04/06/2021 11:46 View: 3301

Hài hước chuyện ĂN CHAY - ĂN MẶN

Ăn chay, ăn mặn là một trong những chủ đề được bàn luận rất nhiều trong giới Phật tử và các nhà tu hành. Vậy đi tu ăn chay hay ăn mặn? Phật tử tại gia ăn chay thì ăn như thế nào? Đồ ăn chay giống đồ mặn thì có phải là đồ chay không? ... Hãy cùng Tamlinh.org đọc chia sẻ của nhà báo Hoàng Nguyên Vũ về ĂN CHAY - một góc nhìn rất thực tế mà những bạn hay đi chùa nên đọc 

tiet canh chay, anchay, di tu

Miệng ăn chay nhưng trong đầu vẫn nghĩ về đồ mặn thì ăn chay để làm gì?

Hài hước chuyện ĂN CHAY

Tôi từng đến một chùa nọ và nhìn thấy trên bàn món "tiết canh chay". Bình thường, đây là món gây sợ với tôi vì tôi vốn sợ màu máu sống; chưa kể đến chuyện bao nhiêu ca ngộ độc giun sán từ món này.

Nay, chốn cửa Phật, ở cái nơi lòng tâm dạ tĩnh, lại choé lên cái màu của sát sinh giết chóc, tôi thực sự thấy sợ. Chẳng hiểu sao các thầy đã đi tu, các Phật tử đã quy y hướng Phật mà lòng vẫn nghĩ đến những thứ phàm trần gây sợ đến như vậy?

Tôi không ăn chay. Trước đây, từng có lần ăn vào ngày rằm, mồng một hàng tháng thời mới quy y tam bảo, nhưng sau này tôi thấy, ăn chay không đủ đạm, người cứ mệt mỏi (là thể trạng tôi, bạn có thể thấy ăn chay tốt theo thể trạng của bạn, không tranh luận), thì tôi ngừng.

Thi thoảng, bạn bè rủ tôi đi ăn chay một bữa. Những cỗ chay người ta bày biện trên bàn ăn, nào là "cá lóc kho tộ", "sườn ram mặn", "Lẩu cá kèo", rồi "thịt kho hột vịt"., "hủ tiếu bò kho", "bò xào lúc lắc", "gỏi ngó sen tôm thịt".., ở nhà hàng chay .... (Quận 1), tôi tá hoả. Nhà hàng rộng rãi, sang trọng, các anh chị quần là áo lượt đi ăn chay, nói cười ồn ã như ngoài chợ. Các cô các anh phục vụ nơi đây thì mặt tênh ngếch, thi thoảng cáu giận sân si, vậy là có đủ "duyên không lành" để chẳng bao giờ tôi hứa hẹn đến đây lần nữa.

Có lần tôi hỏi thầy, ăn chay rồi mà cứ nặn thành hình cá, hình thịt, hình những thứ được làm bởi những sinh linh thì có nên không, thầy bảo, "không nên". Thầy bảo thế thôi, chứ nhiều thầy khác thì vẫn nấu vẫn nặn thế mỗi ngày.

Mà các thầy không nấu, không nặn thì có các nhà cung cấp thực phẩm chau nấu hộ, nặn hộ. Đó, các nhà hàng chay với đủ thứ thập loại chúng sinh hồn vía trên đời, cá thịt ê hề, cái gì là cái không được nặn ra từ món chay đâu. Mà cá thì giống cá như đúc, ăn còn thấy tanh tanh vị cá; thịt thì thơm cứ như được nấu thịt thật từ một đầu bếp khéo tay. Thật thật giả giả lẫn lộn, không biết đâu mà lần cả.

Nhưng có cái này thì không lẫn lộn: Hoặc là ăn mặn luôn đi; hoặc chay thì chay hẳn, chứ miệng chay mà lòng thì mặn, cũng có bằng không. Ăn đậu mà cứ nghĩ là ăn cá, ăn bột mà cứ nghĩ ăn thịt, thế thì thà bỏ cá bỏ thịt luôn vào miệng mà nhai mà nuốt cho rồi đi chứ nhân danh làm gì cho mệt?

Một khi lòng còn vương vất những dư vị hồng trần thì dù có ăn gì cũng hồng trần bay lượn. Nó đến từ trong tâm. Đi tu suy cho cùng là tu tâm, mà tâm không tu nổi thì đi tu làm cái gì? Miệng cứ lẩm bẩm câu kinh lời tụng làm cái gì chứ?

Nên, nhờ ơn các hãng đồ chay nặn cho giống mặn, đa số chùa phía Bắc, các sư đã...ăn mặn luôn cho rồi đấy. Trong chùa giờ thịt cá nấu thơm lừng bên cạnh câu A di Đà Phật chào nhau mỗi giờ mỗi phút. Sư bà bảo bà chùa đi chợ mua cá trắm thì bảo mua con cho to, mua con nhỏ không ngon là không ăn đâu đấy.

Bạn có quan điểm riêng và lựa chọn riêng của bạn. Còn tôi, đã đồ chay mà nặn cho giống đồ mặn, làm y như đồ mặn, tôi xin tẩy chay đến cùng!

Hãy ăn chay đúng cách

Thức ăn thực vật giàu đạm thường thiếu một số acid amin thiết yếu như lysine (gạo, bắp, lúa mỳ), threonine (gạo), tryptophan (bắp) và methionine (các loại đậu). Nhưng tình trạng mất cân đối các acid amin sẽ không xảy ra nếu chúng ta biết cách phối hợp các loại đạm thực vật theo cách sau: rau đậu và các loại hạt (Ví dụ: cháo với mè và đậu). Ngũ cốc và họ rau đậu (Ví dụ: cơm với đậu, súp đậu với bánh mỳ...).

Ngoài ra, trong quá trình chế biến món chay nên ưu tiên các món hấp vì chỉ khi hấp, các loại rau củ ít thất thoát chất dinh dưỡng hơn so với chiên xào. Hơn nữa, việc sử dụng nhiều dầu trong món ăn chay cũng sẽ gây cảm giác ngán, không ngon miệng. Cũng không nên trữ rau củ, trái cây quá lâu trong tủ lạnh sẽ bị biến chất hoặc sinh độc tố.

Hiện nay thị trường các món chay giả mặn rất phong phú với các loại thực phẩm từ họ đậu giả làm thịt, tôm cá, gia cầm... Tuy nhiên, vì yêu cầu “giả mặn” phải có hương vị và tạo hình, màu sắc giống y món mặn nên nhà sản xuất thường thêm vào thực phẩm các chất phụ gia không tốt cho sức khỏe. Những chất phụ gia này thường là hàng trôi nổi trên thị trường và không được kiểm định nghiêm ngặt. Vì vậy, chỉ có hạn chế hoặc không nên ăn những thực phẩm này mới được gọi là ăn chay đúng cách và đảm bảo sức khỏe của cơ thể.

Tamlinh.org (Tổng hợp)