25/03/2022 15:42 View: 2718

Xôi Oản dâng cúng Phật: Tinh hoa thanh cao

Phẩm Oản nếp thanh khiết không trộn thêm đỗ gấc phẩm màu xanh đỏ gia vị hành tỏi mỡ mắm, không nhân chay mặn thập cẩm, không hình rồng hình phượng họa tiết trang trí góc cạnh. Phẩm oản in ra không gói ghém chằng buộc, không chất bảo quản ẩn mình trong giấy bóng kính như oản chay mà “hữu xạ tự nhiên hương” nguyên sơ phô hết cái đẹp thuần khiết chân chất.

Ông trời ban cho trần thế hạt ngọc thực thì con người ta cũng biết sáng tạo chế biến ra những vật phẩm cúng dường phong phú của một nền văn minh ngàn năm lúa nước. Trong kho tàng hàng trăm nghìn đồ ăn thức uống sản vật dâng lên bày tỏ tấm lòng thành kính tưởng nhớ ơn trên ngày sóc vọng tuần tiết thanh tịnh nhất phải kể đến Oản nếp.

Oản nếp: Tinh hoa thanh cao

Khi tôi lớn lên đã thấy nhà có bộ đóng Oản gồm cái lồng (khuôn) một cái chày gỗ chuyên dụng đẽo vát một đầu tiện bằng gỗ mít. Nay nhân tiện nhà có việc nên đóng (in) chục chiếc Oản nếp trước cúng phật thánh gia tiên sau để con cháu thụ lộc lấy khước.

Trước khi in oản phải rất kỹ lưỡng từ việc ngâm khuôn rửa chày, vặt lau lá mít. Khâu quan trọng là việc chọn gạo. Gạo bắt buộc phải là gạo nếp cấy vụ mùa được nắng trắng muốt mười hạt như mười dài mẩy thơm phức. Khi ngâm gạo cũng phải tinh tế, ngâm nước mưa cho hạt gạo ngậm đủ nước căng mọng. Tùy theo thời tiết mà thời gian ngâm có thể dài ngắn, nếu trời lạnh thì ngâm nước hơi ấm chút. Ngâm được rồi thì đem ra vo đãi, xoa nhẹ gạo lại cho sạch, chú tâm nhặt hết hạt sâu hạn sạn hạt tẻ vỏ trấu lẫn vào. Gạo sạch thì xôi sẽ để được lâu mà không thiu nhưng nhớ đừng bóp kẻo vỡ nát.

Các cụ từ xưa đã cho rằng bí quyết in Oản một phần là ở cách đồ xôi. Gạo đổ ra rá phải xóc kỹ để thật ráo nước, rắc chút muối, hai tay bốc từng nắm gạo một cho vào chõ đồ để không bị vít gạo kín hơi. Lưu ý phải cho gạo vào chõ lúc nước đang sôi, căn nước để cho hơi lên vừa đủ không xấp lên gạo hoặc ít nước quá hơi không bốc nổi.

Công đoạn đồ chõ cũng phải đồ cho khéo, khéo nước, khéo căn lửa, khéo biết được độ chín. Trong thời gian đồ thi thoảng phải lau nắp đậy chõ tránh việc bị nhỏ hơi nước làm nhão gạo bên trên.

Xôi Oản muốn ngon thì phải đồ hai lửa.

Đồ một lần chín tới thì đổ rải đều ra mâm hay mẹt sạch vẩy một chút nước cho mềm nguội sau đó cho vào đồ tiếp. Đồ xong tắt lửa ra phải ủ chặt nhớ là đóng Oản lúc xôi còn hơi nóng chứ đóng nguội quá độ kết dính kém rất khó thao tác.

Khi in Oản phải chuẩn bị một thau nước nhỏ để tráng khuôn. Lúc in đôi tay phải nhanh thoăn thoắt quết nhuyễn bằng chày thì mới dẻo, đâm thật đều tay, đều từng lượt cho những hạt gạo luyện quyện vào nhau. Khi xôi đã tràn bằng mặt đế thì lật ngửa cái lồng oản lên úp cái lá mít vào, rồi xoay tay cho chụp xuôi lòng xuống dùng cán chày thúc nhẹ một cái đẩy cho cái oản tuột ra khỏi lồng oản.

Một thành phẩm hoàn hảo phải dáng tròn hình tháp, có thượng có hạ, chân diềm vừa vặn gọn gàng không bị bè nghiêng ngả.

Phẩm Oản nếp thanh khiết không trộn thêm đỗ gấc phẩm màu xanh đỏ gia vị hành tỏi mỡ mắm, không nhân chay mặn thập cẩm, không hình rồng hình phượng họa tiết trang trí góc cạnh. Phẩm oản in ra không gói ghém chằng buộc, không chất bảo quản ẩn mình trong giấy bóng kính như oản chay mà “hữu xạ tự nhiên hương” nguyên sơ phô hết cái đẹp thuần khiết chân chất.

Phẩm Ỏan như có một linh hồn của âm dương ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ rất riêng biệt . Đó là sự kết hợp hạt gạo có hương thơm biểu trưng cho sự sinh sản kế thừa nối tiếp sung túc, nước là sự chan chứa dồi dào không đứt nguồn mạch của đất trời, qua ngọn lửa ấm nồng bất diệt tràn đầy năng lượng chở che hai cõi.

Phẩm Oản nhìn xinh xinh ước lệ hình quả đại hồng chung hay biểu tượng cho tháp phù đồ nhà phật. Không chỉ có vậy phẩm Oản hội tụ đủ nghệ thuật, bén duyên tri với ba màu bắt mắt của tam phủ vạn linh: cái chóp đỉnh Oản giấy màu đỏ là màu của mặt trời cũng là màu tượng trưng cho thiên phủ; màu trắng nõn nà ngọc ngà của hạt gạo nếp tượng trưng cho thoải phủ; màu xanh lót đế của lá mít tượng trưng cho nhạc phủ bát ngát cây cối miền rừng .

Chẳng ai rảnh rỗi thì giờ in Oản để chơi, Oản in ra cũng chẳng ai ăn ngay. Vì còn phải cúng nên không được thò tay bốc nếm thử trước mà mất đi sự thiêng liêng vốn có. Cũng như vàng phải qua thử lửa thử than, Oản phải gắn liền với đời sống tín ngưỡng tâm linh qua hương, qua khói, qua cõi vô hình.

Trên cái mâm bồng sơn son cau xanh trầu thắm, năm ba phẩm Oản bày biện ngay ngắn trong lòng cái đĩa tàu như ngọn núi Thái Sơn sừng sững,  ba chén nước mưa thanh thủy gợi hàm ý hình ảnh nước trong nguồn liên thông tam giới, vài bông hoa dẻ móng rồng mẫu đơn để giữa ban thờ khói hương lảng vảng trông thật dân dã mà thanh cao, thanh tịnh lại ưng mắt. 

 Tác giả và phần Oản mình đã thực hiện

Ngày bé tôi lăng xăng ngồi cắt lá xem ông bà in Oản và nghe giải thích:

Vì sao lấy lá mít lót Oản rồi lồng Oản được tiện bằng gỗ mít?

Ông nội tôi tỉ mẩn giải thích đó là liên quan đến tích ông Đa bà Mít mà đến giờ tôi còn nhớ rất rõ :

“Ông Đa và bà Mít là hai người chung ngõ với nhau. Ông Đa thì rảnh rỗi tuần nào tiết ấy lên đền chùa đều đặn, còn bà Mít khi thì mải công việc đồng áng ruộng vườn trông cháu giữ nhà vì vậy dù có chân qui nhưng không mấy khi đi lễ Phật Thánh được.

Tuy không thường xuyên đi lễ nhưng ngày sóc vọng tuần tiết việc chung làng nước bà Mít đều tiền đóng gạo góp gửi cho ông Đa đem lên dâng lễ hộ. Lúc đầu, ông Đa còn khấn minh bạch là của bà Mít gửi cúng. Nhưng sau nghĩ rằng “Giời Bụt biết đấy là đâu” nên ông bèn nhận cả là của mình.

Đến khi ông Đa, bà Mít cùng hết hạn dương trần trăm tuổi về cõi Phật. Phật nhờ quan Nam Tào Bắc Đẩu tra sổ thấy bà Mít chỉ cúng có vài ba tuần, còn thì là của ông Đa tất cả. Phật nghi ngờ lệnh cho các quan xem sổ rồi điều tra ra tiền gạo của nả là của bà Mít, mà ông Đa lại nhận là của mình.

Thấy sự dối trá Phật phê phạt ông Đa hóa kiếp làm cây đa đứng ở đầu ngõ chùa quả bé tý, sinh ra cái lá đa rụng quanh năm để làm bù đài thí cháo cho chúng sinh. Còn bà Mít thì được hóa thành cây mít ở trong vườn chùa quả to lại có mùi thơm, lá dùng để in Oản, gỗ không mối mọt không cong vênh có màu vàng sáng dùng để tạc tượng làm đồ thờ cúng.

Câu chuyện bên lề đó cũng là một phần triết lý nhân văn sâu về đường ăn nết ở. Phẩm Oản được tạo ra từ khuôn vàng của lồng gỗ mít, từ cái sự nâng đỡ của lá mít như sự răn dạy về cái tâm cái đức.

Một hạt lúa vàng chín giọt mồ hôi.

Phẩm Oản tuy nhỏ bé nhưng chất chứa hết cái tấm lòng của người phàm trần mắt thịt, cái thiên thời của mưa thuận tháng ba nắng tháng sáu, cái địa lợi của đồng đất quê hương phù xa màu mỡ cho hạt thóc nẩy mầm phát triển. Nhân hòa là có sự bảo nhau cấy riêng lúa nếp một cánh một đỗi ruộng của các gia đình để không có sự thụ phấn chéo lai tạp với các giống lúa tẻ tạp nham, có công sức trồng cày vợ cấy con trâu đi bừa, sự chung tay vun xới chăm nom giã xay sàng sảy của các thành viên trong gia đình qua đó mà trân quí hạt gạo.

Sau cái sự ngắm nghía mãn nhãn của thị giác ,hít hà ngào ngạt của khướu giác rồi thụ lộc mà cảm nhận. Ăn Oản cũng phải từ tốn thanh lịch. Không ai ăn Oản nấy no , ăn Oản mà phàm tục thì để nguyên xôi mà ăn cho khỏi mất công chuẩn bị in ấn.

Cầm lấy một chiếc Oản đã gợi nhớ ông bà tiên tổ. Lấy tay bẻ từng miếng nhón từng chút từng chút một thưởng thức từ từ cái mùi thơm giống như mùi thơm đòng lúa, thật khó diễn tả bằng lời cho mùi hương ấy. Giả dụ có hạt nào rơi vãi cũng phải cúi xuống nhặt hết chứ không nỡ bỏ rơi làm rớt.

Công việc bận rộn hối hả, giờ đây khi nhà tuần rằm mùng một nhiều người cũng thường mua xôi nấu sẵn “hàng chợ” thóc gạo chủ yếu “ăn đong”. Chân ruộng cấy nếp ngon thu hẹp chẳng còn đáng kể. Oản nếp cũng hiếm hoi không phổ biến chẳng mấy gia đình còn đóng mà chỉ xuất hiện trên chùa phủ đình đền điện hay vào các ngày tuần 49. 

Riêng tôi cũng luyến tiếc lắm! Thi thoảng một năm đôi ba lần vẫn đóng độ chục chiếc để gợi về cái ký ức vẹn nguyên ngày còn bé cứ ngóng bà đi chùa về mang lộc phát cho phẩm Oản quả chuối thì vui lắm! Cũng như để vấn vương xưa cũ tìm lại chút di sản cót lõi chất chứa những giá trị văn hóa tâm linh giản dị thân thuộc đang dần chìm vào quên lãng.

Tác giả: Duy Khương-Quán Chiếu Văn