Người xưa có câu:
Chùa to chưa chắc đã có Phật Đà ngự
Lầu nhỏ chưa chắc đã thấp chân tu
Khi ra mở phủ trình đồng, thường có điều răn như kim chỉ nam cho mỗi người khi bắt đầu nhập đạo, đó là "Trên theo Phật Thánh dưới theo Đồng Thầy". Bởi thế cho nên việc chọn thầy là vô cùng quan trọng. Chọn làm sao để thầy trò đi với nhau cho trọn đạo, đến mãn chiều xế bóng.
Các tân đồng gian nan tìm thầy khi mở phủ
Các cụ thường dạy: không thầy đố mày làm nên. Trong tâm linh, việc tìm thầy là đòi hỏi cấp thiết và tiên quyết trên con đường tu thân học đạo của lính ghế nhà ngài. Mỗi người có quan điểm tìm thầy học đạo khác nhau
- Có người tùy duyên gặp thầy nào hợp tình, hợp lý là thầy trò nhận nhau
- Có bạn thấy thầy hot quá, hầu đẹp, múa dẻo, đông con nhang, sang đệ tử mà đem lòng tôn kính nên nhận là sư phụ...
- Lại có bạn vừa bước vào cửa đạo, nghe sự hứa hẹn làm lễ sẽ đắc tài sai lộc mà sinh tâm mong cầu nhận lầm ma qủy làm thầy.
Vậy việc chọn thầy đồng phải chăng khó thế!!!
Vai trò của người thầy trong đạo Mẫu
Trong đạo Mẫu, chúng ta thường nghe câu "kính Thánh - trọng Thầy", điều này chứng tỏ người thầy đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng cửa đình thần tam tứ phủ.
Thầy là người tái sinh, là cha mẹ thứ hai trong cuộc sống của những đồng tân lính mới. Thông qua việc khai đàn mở phủ, xuất thủ trình đồng... sau cái lễ tái sinh trong thế giới tâm linh ấy, những tân đồng như những cô cậu học sinh nhỏ cắp sách tới trường, bắt đầu làm quen với ngôi nhà của Mẫu thông qua sự dìu dắt của thầy.
- Từ các quy định, lề lối phép tắc, sự kiêng khem, đến lời ăn tiếng nói, lời kêu tiếng khấn phải chuẩn chỉ, nghiêm túc theo đúng khuôn khổ mà thầy đặt ra...
- Thầy cũng chính là người kêu thấu, tấu nổi, dẫn trình đồng tân lính mới đến các cung các cửa, đến đền to phủ lớn mà kêu thay, lạy đỡ trình khăn trình áo xin bề trên cởi trói cho lính ghế nhà ngài...
- Thầy cũng là người dìu dắt những canh đàn khóa lễ đầu tiên của đồng tân lính mới như là một cách truyền pháp để thực hiện nhiệm vụ cứu khổ, độ mê...
- Quan trọng hơn cả cha mẹ ruột cho chúng ta thể xác, thầy là người cho các tân đồng đạo đức ở đời!!! Là chỗ dựa cho họ khi khó khăn, là động lực cho họ khi được cha mẹ đề tâm khai sáng...
Việc các tân đồng cư xử có chuẩn mực, có đạo đức, có lề lối hay không chính là sự phản chiếu thái độ của họ với thầy, và khả năng, trình độ, cái tâm cái đức của người thầy... Ví thử như mọi người thường thấy những cảnh hầu đồng nhảy nhót như ma nhập, những khóa lễ không thể diễn tả thành lời thì than ôi phù hợp lắm với câu:
Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu
Vậy vị trí của người Đồng Thầy giữ vai trò tối quan trọng trong hệ thống đình thần tam tứ phủ. Nhưng chúng ta phải tìm thầy như thế nào? Câu hỏi này chắc hẳn có hàng vạn bạn đang muốn tìm câu trả lời!!! Bởi sảy một ly, đi một dặm... Các tân đồng chọn sai thầy, giống như chữa bệnh mà mua không đúng thuốc... Bệnh vẫn ngày càng nặng, mà tiền vẫn mất, tật vẫn mang...
CHỌN THẦY phải nhờ chữ Phúc - DUYÊN
Chọn thầy có cần hợp tuổi hợp mạng không? Không, hoàn toàn không. Vì sao thì mời các bạn đọc trong bài: Những thắc mắc khi lựa chọn đồng thầy.
Việc mở phủ không nên có suy nghĩ chọn thầy tuổi gì? Chọn thầy căn ai? Chọn thầy giàu hay nghèo. Việc mở phủ phải cần đủ phúc, đủ duyên sẽ gặp thầy tâm đức. Giáo hoá độ đời khai minh khai sáng cho ta. Rồi từ từ học đạo tinh tấn hơn. Và tròn ngày tròn quả thì mới ra xuất thủ trình đồng.
Chứ đừng như nhiều bạn trẻ ngày nay, chọn thầy nào oai nhất, căn cao nhất, nhiều con nhang nhất để theo. Dăm bữa nửa tháng lại nói xấu thầy, rồi xoay khăn trở mặt....
Chùa to chưa chắc đã có Phật Đà ngự.
Lầu nhỏ chưa chắc đã thấp chân tu
Vậy những người thầy có tâm là ai, có đức là ai?
Điều đầu tiên các bạn tìm thầy thì hãy hiểu rằng: Tìm thầy là các bạn muốn nương nhờ cái TÂM cái ĐỨC của thầy để yên căn, yên số, yên sổ thiên đình.
Những người thầy có tâm thì không bao giờ làm việc Thánh mà coi đó là một nghề, không tư lợi cá nhân, không bòn rút của con nhang đệ tử. Họ làm mọi việc luôn đặt cái uy, cái danh của nhà Thánh mà hành đạo đúng lề lối, phép tắc. Họ biết yêu thương đồng loại, cứu khổ, độ mê, đau nỗi đau của chúng sinh mà hành thiện cứu người... Nếu thầy là người có ĐỨC thì nhìn thầy đối xử với cha mẹ, với tổ tiên của thầy, nhìn thấy cuộc sống của thầy xem bề trên ban cho người có đức có giống những gì thầy đang có...
Thầy là người am hiểu về đạo, lề lối, phép tắc được thể hiện qua cách thầy giao tiếp, nội dung thầy giải thích, cách thầy bày biện, thờ cúng ... cho đến việc thầy thực hiện những canh đàn khóa lễ mà chúng ta được chứng kiến, được tận mục sở thị.
Thầy là người được cha cắt mẹ cử ắt hẳn phải có điện có phủ, biết soi căn nối quả, và sinh con mát tay... (nhìn đồng anh lính chị)
Thầy là nam hay nữ là tùy quan điểm của từng người, cũng như việc hợp tuổi, hợp mạng cũng là quan điểm cá nhân và hợp với quan điểm trần gian theo quy luật ngũ hành chứ không phải quy định của nhà Thánh vì quyền phép nhà ngài biến hóa vô cùng, có thể cải hung thành cát, cải họa vi tường....
Vậy chúng ta bắt đầu tìm các bạn nhỉ?
Nhiều bạn cứ tìm, cứ tìm nhưng duyên không tới, gặp không ưa thì biết tìm ở đâu???? Dạ thưa các cụ có câu.
Thứ nhất là tu tại gia
Thứ hai tu chợ
Thứ ba tu chùa.
- Các bạn có CĂN đồng hãy thực hành luôn việc tu tại gia thông qua việc hiếu thuận cha mẹ, hiếu kính tổ tiên, năng kêu cầu lễ bái gia tiên, bà cô tổ dẫn đường chỉ lối gặp được ông có đức, gặp được bà có nhân để dẫn đường con tới cửa cha cửa mẹ.
- Thứ hai tu chợ: Nơi chốn xô bồ ấy, đời động mà tâm không động, tu tâm, tu khẩu, hành thiện tránh ác, làm nhiều việc thiện đẩy lùi nghiệp chướng để sớm được hưởng phúc đức ắt sẽ gặp được thầy tốt.
- Thứ ba tu chùa: Đến đền đến phủ, mang miệng đến tâu, mang đầu đến lạy phải kêu cầu cha trên thiên mẹ dưới hạ giới đề tâm khai sáng, cắt cử để con gặp được thầy có tâm có đức để sớm ra hầu cửa cha cửa mẹ...
Các bạn cứ từng bước một. Ắt việc sẽ thành.
Đừng u mê để chọn sai đường, chọn phải thầy tà
Có một số bạn vừa ra mở phủ, nhưng vì tâm chưa định và sự thị phi của xã hội thông qua môi trường Internet dẫn đến mất niềm tin vào thầy, điều này cực kỳ nguy hiểm.
Chúng ta đều biết nhân vô thập toàn, các tân đồng có thể nhầm nhưng nhà Ngài không nhầm... Việc chọn sai, u mê lầm lỗi âu cũng là nghiệp quả của chính các bạn. Chỉ có sự nhất tâm kêu cầu mới hóa giải được nghiệp chướng này.
Nhưng chúng ta không thể tái sinh lần nữa, cũng như cha mẹ chúng ta sinh ra chúng ta, giờ chúng ta lại chui vào để sinh lại là điều không thể.... Hãy nhất tâm kêu bề trên xoay chuyển, sau này gặp được thầy hợp duyên (sau khi tạ ba năm) chỉ cần nhờ thầy phủ lại khăn cũng đã đủ chuyển họa thành phúc....
Điều quan trọng nhất của tất cả các bạn đang tìm hiểu về Đạo là phải nhìn nhận đúng về Đạo Mẫu:
- Không phải cứ ra mở phủ là có quyền phép trong tay, có thể xem bói, tìm mộ, kiều vong, bắt ma....
- Cũng không phải ra hầu cha mẹ xong là các bạn hanh thông mọi việc, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc....
Mà nên nhớ, hầu cha mẹ vừa là phúc, vừa là nghiệp....
Nếu là người thường thì hãy cứ là người thường, đừng vì đua đòi mà trình đồng mở phủ. Cũng đừng hoang tưởng hoặc bị ám ảnh bởi một số bộ phim viễn tưởng mà muốn làm con nhà Thánh. Đừng vì bói toán mà u mê lầm lối trôi dạt vào cõi vô minh.
Những bạn căn quả thì thật bình tĩnh, cần tĩnh tâm xâu chuỗi các diễn biến, đừng để bị mê hoặc bởi lời hứa của những kẻ buôn thần, bán thánh, cũng đừng để tâm mong cầu che lấp ánh sáng tâm linh.... Thật tĩnh tâm, để phân tích cái gì là quy luật của tự nhiên, cái gì là hiện tượng xưa nay không giải thích được... Từ đó nhất tâm kêu cầu, tu tâm, tạo phước... Ắt các bạn sẽ tìm được người dẫn đường chỉ lối.
Kết luận:
Tính ra thì mỗi người trên con đường tu đạo mà ta gặp đó có thể là nhân duyên, là phúc hay nghiệp...có những người thầy chỉ dẫn dắt ta vài bước không phải thầy không tâm đức mà duyên họ với ta chỉ được có thế... Nên đâu cũng là cái phúc cái nghiệp của mình, có tu được hay không là do chính bản thân mình quyết định.
Tamlinh.org
(Sao chép, chia sẻ vui lòng trích dẫn link từ website. Cám ơn các bạn)