Tôi có một chị bạn, mất cách đây đã vài năm. Chị ấy đẹp, nhưng đoản mệnh. Bởi vậy các cụ nói ‘Hồng nhan bạc phận’ là cấm có sai. Cái đẹp ấy không chỉ là gương mặt, vóc dáng đẹp, nó là cả tâm hồn của chị.
Chị chưa lập gia đình, chị bảo còn trẻ. Thực ra, tôi biết chị ngại mở lòng. Chị mới buông bỏ mối tình 7 năm dài đằng đẵng, với lí do:
- "Anh ấy không hiểu chị”.
Tâm sự mỏng đôi lời đến bạn trẻ, người bên bạn 7 năm chưa chắc đã cưới bạn. Cậu bạn người Đức của tôi cũng là minh chứng cho điều đó, cậu học Y 7 năm, bây giờ cậu là DJ tại Zille-Destille.
Chị ra đi vào một ngày nắng đẹp, nhưng cái nắng không làm dịu nỗi đau mà chị đã trải qua, cái nỗi đau cả thể lẫn tinh thần dày vò chị ngày này qua ngày khác.
Chị mắc bệnh lạ, đi khám không ra bệnh nhưng về nhà thì ốm đau triền miên. Người chị dạo đấy vàng vọt, xanh xao lắm. Chị ở trọ bên ngoài, tiện công việc và tránh mặt mẹ chị.
Có lẽ mọi người hỏi sao lại phải tránh mặt mẹ ruột, gia đình chị có ba người con, chị là con thứ, anh và em trai chị được mẹ nuông chiều lắm. Tôi chưa thấy mẹ chị gọi điện hỏi han lần nào, cũng chưa từng thấy anh-em trai của chị đến chơi.
Chị ở một mình, u tối và lụp xụp.
Trước khi đổ bệnh, tôi thường xuyên đến chơi với chị. Hai chị em nằm trên giường mặc cơn mưa đầu hạ tầm tã. Tưởng chừng mọi giông bão đều dừng bên ô cửa sổ, nhưng không, từng đợi mưa đá cứ thế dội vào cuộc đời chị một cách hối hả.
Cho đến một ngày hè nóng, chị rủ tôi qua chơi. Tôi không bao giờ quên ánh mắt chị ngày đó, cũng không bao giờ quên câu chuyện mà chị kể. Lúc ấy chị chưa đổ bệnh, còn lam lũ lắm. Vẫn đi làm bình thường. Chị gọi tôi sang, hai chị em lại đóng cửa phòng, ngồi dựa lưng vào cửa nói chuyện. Buổi trưa đó, chị nói với tôi rất nhiều, chị nói nhiều đến nỗi mặt chị đỏ ửng, giọng khàn đi. Chúng tôi say sưa quên cả giờ giấc, người kể người nghe. Vốn dĩ tôi chỉ định ngồi nghe như mọi lần, nay kể mai quên. Nhưng không hiểu sao câu chuyện bám lấy tôi những 4 năm liền.
Chị kể :
Cách đó 1 tuần, chị đi làm từ thiện trên Hoà Bình. Túp lều đồ nát của cháu bé mồ côi nằm trong con hẻm tối, sâu hun hút. Dù là ban ngày nhưng đi sâu vào con ngõ, cả đoàn ai cũng lạnh hết cả sống lưng.
Tôi phác hoạ một chút về con ngõ qua lời chị kể. Nó hẹp, sâu và tối. Những ngôi nhà dựng tạm từ các mảng tôn nằm san sát, lụp xụp. Khang trang nhất chỉ cỡ ngôi nhà cấp 4, nằm ngay cạnh nó là cái nhà hoang dột nát. Cả thảy chỉ có 43 ‘ngôi nhà’, nhưng có 42 ngôi nhà sát nhau.
Còn ngôi nhà của thằng bé, cách 200m lui vào sâu hơn...
Mọi người tiến vào sâu bên trong, càng đi thì con đường sỏi đá càng hẹp, sau cùng nó trơ trọi vài viên đá nhỏ, lộ ra con đường đất cỏ rậm rạp 2 bên. Xung quanh là những căn nhà gần như bị phá huỷ hoàn toàn, không có ai ở. Nó không khác cái túp lều của thằng bé là mấy, nhưng túp lều đó, có sáng đèn.
Hình ảnh duy nhất khi tiến vào là một thằng bé chừng 8-9 tuổi, người gầy gò, tưởng như chỉ cần 1 cơn gió, nó sẽ cuốn cậu khỏi mặt đất. Trưởng thôn đã có lời dặn dò thằng bé là chị đến thăm, cu cậu sau khi thấy chị tôi thì lao chầm vào ôm lấy. Cả đoàn nghĩ chắc do nó cảm động. Nhưng tại sao không ôm người khác, tôi nghĩ chắc do mặt chị tôi hiền lành, thân thiện.
Thằng bé ôm một lúc thì quỳ xuống khóc nức nở.
Vệt nước mắt lăn dài trên mặt nó, nhỏ từng giọt vào trái tim quặn thắt của chị. Chị nói, lúc thằng bé ôm, cả người chị như có dòng điện chạy qua. Tim chị đập loạn, nó vô thức nện từng cú thùm thụp trong lồng ngực chị, như chực chờ vài phút tới nó sẽ nhảy vọt ra, rơi xuống chân thằng bé.
Chị gạt hết chuyện đó khỏi đầu, quỳ cả hai gối đỡ nó lên, chiếc khăn mùi xoa tôi tặng chị, chị đem ra lau nước mắt, nước mũi tùm lum của thằng bé. Chiếc khăn về sau vẫn còn rất nặng mùi, một cái mùi tanh thối của cá chết, mặc dù nó được chị giặt đi giặt lại trên dưới 4 chục lần. Chị chà cái khăn đến đỏ cả tay, cái mùi vẫn nồng nặc không bớt. Tôi bảo chị vứt nó đi, chị nói muốn giữ làm kỉ niệm, sợ sau này chị chết không có cầu nối nào với tôi. Nghe vậy tôi rất sợ, chơi chung với chị, chị chưa bao giờ nói những điểm gở như thế.
Trở lại ngày hôm đó, tắm rửa cho thằng bé xong, chị cùng đoàn ra về. Lúc ra đến cửa thằng bé nhìn chị mãi, chị bảo cả buổi nó không nói câu nào. Ánh mắt của nó ngày hôm ấy, nhìm chằm chằm vào chị. Đôi mắt nó mở thao láo, con ngươi đen và to, sâu thăm thẳm như cái ngõ vậy. Mọi người ai cũng cố gắng duy trì nụ cười trên môi, nhưng nét mặt ai nấy cũng lộ rõ vẻ sợ hãi. Duy chỉ có chị là khác, chị bảo với tôi nhìn ánh mắt ấy rất quen, nó như hút chị vào cái thế giới của nó: nhỏ bé và tăm tối.
Chị nhìn vào mắt nó một lúc thì không tự chủ được mà cất bước lại gần, cả đoàn bấy giờ ai cũng cuống cuồng lên, giục chị mau mau về kẻo muộn. Chị cứ bước mãi về phía cái lều ấy, bà trưởng đoàn thấy vậy chạy túm tay chị, gài quả ớt chỉ thiên lên tóc chị rồi nhanh tay kéo giật chị về.
Đến ngôi nhà của Trưởng thôn, chị mới hoàn hồn.
Mọi người ai cũng mặt cắt không còn giọt máu, chỉ mong nhanh chào trưởng thôn rồi về.
Lúc này Trưởng thôn không có nhà, mọi người định về luôn thì thấy từ hốc cây bàng có 1 con chó, lông nó đen như mực, nhìn thẳng chị sủa ầm ĩ, nó lao lên và nhảy bổ vào người chị, xô chị ngã ra đất rồi chạy nhanh vào cái ngõ ấy.
Vẫn là cái ngõ tối âm u, sâu hun hút, rồi nó biến mất dạng.
Chị đột nhiên ngồi thụp xuống khóc. Chị bảo lúc ấy không biết chị khóc vì cái gì, nhưng chắc chắn không phải vì sợ. Chị khóc đến mệt lả đi, mọi người dìu vào cái hốc cây ngồi, cạo gió cho chị.
Con chó đen chạy đi một lúc cũng chịu về, bấy giờ chị đã hoàn toàn tỉnh táo. Nó tiến lại, chị cũng không sợ, rồi nó dụi dụi đầu vào mu bàn chân chị. Nhả ra một viên đá màu đỏ. Chị tôi bỏ luôn vào túi xách. Mọi người thi nhau đoán già đoán non, cho rằng số chị tôi có phúc vì nghĩ rằng đá quý.
Nhưng tất nhiên đó không phải đá quý, một viên đá bình thường, nhưng đỏ như máu...
---------------
Bản quyền thuộc về tác giả Duy Không Đi Học