là con cháu gì của họ, và đã luyện tập võ từ trước, nên các em trình bày được các bài quyền ngắn gọn, nhưng rất đẹp.... rồi đến màn biểu diễn của cấp thanh niên... Xong, ban tổ chức bắt đầu giới thiệu đến mục mà mọi người mong đợi: Mục thi đấu giữa hai môn sinh của hai võ đường...
Khi người ta giới thiệu đến Huynh trưởng là tên Cảnh, thì hắn bước ra với bộ võ phục mầu nâu oai vệ, vì hắn cao lớn, nên trông rất hiên ngang, nếu dùng từ “nổ” hiện đại thì phải nói: trông hắn rất ư là....là...hoành tráng !.
Sau khi hắn cung tay vái chào quan khách, rồi có tiếng giới thiệu đến anh Năm thì phía dưới khán đài, anh Năm với cái quần kaki màu xanh biển, cái áo thun mỏng đơn sơ bước lên.
Nhìn thấy tên Cảnh, bất chợt anh Năm nghe có một luồng khí nóng chạy rần rần trong ngực, và cái sức ép âm thầm đó khiến anh có cảm tưởng như lồng ngực mình căng ra, đầy khí, đến ngộp thở. Anh cố gắng hít một hơi dài nén xuống dưới bụng, nhưng nó cứ đẩy ngược lên...và rồi cái sức ép ấy oà vỡ, thoát ra từ miệng anh thành một tiếng hét... nửa như tiếng thét, nửa như tiếng gầm rền vang quái dị khiến mọi người ai ai cũng giật mình.
Âm vang của tiếng hét đó còn chưa hết thì Anh Năm đã đứng dậy nhún người phóng lên cao như phi thân ! Nhưng thay vì anh phóng lên khán đài, anh lại phóng thẳng ra phía trước mặt mình. Và vì anh ngồi ở hàng ghế kê dọc theo cánh phải của khán đài, nên mọi người thấy anh phóng ngang sang cánh trái.... Tội nghiệp đám võ sinh trẻ đang ngồi trên băng ghế bên trái đó, thấy anh phóng đến tất cả đều vội nhào người vừa chạy dạt ra khỏi băng ghế vừa la lên chí choé...!
Còn anh Năm thì thấy mình đang nhẹ tênh tênh bay trên cao, bỗng cả người trì nặng hẳn làm anh rơi xuống. Khi chỉ một bàn chân trái vừa chạm vào chính giữa cái băng ghế thì miếng ván gỗ dầy đã rêu rầm một cái và gãy làm đôi !, vì thuộc loại gỗ cứng nên các mảnh gỗ vỡ vụn giòn tan.
Vừa chạm chân xuống, anh Năm chưa kịp phản ứng gì đã thấy hai chân mình hơi khuỵu xuống rồi búng người vọt ngược trở lại trên không. Y như trái banh rơi xuống và tưng trở lại vậy ! (Nếu mà Thành Long, Jacky Chan, hoặc Lý Tiểu Long, Lý Đại Long, mà thấy, chắc cũng phải lé mắt luôn ! )
Lần này anh cuộn mình vòng một vòng ngược trên cao trước khi rơi trở lại cái ghế bên cánh phải mà lúc nãy anh ngồi. Anh lại dậm chân xuống, thêm một tiếng ầm nữa vang dội, lần này tiếng ghế gãy vang lên rõ rệt vì tất cả mọi người trong sân ai ai cũng đang nín lặng nhìn anh ! Như lần trước, vừa chạm ghế, anh cũng búng chân tung mình trở lại lên cao, nhưng bây giờ hướng anh phóng đến là lên khán đài.
Khi rơi xuống giữa khán đài một cái ầm, anh Năm lảo đảo gần nửa phút mới hoàn hồn. Anh nhìn quanh: Cái khán đài lúc nãy có hai võ sư ngồi chễm chệ, và tên Cảnh đứng với... “dáng đứng Bến Tre” hiên ngang nhưng bây giờ đã trống vắng vì họ đều biến mất ! Anh Năm nhìn quanh, cũng không thấy họ đâu, anh bèn dậm chân một cái ầm nữa xuống sàn gỗ, tay trái anh bấm “Ấn Nhất Dương Chỉ” chĩa thẳng về phía trong nhà và hét:
-“ Tên Cảnh phản Thầy đâu ? Ra đây !”
Tất cả đều im lặng như tờ, không một tiếng vang. Thấy thế, anh Năm hét thêm:
-“ Không có tên Cảnh, thì Sư Phụ của tên Cảnh ra đây, tui chỉ đánh chiêu là gục thôi !”
Vẫn không ai trả lời, Anh Năm hét tiếp:
-“Nếu không, thì Thầy của Sư Phụ võ đường này, có giỏi thì ra đây, tui cũng chỉ đánh một chiêu là gục !”
Tiếng hét của anh vẫn vang dội và đơn độc trong cái tĩnh mịch bất ngờ... và không ai đáp lại. Nhìn quanh, anh vẫn không thấy hai anh em võ sư chủ Võ Đường cùng tên Cảnh đâu cả! (Thực ra, khi họ nhìn thấy anh phi thân trên không trung như phim kiếm hiệp, thì họ đã ngán rồi, đã thế, lúc anh đáp xuống, dậm cái ván gỗ dầy năm, sáu phân, thuộc loại gỗ cứng, Gỗ Cẩm Lai, hoặc Gỗ Mun, gần giống như Gỗ Lim ngoài Bắc) mà nếu mình dùng búa tạ bổ xuống, bất quá nó chỉ mẻ một miếng thôi, chứ không thể nào gãy đôi qua cái dậm chân của anh Năm như thế! Cho nên hai võ sư và tên Cảnh vội chạy vào nhà và mở cửa sau đi trốn mất !)
Bên ngoài, anh Năm bỗng dậm gót chân phải xuống sàn gỗ, rồi xoay người nhìn quay xuống khán đài. Cái xoay đó, kể ra lại như chuyện hoang đường, nhưng gót chân anh đã làm mặt gỗ Gõ cứng ấy lõm hẳn xuống cả phân ! Gương mặt anh vẫn đỏ, ngực vẫn căng phồng sức ép, anh nhìn quanh tìm tên Cảnh, bỗng anh bắt gặp đôi mắt sáng quắc của anh Hai ngồi ở hàng ghế danh dự nhìn anh. Anh bỗng giật mình, tỉnh hẳn người, nên vội cung tay xá xá về phía khán giả và nói:
-“Tui nóng quá, tui nóng quá, cho tui xin lỗi quý vị, xin lỗi...”
Vừa dứt lời, anh Năm lại phi thân phóng mình xuống và đi một hơi thẳng ra ngoài đường. Thấy trước cửa có một chiếc xe lôi trống, anh Năm leo ngay lên ngồi, Ông tài xế thấy có khách, vội đạp máy nổ, gài số 1 rồi vừa rồ ga cho xe chạy, vừa hỏi khách:
-“Chú em đi đâu?”
Nhưng lạ, chiếc xe cứ rú máy lên ầm ĩ mà không hề lăn bánh, làm như nó đang chở cả ngàn ký, nên chạy không nổi vậy!. Trong khi anh Năm còn nửa mê nửa tỉnh, một lúc, anh nhớ cái ánh mắt không hài lòng của Sư Phụ nhìn mình lúc nãy, anh bỗng sợ và chỉ muốn đi nhanh ra khỏi chỗ này... Khi ấy, anh mới nhìn ông tài xế và thấy ông ta cứ gài số, trả số đi số lại, tay thì rồ ga mà xe vẫn không lăn bánh được ! Bất chợt, anh đưa cái tay trái ra, lại dùng Ấn “Nhất Dương Chỉ”, chỉ ra phía trước và nói:
-“Đi !”
Thế là chiếc xe lôi vụt chạy ào ngay ! bỏ lại sau lưng ông Thầy thiếu lâm già của anh Năm, chú Út và vợ anh Năm vừa từ trong võ đường chạy ra theo sau !.
Bác tài xế tuy lấy làm lạ nhưng vẫn lập lại câu hỏi:
-“Chú em đi đâu? Bộ say Xỉn lắm rồi sao mặt đỏ dữ he?”
Anh Năm vẫn còn cái mặt đỏ bừng bừng, lầu bầu đáp ấm ớ:
-“Ông cứ chạy thẳng đi, chừng nào tui biểu quẹo thì quẹo !”
Khi chiếc xe lôi chạy ngang qua một cái quán cà phê thuộc chu vi ngoại ô thị xã, bất chợt anh Năm hét lên:
-“ Đứng lại, stop”
Bác xe lôi vội thắng xe lại và ngạc nhiên nhìn anh Năm, còn Anh Năm, vẫn ngồi yên trên xe, anh nhìn chăm chăm vào cái quán cà phê nhỏ bé một lúc, rồi anh lại dùng Ấn “Nhất Dương Chỉ” điểm thẳng vào hướng cửa quán, anh nói:
-“Đây là tà khí ! Dẹp !”
Nói xong anh bảo bác xe lôi đưa anh thẳng về nhà....
Các bạn đọc mến, chuyện Anh Năm Sư Huynh đến đây là hết, tuy nhiên tôi xin kể thêm đoạn tôi đã hỏi Sư Phụ của mình về vài thắc mắc, mà tôi nghĩ các bạn đọc cũng nghĩ như tôi:
- 1/- Sư Phụ tôi biết anh Năm đã có nghiệp nặng, hơn nữa, nếu cho anh lên đấu võ đài, là điều cấm kỵ của Môn Phái, do đó trong đêm trước khi thi đấu, Sư Phụ đã truyền phép “Mạnh” vào người của anh Năm ! Nói một cách khác là Sư Phụ xin một vị “Phật Lực” vào trấn thân xác của anh Năm. Vị này đã phi thân, trổ thần oai, thần lực làm cho người ta sợ, trốn đi, cho anh Năm không gây thêm nghiệp đấm đá gì cả.
- 2/- Vì Vị ấy trấn thân xác, nên lúc lên xe lôi, nặng cả tấn, khiến xe không chạy nổi, và chỉ vụt chạy đi khi chính Vị ấy ra lệnh mà thôi.!
- 3/- Cái quán cà phê ấy, thực ra là quán...trá hình, bên trong, sau cái quán là “Động” của các cô bán dâm ! Và sau khi bị anh Năm điểm 1 ấn, phán “Dẹp” thì cái quán ấy đã đóng cửa không mua bán nữa trong suốt cả 10 năm!
Các bạn mến, sở dĩ mình kể lại chuyện Anh Năm Sư Huynh này, vì chính mình luôn luôn quý nhất cái “Tình”. Tuy chỉ học ông Thầy Già dậy Thiếu Lâm trong xóm cũ có một thời gian ngắn nhưng Anh Năm đã làm đúng với câu: “Nhất Tự vi Sư, bán Tự vi Sư” ngày xưa, ý là “Học một chữ hoặc nửa chữ cũng vẫn kính là Thầy”. Do đó anh đã làm hết sức mình để báo đáp ơn Thầy.
Còn bây giờ, dù có học vài năm mà hễ nếu thấy... “buồn tình” cái gì...thì học trò cứ xông vào lớp đánh Thầy, hoặc tạt nước mắm, tạt a xít vào Thầy chơi !!! Đó là điều đại kỵ.
Cho nên câu “Nhất tự vi Sư, bán tự vi Sư ” ngày nay đôi khi lại có nghĩa khác là: “Một Chùa cũng do Sư, mà ...bán Chùa cũng do Sư ” phải hông các bạn?
-------------
Đọc trọn bộ: (Tập 1) (Tập 2) (Tập 3) (Tập 4) (Tập 5)
Tác giả Thày cư sĩ Atoanmt.