Vua Cha Bát Hải Động Đình - là chúa của muôn loài thủy tộc, trị vì tám cửa biển nước Nam. Vậy sự tích về Vua Cha Bát Hải Động Đình như thế nào? Hiện nay ông được thờ ở đâu? Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu.
Vua cha Bát Hải Động Đình là ai?
Bát Hải Động Đình là con của Lạc Long Quân, ông là đấng Minh Vương của Thủy Phủ, ngự miền đại dương sâu thẳm, là chúa của muôn loài thủy tộc, trị vì tám cửa biển nước Nam.
Ông chính là thân phụ của Xích Lân Long Nữ Thoải Phủ Đệ Tam Công Chúa, dinh cơ chính là hồ Động Đình. Một trong tứ vị vua cha của Việt Nam.
Địa danh lịch sử Động Đình ở đâu?
Động Đình tức là Động Đình Hồ hay còn gọi là Bát bách lý Động Đình ( tức hồ Động Đình tám trăm dặm). Hồ này nằm ở giữa 2 tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc của Trung Quốc hiện tại. Vì hồ là do 8 hồ hợp thành: Đông Động Đình (trước còn có Tây Động Đình), Vạn Tử, Mục Bình, Đại Thông, Hoành Lĩnh, Lộc tạo thành nên nó tương ứng với bát hải. Và theo Lĩnh Nam chích quái thì dưới đáy hồ có 1 vị long vương uy quyền tương truyền là ông ngoại của Lạc Long Quân và chính là đầu mối huyết thông của chữ Rồng trong con Rồng cháu tiên của dân tộc ta.
Vì sao lại gọi ngài là Bát Hải Động Đình?
Theo lịch sử nước Việt trong cuốn biên cương nước Việt và cả trong các bản đồ xa xưa thì dân tộc Bách Việt ( tức dân tộc Việt) của chúng ta phát nguồn từ đây. Thời kỳ đó có 1 người đứng đầu thống lĩnh tất cả xưng là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ, lấy biểu tượng chim Lạc ( Lạc trong nghĩa an lạc, an vui) làm biểu tượng dân tộc nên còn gọi là tộc Lạc Việt. Trong một lần thăm thú người dân thì Kinh Dương Vương vô tình gặp được một người con gái là Long nữ hợp tình hợp ý nên yêu và kết hôn, Long nữ này là con gái ruột của Long Vương hồ Động Đình mang trên mình huyết thống của loại Rồng. Sau khi Kinh Dương Vương cưới Long nữ thì sinh hạ một con trai đặt tên là Lạc Long Quân - vị vua mang huyết thống rồng của bộ tộc Lạc.
Như vậy, Vua cha Bát Hải Động Đình chính là vị long vương cai quản hồ Động Đình tám trăm dặm. Cũng vì thế mà trong hệ thống tín ngưỡng của đạo Mẫu thì Thoải phủ có quan lớn Đệ Tam hay quan lớn Đệ Ngũ hay Mẫu đệ tam thoải phủ đều là con của vua cha Bát Hải là vì thế.
Nhang thành kính đôi lời giãi tỏ
Trước điện tiền lễ độ phục uy
Thoải đình Thánh Đế uy nghi
Quyền cai chính ngự ngọc trì bể Đông
Truyền thừa mệnh Long Cung Bát Hải
Thái Ninh từ chính đại quang minh
Ấy nơi tụ khí chung linh
Quyền cai thống lĩnh chư dinh thoải tề
Các cửa bể cửa sông Nam quốc
Một mối thông sau trước một nơi
Quy về long mạch chính ngôi
Đền Vua Bát Hải ở nơi Động Đình
Tòa thoải quốc nghê kình cai giữ
Tướng tam đầu cửu vĩ đôi bên
Long xà rẽ nước hiện lên
Thỉnh mời chư Thánh ngự đền Thủy Cung
Mở hội yến tòa trong chính điện
Ra lệnh truyền thủy tộc chư dinh
Bài sai các tướng thủy đình
Trấn an cửa bể giữ lành giúp dân
Thu bão táp ân cần tế độ
Dẹp an loài thủy quái yêu ma
Độ cho phong thuận vũ hòa
Dân an quốc thái nhà nhà an vui
Đội ơn đức muôn đời hằng nhớ
Gốc Lạc Hồng muôn thủa không phai
Hương thơm dâng trước đan đài
Vua cha ban phúc ban tài ban ân
Độ cho sở nguyện tòng tâm
Đa tài đa lộc thiên xuân thọ trường
Vì sao gọi ngài là Đức Vua Cha?
Theo lịch sử, thời kì đầu Văn Lang, dân tộc Lạc Việt theo chế độ Mẫu Hệ ( tức coi trọng người mẹ, người phụ nữ trong nhà). Thứ 2 nữa về huyết thống thì huyết thống rồng của Long Nữ quả thực là cao quý hơn rất nhiều. Và vì vậy mà theo suy đoán của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử thì khi nói đến vua cha ở đấy chính là lời mà Kinh Dương Vương gọi bố vợ - tức Long vương cai quản hồ Động Đình.
Sự tích về Vua Cha Bát Hải Động Đình
Lại có thuyết cho nhạc phụ của ông là Kinh Dương Vương.
Xưa kia, vào thời Hùng Vương có cặp vợ chồng họ Phạm và họ Trần ở vùng Thụy Anh - Thái Bình, họ nhặt được cô gái nhỏ bên bờ sông và mang về nuôi nấng nhận làm nghĩa tử, đặt tên Quý Nương. Năm Quý Nương tròn mười tám, cô ra dòng sông tắm gội, tứ dưới thủy triều nổi lên một con Hoàng Long toàn thân vàng rực, mình dài tám trượng bơi đến quấn lấy nữ nhân. Sau đó thì bà thụ thai và có mang suốt mười ba tháng, đúng ngày mồng 10 tháng giêng thì sinh ra một cái bọc lấp lánh trăm thứ hào quang. Quý Nương hoảng sợ mang bọc ấy vứt xuống sông, đêm hôm đó có người ngư phủ kéo lưới mà cứ mắc phải bọc trứng dù đã vứt đi nhiều lần, hiếu kì nên ông rạch ra xem. Từ trong bọc bò ra ba con Hoàng Xà, đầu rồng mình rắn, vẩy sáng ánh kim.
Lúc ấy một con bò vào giếng nước, hai con còn lại bơi ra hướng dòng Vĩnh Giang. Giữa đêm khuya mà sấm chớp vang dội, từ không trung cất tiếng nói:
- "Ta là con của vua cha Lạc Long Quân, sau này sẽ giúp vua Hùng diệt giặc!".
Sáng hôm sau dân làng biết được đã có thần linh giáng ngự, họ cùng nhau lập miếu phụng thờ.
Con rắn chui vào giếng nước đó là giếng thiêng của Đền Đồng Bằng ngày nay.
Lại nói, lúc bấy giờ triều chính rối ren, vua Hùng hết sức đau đầu vì ông đã một mực không chịu gả Mỵ Nương cho Thục Vương mà lại chọn Sơn Tinh làm con rể khiến hắn vô cùng tức giận, luôn dòm ngó bờ cõi nước ta. Vài năm sau đó, vua Hùng ngày càng già yếu lại không có con kế vị, các nước Ai Lao, Vạn Tượng, Chiêm Thành phối hợp cùng phương Bắc muốn thôn tín Lạc Việt, chúng cho thủy quân bao vây cả tám cửa biển. Lo lắng thế giặc quá mạnh, vua Hùng gọi Sơn Tinh đến giúp. Sơn Thánh từ vùng Tản Viên trở về Kinh Đô, nhìn thấy Người ung dung, không hề lo lắng với giặc dữ nên vua Hùng có lời than phiền. Sơn Tinh chỉ bảo rằng xưa nay nước Lạc Việt có mười bảy đời vua Hùng đều là bậc minh quân vì vậy lần này Trời đã phái người tài đến hộ quốc cứu dân.
Sơn Thánh còn cho biết: "Họ có ba người, chính là Long Cung Hoàng Thái Tử thác sinh, văn võ song toàn, khí phách hơn người, Trời lại phái thêm nhân tài hạ phàm cùng với chư vị Sơn Thủy Bách Thần linh thiêng. Ngài cứ giao cho Long Cung Hoàng Thái Tử trấn giữ vùng giang môn yếu hải còn thần sẽ trị vùng bộ chiến, yên tâm rằng vài hôm là giặc sẽ tan".
Nghe vậy, vua Hùng lập đàn cầu Trời ứng trợ, tức thì Thanh Y Tiên Ông vân du bay đến báo rằng người tài ấy hiện đang ở Hoa Đào Trang. Vua cử sứ thần đến nơi, tại đây dân làng vẫn nhớ như in câu nói trong không trung ngày trước nên dẫn sứ giả đến Giếng Thần. Tức thì Hoàng Xà nổi lên tỏa ra kim quang sáng rực, hóa thân thành nam nhân cao to lực lưỡng, tuấn tú phi phàm. Ngài báo với sứ giả rằng sẽ triệu lệnh hai em trở về, tuyển mười tướng tài, chiêu binh trong mười ngày rồi sẽ lĩnh quân đi đánh tan giặc biển Nam, nhất định trong ba ngày sẽ xong chiến sự. Kể từ đó dân nhớ ơn gọi Ngài là Vĩnh Công.
Sau khi chiêu đủ mười tướng, một quân sư và hai mươi tám nội tướng, Ngài xuất quân lên đường. Hai hướng trị giặc là cửa sông Cái và sông Bạch Đằng, Vĩnh Công và Quan Lớn Đệ Nhất sẽ chặn giặc ở cửa sông Cái, Quan Lớn Đệ Tam cùng Quan Lớn Đệ Ngũ và Quân Sư Nuồi sẽ ứng chiến ở Bạch Đằng Giang, Quan Điều
Thất lo tác chiến ở sáu cửa biển còn lại. Đúng ba ngày, Vĩnh Công đánh giặc không còn manh giáp. Trở về Kinh Đô, vua Hùng sắc phong là: "Vĩnh Công Nhạc Phủ Thượng Đẳng Thần". Vĩnh Công xin vua cho lui về quê nhà chăm sóc thân mẫu Quý Nương, chiêu dân lập ấp, dạy dân mọi sự và chăm lo tám cửa bể. Mười vị tướng cũng theo ông về, riêng Quan Điều Thất thì về Trời ngay khi đánh giặc xong, Vĩnh Công cho lập ban thờ ông tại Dinh Công Đồng. Các hàng Quan đều nhậm chức tại cái thủy khu, Quan Lớn Đệ Tam ngự tại cửa sông Cái đến phía Bắc Lạc Việt, Quan Lớn Đệ Thập ở tại Cửu Chân, Quan Lớn Đệ Tứ đi khai khẩn vùng Bắc Sơn Nam, năm vị Nội Tướng thì ở lại Hoa Đào Trang chăm dân. Vĩnh Công dùng bổng lộc vua ban mà phân phát cho dân bản hạt, miền duyên hải từ đó mà ấm no sung túc. Hằng năm đúng ngày lúc xưa đánh thắng giặc, Ngài sẽ cùng chư tướng tề tựu tại Hoa Đào Trang.
Một ngày kia, ông gọi dân bến bảo: "Nay ta đến hạn phải về chầu vua cha Lạc Long, nếu muôn dân nhớ đến ta thì nhà ta đây là miếu sở, ngày ta đi là ngày giỗ".
Lúc này trời đất tối sầm, mây mưa sấm chớp kéo đến, thoáng chốc chỉ còn lại xiêm y của Người. Ngày mai mươi lăm tháng tám năm Bính Dần là ngày ông hồi quy, dân tấu lên, vua Hùng ban phong: "Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ứng Đại Vương".
Theo truyền thuyết, khi Hùng Vương thứ mười tám cáo chung và Thục Phán lên ngôi, dân Bách Việt ta dĩ nhiên là ngoại tộc, Vĩnh Công lúc này đã đã hóa thần và luôn linh ứng phù hô bảo hộ dân ta, trăm dân nhớ ơn gọi là Vua Cha Bát Hải Động Đình.
Đền vua cha bát hải động đình được thờ ở đâu?
Đền Đồng Bằng tỉnh Thái Bình - ngôi đền rất cổ có đến 4000 năm tuổi là nơi thờ Vua Cha Bát Hải Động Đình.
Đền tọa lạc ở mảnh đất thuộc trang Đào Động, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Phượng nay là làng Đồng Bằng, xã An Lễ - một trong những phòng tuyến quân sự của nhà Trần thế kỷ XIII. Nơi đây còn âm vang khí thế hào hùng oanh liệt của quốc gia Đại Việt chống giặc Nguyên Mông.
Đền nằm cạnh con sông Diêm đầy ắp phù sa, tôm cá và gắn với nhiều ý nghĩa huyền thoại từ ngày xa xưa. Đền nằm trên làng Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đền được gắn với câu ca dao nổi tiếng từ xưa: "tháng Tám giỗ cha" (giỗ vua cha Bát Hải Động Đình vào ngày 28/8 âm lịch).
Trải qua thăng trầm của lịch sử, giặc dã tàn phá song đền vẫn giữ được nét xưa. Hiện toàn bộ khu di tích đền Đồng Bằng có diện tích khoảng 20.520m2, với một quần thể gồm: đền Đức Vua và đền Sinh, đền quan Đệ Nhị, đền quan Đệ Tam, đền quan Điều, đền quan Đệ Bát.
Bộ Thông tin văn hóa cấp đền là Di tích lịch sử quốc gia năm 1986, đền đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền cùng du khách phát tâm, góp công tôn tạo di tích ngày càng uy nghi, tráng lệ. Công trình đền gồm có 13 tòa với 66 gian. Đền có từ thời vua Hùng Vương thứ 18 nhưng lại có kiến trúc thời nhà Nguyễn kiểu chữ tam với tòa công đồng, đệ nhất nhị tam và cung cấm. Bên ngoài cổng đền to và hoành tráng, lối vào đền nằm cạnh con sông thơ mộng, bốn mùa nước dâng lên bác ngát. Hai bên lối vào là bãi đậu xe cùng những hàng quán của người dân lập nên để bán những món đồ vào cúng lễ cùng như đặc sản của quê lúa như Cốm, củ ấu, bánh cáy, …
Đi vào đền du khách sẽ bắt gặp một hồ nước với những chú cá vàng hay chú rùa bơi chung quanh hồ. Quanh hồ là động cửa Chúa với tạo hình rồng ở lối vào. Ba lối đi rộng để vào đền cùng hàng cau hàng dừa tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp cho ngôi đền. Vào trong bạn sẽ đi đến các cung đệ nhị, đệ tam hay cung cấm. Mỗi kiến trúc lại có một nét đặc trưng riêng, mang đậm dấu ấn cổ xưa.
Tháng 8 giỗ cha
Đã thành thông lệ hàng năm, đền Đồng Bằng khai hội vào ngày 20/8 âm lịch. Trong lễ hội ngoài phần “lễ” là các nghi thức tế thần, dâng hương, diễn lại tích xưa Vua Cha đi đánh giặc, còn phần “hội” với nhiều trò chơi mang đậm tính dân gian như: hát văn, kéo co, bơi trải, chọi gà, cờ tướng… thu hút rất đông người dân tham gia.
Về với lễ hội Đồng Bằng, du khách không chỉ bái vọng mà còn được tham quan, chiêm ngưỡng nhiều đồ tế khí có giá trị, cùng các bài vị từ thời Nguyễn, những công trình kiến trúc đồ gỗ độc đáo như: cuốn thư, hoành phi, câu đối, đại tự… từ thời vua Khải Định, Bảo Đại vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn.
Mỗi năm, đền Đồng Bằng đón hàng chục vạn lượt khách thập phương trong và ngoài nước đến thăm quan, chiêm bái. Mỗi người đến đây đều mang tâm trạng, nỗi niềm riêng nhưng có lẽ tất cả đều gặp nhau ở chung một điểm đó là lòng thành kính hướng về Đức Vua Cha.
Tamlinh.org (tổng hợp)