04/06/2021 11:41 View: 7238

"Chúa bói" Then có nằm trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu?

Hiện nay có rất nhiều người tự xưng được ăn lộc chúa Then và không hiểu rằng then cũng có thờ con ma Then. Nhưng Ma mà không biết thờ luyện và chế ngự thì dễ bị nó điều khiển, đặc biệt vì tâm vọng cầu càng dễ biến thành công cụ của ma tà giả tín ngưỡng Then. Bài viết này hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu về THEN qua phân tích của đồng thầy Trần Thêm

cung then, thay then, tuc tho then dan toc

Tín ngưỡng thờ Then

Trước tiên tìm hiểu về tín ngưỡng Then: then, mo, tào bụt, đều thuộc về dòng thờ tướng của người Tày – Nùng - Thái hay nói chung là dòng sơn trang.

Nguồn gốc sự tích kể rằng ngày xưa dân chúng lầm than không có cơm ăn, áo mặc, cuộc sống rất khổ sở. Có 3 anh em nhà nọ quyết tâm đi lên mường trời gặp Ngọc Hoàng xin Ngọc Hoàng mở đường cứu giúp, 3 anh em nhà này đi đến 1 con sông lớn thì trời tối, 3 anh em đó nghỉ lại bên sông.

Sáng hôm sau khi trời tờ mờ sáng người anh cả lén đi trước gặp Ngọc Hoàng kể hết mọi sự tình cho Ngọc Hoàng biết, Ngọc Hoàng liền ban cho người anh cả mũ áo, khăn ấn, binh mã, sách sử để về cứu dân độ thế, khi người anh cả quay trở về thì thành thầy tào, vì vậy khi đi hành lễ thầy tào phải mặc áo nghiêm chỉnh do Ngọc Hoàng ban và bày các quyển sách sử trước mặt để Ngọc Hoàng chứng dám.

Khi trời rạng sáng thì người anh trai thứ thức dậy và cũng lén chạy đi gặp Ngọc Hoàng, nhưng lúc này Ngọc Hoàng đã ban hết khăn áo, sách sử cho người anh cả chỉ còn lại vài cuốn sách nhỏ và bộ chũm chọe, Ngọc Hoàng liền ban cho người anh trai thứ mấy cuốn sách còn lại đó và bộ chũm chọe, khi trở về nhà người anh trai thứ 2 đó trở thành thày mo, vì thế khi hành nghề thầy mo phải bày các cuốn sách đó trước mặt mình và gõ bộ chũm chọe để báo cáo với Ngọc Hoàng.

Khi trời sáng bảnh mắt thì người em út mới tỉnh dậy và đi gặp Ngọc Hoàng, lúc đó Ngọc Hoàng không còn thứ gì nữa vì đã ban hết cho người anh trai cả và anh trai thứ, Ngọc Hoàng liên gom hết những thứ trong nhà như chổi cùn, rế rách, gáo nước, chùm sóc nhạc,.... cho người em út, khi về nhà người em út này trở thành thầy then, người em út này rất khéo tay vì thế đã sáng tạo những thứ này thành thành vật dụng riêng để đi hành lễ cứu dân độ thế, chổi cùn được người em út tạo thành quạt, gáo nước tạo thành đàn tính, chùm sóc được người em út tạo thành binh mã, vì thế mỗi khi đi hành lễ người em út đều phải gẩy đàn tính, phẩy quạt, sóc chùm sóc để tượng trưng cho binh mã đang hành quân ra trận để báo cáo với ngọc hoàng.

Vì thế có thể nói tào, mo, then đều cùng thuộc một dòng tướng, nhưng vì then là em út nên Ngọc Hoàng rất quý, khi đi hành lễ do không có sách vở dạy nên chủ yếu các thầy then phải tự hát tự gẩy đàn (không có cung văn như hầu đồng của Đạo Mẫu) để báo cáo với Ngọc Hoàng là đang đi hành lễ ở đâu, cho nhà nào, cứu chữa vì bệnh gì.

Muốn thành Then thì gia đình phải có tẩn then

Những người trở thành then được coi là người của trời do Ngọc Hoàng phái xuống để cứu dân độ thế. Nhưng muốn trở thành then thì gia đình đó phải có tẩn then (đời trước trong họ đã có người làm then), phải thờ tổ sư, phải được ma then bắt phải làm.

Ma then mang đi hạ thủy về nhà phải nhảy qua bếp lửa rồi đi học tại nhà thầy cha, thầy me (những người đã được cấp sắc trở thành then), sau khi học xong về phải được thầy cha thầy mẹ làm lễ cấp sắc, phong ấn, khao binh mã, cấp đàn, cấp ấn, luyện quân quyền, sau lần lẩu khai quang đó thì chính thức trở thành then.

Quá trình phong hàm cấp của thầy then

Then mới vào nghề thường chỉ được phong hàm cấp 3, sau 3 năm thì làm tiếp cuộc đại lễ lẩu then để xin cấp thêm binh mã và lên cấp 5.

Dựa vào số dây ở mũ thì có thể biết thầy then đó đã đạt được những cấp nào, có thể là 3 dây, 5 dây, 7 dây, 9 dây, 11 dây, 13 dây, 15 dây. Trong thực tế then chỉ đạt đến cấp 15 dây là cao nhất, nhưng khi về già không đi hành lễ được nữa thì then có thể làm lẩu cáo lão với Ngọc Hoàng và đạt đến cấp 17 dây. Sau cuộc lẩu cáo lão đó Ngọc Hoàng sẽ thu ngay thầy then đó về trời.

Cứ 3 năm hoặc 6 năm thì then có thể làm 1 lần đại lễ lẩu then để lên cấp, khi then còn thầy cha thầy mẹ thì then chỉ được phép đạt đến cấp 13 dây, khi nào thầy cha thầy mẹ mất thì then mới được phép làm lẩu lên cấp 15 dây (cấp cao nhất trong nghề then).

Khả năng của các thầy Then

Then có thể làm những lễ như sau: bói toán (làm tại nhà thầy then), quét nhà, thục phạm, giải hạn, cầu tự (cầu con), an mồ mả, làm 40 ngày cho người mới mất, bỏ tang, gọi hồn mừng nhà mới, mừng thọ …(những lễ này đều đc làm tại gia chủ có yêu cầu làm).

Khi trong nhà thấy có điềm báo chẳng lành thì gia chủ đó có thể đến xem bói tại nhà thầy then và đón thầy then về nhà làm then tại gia chủ. Mỗi lần then đi hành lễ như vậy có thể diễn ra từ 1-3 ngày tùy vào nhà gia chủ đó có hạn nặng hay nhẹ, còn những cuộc lẩu then được diễn ra tại nhà thầy then phải tổ chức từ 3-5 ngày.

Sự khác nhau giữa tín ngưỡng Then và đạo Mẫu

Then không giống như hành đạo của Đạo Mẫu ở 1 điểm đó là không được bói toán lung tung bạ đâu ngồi đấy xem bói như các thầy đồng.

Then xem bói phải ngồi ngay ngắn trước điện thần, phải xin phép tổ sư, ma then tổ, xin phép Ngọc Hoàng rồi mới được cầm quạt, cầm đàn để đưa binh mã đi xem bói, và còn rất nhiều quy tắc phải tuân thủ nghiêm ngặt khác.

Nhưng vì then là khái niệm người dưới xuôi ú ớ mù mờ chả biết chả hiểu rõ nên đôi khi cũng bị hiểu nhầm thành một tổ bói uy danh lừng lẫy pháp lực vô cùng thuộc dòng sơn lâm sơn trang, nhưng thực ra không phải.

Thực ra then họ khác với đồng ở mấy điểm:

- Điểm thứ nhất về âm binh

Nếu dưới xuôi thường các ngôi điện ngôi đền của thầy pháp có ba loại quân binh:

  • 1. Binh Thánh ban
  • 2. Binh tổ và binh gia nô
  • 3. Binh gia nô tự chiêu hay đi bắt về nuôi luyện

Nhưng then thì khác, họ phải được con ma then đồng ý mới được làm then và binh thì gần như đều do ma tổ cấp.

- Thứ hai là tu học và luyện âm và cách hành đạo khác hẳn với đồng tứ phủ

- Thứ ba đặc biệt nhất đó là tu hành

Người làm then họ tu ngay trong lúc hành đạo, họ hầu ngay khi hành đạo đây là một loại lên đồng đặc biệt.

Khi họ đến nhà gia chủ để quét nhà hay thục phạm trị bệnh âm họ thường chuẩn bị rất nhiều mã và thuyền khi họ tẩu then họ thường xuất bóng đi qua các cửa, như kiểu đồng thiếp. Thấp nhất là thổ công, nếu thổ công không được việc họ lại đốt ngựa đốt thuyền mảng để xin đi tiếp, đi đến các mường trời khác cao hơn có các quan tướng như hác thang hay đức Trần Hưng Đạo ... để xin giải quyết việc họ đang làm.

Còn đồng tứ phủ hầu là bóng ốp hay bóng Thánh giáng khác hẳn nhau.

Một đằng bóng xuất một đằng bóng ốp.

Như vậy là thấy tu tập khác nhau, hành đạo khác nhau, lề lối khác nhau, cấp sắc khác nhau ... không trộn lẫn.

Còn tứ phủ bản chất vẫn hầu các Thánh dân tộc có then rồi.

Các tân đồng phải nhớ như Chầu Lục, Chầu Bé, Chầu Năm đều là Thánh nhà Then, xa hơn các chúa mọi chúa mán … thậm chí đến then chất ta cũng hầu. Cũng cần phải biết Thánh Hoàng Năm được các dân vùng Tây Bắc và Vân Nam Trung Quốc gọi là Then chất “ đứng đầu của Then”

Vậy nên hầu đồng trong đó cũng đã có hầu các Thánh then nhưng khác biệt về tên gọi, đều thuộc dòng sơn trang và chưa bao giờ dùng từ Then bởi từ này là một dòng tu hành đạo riêng tách biệt hẳn đồng tứ phủ.

Còn việc làm then hay gọi chính xác là hầu then thì không nên.

  • Ở đây ta thấy then làm đàn kèm tu tập là xuất bóng đi đến mường trời - nơi chư Thánh ở.
  • Còn đồng thì là giáng bóng ốp bóng xin nhà Thánh giáng đền.

Còn nữa pháp tu là pháp âm và tổ ma then dậy âm cấp sắc theo luật từng ma then tổ.

Vì vậy, tín ngưỡng thờ Then và tín ngưỡng thờ Mẫu phần nhiều là không có sự giao thoa. 

Ngay vùng Lạng Sơn then cũng có nhiều dòng, nhiều đường then khác nhau (người Tày có then văn, then võ; người Nùng cháo có then slien, người Nùng phản sình có then phản sình ...) như then trên Lạng Sơn có đàn có mạ có ấn thầy ban.

Dòng Then (Pựt) của người Tày (có 2 tộc là Tày đăm và Tày trắng), Nùng (có 4 tộc là Nùng inh - Nùng cháo - Nùng phàn xình và Nùng cắm coot).

Không ai gọi là Chúa Then mà các then dàng then nàng gọi là Tổ Then. Mà cũng không gọi là Đạo Then vì đó chính thống vẫn là tín ngưỡng.
Còn vùng Đông Bắc cũng có then

Tục lệ về Then muốn làm then phải được ma then chọn người.

Phải có ma then chọn người làm then, rõ chỉ có ma then thì mới biết nói mới được phát ngôn. Nguyên chùm mỗi khi người làm then lễ hay cầm vung theo dịp đọc gọi là sóc chùm sóc để sai ma binh âm binh theo chùm xuống giúp sức.

Then có ma Then và các ác thần linh được then thờ cúng ở ban thờ then cũng như là những thần linh mà then phái thỉnh mời khi tiến hành nghi lễ.

Các vị được Thờ là: Ngọc Hoàng và các Thiên tướng, tổ nghề Then và dòng dõi Then, các thần linh địa phương (Các Hoàng Thành, thổ thần)…
Ngọc Hoàng ở vị trí cao nhất. Ngọc Hoàng là vua cha có quyền cấp sắc cho các Then.

Tuy có nét chung là các vị thần linh trị vì trên trời trấn giữ các phương, theo quan niệm của Đạo Giáo hay Phật Giáo… Nhưng tên gọi và cách sắp xếp ngôi thứ bậc của các vị thiên tướng được then vào đồng đi then trong nghi lễ Then thì mỗi nơi mỗi khác.

Then bói then, lẩu Then .... của dân tộc vùng cao lúc lễ để bói then thực ra cũng là 1 hình thức tự hát cùng vừa xuất đồng luôn nhưng mà không kiểu như hầu đồng của tam tứ phủ.

Kể cả họ thờ các thiên tướng của đạo Then phần lớn là các vị thần trong đạo giáo thậm chí cả phật giáo nữa như Tam Thanh, Phật bà Quan thế Âm Bồ Tát, Tề Thiên Đại Thánh, Phật Bảo, Tăng Bảo, Thiên Lôi, Đại Lôi, Huyền Thiên Thượng Đế, Thiên Bồng Thiên Ru…Hoả Lôi, Ngũ Lôi …Bạch Xà, Hắc Hổ...

Trong danh sách các vị thiên tướng đó ta còn thấy các vị Thánh của Đạo Việt Nam như Đức Thánh Trần, Thần độc cước, thậm chí cả Phạm Nhan (vị hung thần cai giữ bệnh tật), tướng Hoả Thang, tướng Hác (Hân). Các vị thiên tướng trấn giữ các cửa mà trong hành trình cấp sắc Then phải trải qua.

Ác thần linh được then thờ cúng ở ban thờ then cũng như là những thần linh mà then phái thỉnh mời khi tiến hành nghi lễ.

Tuy có nét chung là các vị thần linh trị vì trên trời, trấn giữ các phương, theo quan niệm của Đạo Giáo hay Phật Giáo… nhưng tên gọi và cách sắp xếp ngôi thứ bậc của các vị thiên tướng được mời nhật đồng trong nghi lễ then thì mỗi nơi mỗi khác.

Then họ cũng sạch sành sanh còn manh khăn đỏ. Khi chết họ cũng phải đắp khăn đỏ để báo cáo với tổ then ma then ngọc hoàng để đưa ma về mường trời.

Người tu then làm then họ đều mồm đàn tay hát đi đường âm đi về mường trời, sai binh hành mạ. Trong đạo Mẫu, một số thanh đồng hầu Then nhưng không hề hiểu rõ Then là gì, đến kì 3 năm không làm lễ lẩu then? Những đoạn quá hải, khảu tu pháp, khao binh khao mạ trong then cũng không hiểu và không biết hát ? Nhiều người chỉ biết cầm đàn gẩy tượng trưng.

“pắt tậu dả dỉn,slo sluông hỏi thuyền nài sloong mượn thuyền quá hải nên mường trời qua tam quan mới hỏi mua lễ “ Liệu có biết không?

Nếu hầu Then chỉ để giao lưu văn hoá và tín ngưỡng thì ta không bàn đến, nhưng nếu hầu Then như một phần của đạo Mẫu thì chưa đúng với truyền thống của dòng đạo này. 

Cơ hành với thầy then

Nếu người nhà có con ma then tổ bắt ra làm then thì họ cũng cơ ghê lắm. Có người ngồi ghế tre gai, ăn 1 năm lá bưởi, không ăn được bất cứ thứ gì trong một năm kể cả cơm. Khi chưa làm ma nhập vào làm hộ cũng bị hành như người đồng âm ở đạo Mẫu như ngồi trên mái nhà trên cây trên ngọn tre ca hát, bị dìm xuống sông, ra bãi tha ma…

Rồi họ theo cha theo mẹ đi xin các thầy tào bụt để xin chữ xin xích lỉnh (lệnh bài gỗ lệnh gọi tướng), thén (đồng âm dương) học nhà nào nhiều đời có cái khoăn phạ (ngọc tổ thường đánh vào nhẫn để đeo và cái khoăn phạ thay lệnh gọi tướng).

Họ cũng chẳng dùng khăn vàng họ cũng thuần mầu đỏ cũng sạch sành sanh còn manh vải đỏ.

Lúc thầy then mất đội mũ ngồi ghế phủ vải đỏ như người sống con cháu tế lễ quạt cho ăn uống để về trời, đưa binh mã về mường trời.

Nữ phải nghỉ khi có bầu và mới đẻ, sau nhờ thầy khai quang lại.

Nếu hầu chúa then là giao lưu văn hóa giao lưu tín ngưỡng thì ta không bàn luận ở đây. Nhưng nếu lồng ghép tu Then vào cửa Đình Thần thì hoàn toàn không liên quan gì đến then của bà con dân tộc, lúc này ta cũng cần nhìn nhận lại xem họ có đang quá tham lam khi muốn có năng lực siêu nhiên bói toán?

Trước khi hầu Then phải có tâm tín Then và hiểu đạo thờ Then.

 Đồng thầy Trần Thêm – Tự Tuệ Trần.

***************************************

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, dựa trên quan điểm cá nhân của người viết trong quá trình tìm hiểu & thực hành đạo Mẫu, không đại diện cho tông môn nào. Mọi góp ý vui lòng để lại dưới bài viết này, vui lòng không comment khiếm nhã. 

Sao chép, trích dẫn, diễn đọc phải dẫn link từ web